Lời nói đầu
QUYỂN SÁCH NÀY XUẤT HIỆN NHƯ THẾ NÀO?
Vào tháng mười năm 1993, Ðức Gioan Phao lô II sẽ hoàn tất 15 năm trên ngôi vị Giáo hoàng. Nhân dịp này, ÐTC chấp nhận lời đề nghị của đài truyền thanh truyền hình Italia về một cuộc phỏng vấn truyền hình qua mạng thông tin rộng lớn truyền đi khắp thế giới. Có lẽ đây là lần đầu tiên trong lịch sử của triều giáo hoàng, một lịch sử qua nhiều thế kỉ đã từng trải nghiệm về mọi thứ. Nhưng trước đó chưa bao giờ có một đấng kế vị thánh Phê rô nào tham gia vào cuộc phỏng vấn được truyền hình cùng với một nhà báo đặt ra những câu hỏi hoàn toàn do mình nghĩ ra.Người ta cho tôi biết tôi được chọn để dẫn dắt cuộc phỏng vấn, do nhiều quyển sách về tôn giáo - nhất là quyển Ratzinger Report (1985) - và những bài báo do tôi viết trong nhiều năm, với sự phóng khoáng của một người thế tục, nhưng còn với tư cách là một tín hữu ý thức Giáo Hội không những được trao ban cho hàng giáo sĩ mà còn cho từng người đã chịu phép thanh tẩy.
Tuy nhiên ÐTC không lưu ý đến thời khoá biểu của ngài sẽ bận rộn như thế nào, thời hạn cuối cùng của công việc quay phim ra sao, vì điều đó cho phép đạo diễn và các kỉ thuật viên có đủ thời gian làm việc với các thiết bị trước khi phát thanh. Cuối cùng, nhiều công việc của ÐTC khiến ngài không thể tham gia vào vụ việc và kế hoạch đã bị thất bại vào phút cuối.
Vài tháng trôi qua. Một ngày nọ, một cú điện thoại xuất phát từ điện Va ti căng - lại hoàn toàn bất ngờ. Trên đường dây là giọng nói của thư kí báo chí của ÐTC, tiến sĩ Joaquin Navarro-Valls, một bác sĩ tâm thần người Tây ban nha rất có năng lực, chân thành và thân thiện; ông đã dấn thân vào ngành viết báo và là một trong những người ủng hộ nhiệt tình nhất cho cuộc phỏng vấn. Tiến sĩ Navarro-Valls là người mang thông điệp làm cho ngay cả ông (ông khẳng định với tôi) cũng phải kinh ngạc. Ông cho biết ÐTC uỷ thác cho ông nói: " Dù không còn cách nào để đích thân trả lời anh, tôi vẫn giữ những câu hỏi của anh trong ngăn kéo bàn làm việc. Chúng khiến tôi thích thú. Tôi nghĩ rằng thật thiếu khôn ngoan nếu để cho chúng bị thất lạc. Vì vậy tôi đã nghĩ đến chúng và sau một thời gian, trong những giây phút ngắn ngủi, khi có giờ rảnh rổi, tôi đã trả lời những câu hỏi đó bằng cách viết tay. Anh đã hỏi tôi những câu hỏi, vì vậy anh có quyền nhận được những câu trả lời. Tôi đang xem lại chúng, tôi sẽ giao lại cho anh. Anh hãy làm điều anh thấy thích hợp với những câu trả lời đó.
Lại một lần nữa, Ðức Gioan Phaolô đã khẳng định danh tiếng của ngài là "vị giáo hoàng của những bất ngờ" - một đặc tính tạo thành nét đặc trưng của ngài từ khi ngài được bầu, nó làm xáo trộn mọi lời đồn đoán.
Một ngày cuối tháng Tư năm 1994, trong một cuộc gặp gỡ tại nhà tôi cùng với tiến sỉ Navarro-Valls, ông kéo trong cặp ra một phong bì to màu trắng. Bên trong có một bản văn mà tôi đã được thông báo, nó được chính tay ÐTC gởi đến. Ngài đã gạch dưới nhiều điểm - độc giả sẽ thấy chúng được in nghiêng trong bản văn, phù hợp với những giáo huấn của tác giả. Tương tự, những chỗ ngắt khoảng đoạn này với đoạn khác cũng được giữ lại. Nhan đề của quyển sách được Ðức Gioan Phao lô II chọn. Chính tay ngài viết nhan đề trên bìa cặp chứa đựng bản viết tay; tuy nhiên, ngài nêu rõ, đây chỉ là một gợi ý và ngài muốn dành nó cho các biên tập viên ra quyết định cuối cùng về nhan đề của quyển sách. Chúng tôi đã quyết định giữ lại nhan đề đúng như ngài đã viết vì chúng tôi thấy rõ nó hoàn toàn phản ánh đúng nội dung của thông điệp mà các trang viết này chuyển tải.
Việc tôn trọng với tinh thần trách nhiệm đối với một văn bản trong đó mỗi từ đều được cân nhắc một cách rõ ràng đã hướng dẫn tôi trong công tác biên tập. Tôi chỉ có việc phiên dịch những từ ngữ la tinh nằm bên trong dấu ngoặc; chỉnh sửa chút ít về dấu chấm câu; bổ sung những danh từ riêng; gợi ý một từ đồng nghĩa khi có một từ được lập lại trong cùng một đoạn; thay đổi một số - hiếm hoi - những điểm thiếu chính xác trong bản dịch từ gốc tiếng Ba lan. Những điểm nhỏ nhặt trên hoàn toàn không làm thay đổi nội dung.
Việc đưa những câu hỏi mới vào trong bản văn khi cần là công việc có ý nghĩa nhất của tôi. Trong thực tế, danh sách câu hỏi ban đầu chỉ gồm có hai mươi câu. Ðức Gioan Phaolô đã giải đáp một cách kiên nhẩn đáng kinh ngạc mà không tránh né bất cứ câu hỏi nào. Sự kiện ngài đã đón tiếp một nhà báo một cách hết sức nghiêm túc còn là một bằng chứng về lòng khiêm tốn, tính cách sẵn sàng độ lượng của ngài trong việc lắng nghe những lời nói của chúng tôi, những lời nói của những "Kitô hữu bình thường trên đường phố".
Bản văn sẽ được xuất bản ở Italia và cùng lúc trong tất cả các ngôn ngữ chính của thế giới, nó được xem xét và được phê chuẩn bởi chính tác giả.
Công việc của tôi là bảo đảm với độc giả rằng tiếng nói vang vọng - trong tính cách nhân loại cũng như trong uy quyền của nó - hoàn toàn thuộc về người kế vị thánh Phê rô. Lúc này, công việc của các nhà thần học và phân tích lời giáo huấn của ÐTC là đối mặt với vấn đề xếp loại một bản văn vô tiền khoáng hậu và vì thế nó đặt ra những khả năng mới cho GH.
Trên tất cả mọi thứ khác, những trang sau đây giúp làm sáng tỏ đây là một vị giáo hoàng kiên nhẩn trong hoạt đông tông đồ; một mục tử luôn coi những đường lối thông thường hình như chưa đầy đủ; một mục tử luôn tìm kiếm mọi phương thế để rao truyền Tin mừng cho mọi người. Người muốn hét to lên từ những nóc nhà (hiện nay đang bị tràn ngập bởi những ăng ten truyền hình) sự kiện là có niềm hi vọng, niềm hi vọng đã được xác nhận, được trao tặng cho những ai muốn đón nhận nó. Ngay cả việc đàm thoại với một phóng viên cũng được chú trọng bởi vị giáo hoàng như là một phần truyền thống của thánh Phaolô trong Thư thứ nhất gởi cho tín hữu Côrintô: "Tôi sẽ trở nên tất cả mọi sự cho tất cả, để cứu thoát ít nhất là một số người. Tất cả những việc này tôi làm đều vì Phúc Âm, vì thế tôi cũng có thể dự phần vào đó (1 Cr 9:22-23).
Trong bầu không khí như thế, tất cả mọi sự trừu tượng đều tan biến. Tín lí trở nên máu thịt và cuộc sống. Nhà thần học trở thành chứng nhân và mục tử.
Vittorio Messori
Một
"ÐỨC GIÁO HOÀNG" : MỘT TAI TIẾNG HAY MỘT MẦU NHIỆM
Thưa ÐTC, câu hỏi đầu tiên của con sẽ đi thẳng vào vấn đề. Vì vậy xin cha hãy thông cảm, nếu nó dài hơn những điều tiếp theo sau.
Ðối diện với con là một người mặc y phục màu trắng theo truyền thống; với một cây thánh giá trên ngực. Con người được gọi là Ðức Giáo Hoàng (từ "cha" theo tiếng Hi lạp). ÐTC là một mầu nhiệm trong chính ÐTC và của chính ÐTC, một dấu hiệu của sự mâu thuẫn. Thậm chí ÐTC cũng được xem như là một thách thức hoặc một "tai tiếng" đối với lôgíc học hoặc là một lương tri bởi nhiều người đương thời.
Ðối diện với ÐGH, chúng ta phải có một lựa chọn. Vị lãnh đạo GH Công giáo được định nghĩa bởi đức tin như là linh mục của Chúa Giêsu Kitô (và được công nhận như thế bởi các tín hữu). ÐTC được xem như là người đại diện Con Thiên Chúa trên trái đất, người "thay thế" Ngôi Hai của Thiên Chúa Ba Ngôi Toàn năng.
Dĩ nhiên, mỗi giáo hoàng nhìn vai trò của mình với một ý thức bổn phận và khiêm tốn, nhưng cũng với một ý thức tin tưởng. Những người Công giáo tin tưởng điều này và vì thế họ gọi ÐTC là "Holy Father" hoặc "Your Holiness" (Ðức Thánh Cha).
Tuy nhiên, đối với những người khác, đây là một yêu sách phi lí và không thể tin được. Theo họ, ÐGH không phải là một người đại diện của Thiên Chúa. Người là chứng nhân sống của những huyền thoại và chuyện hoang đường mà ngày nay "người trưởng thành" không thể chấp nhận.
Ðối diện với ÐTC - như với một trong số các vị tiền nhiệm của ÐTC - người ta phải đánh cược, như Pascal đã nói, hoặc ÐTC là bằng chứng huyền nhiệm sống của Ðấng Sáng Tạo vũ trụ hoặc là người khởi xướng cho một ảo tưởng có từ hàng thiên niên kỉ.
Con xin hỏi: có bao giờ ÐTC do dự trong niềm tin vào mối quan hệ của ÐTC với Chúa Giêsu Kitô và với TC hay không? Phải chăng ÐTC không bao giờ có những thắc mắc và vấn đề (với tư cách nhân loại) về chân lí của kinh Tin Kính được đọc đi đọc lại trong mỗi Thánh lễ và công bố một niềm tin lạ lùng, cái kinh mà ÐTC là người chứng nhận cao cả nhất?
Sự giải thích của tôi bắt đầu bằng cách làm sáng tỏ những từ ngữ và khái niệm. Câu hỏi của anh được truyền cho với một đức tin sống động và một sự lo lắng nhất định. Tôi nói ngay từ đầu: "Ðừng lo sợ!". Ðây cũng là lời cổ vũ vang lên vào lúc bắt đầu nhiệm kì của tôi trên ngai toà thánh Phêrô.
Chúa Kitô đưa ra lời mời gọi này nhiều lần với những người Ngài đã gặp. Thiên thần nói với Ðức Maria: "Ðừng lo sợ!" (xem Lc 1:30). Cũng câu trên được nói với thánh Giu se: "Ðừng lo sợ!"(xem Mt 1:20). Chúa Kitô cũng nói như thế với các tông đồ, với Phêrô, trong những dịp khác nhau, và đặc biệt sau khi ngài Phục sinh. Ngài tiếp tục nói với họ: "Ðừng lo sợ!", thực ra, Ngài hiểu rằng họ sợ hãi. Họ không tin chắc Người mà họ đã nhìn thấy cũng chính là Ðức Kitô mà họ đã từng biết. Họ sợ hãi khi Ngài bị bắt; thậm chí họ lo sợ hơn nữa sau khi Ngài sống lại.
Những lời Chúa Kitô nhắn nhủ đã được GH lập đi lập lại. Và với GH, những lời đó đã được ÐTC lập đi lập lại. Tôi cũng đã làm điều này từ lúc ban phép lành đầu tiên tại công trường thánh Phêrô: "Ðừng lo sợ!". Những lời này không phải là những lời được nói trong khoảng không. Chúng được bén rễ một cách sâu rộng trong Phúc Âm. Ðơn giản đó là lời nói của chính Ðức Kitô .
Chúng ta không nên lo sợ điều gì? Chúng ta không nên lo sợ sự thật về chính chúng ta. Một ngày nọ thánh Phêrô nhận thức được điều này và với nghị lực đặc biệt, ngài nói với Chúa Giêsu : Hãy tránh xa con, lạy Chúa, vì con là người tội lỗi" (Lc 5:8).
Phêrô không phải là người duy nhất ý thức được sự thật này. Mọi người đã học được điều đó. Mỗi người kế vị thánh Phêrô đã học được điều đó. Tôi cũng đã học được điều đó rất tốt. Mỗi một người trong chúng ta đều mắc nợ thánh Phêrô về điều ngài nói vào ngày hôm đó: Hãy tránh xa con, lạy Chúa, vì con là người tội lỗi." Chúa Kitô trả lời ông: "Ðừng lo sợ; từ bây giờ trở đi con sẽ đánh bắt người" (Lc 5:10). Ðừng sợ con người! Con người lúc nào cũng như thế. Những hệ thống mà con người tạo nên luôn luôn bất toàn, và chúng càng bất toàn, con người càng tin chắc về chính mình. Ðiều này bắt nguồn từ đâu? Nó xuất phát từ tâm hồn con người. Những tâm hồn chúng ta đều lo lắng. Chúa Kitô biết nổi thống khổ của chúng ta rõ hơn tất cả: " Chúa Kitô biết điều đó nằm trong mỗi người" (x Ga 2:25).
Trở lại câu hỏi của anh, tôi muốn nhắc lại lời của Chúa Kitô cùng với lời đầu tiên của tôi trên công trường thánh Phêrô: "Ðừng lo sợ." Ðừng sợ hãi, khi người ta gọi tôi là "Linh mục của Chúa Kitô ", khi họ nói với tôi "Holy Father," hoặc "Your Holiness", hoặc dùng những tước hiệu giống như những từ trên, thậm chí chúng có vẻ như không phù hợp với Phúc âm. Chính Chúa Kitô đã tuyên bố: "Ðừng gọi bất cứ ai trên trái đất là cha của chúng con, chúng con chỉ có một Cha duy nhất ở trên trời. Cũng đừng gọi Thầy, chúng con chỉ có một thầy, đó là Ðấng Messiah (Mt 23: 9-10). Tuy nhiên, những từ ngữ trên đã phát ra từ truyền thống lâu đời, đang trở nên thông dụng. Chúng ta cũng không phải lo sợ những từ này.
Mỗi lần Chúa Kitô khuyên chúng ta đừng lo sợ, Ngài vừa nhớ đến Thiên Chúa vừa nhớ đến con người. Ngài muốn nói: Ðừng lo sợ Thiên Chúa, theo các triết gia, đó là Ðấng Tuyệt Ðối siêu việt. Ðừng lo sợ Thiên Chúa, nhưng hãy cầu khấn Ngài với ta : " Lạy cha chúng con" (Mt 6:9). Ðừng lo sợ nói " Lạy Cha". Hãy ước ao trở nên trọn lành như Ngài, vì Ngài trọn lành. " Hãy trọn lành, như Cha chúng con trên trời là Ðấng trọn lành" (Mt 5: 48).
Chúa Kitô là bí tích của Thiên Chúa vô hình - một bí tích chỉ rõ sự hiện diện. Thiên chúa ở với chúng ta. Thiên Chúa, vô cùng trọn lành, không chỉ với con người, nhưng chính Người còn trở thành một con người trong Chúa Giêsu Kitô . Ðừng lo sợ TC đã trở thành một con người. Ðó chính là điều mà thánh Phêrô đã nói ở Caesares Philippi: " Ngài là đấng Messiah, Con TC hằng sống" (Mt 16:16). Ông còn khẳng định một cách gián tiếp: "Thầy là Con TC, Ðấng đã làm người. Phêrô đã không sợ nói lên điều đó, cho dù chúng không xuất phát từ ông, nhưng từ Thiên Chúa Cha. "Không ai biết Chúa Con, ngoại trừ Chúa Cha và không ai biết Chúa Cha ngoại trừ Chúa Con" (x. Mt 11:27).
"Phúc cho con, hỡi Simon, con trai của Jonah. Vì không phải xác thịt và máu đã mạc khải điều này cho con, nhưng chính Cha Ta ở trên trời đã làm điều đó" (Mt 16:17). Phêrô tuyên xưng những lời này nhờ quyền năng của Chúa Thánh Linh. Giáo Hội cũng tiếp tục thốt ra những lời đó nhờ quyền năng của Chúa Thánh Linh.
Phêrô không sợ TC trở nên một con người. Thay vào đó, ông đã lo sợ vì Con Thiên Chúa như một con người. Phêrô không chấp nhân Ngài bi đánh đòn, đội vòng gai và sau cùng bị đóng đinh. Phêrô không thể chấp nhận điều đó. Ngài lo sợ. Chúa Kitô nghiêm khắc quở mắng ông về vấn đề này, nhưng người không loại bỏ ông.
Phêrô có thiện chí và tâm hồn sốt mến và Chúa đã không loại bỏ ông, một con người ở Gethsemani thậm chí đã từng rút gươm ra để bảo vệ thầy mình. Chúa Giêsu chỉ nói với ông: "Simon, Simon, con sẽ thấy Satan yêu cầu sàng sẩy tất cả các con như sàng sẩy lúa mì, nhưng thầy đã cầu nguyện. Và một khi chúng con quay lại, chúng con phải làm cho những người anh em của chúng con khoẻ mạnh." (x. Lc 22: 31-32). Chúa Kitô không loại bỏ Phêrô; Ngài đánh giá cao việc ông tuyên xưng đức tin ở Caesares Philippi và với quyền năng của Chúa Thánh Linh, Ngài đưa ông đến với sự thương khó của ngài và bỏ qua sự phản bội của ông.
Với tư cách một con người, Phêrô chứng tỏ ông không thể theo chân Chúa Kitô đi bất cứ đâu, và nhất là không đi đến cái chết. Tuy nhiên, sau khi Chúa Phục sinh, ông là vị tông đồ đầu tiên cùng với John nhận thấy rằng thân xác Chúa Kitô không còn ở trong mồ.
Ngay sau Phục sinh, Chúa Kitô khẳng định sứ mạng của Phêrô. Ngài nói một cách đầy ý nghĩa: "Hãy nuôi nấng các con chiên của ta. Hãy chăm sóc các chiên của ta (Ga 21: 15-16). Nhưng trước hết, Chúa Kitô hỏi ông có yêu Ngài không. Phêrô, con người đã từng chối Chúa Kitô nhưng không ngừng yêu mến Ngài, đã có thể phúc đáp: "Thầy biết con yêu mến thầy" (Ga 21:15). Nhưng Ngài không nói lại một lần nữa: "Cho dù con phải chết cùng thầy, con sẽ không chối bỏ thầy" (Mt 26:35). Còn lâu đó chỉ là vấn đề của Phêrô, và của sức mạnh nơi con người bình thường của ông; lúc này nó trở thành vấn đề của Chúa Thánh Thần, được Chúa Kitô hứa ban cho bất cứ ai muốn thay mặt Ngài trên trái đất.
Vào ngày Chúa Thánh Thần hiện xuống, Phêrô là người đầu tiên nói với những người Do thái đang tụ họp và với những người khác đã đi những quãng đường khác nhau. Ông nhắc họ nhớ lại sự sai lầm của những người đã đóng đinh Chúa Kitô trên thập giá, và ông làm chứng cho sự Phục sinh của Ngài. Ông hô hào dân chúng hoán cải và chịu phép thánh tẩy. Nhờ hoạt động của Chúa Thánh Linh, Chúa Kitô có thể tin tưởng Phêrô. Ngài có thể dựa vào Phêrô - dựa vào ông cũng như vào tất cả những tông đồ khác - thậm chí còn dựa vào Phaolô, con người vẫn còn bách hại các Kitô hữu và căm ghét danh hiệu Giê su.
Chống lại sân khấu này, một thứ sân khấu lịch sử, những cụm từ như "Supreme Pontiff (đại thượng tế)" "Your Holiness" và " Holy Father" (Ðức Thánh Cha) không mấy quan trọng. Ðiều quan trọng bắt nguồn từ Cái chết và Phục sinh của Chúa Kitô . Ðiều quan trọng chính là xuất phát từ quyền năng của Chúa Thánh Linh. Chẳng hạn như Phêrô, cùng với các tông đồ khác và Phaolô (sau khi hoán cải) đã trở thành những chứng nhân đích thực của Chúa Kitô, họ trung thành đến mức đổ máu mình ra.
Phêrô không chối bỏ Chúa Kitô hơn một lần nữa và ông không bao giờ lập lại câu nói đáng tiếc: "Tôi nào biết đến Người" (Mt 26:72). Ông kiên trì trong đức tin cho đến chết: "Thầy là đấng Messiah, Con Thiên Chúa hằng sống" (Mt 16:16). Ông trở nên "đá tảng", cho dù với tư cách con người, ông không là gì khác hơn là hạt cát di chuyển. Chính Chúa Kitô là "đá tảng" và Chúa Kitô xây dựng GH của Người trên Phêrô- trên Phêrô, Phaolô và các tông đồ. GH là tông truyền vì Chúa Kitô .
Giáo hội này tuyên xưng: Thầy là đấng Messiah, Con Thiên Chúa hằng sống." Qua hàng thế kỉ, đó là lời tuyên xưng đức tin của GH, cũng như của những người dự phần vào đức tin và của tất cả những người mà Chúa Cha mạc khải Chúa Con trong Thánh linh, cũng như Chúa Con trong Thánh linh mạc khải Chúa Cha cho họ (x. Mt 11:25-27).
Mạc khải này là dứt khoát. Người ta chỉ có thể chấp nhận hoặc phủ nhận nó. Người ta chỉ có thể chấp nhận nó khi tuyên xưng niềm tin vào Thiên Chúa, vào Ðức Chúa Cha, Ðấng Sáng Tạo trời và đất, và vào Chúa Giêsu Kitô, Ðức Chúa Con, cùng một bản thể như Ðức Chúa Cha và Chúa Thánh Linh, Ngài là Thiên Chúa và là Ðấng ban sự sống. Vì vậy, người ta có thể chối bỏ tất cả những điều này, khi viết lên những chữ hoa: "Thiên Chúa không có một người con; Giêsu Kitô không phải là Con Thiên Chúa. Người chỉ là một trong số các tiên tri và cho dù không phải thấp kém nhất, Ngài cũng chỉ là một con người."
Chúng ta có thể sửng sốt như thế nào về những lập luận như thế khi chúng ta biết chính Phêrô đã gặp những khó khăn trong mối quan hệ này? Ông tin vào Con Thiên Chúa nhưng ông không thể chấp nhận Con Thiên Chúa như là một con người có thể bị đánh đòn, đội vòng gai và rồi phải chịu chết trên thập giá.
Ðiều mà ngay những người tin vào Thiên Chúa được Abraham làm chứng, cũng cảm thấy khó tin vào việc Thiên Chúa chịu đóng đinh, đó có phải là một điều đáng kinh ngạc không? Họ lập luận Thiên Chúa chỉ có thể là Ðấng Toàn năng và vĩ đại, tuyệt đối siêu việt và toàn mỹ trong quyền năng của Ngài, thánh thiện và con người không thể hiểu thấu. Thiên Chúa chỉ có thể là như thế. Ngài không thể là Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Linh. Ngài không thể là Tình yêu trao ban của chính Ngài và điều đó cho phép Ngài được thấy, được nghe, được bắt chước như một con người, Ngài bị trói, bị đánh đập và bị đóng đinh. Ðây không thể là Thiên Chúa. Vì vậy, giữa truyền thống rộng lớn của thuyết độc thần, đã hình thành một sự phân hoá sâu sắc.
Trong Giáo hội - được thiết lập trên tảng đá là Chúa Kitô - Phêrô, tông đồ và những kẻ kế tục họ là chứng nhân của Thiên Chúa chịu đóng đinh và sống lại trong Ðức Kitô . Họ là những chứng nhân của cuộc sống mạnh mẽ hơn cái chết. Họ là những chứng nhân của Thiên Chúa ban sự sống vì Ngài là Tình Yêu (xem I Ga 4:8). Họ là những chứng nhân, vì họ đã thấy, đã nghe và đã đưa tay sờ vào mắt và tai của Phêrô, John và nhiều người khác. Nhưng Chúa Kitô nói với Tôma: "Phúc cho những ai đã không thấy mà tin" (Ga 20:29).
Anh khẳng định một cách đúng đắn rằng Ðức giáo hoàng là một huyền nhiệm. Anh cũng khẳng định thật đúng Ðức giáo hoàng là dấu chỉ sẽ gây mâu thuẫn và là một thách thức. Ông lão Si mê on đã nói về chính Chúa Kitô rằng Ngài là "một dấu chỉ sẽ gây mâu thuẫn " (x. Lc 2: 34).
Anh cũng đồng ý là, đối diện với một sự thật như thế - tức là đối diện với giáo hoàng - chúng ta phải lựa chọn; và đối với nhiều người, sự lựa chọn không mấy dễ dàng. Nhưng có dễ dàng đối với Phêrô hay không? Có dễ dàng cho bất cứ ai trong số những người kế vị ông không? Có dễ dàng cho giáo hoàng hiện nay hay không? Lựa chọn đòi hỏi cần có sáng kiến của con người. Chúa Kitô đã nói: "Không phải máu thịt, nhưng Cha Ta ở trên trời đã mạc khải điều này cho các con (Mt 16:17). Vì thế, sự chọn lựa này không chỉ là sáng kiến của con người nhưng còn là hoạt động của Thiên Chúa, Ðấng làm việc và tự mạc khải cho con người. Và vì hoạt động như thế của Thiên Chúa, một người có thể lập lại : "Thầy là đấng Messiah, Con Thiên Chúa hằng sống" (Mt 16:16), khi đọc toàn bộ kinh Tin Kính, kinh gợi nhớ lại lôgíc sâu sắc của Mạc khải. Một người cũng có thể tự nhớ lại, cũng như những người khác, về những hậu quả lôgíc này của đức tin là phơi bày sự thật huy hoàng. Một người có thể làm tất cả những sự việc này, cho dù người đó biết mình sẽ trở nên một dấu chỉ gây mâu thuẫn vì việc đó.
Ðiều gì còn lại cho một con người như thế? Chỉ có những lời mà chính Chúa Giêsu nói với các tông đồ: " Nếu họ bách hại thầy, họ cũng sẽ bách hại các con. Nếu họ tuân giữ lời thầy, họ cũng sẽ tuân giữ lời các con" (Ga 15:20). Và vì thế : "Ðừng lo sợ". Ðừng lo sợ huyền nhiệm của Thiên Chúa; đừng lo sợ Tình Yêu của Ngài; và đừng lo sợ sự yếu kém hoặc cao trọng của con người. Con người không ngừng trở nên vĩ đại thậm chí ngay cả trong sự yếu kém của họ. Ðừng lo sợ phải làm chứng cho phẩm giá của mỗi con người từ lúc thụ thai cho đến lúc chết.
Một lần nữa xét về những danh hiệu: Ðức giáo hoàng được gọi là "Linh mục của Chúa Kitô ". Tước hiệu này được xem xét trong toàn bộ ngữ cảnh của Phúc âm. Trước khi về trời, Chúa Giêsu đã nói với các tông đồ: " Ta luôn ở cùng các con cho đến tận thế" (Mt 28:20). Mặc dù vô hình, Ngài vẫn đích thân hiện diện trong GH của Ngài. Ngài cũng hiện diện trong từng Kitô hữu, qua phép Thánh tẩy và các phép bí tích khác. Người ta thường nói như vào thời của các giáo phụ xưa kia " Christianus Alter Christus" (Kitô hữu là Chúa Kitô khác) để nhấn mạnh chân giá trị của người chịu phép thanh tẩy và thiên hướng của họ tiến đến sự thánh thiện nhờ Chúa Kitô .
Hơn nữa, Chúa Kitô còn hiện diện một cách đặc biệt nơi mỗi linh mục khi linh mục cử hành bí tích Thánh Thể hoặc ban các bí tích, vì họ đang làm việc đó nhân danh Chúa Kitô.
Từ viễn cảnh này, cụm từ "linh mục của Chúa Kitô " thừa nhận ý nghĩa đích thực của nó. Hơn cả chân giá trị, nó còn ám chỉ việc phục vụ. Nó nhấn mạnh những bổn phận của Ðức giáo hoàng trong Giáo Hội, sứ vụ Phêrô được thực hiện vì lợi ích của Giáo hội và các tín hữu. Thánh cả Gregory thấu hiểu vấn đề này một cách hoàn toàn khi, ngoài tất cả các tước hiệu liên kết với những chức vụ của vị giám mục thành La mã, ngài thích chức vụ Servus Servorum Dei hơn (Ðầy tớ của các đầy tớ của Thiên Chúa).
Ðức giáo hoàng không phải là người duy nhất nắm giữ danh hiệu này. Ðối với Giáo hội được trao phó cho Ngài, mỗi giám mục là một Vicarius Christi (linh mục của Chúa Kitô). Ðức giáo hoàng là linh mục của Chúa Kitô đối với Giáo hội La mã, và vì thế trở thành linh mục của từng Giáo hội cùng hiệp thông với nó - một sự hiệp thông trong đức tin cũng như trong thiết chế và giáo luật. Vì thế, nếu chúng ta muốn ám chỉ đến tước hiệu của Giáo hội La mã với danh hiệu này, chúng ta không thể xem xét nó một cách độc lập khỏi tước vị của toàn thể hội đồng giám mục, vì nó bị ràng buộc một cách chặt chẽ với tước vị đó cũng như với tước vị của từng giám mục, của từng linh mục và từng người đã chịu phép Thánh tẩy.
Những thành phần nam nữ, những người đã được thánh hiến, những người đã chọn đón nhận chiều kích hôn nhân của Giáo hội theo ơn gọi của họ, đã có được một tước vị cao trọng biết chừng nào - vị hôn thê của Chúa Kitô, Chúa Kitô, Ðấng Cứu chuộc thế giới và nhân loại, là hôn phu của Giáo hội và của tất cả những ai thuộc về Giáo hội: "Vị hôn phu ở cùng với họ" (xem Mt 9: 15). Một nhiệm vụ của Ðức giáo hoàng là rao giảng chân lí này và làm cho nó luôn hiện diện với Giáo hội La mã, cũng như với toàn thể Giáo hội, toàn thể nhân loại và toàn thế giới.
Ðể làm giảm bớt mức độ sợ hãi của các con, điều này có vẻ như nảy sinh từ một đức tin sâu xa, cha khuyên các con siêng đọc sách của thánh Au gút tinh, ngài thường nhắc đi nhắc lại: "Vobis sum episcopus, vobiscum Christianus" (Tôi là giám mục cho các bạn, tôi là một Kitô hữu cùng với các bạn); xem, Bài giảng 340.1: J. P. Migne, xb. Patrologia Latina 38.1483. Xét cho cùng, Christianus mang ý nghĩa rộng lớn hơn episcopus, cho dù chủ thể là Giám mục La mã.
Hai
CẦU NGUYỆN : NHƯ THẾ NÀO VÀ VÌ SAO?
Con muốn mạnh dạn xin Ðức thánh Cha chia sẻ với chúng con, ít ra là một phần, bí mật trong lòng ÐTC. Xét vì ÐTC - cũng như mỗi vị giáo hoàng- đều xác tín rằng huyền nhiệm luôn sống động qua con mắt đức tin, dĩ nhiên nổi lên vấn nạn tiếp theo: ÐTC có thể chịu đựng như thế nào một gánh nặng có thể nói, theo ngôn ngữ loài người, là không thể chịu đựng nổi? Không ai trên trái đất này, ngay cả những nhà lãnh đạo tôn giáo cao cấp nhất, lại giữ một tránh nhiệm như thế. Không ai được thay thế trong mối quan hệ khắn khít với Thiên Chúa như thế.
Thưa ÐTC, chúng ta nói chuyện với Chúa Giêsu như thế nào? Chúng ta đối thoại trong cầu nguyện như thế nào với Chúa Kitô , Ðấng đã trao ban cho Phêrô " chìa khoá Nước Trời" (đã trao cho ÐTC qua tông truyền), bằng cách trao cho ÐTC quyền "trói buộc và tháo gỡ" cho mọi người?
Câu hỏi của anh liên quan đến cầu nguyện; anh hỏi Ðức giáo hoàng cầu nguyện như thế nào. Tôi cám ơn anh. Có lẽ nên bắt đầu bằng Thư của thánh Phaolô gởi cho tín hữu La mã. Vị tông đồ đi thẳng vào trọng tâm vấn đề khi ngài viết; " Chúa Thánh Linh cũng đến giúp đỡ cho sự yếu đuối của anh chị em; vì chúng ta không biết phải cầu nguyện như thế nào như chúng ta muốn, nhưng chính Chúa Thánh Thần can thiệp với những tiếng rên rĩ không thể diễn tả được" (x. Rm 8: 26).
Cầu nguyện là gì? Nói chung cầu nguyện được xem như một cuộc trò chuyện. Trong một cuộc trò chuyện, luôn luôn phải có "Tôi" và "Ngài" hoặc "Bạn". Nếu thoạt tiên, "Tôi" có vẻ là yếu tố quan trọng nhất trong cầu nguyện, cầu nguyện dạy rằng vị trí trên thực tế lại khác hẳn. Ngài (Thou) lại quan trọng hơn, vì việc cầu nguyện của chúng ta bắt đầu với Thiên Chúa. Trong Thư gởi các tín hữu La mã, thánh Phao lồ dạy điều này một cách chính xác. Theo vị tông đồ, cầu nguyện phản ảnh tất cả thực tại được sáng tạo; theo một ý nghĩa nào đó, đó chính là một nhiệm vụ của vũ trụ.
Con người là linh mục của toàn thể tạo vật; con người lên tiếng nhân danh tạo vật, nhưng chỉ trong phạm vi con người được Chúa Thánh Linh hướng dẫn. Ðể hiểu sâu xa ý nghĩa của việc cầu nguyện, chúng ta nên suy nghĩ thật lâu về đoạn văn sau đây trích từ Thư gởi cho các tín hữu La mã: "Vì vạn vật hằng nóng lòng mong đợi sự xuất hiện của con cái Thiên Chúa; vì vạn vật được tạo nên lệ thuộc hư vô, không phải do sự đồng thuận của nó nhưng do một người đã khuất phục nó, với hi vọng chính vạn vật đó sẽ được giải thoát khỏi tình trạng nô lệ vào sự hư nát để dự phần vào sự tự do vinh quang của con cái Thiên Chúa. Chúng ta đều biết rằng mọi tạo vật đang rên rĩ trong cơn đau đớn vì công việc thậm chí cho đến bây giờ; và không chỉ có vạn vật, mà cả chúng ta nữa, chúng ta hưởng những hoa trái đầu mùa của Chúa Thánh Linh, chúng ta cũng rên rĩ như đang chờ đợi được làm nghĩa tử,và sự cứu chuộc thân xác chúng ta.Vì chúng ta đã được cứu độ trong niềm hi vọng" (Rm 8: 19-24). Lại một lần nữa, chúng ta đọc thấy những lời này của vị tông đồ: " Chúa Thánh Linh cũng đến nâng đỡ sự yếu hèn của chúng ta; vì chúng ta không biết phải cầu nguyện như thế nào cho xứng đáng, nhưng chính Chúa Thánh Thần can thiệp bằng những lời than van khôn tả xiết"(x. Rm 8:26).
Trong cầu nguyện, người khởi xướng thực sự là Thiên Chúa. Người giữ vai trò chính là Thiên Chúa, Người hằng giải thoát tạo vật khỏi kiếp nô lệ hư nát và dẫn đến sự tự do, để các con cái Thiên Chúa được vinh quang. Người đóng vai trò chính là Chúa Thánh Thần, Ðấng "đến nâng đỡ tình trạng yếu hèn của chúng ta". Chúng ta bắt đầu cầu nguyện và tưởng rằng đó là sáng kiến riêng của chúng ta khiến chúng ta làm như thế. Trái lại, chúng ta học biết rằng đó luôn là sáng kiến của Thiên Chúa trong mỗi người chúng ta, đúng như Thánh Phaolô đã viết: " Sáng kiến này phục hồi trong chúng ta nhân tính đích thực; nó phục hồi trong chúng ta cái tước vị độc nhất". Vâng, chúng ta được đưa vào tước vị cao cả hơn của con cái Thiên Chúa, đó là niềm hi vọng của mọi tạo vật.
Chúng ta có thể và phải cầu nguyện bằng nhiều cách khác nhau, giống như Kinh Thánh giáo huấn bằng nhiều ví dụ. Sách Thánh Vịnh là không thể thay thế. Chúng ta phải cầu nguyện với những lời kêu van khôn tả để bắt nhịp cùng với những lời nài xin khẩn thiết của Chúa Thánh Thần. Ðể nhận được ơn tha thứ, chúng ta phải van nài đồng thời tham dự vào những tiếng than thở của Chúa Kitô Ðấng Cứu Ðộ (xem Dt 5:7). Ngoài tất cả những điều này, chúng ta phải công bố sự vinh quang. Cầu nguyện luôn luôn là một công việc vinh quang. Con người là linh mục của mọi vạn vật. Chúa Kitô là tước hiệu và ơn gọi này. Mọi vật hoàn thành công việc vinh quang của minh bằng cách sống đúng theo bản chất hiện tại và tương lai của mình.
Trong một ý nghĩa nhất định, khoa học và kĩ thuật cũng đóng góp vào mục tiêu này. Nhưng đồng thời, từ khi chúng trở thành công việc của con người, chúng có thể dẫn dắt con người xa rời mục tiêu đó. Ðặc biệt trong nền văn minh hiện nay, đang diễn ra một nguy cơ như thế, nó gây trở ngại cho nền văn minh chúng ta trong việc trở thành một nền văn minh của cuộc sống và tình yêu. Sự nhớ nhung đúng là một công việc vinh quang, nó là số phận cơ bản của mỗi tạo vật, và tất cả loài người được tạo dựng, trong Chúa Kitô, để trở thành linh mục, tiên tri, và vua của tất cả mọi tạo vật trên trái đất.
Người ta viết nhiều điều về cầu nguyện, và hơn thế nữa, cầu nguyện được trải nghiệm một cách rộng rãi trong lịch sử nhân loại, nhất là trong lịch sử của dân tộc Ít ra en và Kitô giáo. Con người hoàn thành việc cầu nguyện một cách sung mãn, không phải khi họ tự bộc lộ, nhưng khi họ để cho Thiên Chúa hiện diện trọn vẹn trong cầu nguyện. Lịch sử của việc cầu nguyện huyền bí ở Phương Ðông và Phương Tây minh chứng cho điều này: Thánh Phanxicô, thánh Tê-rê-xa đa vi la, thánh Gioan Thánh Giá, thánh I-nha-xi-ô đề Lôdôla và ở Phương Ðông, chẳng hạn như thánh Xê-ra-phim Xa-rốp và những vị thánh khác.
Ba
ÐỨC GIÁO HOÀNG CẦU NGUYỆN NHƯ THẾ NÀO?
Tiếp theo những giải thích hợp lí và đúng đắn về bản chất của cầu nguyện Kitô giáo, con muốn quay lại câu hỏi trước: Ðức thánh cha cầu nguyện như thế nào - và cho ai, cho việc gì?
Có thể anh phải hỏi Chúa Thánh Linh! Ðức giáo Hoàng cầu nguyện như Chúa Thánh Linh cho phép người cầu nguyện. Tôi nghĩ giáo hoàng cầu nguyện bằng cách đi sâu vào huyền nhiệm do Chúa Kitô mạc khải, nhờ đó ngài có thể hoàn thành nhiệm vụ của mình một cách tốt hơn. Chúa Thánh Linh hướng dẫn ngài trong công việc này. Nhưng con người không phải dựng lên những trở ngại. " Chúa Thánh Linh cũng đến giúp đỡ chúng ta trong khi chúng ta yếu đuối".
Ðức giáo hoàng cầu nguyện vì điều gì? Ðiều gì choán hết nội dung của việc cầu nguyện?
Chủ đề cầu nguyện của Ðức giáo hoàng là cụm từ bắt đầu bằng tài liệu cuối cùng của khoá họp Công đồng Va ti căng II: Hiến chế mục vụ về Giáo Hội trong thế giới hiện đại: "Gaudium et Spes, luctus et angor hominum huius temporis" (Vui mừng và Hy vọng, buồn rầu và thống khổ của con người trong thời đại hiện nay).
Phúc âm nghĩa là Tin Mừng và Tin Mừng luôn luôn là lời mời gọi hãy vui lên. Phúc âm là gì? Ðó là sự khẳng định long trọng của Thiên Chúa và con người, vì đó là sự thật về Thiên Chúa mạc khải. Thiên Chúa là nguồn vui mừng và hi vọng chính yếu dành cho con người. Ðây là Thiên Chúa mà Ðức Kitô đã mạc khải. Thiên Chúa là Ðấng Sáng Tạo và là Chúa Cha; "Thiên Chúa Ðấng đã yêu thế gian đến nổi đã ban Con Một của Ngài, nhờ đó người nào tin vào Ngài thì không thể chết nhưng được sống đời đời" (x.Ga3:16).
Phúc âm, vượt lên trên tất cả, là niềm vui của tạo vật. Thiên Chúa, Ðấng đã nhìn thấy vạn vật đều tốt lành khi Ngài sáng tạo, là nguồn gốc vui mừng cho tất cả mọi sinh vật và trước hết là cho loài người. Hình như Thiên Chúa Ðấng Sáng Tạo nói về mọi tạo vật như sau: " Ðiều các con hiện hữu thật là tốt." Niềm vui của Ngài trải rộng một cách đặc biệt qua "Tin Mừng", theo đó, điều tốt lành lớn lao hơn tất cả những điều dữ trên thế giới. Trên thực tế, sự dữ không phải là căn bản hoặc quyết định. Ðiểm này phân biệt Kitô giáo với mọi hình thức bi quan hiện sinh.
Vạn vật được trao ban cho nhân loại như một bổn phận, nó không phải là nguồn đau khổ nhưng là nền tảng của cuộc sống sáng tạo trên thế giới. Người nào tin vào điều tốt lành căn bản của tạo vật thì có thể khám phá ra tất cả những bí mật của tạo vật để hoàn thành công việc được Thiên Chúa uỷ thác. Ðối với những ai công nhận Mạc khải, và nhất là Phúc âm, thì tồn tại tốt hơn không tồn tại. Vì nguyên nhân này, trong vương quốc của Phúc âm, không có chỗ cho Niết bàn, hờ hửng hoặc cam chịu nào. Thay vào đó, chỉ có một thách thức là hoàn thành việc sáng tạo - hãy làm cho nó trở nên chính mình, hãy làm cho nó trở nên thế giới.
Niềm vui sáng tạo được hoàn thành bởi niềm vui cứu độ, niềm vui cứu chuộc. Phúc âm là niềm vui to lớn cho sự cứu độ nhân loại. Ðấng Sáng Tạo nhân loại cũng là Ðấng Cứu Chuộc cho họ. Sự cứu độ không những đương đầu với sự dữ trong những hình thức hiện hữu trên thế giới này mà còn công bố sự chiến thắng trên sự dữ. " Ta đã chinh phục thế gian ", Chúa Kitô từng nói như thế (x.Ga 16:33). Chúng ta bắt gặp lời hứa trọn vẹn này trong mầu nhiệm Phục sinh. Trong đêm canh thức Phục sinh, Giáo hội phấn khởi hát lên: " O felix culpa, quae talem ac tantum meruit habere Redemptorem" (Ôi tội lỗi hồng phúc, tội lỗi khiến chúng ta chiếm được Ðấng Cứu Chuộc vĩ đại biết bao! (kinh Exultet).
Vì vậy, nguyên nhân vui mừng của chúng ta là cho chúng ta sức mạnh chống lại sự dữ và đón nhận tư cách làm con cái Thiên Chúa, đó chính là bản chất của Tin Mừng. Thiên Chúa trao ban quyền lực cho nhân loại qua Chúa Kitô . " Vì Thiên Chúa không gởi Con của Ngài xuống Thế gian để kết án thế gian, nhưng để thế gian có thể nhờ Ngài mà được cứu độ (x.Ga 3: 17).
Công trình cứu độ là nâng công trình sáng tạo lên một tầm cao mới. Sáng tạo được lan truyền bằng việc thánh hoá cứu chuộc, thậm chí bằng việc thiên tính hoá. Nó như bị lôi kéo vào thiên tính và cuộc sống mật thiết của Thiên Chúa. Trong lãnh vực này, quyền lực huỷ diệt của tội lỗi bị đánh bại. Cuộc sống không thể huỷ hoại được mạc khải trong ngày Phục sinh của Chúa Ki-tô nhưng " nuốt chửng" sự chết. " Ôi cái chết! Chiến thắng của ngươi ở đâu rồi?", tông đồ Phaolô tự hỏi, khi đưa mắt nhìn Chúa Kitô sống lại (I Cor 15: 55).
Vì Ðức giáo hoàng là chứng nhân của Chúa Kitô đồng thời là thừa tác vụ của Tin Mừng; Người là một con người của vui mừng, của hi vọng; một con người khẳng định giá trị của cuộc sống, giá trị của sáng tạo và của hi vọng trong cuộc sống mai sau. Dĩ nhiên, đây không phải là niềm vui ngây ngô, hoặc một hi vọng hảo huyền. Niềm vui chiến thắng sự dữ không làm hoang mang - nó chỉ làm tăng sức mạnh - nhận thức đích thực về việc tồn tại của sự dữ trong thế gian cũng như trong lòng mỗi người. Phúc âm dạy chúng ta gọi điều tốt và điều dữ bằng tên, nhưng Phúc âm cũng dạy: " Ðừng để bị chinh phục nhưng hãy chinh phục điều dữ bằng điều tốt" (x.Rom 12: 23).
Ở đây, đạo đức Kitô giáo được mô tả một cách đầy đủ. Tuy nhiên, nếu như đạo đức này cố gắng hướng đến những giá trị, nếu nó khẳng định điều tốt lành, thì nó không gì khác hơn là đòi hỏi một cách dứt khoát. Trong thực tế, điều tốt không dễ thực hiện, nó luôn luôn là con đường "cam go" mà Chúa Kitô nhắc đến trong Phúc âm (x.Mat 7: 14). Vì vậy, niềm vui của điều tốt và hy vọng về sự chiến thắng của nó trong con người và trong thế gian không ngăn cản việc sợ hãi điều tốt và việc biến mất niềm hi vọng này.
Ðức giáo hoàng, giống như mọi Kitô hữu, phải ý thức những mối nguy hiểm mà con người gặp phải trên thế giới, trong tương lai trần thế cũng như trong tương lai sau cùng, đời đời, của ngày Tận thế. Ý thức những mối nguy hiểm này không làm nảy sinh bi quan, nhưng khuyến khích đấu tranh nhiều hơn nữa cho sự chiến thắng của điều tốt trên mọi lãnh vực. Từ cuộc đấu tranh vì sự chiến thắng của điều tốt đẹp trong con người và trên thế giới mà nhu cầu cầu nguyện nảy sinh.
Tuy nhiên, việc cầu nguyện của Ðức giáo hoàng còn có một phạm vi rộng lớn hơn. Trong mối quan tâm hằng ngày đối với tất cả các giáo hội, Ðức thánh Cha phải mở rộng việc cầu nguyện, suy nghĩ, tâm can của ngài cho toàn thế giới. Vì vậy, người ta phải phác thảo một thứ địa lí học cầu nguyện cho Ðức thánh cha. Ðó là địa lí học về các cộng đồng, giáo hội, xã hội cũng như những vấn đề đang gây xáo trộn trên thế giới hiện nay. Trong chiều hướng này, Ðức thánh Cha được mời gọi cầu nguyện cho toàn thế giới trong đó Sollicitudo Omnium Ecclesiarum (sự quan tâm đến tất cả các giáo hội; 2Cor 11:2) cho phép ngài tỏ bày trước Thiên Chúa tất cả mọi niềm vui và hi vọng cũng như những buồn phiền và lo lắng mà Giáo hội đang chia sẻ với nhân loại ngày nay.
Cầu nguyện trong thời đại chúng ta, cầu nguyện trong thế kỉ thứ hai mươi, cũng nên được bàn cãi. Năm 2000 đánh dấu cho một thứ thách thức. Chúng ta phải nhìn vào tính cách qui mô của điều tốt lành xuất phát từ mầu nhiệm Nhập Thể của Ngôi Lời và đồng thời không bỏ qua mầu nhiệm của tội lỗi đang tiếp tục lan tràn. Thánh Phao lồ có viết: " Nơi nào tội lỗi gia tăng, (Urbi abundavit peccatum) hồng ân càng chan chứa" (superabundavit gratia) (x.Rom 5:20).
Chân lí thâm sâu này cho thấy một thách thức luôn tái diễn đối với việc cầu nguyện. Nó cho chúng ta thấy việc cầu nguyện là cần thiết biết chừng nào đối với thế giới và Giáo hội, vì cuối cùng, nó thiết lập nên con đường dễ dàng nhất để làm cho Thiên Chúa và Tình yêu cứu độ của Ngài hiện diện trên thế giới. Thiên Chúa đã trao ban cho con người sự cứu độ của chính họ; Ngài trao cho họ Giáo hội và trong Giáo hội, công trình cứu chuộc của Chúa Kitô . Thiên Chúa trao ban điều này cho mọi người, cho mọi cá nhân và loài người với tư cách là một toàn thể. Ngài trao tất cả cho một người và một người cho tất cả. Việc cầu nguyện của Giáo hội và nhất là việc cầu nguyện của Ðức Thánh Cha không ngừng phản ánh mối quan tâm này.
Tất cả chúng ta là "những con cái của lời hứa" (Gal 4:28). Chúa Kitô nói với các tông đồ: "Hãy can đảm lên, Thầy đã chinh phục thế gian" (Ga16 :33). Những Ngài cũng đã hỏi: " Khi Con Người đến, có phải Con Người sẽ tìm được đức tin trên trái đất hay không? (Lc 18:8). Ðây là nguồn gốc của truyền giáo trong việc cầu nguyện của Giáo hội và của Ðức thánh Cha.
Giáo hội cầu nguyện ở bất cứ nơi nào mà công việc cứu độ sẽ được thực hiện nhờ Chúa Kitô . Giáo hội cầu nguyện để cho công việc đó có thể sống động trong sự tận tuỵ liên tục đối với sứ mạng của Thiên Chúa. Trong ý nghĩa nhất định, công việc này tạo nên bản chất của Giáo Hội, như Công đồng Va ti căng II đã công bố.
Giáo hội và Ðức giáo hoàng cầu nguyện cho những người được trao phó sứ mạng này một cách đặc biệt, họ cầu nguyện cho các ơn gọi - không những cho các ơn gọi tu sĩ và linh mục nhưng còn cho nhiều ơn gọi thánh thiện nơi dân Chúa giữa những người thế tục.
Giáo hội cầu nguyện cho sự đau khổ. Trong thực tế, đau khổ luôn luôn là một thử thách lớn lao không những của sức mạnh vật chất mà còn của sức mạnh tinh thần. Chân lí của thánh Phao lồ về việc "hoàn thành những đau khổ của Chúa Kitô " (x.Col 1:24) là một phần của Phúc âm. Nó chứa đựng niềm vui và hi vọng có tính chất cốt lõi đối với Phúc âm, nhưng con người sẽ không bước qua ngưỡng cửa của sự thật này nếu không có sự giúp đỡ của Chúa Thánh Linh. Cầu nguyện cho sự đau khổ và với sự đau khổ là một phần đặc biệt của tiếng kêu lớn mà Giáo hội và Ðức thánh Cha cũng thốt lên với Chúa Kitô . Ðó là tiếng kêu chiến thắng của điều tốt lành vì sự dữ, vì sự đau khổ, vì mọi bất công sai lầm của con người.
Giáo hội cầu nguyện cho kẻ chết vì việc cầu nguyện này cho thấy nhiều điều về thực tại của chính Giáo hội. Nó cho thấy Giáo hội tiếp tục sống trong niềm hi vọng vào cuộc sống đời đời. Cầu nguyện cho kẻ chết là một cuộc chiến đấu với thực tại của cái chết và sự huỷ diệt đang đè nặng lên cuộc sống trần thế của con người. Nó đang và vẫn còn là sự mạc khải đặc biệt của sự Phục sinh. Trong việc cầu nguyện này, chính Thiên Chúa xác nhận cuộc sống và sự bất diệt, điều mà Thiên Chúa đang mời gọi mọi người.
Cầu nguyện là một cuộc tìm kiếm Thiên Chúa, nhưng cũng là một mạc khải của Ngài. Qua cầu nguyện, Thiên Chúa mạc khải chính mình Ngài như là Ðấng Sáng Tạo và Thiên Chúa Cha, như là Ðấng Cứu chuộc và Giải thoát, như là Chúa Thánh Linh, Ðấng thấu suốt mọi sự, ngay cả những điều thầm kín của Thiên Chúa " (2Cor 2:10) và nhất là những bí mật trong tâm hồn của con người (x.Ps 43,44: 22). Qua cầu nguyện, Thiên Chúa tự mạc khải như là Ðấng Nhân từ trên hết mọi sự - tức là Tình yêu xuất phát từ những người đang đau khổ. Tình yêu trợ giúp, nâng cao và mời gọi chúng ta hướng đến sự tin cậy. Chiến thắng của điều tốt lành trên thế giới được kết hợp một cách hữu cơ với sự thật này. Bất cứ ai cầu nguyện cũng tuyên xưng một sự thật như thế và trong một ý nghĩa nhất định, cũng làm cho Thiên Chúa Tình yêu đầy lòng nhân từ hiện diện trên thế giới.
Bốn
THIÊN CHÚA CÓ THỰC SỰ HIỆN HỮU KHÔNG?
Ðức tin của những người Công giáo mà Ðức Thánh Cha là vị mục tử và là thầy của họ (nhân danh vị Mục tử và Thầy duy nhất) có ba "mức độ", ba "cấp", mỗi mức độ đều liên quan lẫn nhau - Thiên Chúa, Chúa Giêsu Kitô và Giáo Hội.
Mỗi Kitô hữu tin rằng Thiên Chúa hiện hữu.
Do đó, mỗi Kitô hữu tin vào điều Thiên Chúa đã nói và việc Ngài mặc lấy xác phàm trong một diện mạo lịch sử vào thời Ðế quốc La mã: Giêsu thành Na da rét.
Nhưng bất cứ người Công giáo nào cũng đều tin rằng Thiên Chúa và Ðức Kitô sống và hành động - như trong một "thân xác" theo ngôn từ của Tân Ước - trong Giáo Hội mà người lãnh đạo hữu hình của nó trên trái đất là Giám mục thành La mã.
Ðức tin chắc chắn là một món quà tặng, một ân huệ của Thiên Chúa. Nhưng món quà khác của Thiên Chúa là lí trí. Theo những lời giảng dạy xưa của các thánh và các tiến sĩ Hội thánh, người Kitô giáo "tin để hiểu", nhưng họ cũng được mời gọi "hiểu để mà tin".
Chúng ta hãy bắt đầu ngay từ đầu. Thưa ÐTC, từ cái nhìn nhân loại, mọi người có thể và có thể như thế nào đi đến kết luận Thiên Chúa thật sự hiện hữu?
Câu hỏi của anh liên quan đến sự khác biệt của Pascal giữa Tuyệt đối - tức là Thiên Chúa của những nhà hiền triết (những môn đồ theo chủ thuyết duy lí libertin) - và Thiên Chúa của Ðức Giêsu Kitô, và trước Ngài, Thiên Chúa của các tổ phụ - Từ Abraham đến Mai sen. Chỉ có Thiên Chúa của Ðức Giêsu Kitô là Thiên Chúa hằng sống. Thiên Chúa đầu tiên được nhắc đến ở trên - Thiên Chúa của các nhà hiền triết - cũng đã được nhắc đến trong Hiến chế tín lí về Mạc khải Thiên Chúa "Dei Verbum" (số 3) - đó là kết quả của tư tưởng nhân loại, của suy tư nhân loại và có khả năng nói lên một điều gì đó về Thiên Chúa. Cuối cùng tất cả những lập luận duy lí tuân theo con đường được chỉ rõ trong sách Khôn ngoan và thư gởi cho các tín hữu thành La mã đi từ thế giới hữu hình đến Tuyệt đối vô hình.
Aristote và Plato cũng đi theo con đường này, nhưng với một cách khác hẳn. Truyền thống Kitô giáo trước thời thánh Tôma Aqui nô và Au gus tinô, được kết hợp với Platon, một con người xuất chúng. Ðối với những người Kitô hữu, Tuyệt đối triết học, được xem như Hữu thể nguyên thuỷ hoặc Sự Thiện Tối Ưu, không mang ý nghĩa quan trọng. Tại sao lại phải dấn thân vào những suy tư triết học về Thiên Chúa, họ thắc mắc tự hỏi, nếu TC hằng sống đã nói không chỉ bằng con đường của các tiên tri, mà còn qua chính Con riêng của Người? Thần học của các giáo phụ, nhất là ở Phương Ðông, ngày càng tách rời khỏi Platon và các triết gia nói chung. Triết học, nơi các giáo phụ, tự nó kết thúc ở môn thần học (giống như trong trường hợp của Vladimir Soloviev vào thời hiện đại).
Tuy nhiên, thánh Tôma không rời bỏ phương pháp của các triết gia. Ngài bắt đầu tác phẩm Summa Theologica với câu hỏi : " An Deus sit?" (TC có hiện hữu không? Xem 1 q.2 a.3). Anh cũng hỏi cùng một câu hỏi. Câu hỏi này xem ra rất hữu ích. Không những câu hỏi này thiết lập môn thần học, nhưng nó còn phản ảnh toàn bộ nền văn minh Phương Tây phát triển cao. Cho dù hiện nay, điều đáng tiếc là Summa Theologica hơi bị quên lãng, câu hỏi đầu tiên của nó vẫn còn tồn tại và tiếp tục vang vọng trên khắp nền văn minh chúng ta.
Ở điểm này, chúng ta cần nhắc lại toàn bộ đoạn trích từ Hiến chế mục vụ Gaudium et Spes của Cộng đồng Vatican II: " Thực ra, những xáo trộn trong thế giới hiện đại có liên quan đến sự xáo trộn sâu xa trong tâm hồn của con người. Nhiều yếu tố xung đột với nhau trong cuộc đấu tranh bên trong con người. Với tư cách là vật thụ tạo, con người kinh qua những giới hạn của chính mình trong muôn ngàn cách thức khác nhau, tuy nhiên họ cũng cảm thấy có những khát vọng vô hạn và hướng đến cuộc sống cao cả hơn. Bị lôi kéo bởi nhiều sự lựa chọn, họ không ngừng ra sức chọn một vài phương cách và từ chối những thứ khác. Ngoài ra trong khi họ yếu đuối và đầy tội lỗi, họ thường làm điều họ ghét và không làm điều họ mong muốn. Ðiều này khiến họ chấp nhận sự chia rẽ nội tâm, đó là nguồn gốc của nhiều bất mãn trầm trọng trong xã hội. Với tất cả những điều này, đối diện với sự phát triển của thế giới hiện đại, một số đông người tự hỏi hoặc cảm thấy sốt sắng hơn với những câu hỏi cốt lỏi nhất: Con người là gì? Ý nghĩa của đau khổ, sự dữ, sự chết tồn tại bất chấp mọi tiến bộ là gì? Những chiến thắng này được cứu chuộc với một giá quá đắt như thế nào? Con người có thể cống hiến thứ gì cho xã hội và mong chờ gì từ xã hội? Sẽ có điều gì xãy ra sau cuộc sống này? GH tin rằng Chúa Kitô đã chết và đã phục sinh vì phần rỗi nhân loại. Giáo hội thông qua Thánh Linh không ngững ban cho con người ánh sáng và sức mạnh để đáp ứng với số mệnh cao cả của họ. Không có bất cứ danh hiệu nào khác dưới bầu trời được ban cho loài người để nhờ đó mà con người được cứu thoát.GH cũng tin rằng chìa khoá, trung điểm, cứu cánh của toàn bộ lịch sử nhân loại được tìm thấy nơi Chúa và Thầy (Gaudium et Spes 10) của mình.
Ðoạn trích này của công đồng cực kì phong phú. Chúng ta nhận thấy rằng câu trả lời cho vấn nạn " Thiên Chúa có hiện hữu không?" không chỉ là một vấn đề có liên quan đến trí tuệ; đồng thời nó cũng là một vấn đề có tác động mạnh mẽ đối với toàn bộ sự hiện hữu của con người. Nó tuỳ thuộc vào một số lớn những tình huống trong đó con người tìm kiếm ý nghĩa cho sự hiện hữu của chính mình. Vấn nạn về sự hiện hữu của TC liên kết chặt chẽ với mục đích sự hiện hữu của con người. Nó không chỉ là một vấn nạn của trí tuệ, nhưng còn là một vấn nạn của ý chí, thậm chí một vấn nạn của con tim nhân loại (những lí lẽ của con tim theo Blaise Pascal).
Tôi nghĩ thật là điều sai lầm nếu khư khư cho rằng lập trường của thánh Tôma chỉ dựa trên lãnh vực duy lí. Ðúng ra chúng ta phải ca tụng Etienne Gilson khi ngài đồng tình với thánh Tôma về vấn đề trí thông minh là một trong những sáng tạo kì diệu nhất của TC, nhưng điều đó không có nghĩa là chúng ta phải nhượng bộ chủ nghĩa duy lí đơn phương. Thánh Tôma ca ngợi toàn bộ sự phong phú và phức tạp của mỗi vật thụ tạo và nhất là của con người. Không nên coi thường tư tưởng của ngài trong thời kì hậu Công đồng. Trong thực tế, ngài vẫn còn là người thầy của chủ thuyết phổ quát triết học và thần học. Trong bối cảnh này, Quinque Viae - 5 đường lối hướng dẫn giải đáp cho câu hỏi "TC có hiện hữu hay không? - vẫn cần được nghiên cứu.
Năm
"BẰNG CHỨNG" : CÓ CÒN HIỆU LỰC KHÔNG?
Hãy cho phép con đặt một câu hỏi trong dấu ngoặc. Người ta không thể thách thức tính cách hiệu lực và triết lí của sự việc mà Ðức thánh Cha đã bắt đầu giải thích. Có phải đây là lối suy nghĩ hiện nay vẫn còn thích hợp cho người nào tự hỏi về Thiên Chúa, sự Hiện hữu, Bản tính của Ngài?
Tôi muốn tuyên bố - hôm nay hơn bao giờ hết - chắc chắn còn hơn những lần mới đây, tâm lí thực nghiệm đã phát triển nhanh chóng giữa các thế kỉ 19 và 20, hiện này đang lụi tàn. Người đương thời đang khám phá lại điều linh thiêng, cho dù không phải lúc nào họ cũng biết nhận dạng nó như thế nào.
Chủ nghĩa thực nghiệm không phải là một triết thuyết hoặc là một phương pháp luận; nó là một trong những trường phái hoài nghi đã trưởng thành và phát triển trong kỉ nguyên hiện đại. Con người có thể biết điều gì đằng sau cái mà mắt họ nhìn thấy hoặc tai họ nghe được hay không? Có một thứ kiến thức khác với kiến thức do kinh nghiệm tồn tại hay không? Phải chăng khả năng con người đối với lí trí hoàn toàn lệ thuộc vào những cảm giác và được hướng dẫn bởi những đinh luật toán học được xem là hữu ích trong việc sắp xếp hợp lí những hiện tượng và để hướng dẫn sự tiến bộ kĩ thuật?
Nếu chúng ta tự đặt mình vào nhãn quan của người theo chủ nghĩa thực nghiệm, những khái niệm như Thiên Chúa hoặc linh hồn không còn ý nghĩa. Theo thuật ngữ kinh nghiệm cảm giác, trong thực tế, không có gì đáp ứng với Thiên Chúa và linh hồn.
Trong một vài lãnh vực, quan điểm thực nghiệm này đang lụi tàn. Ðiều này có thể được minh chứng bằng cách so sánh những công trình trước kia và sau này của Ludwig Wittgenstein - triết gia người Áo từ nữa đầu thế kĩ 20.
Sự kiện kiến thức con người chủ yếu là kiến thức do cảm giác không gây ngạc nhiên cho bất cứ ai. Plato hoặc Aristote hoặc bất cứ triết gia cổ điển nào cũng không thắc mắc về điều này. Chủ nghĩa hiện thực nhận thức, cũng được gọi là chủ nghĩa hiện thực ngây ngô và phê phán, công nhận rằng"nihil est in intellectu, quod prius non fuerit in sensu"(không có gì trong trí óc lại không ở trong cảm giác trước tiên"). Tuy nhiên, giới hạn của những cảm giác này không lệ thuộc cảm giác một cách tuyệt đối. Thực ra, con người không chỉ biết đến màu sắc, giọng nói và hình thể, họ còn biết những sự vật một cách trọn vẹn - chẳng hạn như không chỉ mọi thành phần bao gồm đối tượng "người" mà còn người trong chính nó (con người như là một cá thể). Con người biết những sự thật thuộc khả năng ngoại cảm., hoặc nói cách khác, cái vượt quá thực nghiệm. Hơn nữa, chúng ta không thể khẳng định khi một điều gì đó vượt quá thực nghiệm, thì nó không còn dựa vào thực nghiệm nữa.
Vì vậy có thể nói từ một nền tảng vững chắc về kinh nghiệm của con người, kinh nghiệm về đạo đức, hoặc kinh nghiệm về tôn giáo. Nếu có thể nói về những kinh nghiệm như thế,, thật khó mà phủ nhận trong lãnh vực kinh nghiệm về con người, chúng ta cũng tìm được điều tốt và điều xấu, sự thật , cái đẹp, và Thiên Chúa. Chính Thiên Chúa cũng không phải là một đối tượng của phương pháp thực nghiệm của con người. Sách Thánh nhấn mạnh đến điều này như sau: " Không bao giờ có người nào nhìn thấy Thiên Chúa (xem Ga 1: 18). Nếu Thiên Chúa là một đối tượng có thể nhận biết được - như sách Khôn Ngoan và Thư gởi tín hữu La mã truyền dạy - Sự hiện hữu như thế của Ngài dựa trên nền tảng kinh nghiệm của con người và thế giới nội tại của họ. Ðây là điểm khởi đầu cho công trình nghiên cứu của Immanuel Kant về kinh nghiệm đạo đức trong đó ông loại bỏ phương pháp cũ trong những bài viết của sách Thánh và của thánh Tôma Aquina. Con người tự biết mình như là một sinh vật có đạo đức, có thể hoạt đông theo những tiêu chuẩn của điều tốt và điều xấu, và không chỉ có những tiêu chuẩn lợi lộc và khoái lạc. Con người cũng tự biết mình như là một sinh vật tôn giáo, có thể tự mình tiếp xúc với Thiên Chúa - cầu nguyện - điều mà chúng ta đã bàn ở trên kia - theo một ý nghĩa nhất định, là sự chứng minh đầu tiên cho một thực tại như thế.
Khi đạt được một khoảng cách nào đó từ những niềm tin dựa vào thực nghiệm, con người ngày nay nghĩ mình đã đạt được những tiến bộ đáng kể trong việc khám phá trọn vẹn con người nhiều hơn, nhờ nhận biết giá trị của ngôn ngữ ẩn dụ và tượng trưng. Con người đương thời - ví dụ những khuôn mẫu trong công trình của Paul Ricoeur hoặc từ một viễn cảnh khác, trong công trình của Emmanuel Levinas - trình bày sự thật về con người và về thế giới từ những quan điểm mới mẽ.
Vì lí do chủ nghĩa thực nghiệm làm chúng ta xa cách - và loại trừ chúng ta - khỏi sự hiểu biết toàn diện, nó khai thác ý nghĩa của ngôn ngữ tượng trưng, giúp chúng ta khám phá lại sự hiểu biết toàn diện hơn nữa và thậm chí còn đào sâu nó: điều này được chứng thực mà không cần phủ nhận khả năng của lí trí trong việc hình thành những khái niệm đúng đắn về Thiên Chúa và những sự thật của đức tin.
Vì những người đương thời nghĩ triết học về tôn giáo rất quan trọng - ví dụ như công trình của Mircea Eliade và công trình của Ðức tổng giám mục Marian Javorski và trường phái Lublin ở Ba lan. Chúng ta là những chứng nhân của triệu chứng quay về với siêu hình học nhờ môn nhân loại học hoàn chỉnh -. Chúng ta không thể định nghĩa một cách đầy đủ về con người mà không nhắc đến Thiên Chúa, việc nhắc nhở này được chỉ định cho con người. Thánh Tôma định nghĩa việc này như là một actus essendi (hành vi cốt yếu) trong ngôn ngữ của triết học về cuộc sống. Triết học về tôn giáo mô tả điều này với những phạm trù kinh nghiệm nhân loại học.
Các triết gia đối thoại như Martin Buber và Levinas được nhắc đến ở trên, đã đóng góp tích cực vào kinh nghiệm này. Hiện nay chúng ta cảm thấy rất gần gủi với thánh Tôma, nhưng con đường không đi qua sự tồn tại và sự sống nhưng qua con người và sự gặp gỡ giữa họ với nhau, qua "Tôi" và "Ngài". Ðây là khía cạnh nền tảng về cuộc sống của con người, đó luôn luôn là một cuộc chung sống.
Các triết gia đối thoại dạy điều này từ đâu? Trước tiên, họ dạy điều đó từ kinh nghiệm của họ về Kinh Thánh. Trong phạm vi mỗi ngày, toàn bộ cuộc sống của con người là một cuộc "sống chung" - " Ngài " và " Tôi" - và trong phạm vi của sự tuyệt đối và dứt khoát: "Tôi" và "Ngài". Truyền thống Kinh Thánh tập trung xung quanh "Thou" này, trước hết, đó là Thiên Chúa của Abraham, Isaac, Jacob, Thiên Chúa của các giáo phụ và Thiên Chúa của Chúa Giêsu Kitô và các tông đồ, Thiên Chúa của đức tin chúng ta.
Ðức tin chúng ta mang tính cách nhân loại một cách sâu sắc, nó bén rễ trong sự chung sống, trong cộng đồng của dân Chúa, và trong sự hiệp thông với "Thou" (Ngài) vĩnh hằng. Sự chung sống như thế là cốt lỏi đối với truyền thống Do thái-Kitô giáo của chúng ta và xuất phát từ sáng kiến của Thiên Chúa. Sáng kiến này được nối kết và hướng đến tạo vật, đồng thời - như thánh Phaolô truyền dạy - "đó là sự tuyển chọn đời đời dành cho con người trong Ngôi Lời là Ðức Chúa Con" (xem Eph 1:4).
Sáu
NẾU THIÊN CHÚA TỒN TẠI, TẠI SAO NGÀI ẨN GIẤU?
Thiên Chúa - Thiên Chúa của Thánh Kinh - hiện hữu, nhưng phải chăng việc chống đối của nhiều người, hôm qua cũng như hôm nay, là hoàn toàn có thể hiểu được ? Tại sao Ngài không tự mạc khải một cách rõ ràng hơn? Tại sao Ngài không cho bất cứ ai một chứng cớ rõ ràng hơn về sự Hiện hữu của Ngài? Tại sao chiến lược nhiệm mầu của Ngài có lẽ như là một trò chơi trốn tìm với các vật thụ tạo của Ngài?
Chắc chắn có những lí do để tin vào Ngài; nhưng - như nhiều người đã và vẫn còn tin chắc - cũng có nhiều lí do để nghi ngờ, hoặc thậm chí phủ nhận, sự hiện hữu của Ngài. Phải chăng không có gì đơn giản hơn nếu như sự hiện hữu của Ngài là hiển nhiên?
Những thắc mắc của anh - và của nhiều người - không liên quan đến thánh Tôma hoặc thánh Augustine, hoặc truyền thống phong phú của Do thái-Kitô giáo. Theo tôi hình như chúng bắt nguồn từ nguồn gốc khác, một phần có tính cách thuần tuý duy lí, một phần là đặc trưng của triết học hiện đại - lịch sử của nó bắt đầu từ Descartes, ông ta phân chia tư tưởng ra từ cuộc sống và cuộc sống được nhận diện với lí do : " Cogito, ergo sum" (Tôi suy nghĩ, vậy tôi tồn tại).
Thật khác xa với phương pháp của thánh Tôma, theo ngài, không phải tư tưởng xác định sự hiện hữu, nhưng hiện hữu, "esse" xác định cho tư tưởng! Tôi suy nghĩ cách tôi suy nghĩ vì tôi là điều tôi tồn tại - một tạo vật - và vì Ngài là Ðấng hiện hữu, Mầu nhiệm tuyệt đối không được thụ tạo. Nếu Ngài không phải là Mầu nhiệm, thì không cần phải có Mạc khải, hoặc chính xác hơn, không cần Thiên Chúa tự mạc khải.
Những câu hỏi của anh chỉ hợp lí nếu như con người, với trí tuệ được sáng tạo và trong những giới han của tính cách chủ quan, có thể vượt qua toàn bộ khoảng cách ngăn cách vật thụ tạo với Ðấng Sáng Tạo, cái hữu thể ngẫu nhiên và không cần thiết với Hữu Thể Cần Thiết (" Bà là người không hiện hữu", theo câu nói nổi tiếng mà Chúa Kitô nói với thánh Catherine thành Siena, từ " Ngài là đấng hiện hữu": (xem Raimondo da Capua, Legenda Maior 1,10,92).
Những tư tưởng có liên quan đến anh và cũng xuất hiện trong những quyển sách của anh đã được diễn đạt bằng một chuổi những câu hỏi. Chúng không phải chỉ là những câu của anh. Anh mong muốn trở thành một phát ngôn viên cho những người trong thời đại chúng ta, bằng cách tự đặt mình về phía họ trên những con đường - thường khó khăn và phức tạp, và hình như không dẫn đến bất cứ đâu - trong việc tìm kiếm Thiên Chúa. Sự lo lắng của anh được diễn tả trong những câu hỏi : Tại sao không có bằng chứng cụ thể hơn về sự hiện hữu của Thiên Chúa? Tại sao Ngài có vẻ như tự giấu mình, nhất là đang đùa giỡn với tạo vật? Không phải tất cả đều quá đơn giản hay sao? Không phải sự hiện hữu của Ngài là hiển nhiên hay sao? Ðây là những câu hỏi thuộc kho tư liệu của thuyết bất khả ngộ hiện nay.Thuyết bất khả ngộ không phải là thuyết vô thần; nói đúng hơn, nó không phải là một thuyết vô thần có hệ thống như thuyết vô thần Mác xít; nói cách khác, nó là thuyết vô thần của Thời đại Ánh sáng.
Tuy nhiên những câu hỏi của anh chứa đựng những tuyên ngôn lập lại trong Cựu và Tân Ước. Khi anh hỏi về Thiên Chúa như là đang ẩn giấu, anh cũng dùng cùng ngôn ngữ như Mai sen, khi ông muốn nhìn thấy Thiên Chúa trực diện, nhưng ông chỉ có thể nhìn thấy "lưng" của Người (xem Xh 33:23). Phải chăng sự nhận biết qua sáng tạo không được gợi ý ở đây?
Khi anh nói về " trò đùa", tôi nghĩ đến những ngôn từ trong sách Cách Ngôn mô tả Khôn Ngoan " đùa giỡn" (giữa các con cái của con người) trên mặt đất" (xem CN 8: 31). Ðiều này không có nghĩa là khôn ngoan do Thiên Chúa ban tặng cho mọi tạo vật, đồng thời không mạc khải cho họ tất cả các mầu nhiệm của Ngài hay sao?
Mạc khải của Thiên Chúa diễn ra theo một đường lối đặc biệt bằng cách " trở thành con người". Một lần nữa, theo Ludwig Fuerbach, sự cám dỗ đích đáng, đó là biến đổi điều thuộc về Thiên Chúa thành điều thuộc về con người. Chính câu nói của Fuerbach gây nguồn cảm hứng cho thuyết vô thần Mác xít, nhưng- ut minus sapiens ("tôi đang nói như một người mất trí" (xem II Cor 11:23) - thách thức phát xuất từ chính Thiên Chúa, từ khi Ngài thực sự trở thành con người trong Chúa Con và được sinh ra bởi Ðức Trinh Nữ Maria. Chính nhờ biến cố Giáng sinh, cuộc Khổ nạn, Thánh giá và Phục sinh mà việc Thiên Chúa mạc khải trong lịch sử con người đạt đến đỉnh điểm - sự mạc khải của Thiên Chúa vô hình trong bản tính nhân loại hữu hình của Chúa Kitô .
Thậm chí vào hôm trước cuộc Khổ Nạn, các tông đồ hỏi Chúa Kitô : " Xin thầy hãy chỉ Chúa Cha cho chúng con" (Ga 14:8). Câu trả lời của Ngài vẫn còn mang tính cách cơ bản: "Các con có thể nói: hãy chỉ cho chúng con Thiên Chúa Cha" như thế nào? Các con không tin Thầy đang ở trong Cha và Cha đang ở trong Thầy hay sao?... Hoặc nói cách khác, hãy tin vì chính những việc làm.. Chúa Cha và Ta là Một (xem Ga 14: 9-11; 10:30)".
Những lời Chúa Kitô nói thật là khó hiểu. Chúng ta đang ở mức độ của kinh nghiệm trực tiếp, điểm mà những người đương thời đang khao khát. Nhưng tính cách cấp bách không phải là nhận biết Thiên Chúa " trực diện" (I Cor 13:12); nhưng nhận biết Thiên Chúa như là Thiên Chúa.
Chúng ta nên cố gắng vô tư trong lập luận: Thiên Chúa có thể tiến xa hơn trong việc hạ mình xuống gần con người bằng cách biểu lộ những khả năng để chúng ta biết đến Ngài hay không? Thật ra, có vẻ như Ngài tiến càng xa càng tốt. Ngài không thể tiến xa hơn nữa. Có thể nói Thiên Chúa đã đi quá xa! Phải chăng Chúa Kitô không trở nên một vật cản đối với người Do thái và là điều ngu ngốc đối với dân ngoại hay sao? (I Cor 1:23). Nói đúng hơn, Ngài gọi Thiên Chúa là Cha Ngài, vì Ngài mạc khải Chúa Cha một cách tỏ tường trong chính Ngài. Ngài không thể nhưng cố moi ra cái ấn tượng việc đó là quá mức.Con người còn lâu mới chấp nhận được một sự thân mật như thế, và vì thế, họ bắt đầu phản đối.
Sự phản đối kịch liệt này mang những tên gọi chính xác - trước hết nó được gọi là Giáo đường Do thái và tiếp đến là Hồi giáo. Hoặc không thể chấp nhận một Thiên Chúa là đấng có tính cách quá ư nhân loại. " Thật không thích hợp để nói đến Thiên Chúa bằng cách này", họ phản đối. Ngài lúc nào cũng phải siêu việt một cách tuỵệt đối. Ngài phải là Thánh Thượng trong sạch, thánh thiện, đầy lòng thương xót không đến mức phải trả giá cho những khuyết điểm, tội lỗi của mọi tạo vật do Ngài tạo nên".
Từ một quan điểm nhất định, phải nói là Thiên Chúa mạc khải quá nhiều về chính mình cho con người, quá nhiều về điều có tính cách Thiên Chúa nhất, về điều gọi là cuộc sống mật thiết của Ngài. Ngài tự mạc khải trong mầu nhiệm của Ngài. Ngài không quan tâm đến việc mạc khải bằng cách nào để tự giấu mình trước mắt con người vì con người không thể cưỡng lại một mầu nhiệm quá mức. Họ không thể muốn bị chìm đắm và bị áp đảo bởi mầu nhiệm đó. Vì thế, con người hiểu rằng Thiên Chúa là Ðấng duy nhất nơi Người. " Chúng Ta sống, hoạt động và có một cuộc sống riêng" (TÐCV 17:28); nhưng tại sao việc đó phải được xác nhận bằng Cái chết và Phục sinh của Người? Thánh Phaolô còn viết: " Nếu Chúa Kitô không sống lại, thì lời rao giảng của chúng tôi trở nên rỗng tuếch, cả đức tin của các anh em cũng trở nên rỗng tuếch" (I Cor 15:14)
Bảy
CHÚA GIÊSU CÓ PHẢI LÀ CON THIÊN CHÚA?
Từ câu hỏi về Thiên Chúa, chúng ta hãy chuyển sang câu hỏi về Chúa Giê su, như Ðức Thánh Cha đã bắt đầu nói đến.
Tại sao Chúa Giêsu không được xem như một người khôn ngoan giống Socrates ? Hoặc được giác ngộ giống Ðức Phật? Người ta tin như thế nào về việc một người Do thái bị kết án tử hình trong một tỉnh nhỏ lại là con của Thiên Chúa, cùng một bản thể với Thiên Chúa Cha? Sự tuyên bố thẳng thắn về Chúa Kitô không có trong bất cứ niềm tin tôn giáo nào. Thánh Phaolô đã xác định điều này như là " một sự tai tiếng và mất trí".
Thánh Phaolô thấu hiểu Chúa Kitô là khởi nguyên một cách tuyệt đối, và độc nhất một cách tuyệt đối. Nếu Ngài chỉ là một người khôn ngoan như Socrates, nếu Ngài là một đấng tiên tri như Muhammad, nếu Ngài chỉ được giác ngộ như Ðức Phật, thì dứt khoát Ngài không phải Ðấng mà Ngài đang là, Ngài là một đấng trung gian duy nhất giữa Thiên Chúa và nhân loại.
Ngài là trung gian vì Ngài vừa là Thiên Chúa vừa là con người. Ngài giữ nơi mình ngài thế giới mật thiết trọn vẹn của bản tính Thiên Chúa, mầu nhiệm trọn vẹn của Thiên Chúa Ba Ngôi và mầu nhiệm của cuộc sống vật chất đồng thời của sự bất diệt. Ngài chính là con người đích thực. Trong Ngài bản tính Thiên Chúa không trộn lẫn với bản tính loài người; vẫn còn một điều gì đó thuộc về Thiên Chúa một cách cơ bản.
Nhưng cùng một lúc, Chúa Kitô cũng rất nhân loại. Nhờ điều này, toàn thể thế giới của con người, toàn bộ lịch sử nhân loại tìm được trong Ngài sự biểu hiện trước Thiên Chúa. Và không phải trước một Thiên Chúa xa cách, không thể đạt tới, nhưng trước một Thiên Chúa ở trong Ngài - đó quả thực là Ngài. Ðiều này không thể có được trong bất cứ tôn giáo nào khác, cũng không có trong bất cứ triết thuyết nào.
Chúa Kitô là độc nhất! Không giống như Muhammad, Ngài làm việc nhiều hơn là ban hành những nguyên tắc về kỉ luật tôn giáo, điều mà tất cả những người tôn thờ Thiên Chúa phải tuân thủ.
Chúa Kitô không phải chỉ là một người khôn ngoan như Socrates, cho dù việc chấp nhận cái chết của Socrates nhân danh sự thật có điều gì đó giống với sự hi sinh trên thập giá.
Ngài cũng không giống với Ðức Phật, vì Ðức Phật chối bỏ tất cả những vật thụ tạo. Ðức Phật có lí khi ngài không thấy được khả năng cứu rổi con người trong sáng tạo, nhưng ngài sai lầm khi ngài phủ nhận sáng tạo có một giá trị nào đó đối với nhân loại. Chúa Kitô không làm điều này, hoặc là Ngài không thể làm, Ngài là nhân chứng đời đời cho Chúa Cha và cho tình yêu mà Chúa Cha đã dành cho mọi tạo vật từ nguyên thuỷ. Ðấng Sáng Tạo, từ nguyên thuỷ đã nhìn thấy muôn vàn điều tốt lành nơi tạo vật. Ngài thấy điều đó một cách đặc biệt nơi con người, được tạo dựng theo hình ảnh của Ngài. Ngài thấy điều tốt lành này trong Chúa Con Nhập thể. Ngài thấy điều đó như là một nhiệm vụ cho Con Ngài và cho mọi tạo vật có lí trí. Trong khi đẩy Thiên Chúa đến những giới hạn, chúng ta có thể nói Thiên Chúa đã nhận thấy điều tốt lành một cách đặc biệt trong cuộc Khổ nạn và trong Cái chết của Con Ngài.
Ðiều tốt lành này đã được khẳng định vào ngày Phục sinh, đó là một khởi đầu cho một sáng tạo mới, một khám phá lại mọi sáng tạo nơi Thiên Chúa, khám phá lại số phận tối hậu của mọi tạo vật. Số phận này được mô tả trong sự kiện Thiên Chúa sẽ là " mọi sự trong mọi sự" (I Cor 15:28).
Từ nguyên thuỷ, Chúa Kitô đã ở ngay trung tâm của đức tin và đời sống của Giáo Hội, đồng thời ở trung tâm của lời giáo huấn và thần học Giáo hội. Về giáo huấn của Giáo Hội, chúng ta cần phải quay lại toàn bộ thiên niên kỉ thứ nhất, từ Công đồng Nixê thứ nhất cho đến những Công đồng Ê phê dô và Chan xê đôn và sau cùng là Công đồng Ni xê thứ hai phát triển từ những Công đồng trước đó. Tất cả những Công đồng thiên niên kỉ thứ nhất đều xoay quanh mầu nhiệm Thiên Chúa Ba Ngôi, bao gồm việc tôn vinh Chúa Thánh Linh, nhưng xét cho cùng, tất cả các Công đồng đều có tính cách Kitô học. Từ khi Phêrô tuyên xưng " Thầy là Ðấng Messiah, Con Thiên Chúa hằng sống" (Mat 16:16), Chúa Kitô ở trung tâm đức tin và đời sống của người Kitô hữu, ở trung tâm các chứng nhân đã đổ máu vì đức tin.
Nhờ đức tin này và mặc dù trải qua những cuộc bách hại, Giáo hội vẫn bành trướng liên tục. Ðức tin đã Kitô hoá dần dần cựu lục địa. Tiếp theo lời tuyên xưng của Phê- rô ở Xe- da rê Philippi, niềm tin thật sự trong Chúa Kitô, Thiên Chúa và con người, không ngừng trở nên trung tâm của đời sống Giáo hội, trở thành chứng nhân, thờ phụng và phụng vụ ngay cả khi mối đe doạ của bè phái Arius xuất hiện sau này. Có thể nói rằng ngay từ đầu đã có một trung tâm Kitô học trong Kitô giáo.
Trước hết, đây là đức tin đích thực và truyền thống sống động của Giáo hội. Sự kiện này được biểu lộ rõ ràng trong việc tôn sùng Ðức Maria và việc nghiên cứu về Ðức Maria : " Ngài được thụ thai bởi Chúa Thánh Linh và được sinh hạ bởi Ðức Maria Ðồng Trinh", (Kinh Tin của các tông đồ).
Một chiều kích và học thuyết về Ðức Maria trong Giáo Hội chỉ là một khía cạnh khác của trung tâm nghiên cứu về Ðức Kitô .
Chúng ta không bao giờ mệt mỏi khi lập lại những vấn đề này. Cho dù có một vài đặc điểm chung, Chúa Kitô không hề giống với Muhammad hoặc Socrates hoặc Ðức Phật. Ngài hoàn toàn độc đáo và độc nhất. Tính cách độc nhất của Chúa Kitô, như lời Phêrô đã tuyên xưng ở Caesares Philippi là trung tâm của niềm tin Giáo hội, như kinh Tin Kính đã biểu lộ: " Tôi tin vào Thiên Chúa, Chúa Cha Toàn năng, Ðấng tạo thành trời và đất; và trong Chúa Giêsu Kitô , Con một Ngài, Chúa chúng ta, Ngài đã được thụ thai bởi Chúa Thánh Thần, và sinh hạ bởi Ðức Trinh Nữ Maria, chịu nạn dưới thời quan Pontius Pilate, chịu đóng đinh, chịu chết và được mai táng. Ngài xuống nơi luyện ngục; ngày thứ ba Ngài sống lại từ cỏi chết; Ngài lên trời và ngự bên tay hữu Thiên Chúa Cha Toàn năng."
Kinh Tin Kính của các tông đồ cũng là việc tuyên xưng đức tin của Phêrô và toàn thể Giáo Hội. Bắt đầu từ thế kỉ thứ tư, Kinh Tin Kính của Công đồng Nice Constantinople được sử dụng trong giáo lí và phụng vụ và làm cho việc giáo huấn của Giáo hội trở nên phong phú. Nó làm phong phú giáo huấn qua việc Giáo hội gia tăng nhận thức khi thâm nhập vào nền văn hoá Hi lạp và ý thức rõ rệt hơn về nhu cầu giới thiệu giáo thuyết của mình bằng nhiều cách, giáo thuyết này trở nên thích hợp và có sức thuyết phục trong bối cảnh của nền văn hoá đó.
Ở Nicé và Constantinople, Chúa Giêsu Kitô được Xác định là " Con độc nhất của Thiên Chúa. Ðược sinh ra bởi Ðức Chúa Cha trước mọi thời đại. không phải được tạo thành, cùng bản tính với Ðức Chúa Cha; nhờ Người mà mọi vật đều được tạo thành" (Kinh Tin Kính Ni xê).
Những lối diễn đạt này không đơn giản là kết quả của nền văn hoá Hi lạp; chúng xuất phát trực tiếp từ di sản của các tông đồ. Nếu chúng ta muốn truy tìm nguồn gốc của những tư tưởng này, trước hết chúng ta nên tìm trong các bài viết của Phaolô và Gioan.
Học thuyết về Chúa Kitô của Phaolô cực kì phong phú. Ðiểm khởi đầu là biến cố xảy ra tại cửa thành Damascus. Chàng thanh niên Pha ri sêu đã bị mù, nhưng đồng thời với đôi mắt tâm hồn, ngài đã nhìn thấy toàn bộ sự thật về Chúa Kitô Phục sinh. Và ngài bày tỏ sự thật này qua các Thư gởi các giáo đoàn.
Những ngôn từ của kinh Tin Kính Nicé⠫hông gì khác ngoài sự phản ánh giáo thuyết của Phaolô. Những ngôn từ đó cũng chứa đựng di sản của thánh Gioan, nhất là (nhưng không phải là duy nhất) trong đoạn mở đầu Phúc âm của ngài (xem Ga I: 1-18). Toàn bộ Phúc âm cũng như trong các thư của ngài, là một chứng nhân cho Ngôi lời hằng sống, cho điều mà chúng ta đã nghe,/ điều chúng ta đã thấy bằng mắt/. và sợ tận tay" (I Ga 1:1).
Về một khía cạnh nào đó, Gioan có những phẩm chất lớn lao hơn Phaolô trong tư cách là một chứng nhân, cho dù lời chứng của Phaolô cũng gây xúc động một cách sâu xa. Việc so sánh giữa Phao lo và Gioan thật quan trọng. Gioan viết sau Phaolô. Tuy nhiên chúng ta phải truy tìm những lời tuyên xưng đức tin lúc ban đầu ngay chính trong tác phẩm của Phaolô.
Và không chỉ có trong các bài viết của Phaolô, chúng ta còn đọc thấy sự kiện đó trong Phúc âm của Luca, một môn đệ của Phaolô. Trên thực tế, trong sách của Luca có một trích đoạn được xem như là một chiếc cầu nối giữa Phaolô và Gioan. Tôi đang nhắc đến những lời Chúa Kitô phán và được Luca ghi lại - " Ngài hoan hỉ trong Chúa Thánh Linh" (xem Lc 10:21): " Con ngợi khen Cha, lạy Cha, Chúa tể trời đất, vì Cha đã trao ban những điều này không phải cho những kẻ khôn ngoan và học thức biết, nhưng Cha đã mạc khải cho những kẻ bé mọn. không ai biết Con là ai, trừ Cha và không ai biết Cha là ai trừ Con và bất cứ ai mà Con muốn mạc khải cho (Lc 10:21-22).
Ở đây, Luca diễn đạt một cách chính xác điều thánh Mát thêu hỏi Chúa Giêsu khi Ngài nói với Phêrô: " Không phải xác thịt và máu huyết đã mạc khải điều này cho con, nhưng chính là Cha Ta ở trên Trời" (Mat 16:17). Có mối quan hệ đúng đắn giữa lời khẳng định của Luca và những lời của Gioan trong bài Mở đầu: " Không ai nhìn thấy Thiên Chúa bao giờ. Chỉ có Chúa, Ðấng ngự bên tay hữu Chúa Cha, đã mạc khải cho Ngài" (Ga 1:18).
Sự thật này của Phúc âm xuất hiện lại nhiều lần trong các bài viết của Gioan. Học thuyết về Kitô trong Tân Ước tạo nên cảm xúc thật mãnh liệt. Các giáo phu,ác nhà kinh viện nổi tiếng, các nhà thần học trong các thế kỉ tiếp theo không làm gì khác hơn là ngỡ ngàng quay trở lại cái di sản mà họ thừa hưởng, để tìm hiểu nó một cách sâu sắc hơn.
Anh nên nhớ thư chung đầu tiên của tôi về Ðấng Cứu Chuộc con người (Redemptor Hominis) xuất hiện vào ngày sáu tháng 10 năm 1978 sau khi tôi được bầu vào chức vụ giáo hoàng. Sự kiện này có ý nghĩa là tôi thực sự mang những nội dung của nó trong người tôi. Tôi chỉ phải ghi lại theo trí nhớ và kinh nghiệm điều tôi đang sống trên ngưỡng cửa của triều Giáo hoàng.
Tôi nhấn mạnh điều này, vì thư chung một phần khẳng định về truyền thống của các trường học mà tôi xuất thân và phần khác về cách thức mục vụ, được phản ánh trong thư chung. Ðặc biệt trong Gaudium et Spes, công đồng đã đề nghị mầu nhiệm cứu chuộc nên được nhìn dưới ánh sáng của sự canh tân lớn lao của con người và của tất cả những gì thuộc về con người. Thư chung hướng đến việc trở nên một bài thánh ca vui mừng vĩ đại đối với sự kiện con người đã được cứu chuộc nhờ Ðức Kitô - được cứu chuộc trong tinh thần và thể xác. Sự cứu chuộc thể xác được biểu lộ trong một loạt các bài giáo lý của những buổi tiếp kiến giáo hoàng vào ngày thứ tư hàng tuần: " Ngài đã tạo nên họ có nam có nữ." Có lẽ tốt nhất nên nói: " Ngài đã cứu chuộc họ có nam có nữ."
Tám
ÐIỀU GÌ ÐÃ XẢY RA VỚI "LỊCH SỬ CỨU ÐỘ"?
Bằng cách nắm lấy lợi thế tự do, Ðức thánh Cha đã thuyết phục con, con sẽ tiếp tục nêu những câu hỏi có lẽ khiến ÐTC phải ngạc nhiên. Như ÐTC nhận xét, đó là những câu hỏi được nhiều người đương thời thắc mắc, đứng trước thông điệp của Phúc âm mà Giáo hội công bố, họ tự hỏi: " Tại sao lịch sử cứu độ (như các Kitô hữu nhắc đến) lại có vẻ quá phức tạp? Ðể tha thứ và cứu rổi cho chúng ta, Thiên Chúa, Người Cha yêu thương thật sự, có cần phải hi sinh Con riêng của mình một cách tàn nhẩn hay không?
Câu hỏi của anh có liên quan đến lịch sử cứu độ và đụng chạm đến ý nghĩa sâu xa nhất của cứu độ chuộc tội. Chúng ta hãy bắt đầu nhìn vào lịch sử của tư tưởng Châu âu sau Descartes. Tôi đặt Descartes lên hàng đầu vì ông đánh dấu việc khởi đầu cho một kỉ nguyên mới trong lịch sử tư tưởng Châu âu, và triết gia này, một trong những triết gia vĩ đại nhất mà nước Pháp đã sản sinh cho thế giới đã thiết lập thời kì xem con người là trung tâm trong triết học. " Tôi suy nghĩ, do đó tôi hiện hữu" như được nhắc đến ở trên, là khẩu hiệu của chủ nghĩa duy lí hiện đại.
Toàn bộ chủ thuyết duy lí của những thế kỉ sau cùng - trong cách diễn đạt Anglo-Saxon cũng như cách diễn đạt lục địa trong học thuyết Kant, Hegel và triết học Ðức thế kỉ XIX và XX cho đến Husserl và Heidegger - có thể được xem như sự nối tiếp và phát triển của chủ thuyết Descartes. Tác giả Meditationes de Prima Philosophia với những bằng chứng về bản thể học, đã bỏ xa chúng ta về triết học, cuộc sống và về những phương pháp truyền thống của thánh Tôma hướng đến Thiên Chúa là "sự hiện hữu độc lập"; Ipsum esse subsistent. Bằng cách làm cho ý thức chủ quan trở nên tuyệt đối, Descartes chuyển sang ý thức thuần tuy về cái tuyệt đối, đó chỉ là suy nghĩ thuần tuý. Một cái tuyệt đối như thế không phải là hiện hữu độc lập, nhưng đúng hơn là suy nghĩ độc lập. Chỉ có cái đáp ứng với suy nghĩ con người mới có ý nghĩa thật sự. Sự thật khách quan của suy nghĩ này không quan trọng bằng một điều gì đó đang tồn tại trong ý thức con người.
Chúng ta đang ở trên ngưỡng cửa của thuyết tự tại và thuyết chủ quan hiện đại. Descartes đánh dấu cho sự khởi đầu sự phát triển các khoa học chính xác và tự nhiên cũng như những khoa học nhân bản theo lối diễn đạt mới. Ông quay lưng lại với siêu hình học và tập trung vào triết học nhận thức. Kant là đại biểu đáng kính nhất của trào lưu này.
Mặc dù là cha đẻ của thuyết duy lí hiện đại không chịu trách nhiệm về việc tách rời khỏi Kitô giáo, chúng ta cũng đã nhận thấy ông ta đã tạo nên một tình trạng bất hoà không thể tránh khỏi trong kỉ nguyên hiện đại. Nó không xảy ra ngay tức khắc, nhưng từ từ.
Trên thực tế, khoảng 150 năm sau Descartes, tất cả những gì có tính cách Kitô giáo căn bản trong truyền thống tư tưởng Châu âu đã bị loại sang một bên. Ðây là thời đại Ánh sáng ở nước Pháp, khi mà chủ nghĩa duy lí có ảnh hưởng lớn nhất. Cuộc cách mạng Pháp, trong triều đại khủng bố, đã hạ bệ những bàn thờ cung hiến cho Chúa Kitô , ném những cây thánh giá xuống đường phố, đề xuất việc tôn thờ nữ thần lí trí. Trên nền tảng của sự kiện này, đó là việc công bố Tự Do, Bình Ðẳng và Huynh Ðệ. Gia sản tinh thần, nhất là gia sản luân lí của Kitô giáo, đã bị tách ra khỏi nền tảng Phúc âm. Ðể phục hồi sức sống sung mãn cho Kitô giáo, điều cốt yếu là những gia sản đó nên quay về nền tảng Kitô giáo.
Tuy nhiên tiến trình quay lưng lại Thiên Chúa của các giáo phụ, Thiên Chúa của Chúa Giêsu Kitô , Phúc âm và bí tích Thánh thể đã không dẫn đến sự đoạn tuyệt với Thiên Chúa hiện hữu bên ngoài thế giới. Trên thực tế, Thiên Chúa của những người hữu thần luôn luôn hiện hữu. Ngài thậm chí hiện hữu nơi những nhà bách khoa toàn thư Pháp, trong công trình của Voltaire và Jean Jacques Rousseau và thậm chí trong tác phẩm Philosophiae Naturalis Principia Mathematica (Những nguyên lí toán học của Triết học tự nhiên) của Isaac Newton, nó đánh dấu cho sự khởi đầu nền triết học hiện đại.
Tuy nhiên, Thiên Chúa này dứt khoát là một Thiên Chúa ở bên ngoài thế giới. Ðối với một tâm trạng được nhào nặn bởi ý thức tự nhiên về thế giới, một Thiên Chúa hiện hữu trong thế giới có vẻ vô dụng; hoá ra một Thiên Chúa làm việc vì con người lại vô dụng đối với tri thức hiện đại, khoa học hiện đại của con người, cái khoa học đang nghiên cứu những công trình về ý thức và tiềm thức. Thuyết duy lí của thời đại Ánh sáng loại bỏ Thiên Chúa đích thực - nói cụ thể hơn, Thiên Chúa Ðấng Cứu chuộc.
Hậu quả là con người được giả thuyết chỉ sống bằng lí trí, như thể Thiên Chúa không hiện hữu. Không những cần loại trừ Thiên Chúa ra khỏi tri thức khách quan của thế giới, từ khi sự hiện hữu của một Ðấng Sáng Tạo hoặc một Ðấng Quan Phòng không có lợi lộc gì cho khoa học, mà còn cần phải hành động như là Thiên Chúa không hiện hữu, không quan tâm đến thế giới. Chủ nghĩa duy lí của thời đại Ánh sáng có thể chấp nhận một Thiên Chúa ở bên ngoài thế giới trước tiên vì đó là một giả thuyết không thể chứng minh được. Tuy nhiên điều rất quan trọng là một Thiên Chúa như thế đã bị trục xuất ra khỏi thế giới.
Chín
TÍNH CÁCH TRUNG TÂM CỦA ƠN CỨU ÐỘ
Con đang hết sức theo dỏi lập luận triết học của Ðức Thánh Cha. Nhưng điều này liên quan đến câu hỏi của con về " lịch sử cứu độ" như thế nào?
Chính xác đó là điều mà tôi muốn nhắc đến. Với một cách suy nghĩ và hành động như thế, chủ nghĩa duy lí của thời đại Ánh sáng đánh thẳng vào trung tâm của cứu độ luận Kitô giáo, (tức là tư tưởng thần học về sự cứu độ) và trung tâm của sự cứu chuộc.
" Thiên Chúa đã yêu thế gian đến nổi đã ban Con Một của Ngài để ai tin vào Người sẽ không phải chết nhưng được sống đời đời" (Ga 3:16). Trong bài đối thoại này với Nicodemus, mỗi từ trong lời đáp của Chúa Kitô tạo nên một điểm tranh luận cho một formamentis (một tư tưởng) bắt nguồn từ thời đại Ánh sáng - không chỉ là thời đại Ánh sáng ở Pháp mà còn ở Anh và Ðức nữa.
Việc đưa ra câu hỏi " Tại sao lịch sử cứu rổi lại quá ư phức tạp?" - một câu hỏi dành cho nhiều người hiện nay- giúp chúng ta phân tích lời nói của Chúa Kitô trong Phúc âm thánh Gioan để hiểu được chúng ta đang bất hoà ở điểm nào với formamentis này.
Thực ra điều này rất đơn giản! Chúng ta có thể dễ dàng chứng minh tính cách đơn giản sâu sắc và cái lôgíc nội tại đáng kinh ngạc của nó trước tiên bằng lời nói của Chúa Giêsu với Nicodemus.
Sự khẳng định đầu tiên là: " Thiên Chúa rất yêu thương thế gian." Theo tinh thần của thời đại Ánh sáng, thế gian không cần đến tình yêu của Thiên Chúa. Thế gian tự lo liệu đầy đủ. Và Thiên Chúa trước tiên không phải là Tình yêu. Nếu là một điều gì đó, Ngài phải là Trí tuệ, một Trí tuệ luôn luôn hiểu biết. Không ai cần đến sự can thiệp của Ngài trong thế giới đang tồn tại, thế giới này tự mình lo liệu đầy đủ, dễ hiểu đối với sự hiểu biết của con người, mãi mãi thoát ra khỏi những mầu nhiệm nhờ nghiên cứu khoa học, mãi mãi là một hầm mỏ nguyên liệu vô tận dành cho con người. -bán thần linh của nền kĩ thuật hiện đại. Ðây là thế giới phải làm cho con người hạnh phúc.
Thay vào đó, Chúa Kitô nói với Nicodemus: " Thiên Chúa đã yêu thương thế gian đến nổi đã ban Con Một của Ngài để ai tin vào Ngài sẽ không phải chết" (xem Ga 3:16). Bằng cách này, Chúa Giêsu làm cho chúng ta hiểu rằng thế gian không phải là nguồn hạnh phúc tối hậu của con người.nói đúng hơn, nó chỉ có thể là nguồn gốc cho sự sụp đổ. Thế gian này có vẻ như là một công trường vĩ đại trong đó kiến thức được phát triển do con người, nó như là sự tiến bộ và văn minh, một hệ thống liên lạc tiên tiến, một cấu trúc của những nền tự do dân chủ không có giới hạn, nhưng thế giới này không thể nào làm cho con người hạnh phúc.
Khi Chúa Kitô nói đến tình yêu mà Chúa Cha dành cho thế gian, đúng ra Ngài nhắc lại lời khẳng định đầu tiên trong sách Sáng Thế, quyển sách cũng mô tả sự sáng tạo. Thiên Chúa đã nhìn thấy những điều đó tốt lành biết chừng nào. "Ngài nhận thấy điều đó rất tốt lành" (Stk 1:12-31). Nhưng sự khẳng định này không thể tạo nên sự bảo đảm tuyệt đối cho ơn cứu độ. Thế gian không thể làm cho con người hạnh phúc. Không thể nào cứu con người ra khỏi sự dữ trong mọi hình thức - ốm đau, dịch bệnh, thảm hoạ, tai ương v. v. Thế giới này với những sự phong phú và khát vọng, cần được cứu rổi, cần được cứu chuộc.
Thế giới không thể giải thoát con người khỏi đau khổ; đặc biệt nó không thể nào giải thoát cho con người khỏi sự chết: toàn thể thế giới đều lệ thuộc vào " tình trạng may rủi", như thánh Phaolô nói trong thư gởi tín hữu La mã; nó lệ thuộc vào sự hư nát và chết chóc. Trong chừng mực mà thể xác còn dính líu vào nó, thì con người cũng như thế. Bất tử không phải là một phần của thế giới này. Nó có thể diễn ra với con người một cách tuyệt đối từ Thiên Chúa. Ðây là lí do vì sao Chúa Kitô nói đến tình yêu của Thiên Chúa được biểu lộ trong việc hiến dâng "Con Một Người để con người sẽ không phải hư nát nhưng được sống đời đời"(Ga 3:16). Cuộc sống đời đời chỉ có thể trao ban cho con người bởi Thiên Chúa; nó chỉ có thể là quà tặng của Ngài. Nó không thể được trao ban cho con người bởi thế giới thụ tạo. Vạn vật - trong đó có con người - đều tuỳ thuộc vào " sự vô nghĩa". (xem Rom 8:20).
Thiên Chúa không gởi Con của Ngài đến thế gian để kết án thế gian, nhưng để thế gian nhờ Ngài mà được cứu rổi" (xem Ga 3:17).Thế gian mà Con Người tìm kiếm, khi Ngài trở thành người bị án phạt, vì tội lỗi đã thống trị toàn bộ lịch sử, từ khi tổ tông chúng ta sa ngã: đây là một điểm khác tuyệt đối không thể chấp nhận đối với tư tưởng sau thời đại Ánh sáng. Nó không chấp nhận hiện thực tội lỗi, đặc biệt nó không chấp nhận tội nguyên tổ.
Trong đợt viếng thăm sau cùng của tôi tại Ba lan, khi tôi chọn Mười Ðiều Răn và Ðiều răn về Tình yêu như là một đề tài cho các bài giảng, tất cả những người Ba lan theo tư tưởng Ánh sáng đã cảm thấy khó chịu. Ðối với những người này, Ðức giáo hoàng trở nên Persona non grata, khi ông ta cố thuyết phục thế gian về tội lỗi con người. Những phản đối về số phận này mâu thuẫn với điều mà thánh Gioan diễn đạt trong lời Chúa Kitô loan báo Chúa Thánh Thần hiện xuống để "thuyết phục thế gian chống lại tội lỗi" (xem Ga 16:8). Giáo hội có thể làm điều gì khác không? Tuy nhiên, thuyết phục thế gian về sự tồn tại của tội lỗi không giống như lên án thế gian về việc phạm tội. " Thiên Chúa không gởi Con của Ngài đến thế gian để lên án thế gian, nhưng để thế gian được cứu rổi nhờ Ngài." Thuyết phục thế gian chống lại tội lỗi tức là tạo nên những điều kiện cho sự cứu rổi. Nhận thức tình trạng đầy tội lỗi của chúng ta, kể cả tội lỗi kế thừa là điều kiện cho sự cứu rổi; điều kiện tiếp theo là xưng thú tội này trước mặt Chúa, Ðấng chỉ mong nhận lời thú tội để Ngài có thể cứu rổi loài người. Cứu rổi có nghĩa là ôm lấy và nâng lên bằng tình yêu cứu chuộc, với tình yêu luôn luôn lớn lao hơn bất cứ tội lỗi nào. Trong mối tương quan này, dụ ngôn "Người con hoang đàng" là một mô hình siêu việt.
Lịch sử cứu độ rất đơn giản. Ðó là một lịch sử trải rộng ra trong lịch sử trần thế của nhân loại, khởi đầu từ Adam đầu tiên, qua sự mạc khải của Adam thứ hai là Chúa Giêsu Kitô (xem 1 Cor 15:45) và kết thúc với sự hoàn tất sau cùng của lịch sử thế giới trong Chúa, khi Ngài sẽ là "Tất cả trong tất cả".(1 Cor 15:28).
Ðồng thời lịch sử này bao trùm lấy cuộc sống của từng người.Trong một ý nghĩa nào đó, nó hoàn toàn được chứa đựng trong dụ ngôn Người con hoang đàng, hoặc trong lời Chúa Kitô nói với người đàn bà ngoại tình: " Ta cũng không kết án chị. Hãy đi đi và từ nay về sau đừng phạm tội nữa." (Ga 8:11).
Lịch sử cứu độ được tổng hợp trong nhận xét cơ bản về việc can thiệp quy mô của Thiên Chúa vào lịch sử nhân loại. Sự can thiệp này đạt đến đỉnh điểm trong mầu nhiệm Phục sinh - Cuộc Khổ nạn, Cái Chết, Phục sinh và Lên Trời của Chúa Kitô - và được hoàn tất vào ngày Hiện Xuống của Chúa Thánh Linh trên các tông đồ. Lịch sử này, trong khi biểu lộ ý muốn cứu chuộc của Thiên Chúa, cũng bộc lộ sứ mạng của Giáo hội. Ðó là lịch sử của mỗi cá nhân và toàn thể gia đình nhân loại, được sáng tạo từ khởi thuỷ và được sáng tạo lại trong Chúa Kitô và trong Giáo hội. Thánh Augustine có cái nhìn rất sâu sắc về lịch sử này khi ngài viết tác phẩm De Civitate Dei (Ðô thị của Thiên Chúa), nhưng ngài không phải là người duy nhất.
Lịch sử cứu rổi tiếp tục cống hiến nguồn cảm hứng mới cho việc giải thích lịch sử nhân loại. Về vấn đề này, nhiều nhà tư tưởng và sử gia đương thời cũng quan tâm đến lịch sử cứu rổi. Thực ra đó là một đề tài hấp dẫn nhất trong các đề tài. Cuối cùng, tất cả các câu hỏi do Va ti căng II đề xuất đã có thể giản lược vào chủ đề này.
Lịch sử cứu độ không chỉ đưa ra câu hỏi về lịch sử của nhân loại mà còn giải quyết vấn đề ý nghĩa của cuộc sống con người.
Nói tóm lại, nó vừa là lịch sử vừa là siêu hình học. Có thể nói nó là hình thái đầy đủ nhất của thần học, thần học của tất cả những cuộc gặp gỡ giữa Thiên Chúa và thế gian. Hiến chế mục vụ về Giáo hội trong thế giới hiện đại, Gaudium et Spes, không gì khác hơn là một sự triển khai cho chủ đề lớn lao này.
Mười
TẠI SAO CÓ QUÁ NHIỀU SỰ DỮ TRÊN THẾ GIỚI?
Câu hỏi của ÐTC mở ra cho chúng con những viễn cảnh lớn lao và mê hoặc. Ðối với các tín hữu, những viễn cảnh đó chắc chăn là những chứng thực sâu xa hơn cho niềm hi vọng của họ.
Chúng ta không thể quên là trong mỗi thế kỉ, ở giờ phút của chân lí, ngay cả những người Kitô hữu cũng đã tự hỏi về một vấn đề ray rứt: làm thế nào tiếp tục tin vào TC được xem như một người Cha đầy lòng khoan dung, vào một TC - như Tân Ước mạc khải - được hiểu như tình yêu, khi mà đau khổ, bất công, bệnh tật và chết chóc có vẻ như thống trị lịch sử lớn lao của thế giới cũng như cuộc sống thường nhật nhỏ mọn của chúng ta?
Stat Crux dum volvitur orbis (Thánh giá vẫn trường tồn, trong khi trái đất vẫn quay). Như tôi đã từng nói, chúng ta nhận thấy chính chúng ta đang ở trung tâm của lịch sử cứu độ. Dĩ nhiên anh không thể quên điều được gọi là nguồn gốc của sự nghi ngờ không những về sự tốt lành của Thiên Chúa mà còn về sự hiện hữu của Ngài; làm thế nào Thiên Chúa lại cho phép có quá nhiều cuộc chiến tranh, trại tập trung và lò thiêu xác?
Phải chăng Thiên Chúa Ðấng thừa nhận tất cả những việc này vẫn còn là Tình Yêu đích thực như thánh Gioan tuyên bố trong thư thứ nhất của Ngài hay sao? Ngài có thực sự tôn trọng các vật thụ tạo của Ngài hay không? Phải chăng Ngài không đặt quá nhiều gánh nặng trên vai của các cá nhân hay sao? Ngài không bỏ con người cô độc với những gánh nặng này và xử phạt họ phải chịu một cuộc sống vô vọng hay sao? Có quá nhiều bệnh nhân vô phương cứu chữa trong các bệnh viện, quá nhiều trẻ em tật nguyền, quá nhiều cuộc sống nhân loại hoàn toàn bị tước đoạt khỏi hạnh phúc bình thường trên trái đất, hạnh phúc do tình yêu, hôn nhân và gia đình mang lại. Tất cả những điều này bổ sung thêm vào bức tranh bi thảm được mô tả trong nền văn học cổ điển và hiện đại. Chẳng hạn như chúng ta hãy nghiên cứu Fyodor Dostoyevski, Franz Kafka hoặc Albert Camus mà xem.
TC sáng tạo nên con người như là một con người có lý trí, có tự do, do đó đặt Ngài dưới sự phán xét của con người. Lịch sử cứu độ cũng là lịch sự của sự phán xét không ngừng của con người đối với TC. Không những lịch sử của những vấn nạn và hồ nghi của con người mà còn là lịch sử phán xét thực sự của họ đối với TC. Sách Job trong Cựu Ước là hình mẫu cho sự phán xét này. Cũng có sự can thiệp của ma quỷ, với sự tinh ranh hơn hẳn con người, không những ma quỷ phán xét con người mà còn phán xét những hành động của TC trong lịch sử loài người. Vấn đề này cũng đã được chứng thực trong sách Job.
Scandalum Crucis (tai tiếng của Thánh giá). Trong những câu hỏi trước anh đã nói về vấn đề một cách chính xác như sau: việc để con của Ngài đến cái chết trên thập giá có cần thiết cho sự cứu rổi nhân loại hay không?
Về cuộc tranh luận này, chúng ta phải tự hỏi: có thể nào khác không? TC có thể tự biện minh cho chính mình trước lịch sử nhân loại đầy đau khổ mà không đặt thánh giá Chúa Kitô ở ngay trung tâm của lịch sử đó hay không? Hiển nhiên câu trả lời có thể là TC không cần tự biện minh trước con người. Ngài là Ðấng Toàn năng. Từ viễn cảnh này, mọi sự Ngài làm hoặc cho phép phải được chấp nhận. Ðây là lập trường của thánh Job trong Kinh Thánh. Nhưng TC vừa là Ðấng Toàn năng vừa là đấng Khôn Ngoan và Tình Yêu. Ngài muốn tự biện minh trước nhân loại. Ngài không phải là Tuyệt Ðối tồn tại bên ngoài thế giới, dửng dưng với nổi đau khổ của nhân loại. Ngài là Emmanuel, TC ở cùng chúng ta, một TC chia sẻ số phận với con người và tham dự vào định mệnh của họ. Ðiều này còn làm sáng tỏ sự không hoàn hảo khác, hình ảnh hoàn toàn sai lạc về TC mà thời đại Ánh sáng chấp nhận một cách không phê phán. So với Tin Mừng, hình ảnh này chắc chắn biểu hiện một bước thụt lùi, không những theo chiều hướng hiểu biết đầy đủ hơn mà còn theo chiều hướng ngộ nhận về TC và thế giới.
Không, tuyệt đối không, TC không phải là một người nào đó chỉ hiện hữu bên ngoài thế giới và bằng lòng với việc hiểu biết mọi sự và toàn năng nơi chính mình ngài. Sự khôn ngoan và toàn năng của Ngài được đặt để, bằng sự lựa chọn tự do, vào việc phục vụ loài thụ tạo. Nếu đau khổ tồn tại trong lịch sử nhân loại, chúng ta mới hiểu tại sao sự toàn năng của Ngài được biểu lộ trong sự toàn năng của việc tự hạ mình trên thập gia. Tai tiếng của thánh giá vẫn còn là chìa khoá giải thích cho mầu nhiệm lớn lao của đau khổ, nó gần như là một phần của lịch sử nhân loại. Ngay cả những người phê phán Kitô giáo đương thời cũng đồng ý về vấn đề này. Thậm chí họ cũng nhận thấy rằng Chúa Kitô chịu đóng đinh là bằng chứng cho sự đoàn kết giữa TC với con người trong sự đau khổ. TC đặt chính mình về phía con người. Ngài cũng thực hiện trong một đường lối căn bản: " Ngài tự làm cho mình trở nên thiếu thốn, mặc lấy thân phận nô lệ để nên giống với con người / một khi mặc lấy hình hài nhân loại, ngài tự hạ mình / vâng lời cho đến chết / thậm chí chết trên thập giá (Phil 2: 7-8). Mọi sự đều được chứa đựng trong lời tuyên bố này. Mọi đau khổ của cá nhân và tập thể do sức mạnh của thiên nhiên gây nên và không bị đè nén bởi ý muốn tự do của con người - chiến tranh, ngục tù, lò thiêu xác - những lò thiêu xác không những dành cho những người Do thái mà còn cho những người nô lệ da đen từ Châu Phi.
Mười một
TẠI SAO THIÊN CHÚA CHỊU ÐỰNG SỰ ÐAU KHỔ?
Sự phản đối của nhiều người đối với câu trả lời ở trên rất rõ ràng - vấn đề đau khổ và sự dữ trên thế giới không bị né tránh nhưng chỉ được chuyển đổi. Ðức tin quả quyết rằng TC là toàn năng. Vậy thì tại sao Ngài đã không loại bỏ - và có phải Ngài khư khư không loại bỏ - sự đau khổ trên thế giới mà Ngài đã sáng tạo? Phải chăng chúng ta không được giới thiệu với một thứ " bất lực thần thánh" một thứ thậm chí được nhắc đến bởi những người sùng đạo một cách chân thành, nhưng đức tin họ có lẽ bị xáo trộn sâu sắc?
Vâng, trong một ý nghĩa nào đó, chúng ta cho rằng để đương đầu với sự tự do của con người, TC đã quyết định tự làm cho chính Ngài trở nên "toàn năng". Chúng ta cũng có thể nhận định rằng TC đang trả giá cho món quà vĩ đại được Ngài ban tặng cho một sinh vật mà ngài đã sáng tạo theo "hình ảnh của Ngài, theo dáng vóc của ngài" (x.STK I:26). Trước món quà này, Ngài vẫn luôn kiên trì và tự đặt mình trước sự phán xét của con người, trước một toà án bất hợp pháp tra xét Ngài với những câu hỏi khiêu khích : "Ngươi là vua ư? (Ga.18:37); có đúng là tất cả những gì xảy ra trên thế giới, trong lịch sử nhân loại, trong lịch sử của mọi quốc gia, tuỳ thuộc vào ngươi?".
Chúng ta biết câu trả lời của Chúa Kitô cho thắc mắc này trước toà Phi la tô: " Vì điều này mà Ta đã sinh ra và cũng vì nó mà ta đến trong thế gian để làm chứng cho sự thật" (Ga 18:38), ở đây kết thúc tiến trình pháp lí, cái tiến trình bi đát trong đó con người đã tố cáo TC trước toà án lịch sử, trong đó bản án được công bố không đúng với sự thật. Phi la tô nói : "Ta không thấy người này mắc tội gì" (Ga 18:38) và rồi một giây sau, ông hạ lệnh: " Các ngươi hãy nhận lấy ông ta và đem đi mà đóng đinh" (Ga 19:6). Bằng cách này, ông ta đã rửa tay tìm lối thoát và trao trả lại trách nhiệm cho đám đông hung bạo.
Tuy nhiên, việc kết án TC do con người không dựa trên sự thật, nhưng trên sự ngạo mạn, sự đồng loã dối trá. Ðây không phải là sự thật về lịch sử nhân loại, sự thật về thế kỉ của chúng ta hay sao? Trong thời đại ngày nay, cũng sự kết án như thế được lập đi lập lại trong nhiều toà án của những chế độ độc tài áp bức. Và nó cũng không phải được tái diễn trong những nghị viện của những nước dân chủ nơi mà luật pháp đã thường xuyên kết án tử hình cho một con người chưa sinh ra hay sao?
TC luôn ở về phía đau khổ. Sự toàn năng của Ngài được biểu lộ một cách đúng đắn trong việc Ngài tự nguyện chấp nhận đau khổ. Ngài có thể không chọn làm điều đó, Ngài có thể lựa chọn để chứng minh sự toàn năng của Ngài lúc chịu đóng đinh. Trong thực tế, điều này cũng được đề nghị đối với Ngài: " Ðấng Messiah, vua Ít ra en, hãy xuống khỏi thập giá ngay lúc này để cho chúng tôi có thể nhìn thấy và tin" (Mk 15:32). Nhưng Ngài đã không chấp nhận thách thức đó. Sự kiện Ngài đã ở lại trên thập giá cho đến phút cuối cùng, việc Ngài than thở trên thập giá, giống như tất cả những người đang đau khổ: " Lạy Chúa, lạy Chúa, tại sao Chúa bỏ rơi con?" vẫn còn là một lí lẽ đanh thép nhất trong lịch sử loài người. Nếu sự hấp hối trên thập giá đã không xảy ra, sẽ không có được sự thật về TC là Tình Yêu.
Vâng, TC là Tình Yêu và chính vì điều này Ngài đã trao ban Con của Ngài để mạc khải chính Ngài như là Tình Yêu một cách trọn vẹn. Chúa Kitô là Ðấng Duy nhất đã yêu.cho đến tận cùng (Ga 13:1). "Cho đến tận cùng" có nghĩa là cho đến hơi thở cuối cùng. "Cho đến tận cùng" có nghĩa là chấp nhận mọi hậu quả tội lỗi của loài người, nhận lấy tội lỗi vào mình. Ðiều này đã xảy ra đúng như lời tiên tri Isaia đã quả quyết: "Chính những khuyết tật của chúng ta mà Ngài phải gánh lấy /. tất cả chúng ta đã đi lạc đường như con chiên lạc / mỗi người đi theo con đường riêng rẽ / nhưng TC đã đặt lên mình Ngài tội lỗi của tất cả chúng ta (Is 53: 4-6). Con Người đau khổ là sự mạc khải của Tình yêu " cam chịu tất cả mọi sự" (I Cor 13:7), của Tinh yêu "vĩ đại nhất" (xem I Cor 13:13). Ðó là sự mạc khải không những về TC là Tình Yêu mà còn về Ðấng Duy nhất " làm chảy tràn tình yêu vào con tim chúng ta qua Chúa Thánh Linh (xem Roma 5:5). Cuối cùng, trước khi Chúa Kitô chịu đóng đinh, người nào dự phần vào việc cứu rổi sẽ có ưu thế hơn người tự cho mình là quan toà cứng rắn đối với những hành động của TC trong cuộc sống của riêng mình cũng như của toàn thể nhân loại.
Vì thế chúng ta nhận thấy chúng ta đang ở trung tâm của lịch sử cứu độ. Sự phán quyết của TC trở thành sự phán quyết của con người. Lãnh vực TC và nhân loại của biến cố này gặp gở, giao nhau và trùng lấp. Chúng ta nên dừng lại ở đây. Từ núi Phúc Thật, con đường của Tin Mừng dẫn đến đồi Can-vê và đi ngang qua núi Ta-bo, núi Biến Hình. Sự khó khăn và thách thức trong việc hiểu được ý nghĩa của đồi Can-vê lớn lao đến mức chính TC muốn cảnh báo các tông đồ về những gì sẽ xảy ra vào giữa ngày thứ sáu Tuần thánh và Chúa nhật Phục sinh.
Ðây là ý nghĩa quyết định của ngày thứ sáu Tuần thánh: " Hỡi con người, ngươi là kẻ xét xử TC, kẻ ra lệnh cho Ngài phải tự mình biện hộ trước toà án của ngươi, hãy nghĩ đến chính ngươi, phải chăng ngươi không chịu trách nhiệm về cái chết của Con Người bị kết án này, phải chăng phán quyết của TC không phải là một phán quyết đối với chính ngươi. Hãy nghiên cứu xem phải chăng phán quyết này và kết quả của nó - Thập giá và sự Phục sinh - không phải là con đường duy nhất dẫn đến cứu độ hay sao.
Khi Tổng lảnh thiên thần Ga bi ri en loan báo cho Thánh Nữ đồng trinh thành Na da rét việc Chúa Con sinh ra, mạc khải vương quốc của Ngài sẽ trở nên vô cùng tận (x Lc I:33). Thật khó mà biết trước những lời này báo trước một tương lai như thế; vương quốc của TC sẽ xảy ra với một cái giá như thế; từ lúc đó trở đi lịch sử cứu độ của toàn thể nhân loại phải đi theo con đường như thế.
Phải chăng chỉ từ lúc đó? Hoặc chính xác lúc ban đầu? Biến cố Can vê là một sự kiện lịch sử. Tuy nhiên nó không bị giới hạn trong thời gian và không gian. Nó quay về quá khứ, về lúc khởi đầu và mở ra cho tương lai đến tận cùng của lịch sử. Nó bao trùm lên mọi vị trí và thời đại cũng như toàn thể nhân loại. Chúa Kitô là sự mong đợi và đồng thời cũng là sự viên mãn. " Không có bất cứ sự cứu độ bởi bất cứ người nào khác, không có bất cứ danh hiệu nào khác dưới bầu trời được trao ban cho loài người để có thể cứu chuộc chúng ta (Tđcv 4:12).
Kitô giáo là một tôn giáo cứu độ- soteriological religion, nói theo danh từ thần học- Học thuyết cứu độ Kitô giáo tập trung vào mầu nhiệm Phục sinh. Ðể hi vọng vào sự cứu độ của TC, con người phải dừng lại dưới chân thập giá Chúa Kitô . Do đó ngày Chúa nhật sau ngày Sa bát, họ phải đứng đối mặt với ngôi mộ trống rỗng và lắng tai nghe như những phụ nữ thành Giê ru sa lem : " Ngài không còn ở đây, vì Ngài đã sống lại" (Mt 28:6). Bao hàm trong Thập giá và Phục sinh, chính là sự kiện TC đã giải thoát con người một cách chắc chắn. Ngài đã cứu thoát họ qua Ðức Kitô , qua Thập giá và sự Phục sinh của Ðức Kitô .
Mười hai
"CỨU ÐỘ" CÓ Ý NGHĨA GÌ?
Ðức thánh Cha nhận thấy sự kiện là trong nền văn hoa hiện nay, chúng con, những người bình thường có nguy cơ không hiểu gì về ý nghĩa sâu xa nhất của thị kiến Kitô giáo. Vậy, con xin hỏi ÐTC, bằng những ngôn từ cụ thể nhất, cứu độ có ý nghĩa gì đối với đức tin? Sự cứu độ này, như ÐTC nói, nằm ở trung tâm Kitô giáo có ý nghĩa như thế nào?
Cứu độ có nghĩa là giải thoát khỏi sự dữ. Ðiều này không những liên quan đến sự dữ xã hội như bất công, áp bức, bóc lột. Nó không chỉ liên quan đến bệnh tật, những tai ương, những thảm hoạ tự nhiên và tất cả những gì được xem như tai hoạ trong lịch sử nhân loại.
Cứu độ có nghĩa là giải thoát khỏi mọi sự dữ cơ bản. Bản thân cái chết không phải là một thứ sự dữ, nếu như nó đi kèm với sự Phục sinh. Sự Phục sinh diễn ra nhờ công trạng của Chúa Kitô . Nhờ công trạng của Ðấng Cứu độ cái chết không còn là sự dữ tột cùng, nó lệ thuộc vào quyền năng trên cuộc sống.
Thế giới không có được quyền năng như thế. Thế giới có khả năng hoàn thiện những phương pháp trị liệu trong những lãnh vực khác nhau, nhưng nó không có quyền năng giải phóng con người khỏi sự chết. Do đó thế giới không thể là nguồn cứu độ cho con người. Chỉ có TC cứu độ và Ngài cứu độ toàn thể nhân loại qua Chúa Kitô . Danh hiệu đích thực Jesus. Jeshua (TC Cứu độ) loan báo sự cứu độ này. Nhiều người Do thái mang danh hiệu này theo dòng lịch sử, nhưng có thể nói rằng danh hiệu này đang mong chờ Người Con Duy nhất của dân tộc Do thái, đấng được xem như xác nhận chân lí của nó: " Không phải Ta là TC, chứ không có TC nào khác hay sao? Không có bất cứ TC chính đáng và cứu độ nào ngoài Ta (xem Is 45:21).
Cứu độ có nghĩa là giải thoát khỏi sự dữ căn bản. Sự dữ này không những là sự suy sụp dần dần của con người theo thời gian và sự nhận chìm sau cùng của họ trong vực thẳm của sự chết. Thậm chí một sự dữ căn bản hơn nữa chính là việc con người chối bỏ TC, tức là án phạt đời đời, hậu quả của việc con người chối bỏ TC.
Án phạt là điều trái ngược với sự cứu độ. Cả hai được liên kết với số phận con người để sống đời đời. Cả hai giả định trước tình trạng bất tử của con người. Cái chết trần thế không thể huỷ diệt số phận của con người về cuộc sống đời đời.
Cuộc sống đời đời là gì? Ðó là hạnh phúc xuất phát từ sự kết hợp với TC. Chúa Kitô xác quyết: " Ðây là cuộc sống đời đời, đó là việc họ nhận biết Cha, TC duy nhất đích thực và nhận biết Ðấng Duy nhất mà Cha đã sai đến là Chúa Kitô " (Ga 17:3). Sự kết hợp với TC được thực hiện trong việc diện kiến với TC (I Cor 13:12) một diện kiến được gọi là " phúc thật", vì nó đưa đến việc con người đạt được khát vọng về chân lí. Thay thế cho nhiều chân lí mà con người đạt được nhờ kiến thức tiền khoa học và khoa học, diện kiến TC cho phép chúng ta thụ hưởng tình trạng viên mãn tuyệt đối của chân lí. Theo cách này, khát vọng của con người hướng đến chân lí được thoả mãn một cách tột bực.
Tuy nhiên, sự cứu độ không thể rút gọn vào vấn đề này. Trong khi nhận biết TC "mặt đối mặt", con người đạt được tình trạng viên mãn tuyệt đối về điều thiện hảo. Trực giác về ý tưởng thiện hảo theo Platon tìm thấy trong Kitô giáo là sự thừa nhận siêu triết lí. Ðiều chúng ta bàn ở đây không phải là kết hợp với ý tưởng về thiện hảo nhưng đúng hơn là kết hợp với chính thiện hảo. TC là sự Thiện hảo này. Ðối với người thanh niên lên tiếng hỏi: " Thưa thầy thiện hảo, con phải làm gì để được sống đời đời?" Chúa Kitô đáp: " Tại sao anh gọi ta là Ðấng thiện hảo? Không có ai là thiện hảo ngoại trừ TC" (Mk 10: 17-18).
Với tư cách là thiện hảo viên mãn, TC là cuộc sống viên mãn .Cuộc sống ở trong Ngài và từ Ngài. Ðây là cuộc sống không có bất cứ giới hạn nào về thời gian hoặc không gian. Ðó là cuộc sống đời đời; sự tham dự vào cuộc sống của chính TC, nó diễn ra trong sự hiệp thông đời đời với Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Linh. Tín điều Thiên Chúa Ba Ngôi diễn đạt chân lí về cuộc sống mật thiết của TC và mời gọi chúng ta đón nhận cuộc sống đó. Trong Chúa Giêsu Kitô , con người được mời gọi vào một cuộc tham gia như thế.
Cuộc sống đời đời chính xác là điều này. Cái chết của Chúa Kitô trao ban cho chúng ta sự sống, vì nó cho phép các tín hữu dự phần vào cuộc Phục sinh của Người. Phục sinh chính là Mạc khải về cuộc sống, nó được thừa nhận như là một quà tặng bên kia biên giới của cái chết. Trước Cái chết và Phục sinh của mình, Chúa Kitô đã cho La da rô sống lại, nhưng trước khi thực hiện việc đó, Ngài đã có một cuộc đàm đạo đầy ý nghĩa với các chị của La da rô. Mát ta nói: "Lạy thầy, nếu như thầy có mặt ở đây, thì chắc em con đã không chết." Chúa Kitô nói: " Em con sẽ sống lại." Mát ta đáp lại: " Con biết em con sẽ sống lại trong ngày Phục sinh sau cùng." Và Chúa Giêsu trả lời: " Ta là sự sống lại và là sự sống; bất cứ ai tin vào Ta, cho dù có chết đi, người đó cũng sẽ sống, và bất cứ ai sống mà tin vào Ta cũng sẽ không bao giờ chết được." (Ga 11:21,23:26).
Những lời này được thốt ra vào dịp La da rô sống lại chứa đựng chân lí về sự Phục sinh của thể xác qua Chúa Kitô . Sự Phục sinh và chiến thắng của Ngài trên cái chết bao trùm lên tất cả mọi người.. chúng ta được gọi đến sự cứu độ, chúng ta được mời gọi để tham dự vào cuộc sống, cuộc sống này được mạc khải qua sự Phục sinh của Chúa Kitô .
Theo thánh Mát thêu, sự phục sinh thể xác đã được báo trước bằng việc phán xét trên những công việc bác ái đã làm hoặc không làm. Như là một kết quả của phán xét, người công chính được dành cho cuộc sống đời đời. Cũng có dự định dành cho án phạt đời đời, đó là do sự chối bỏ TC, sự cắt đứt dứt khoát sự hiệp thông với Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Linh. Ở đây không phải TC chối bỏ con người, nhưng con người chối bỏ Thiên Chúa.
Án phạt đời đời đã được công bố trong Tin Mừng. Nó được thực hiện đến mức độ nào trong cuộc sống bên kia nấm mồ? Ðây là một mầu nhiệm lớn, tuy nhiên, chúng ta không bao giờ quên TC "mong muốn mọi người đều được cứu độ và nắm được chân lí" (I Tim 2:4).
Hạnh phúc xuất phát từ sự hiểu biết chân lí, từ việc diện kiến TC, từ việc dự phần vào cuộc sống của Ngài. Hạnh phúc này là một phần của khát vọng sâu xa nhất của con người, nên những lời vừa nêu trên trong thư thứ nhất gởi cho Ti mô tê xem như được chứng minh một cách đầy đủ: Ðấng Duy Nhất đã tạo dựng nên con người với ước muốn căn bản. Ngài không thể xử sự một cách khác với điều văn bản mạc khải đã chỉ rõ; Ngài không thể nhưng muốn " mọi người được cứu độ và nắm bắt chân lí".
Kitô giáo là một tôn giáo cứu độ. Sự cứu độ ở đây chính là sự cứu độ của thập giá và sự Phục sinh. TC, Ðấng mong muốn con người có thể sống (xem Ez 18-23), xích lại gần con người nhờ cái chết của Con Một Ngài để mạc khải cuộc sống mà họ được mời gọi vào nơi TC. Bất cứ ai tìm kiếm sự cứu độ, không riêng gì những người Kitô hữu, họ cũng phải dừng lại trước thập giá của Chúa Kitô .
Họ có muốn chấp nhận chân lí của mầu nhiệm Phục sinh hay không? Họ có đức tin hay không? Ðó là một vấn đề khác. Mầu nhiệm cứu rổi là một biến cố đã xảy ra. TC ôm lấy tất cả mọi người bằng thập giá và sự Phục sinh của Con Ngài. TC ôm lấy mọi người với cuộc sống được mạc khải trên thập giá và Phục sinh và nhờ đó cuộc sống không ngừng được nảy sinh. Giống như dụ ngôn "cây nho" và "ngành nho" trong Phúc âm thánh Gioan nêu rõ (xem Ga 15:1-8). Mầu nhiệm Phục sinh ngày nay được ghép vào lịch sử nhân loại, vào lịch sử của từng cá nhân.
Học thuyết cứu độ Kitô giáo là một học thuyết cứu độ của cuộc sống viên mãn. Ðó không chỉ là học thuyết cứu độ của chân lí được mạc khải, nhưng đồng thời nó cũng là học thuyết cứu độ của Tình yêu. Trong ý nghĩa nào đó, nó là học thuyết cứu độ của tình yêu TC.
Hơn tất cả, tình yêu có được một quyền lực cứu độ Quyền lực cứu độ của tình yêu, theo thánh Phaolô trong thư thứ nhất gởi cho tín hữu Côrintô, rộng lớn hơn quyền lực của sự hiểu biết chân lí: " Vì vậy, cả ba thứ: Ðức tin, Hi vọng, Tình yêu đều tồn tại, nhưng vĩ đại nhất vẫn là Tình yêu" (I Cor 13:13). Cứu độ bởi tình yêu cũng là sự dự phần vào sự viên mãn của chân lí cũng như của cái đẹp. Tất cả những điều này đều có ở nơi TC. Tất cả "những kho tàng của cuộc sống và thánh thiện" (kinh nguyện Thánh tâm Chúa Giê su) TC đã ban phát cho con người qua Chúa Giêsu Kitô .
Sự kiện Kitô giáo là một tôn giáo cứu độ được biểu lộ trong đời sống bí tích của Giáo hội. Chúa Kitô đến "để chúng ta có thể sống và sống dồi dào hơn nữa" (xem Ga 10:10). Ngài tỏ bày cho chúng ta những nguồn mạch của cuộc sống này. Ngài làm như thế theo một đường lối đặc biệt nhờ mầu nhiệm Phục sinh của ngài. Liên quan đến mầu nhiệm này là bí tích Rửa tội và bí tích Thánh thể, những bí tích tạo nên mầm sống đời đời nơi con người. Trong mầu nhiệm Phục sinh, Chúa Kitô thiết lập quyền lực tái sinh của bí tích Hoà giải. Sau khi Phục sinh, Ngài đã nói với các tông đồ: " Hãy nhận lấy Chúa Thánh Linh. Các con tha tội cho ai thì người ấy sẽ được tha (Ga 20:22-23).
Sự kiện Kitô giáo là một tôn giáo cứu độ cũng được biểu lộ trong việc thờ phượng. Ở giữa kinh Opus laudis (một bài kinh ca tụng) cũng đề cập đến sự tán dương phục sinh và cuộc sống.
Phụng vụ của Giáo hội Phương Ðông đặt trọng tâm vào sự Phục sinh. Giáo hội Phương Tây mặc dù vẫn ưu tiên cho sự Phục sinh, nhưng lại tiến xa hơn theo chiều hướng đến tuần Thương Khó. Việc tôn kính thập giá Chúa Kitô đã hình thành lịch sử của lòng mộ đạo Kitô giáo và gây nguồn cảm hứng cho những vị thánh cả nổi bật qua hàng thế kỉ trong lòng Giáo Hội. Tất cả những vị thánh, bắt đầu từ thánh Phaolô, đã là những người " yêu mến thập giá Chúa Kitô (xem Gal 6:14). Một vị trí đặc biệt trong số họ được dành cho thánh Phanxicô Axidi, nhưng cũng dành cho nhiều vị khác. Không có sự thánh thiện Kitô giáo nào mà lại không có niềm sốt mến đối với sự Thương Khó, cũng như không có sự thánh thiện nào mà lại không có sự tập trung vào mầu nhiệm Phục sinh.
Giáo hội phương Ðông cũng coi trọng lễ Biến Hình. Các thánh của Giáo hội Chính Thống rất chú trọng đến mầu nhiệm này. Các thánh của Giáo hội Công giáo cũng nhận được những dấu thánh, bắt đầu từ thánh Phanxicô Axidi. Các ngài mang trên mình những dấu thánh giống y hệt như những dấu thánh trên thân thể Chúa Kitô vào mùa Thương Khó. Do đó, qua hai ngàn năm, vẫn diễn ra sự tổng hợp lớn lao của cuộc sống và sự thánh thiện này, và Chúa Kitô luôn luôn là trung tâm của sự tổng hợp đó.
Với mục đích hướng đến sự sống đời đời, và hạnh phúc nơi chính TC, Kitô giáo, nhất là Kitô giáo phương Tây, không bao giờ là một tôn giáo dửng dưng với trần thế. Nó luôn cởi mở đối với thế giới, với những thắc mắc, lo lắng và hi vọng của nó. Ðiều này được diễn đạt trong Hiến chế mục vụ về GH trong thế giới mới, Gaudium et Spes, văn kiện ra đời do sáng kiến cá nhân của Ðức Gioan XXIII. Trước khi tạ thế, ngài đã có đủ thời gian để trao nó cho Công đồng đúng như lòng mong ước của cá nhân ngài.
Aggiornamento (Cập nhật) không chỉ liên quan đến việc canh tân GH, không chỉ liên quan đến sự hiệp nhất giữa những người Kitô hữu " mà thế giới có thể tin cậy" (Ga 17:21). Ðó là hành động cứu độ của TC nhân danh thế giới; hoạt động cứu độ tập trung vào thế giới này, một thế giới đang chết dần, nhưng vẫn luôn hướng về sự vĩnh hằng. GH quan tâm đến sự viên mãn sau cùng, sự viên mãn mà Chúa Kitô hướng dẫn chúng ta đến. Bản chất cứu độ của GH được chứng thực trong mọi lãnh vực của cuộc sống trần thế của con người. GH là thân thể của Chúa Kitô , một thân thể hằng sống đang trao ban cuộc sống cho mọi tạo vật.
Mười ba
TẠI SAO LẠI CÓ QUÁ NHIỀU TÔN GIÁO?
Nhưng nếu TC ở trên trời - Ðấng đã cứu độ và tiếp rục cứu độ thế giới- Ngài là đấng Duy nhất đã tự mạc khải nơi Ðức Giêsu Kitô , tại sao Ngài lại cho phép có quá nhiều tôn giáo tồn tại?
Tại sao Ngài làm cho việc truy tìm chân lí hết sức cam go giữa khu rừng của những lễ nghi, những tín ngưỡng, những mạc khải, những niềm tin luôn phát sinh trên khắp thế giới?
Anh nói đến việc có nhiều tôn giáo. Tôi sẽ cố gắng vạch rõ yếu tố căn bản chung và nguồn gốc chung của những tôn giáo này.
Công đồng định nghĩa mối tương quan giữa GH và các tôn giáo không phải Kitô giáo trong một văn kiện đặc biệt bắt đầu bằng cụm từ Nostra Aetate ("Thời đại chúng ta"). Ðó là một tài liệu súc tích và phong phú, dựa trên truyền thống một cách trung thực, trung thành với các tư tưởng của các giáo phụ đầu tiên của GH.
Từ nguyên thuỷ, Mạc khải Kitô giáo đã nhìn nhận lịch sử tinh thần của con người bao gồm tất cả các tôn giáo theo một cách nào đó, điều đó cho thấy sự hợp nhất của loài người đối với số phận đời đời và sau cùng của con người. Tài liệu Công đồng nói đến sự hiệp nhất và liên kết nó với khuynh hướng thịnh hành làm cho nhân loại sống khép kín hơn bằng những thủ đoạn có lợi cho nền văn minh hiện nay. G H xem sự cổ vũ cho sự hiệp nhất này như là một trong những bổn phận của GH: " Chỉ có một cộng đồng duy nhất bao gồm tất cả các dân tộc. Các dân tộc chỉ có một nguồn gốc từ khi TC ban cho toàn thể loài người cư ngụ trên khắp mặt đất này. Và họ chỉ có một số phận tối hậu, đó là TC; sự quan phòng, sự thiện hảo và chương trình cứu độ của Ngài triển khai cho mọi người.con người cầu cứu những tôn giáo khác nhau để giải đáp những mầu nhiệm về thân phận của họ, những mầu nhiệm đó hiện nay cũng như xưa kia đã nung nấu tâm can con người: bản chất của con người; ý nghĩa và mục đích của cuộc sống; sự lành và sự dữ; nguồn gốc và cứu cánh của đau khổ; con đường đưa đến hạnh phúc đích thực; cái chết; sự phán xét và thưởng phạt sau khi chết; sau cùng là mầu nhiệm lớn lao: nguồn gốc và số phận cuộc sống của con người. Từ xa xưa cho đến nay, tất cả các dân tộc khác nhau đã chia sẻ và tiếp tục chia sẻ sự nhận thức quyền năng bí ẩn trong sự tuần hoàn của vạn vật và những biến cố trong cuộc sống con người, trong đó, ngay cả Thượng đế Tối Cao, Thiên Chúa cũng có thể nhận ra được. Sự nhận thức và hiểu biết thấm vào cuộc sống với một ý nghĩa mật thiết mang tính cách tôn giáo. Các tôn giáo bị ràng buộc với sự phát triển văn hoá cố gắng giải quyết những vấn đề trên bằng những khái niệm tinh tế và một ngôn ngữ chính xác hơn (Nostra Aetate 1-2).
Ở đây văn kiện Công đồng đưa chúng ta đến miền Viển đông - trước nhất là Châu Á, một lục địa mà hoạt động truyền giáo của GH đã tiến hành từ thời các tông đồ nhưng mang lại kết quả hết sức khiêm tốn như chúng ta biết. Chỉ có một tỉ lệ nhỏ dân số trên cái lục địa lớn nhất này tin vào Chúa Kitô .
Ðiều này không có nghĩa là nổ lực truyền giáo của GH đã trở nên vô hiệu- hoàn toàn ngược lại, nổ lực đó đã và vẫn còn mãnh liệt. Truyền thống của các nền văn hoá rất cổ xưa, có trước Kitô giáo, vẫn còn rất mạnh ở phương Ðông. Cho dù niềm tin vào Ðức Kitô đạt đến tâm hồn và trí óc, những ghi nhận tiêu cực kết hợp với hình ảnh về cuộc sống trong xã hội Tây phương (được gọi là xã hội Kitô giáo) vẫn cho thấy việc chấp nhận Tin Mừng vấp phải một trở ngại to lớn. Mahatma Gandhi, một người Ấn theo đạo Hindu, đã nêu rõ vấn đề này nhiều lần trong lối rao giảng Tin mừng của ông. Ông ta bị vỡ mộng với những đường lối của Kitô giáo được mô tả trong đời sống chính trị và xã hội của các quốc gia. Một con người tranh đấu để giải phóng quốc gia to lớn của mình thoát ách đô hộ thuộc địa có thể chấp nhận Kitô giáo áp đặt lên quốc gia của ông một hình thức giống như quyền lực thuộc địa hay không?
Công đồng Vatican II cũng đã nhận thức được sự khó khăn này. Ðây là lí do vì sao văn kiện về những mối quan hệ giữa GH và Ấn giáo cũng như với các tôn giáo khác ở Viển đông lại trở nên hết sức quan trọng. Chúng ta đọc thấy như sau: trong Ấn giáo con người thăm dò mầu nhiệm của Thượng đế và diễn đạt nó qua những huyền thoại phong phú và cái nhìn bao quát có tính chất triết lí sâu sắc. Họ tìm kiếm tự do từ nổi thống khổ của thân phận con người bằng lối sống khổ hạnh, chiêm niệm sâu xa hoặc tìm chỗ trú ẩn nơi Thượng đế với tình yêu và tin cậy. Những trường phái đa dạng của PG ý thức sự thiếu thốn căn bản của một thế giới dễ bảo này và giảng dạy một đường lối cho rằng con người với tấm lòng mộ đạo và tin tưởng có thể đạt đến tình trạng siêu thoát hoàn hảo, hoặc sự giác ngộ cuối cùng bằng những nổ lực riêng hoặc nhờ người khác giúp đỡ (Nostra Aetate2).
Công đồng còn lưu ý GH công giáo không gạt bỏ bất cứ điều gì là chân lí và thánh thiện trong các tôn giáo khác. GH rất quan tâm đến thái độ và lối sống của các tôn giáo đó, những lời giáo huấn và học thuyết, cho dù chúng có nhiều điểm khác biệt mà GH tin tưởng và đề xuất, nhưng chúng lại phản ánh tia sáng chân lí khai sáng cho mọi người. Tuy nhiên, GH vẫn công bố và buộc phải công bố Chúa Kitô là " đường, là sự thật và là sự sống" (Ga 14:6). Nơi ngài, con người mới tìm được cuộc sống tôn giáo viên mãn và với ngài, TC đã giao hoà mọi tạo vật với chính Ngài (Nostra Aetate2).
Những ngôn từ của Công đồng nhắc ta nhớ lại niềm tin, được bén rễ sâu trong truyền thống, của cuộc sống, của những semina Verbi (hạt giống của Ngôi Lời) hiện diện trong mọi tôn giáo. Dưới ánh sáng của niềm tin này, GH tìm cách nhận diện những semina Verbi trong các truyền thống vĩ đại của Viễn đông để vạch một đường lối chống lại những hạt giống của thế giới hiện đại. Chúng ta có thể xác quyết ở đây lập trường của Công đồng do mối quan tâm toàn cầu gây nguồn cảm hứng. GH được dẫn dắt bởi đức tin mà TC Ðấng Sáng Tạo muốn cứu thoát toàn thể nhân loại trong Chúa Giêsu Kitô , Ðấng trung gian duy nhất giữa TC và con người, vì Ngài là Ðấng cứu tinh của toàn nhân loại. Mầu nhiệm Phục sinh có hiệu lực đồng đều cho mọi người và nhờ đó con đường dẫn đến sự cứu độ đời đời cũng mở ra cho mọi người.
Trong một trích đoạn khác Công đồng cho rằng Chúa Thánh Linh hoạt động một cách có hiệu quả ngay bên ngoài cơ cấu hữu hình của GH (xem Lumen Gentium 13), bằng cách sử dụng những semina Verbi đích thực này, chúng sẽ tạo nên một thứ cội rễ cứu độ phổ biến tồn tại trong mọi tôn giáo.
Tôi bị thuyết phục về điều này bởi rất nhiều cơ hội, trong khi thăm viếng những quốc gia vùng Viễn đông và gặp gỡ những người đại diện của các tôn giáo, nhất là trong cuộc gặp gỡ có tính cách lịch sử ở Axidi, nơi chúng tôi cùng nhau tụ họp để cầu nguyện cho hoà bình.
Vì thế, thay vì thán phục Chúa Quan Phòng cho phép có quá nhiều tôn giáo như thế, chúng ta nên kinh ngạc về số lượng những yếu tố giống nhau trong các tôn giáo.
Về điểm này, chúng ta cũng nên nhắc lại tất cả những tôn giáo nguyên thuỷ, những tôn giáo theo thuyết vạn vật hữu linh nhấn mạnh đến việc thờ cúng tổ tiên. Hình như những ai thực hành các tôn giáo đó đều dè dặt với Kitô giáo một cách đặc biệt, và trong số đó, các nhà thừa sai của GH cũng dễ dàng tìm được tiếng nói chung hơn. Phải chăng, trong việc thờ cúng tổ tiên, có một thứ chuẩn bị nào đó để đón nhận đức tin Kitô giáo trong sự hiệp thông với các thánh, trong đó, tất cả các tín hữu - dù sống hay chết - đều tạo thành một cộng đồng duy nhất, một thân thể duy nhất?
Niềm tin vào sự hiệp thông với các thánh là niềm tin vào Chúa Kitô , chỉ có Ngài là nguồn sự sống và sự thánh thiện cho mọi tạo vật. Không có gì đáng ngạc nhiên khi chúng ta nhận thấy những người theo thuyết vạn vật hữu linh Phi châu và Á châu đều trở thành những Kitô hữu dễ dàng hơn những người tin theo các tôn giáo lớn ở Viễn đông.
Như Công đồng cũng đã ghi nhận, những tôn giáo sau cùng này có những đặc tính của một hệ thống. Chúng là những hệ thống thờ phượng và đạo đức hết sức quan tâm đến việc làm lành lánh dữ. Trong các tôn giáo như Khổng giáo và Lão giáo ở Trung Quốc : Tao có nghĩa là sự thật đời đời - một điều gì đó giống như "Ngôi Lời", nó được phản ánh trong những hoạt động của con người bằng những biện pháp của sự thật và việc tốt đẹp. Các tôn giáo ở Viễn đông đã góp phần một cách đáng kể vào lịch sử luân lí và văn hoá, tạo thành một bản sắc quốc gia nơi các dân tộc Trung Hoa, Ấn độ, Nhật bản và Tây tạng cũng như nơi các dân tộc ở vùng Ðông nam á và các quần đảo thuộc Thái bình dương.
Một vài dân tộc trên bắt nguồn từ những nền văn hoá cổ xưa. Những dân tộc bản địa của Úc có một lịch sử xưa hàng chục ngàn năm và truyền thống dân tộc và tôn giáo của họ còn lâu đời hơn truyền thống của Abraham và Mai sen.
Chúa Kitô đến trong thế gian với tất cả mọi dân tộc. Ngài cứu chuộc tất cả mọi người và có những đường lối riêng biệt để đến với từng dân tộc trong thời cánh chung của lịch sử cứu độ.
Thực ra, trong các vùng miền trên, có nhiều vùng đã thừa nhận Chúa Kitô và còn nhiều vùng hơn nữa đang nung nấu một niềm tin tiềm tàng vào Ngài (xem Heb 11:6).
Mười bốn
PHẬT GIÁO ?
Trước khi chuyển qua chủ nghĩa độc thần, qua hai tôn giáo khác (Do thái giáo và Hồi giáo) tôn thờ một Thiên Chúa, con muốn xin ÐTC nói đầy đủ hơn về Phật giáo. Nhất là PG đưa ra một "học thuyết cứu độ" luôn hấp dẫn nhiều người phương tây như là một "lựa chọn" thứ hai đối với Kitô giáo hoặc như là một thứ "bổ sung" cho nó, ít nhất hiểu theo nghĩa là những phương pháp khổ hạnh và thần bí nào đó.
Vâng, anh nói đúng và tôi biết ơn anh về câu hỏi này. Trong số những tôn giáo được nhắc đến trong thông điệp Nostra Aetate, chúng ta cũng nên lưu ý đến PG từ một quan điểm nào đó , giống như Kitô giáo, nó là một tôn giáo cứu độ. Tuy nhiên điều đáng nói ngay là các học thuyết cứu độ trong PG và Kitô giáo đều đối lập nhau.
Ðức Ðạt Lai Lạc Ma, nhà lãnh đạo tinh thần của những người Tây tạng, là một gương mặt nổi tiếng ở Phương Tây. Tôi có gặp ngài một vài lần. Ngài mang PG đến với người Phương Tây Kitô giáo. Ngài cổ vũ mối quan tâm đến tính cách tâm linh PG cũng như những phương pháp cầu nguyện của nó. Tôi cũng đã có dịp gặp gỡ vị lãnh đạo PG ở Băng cốc, Thái lan và trong số những tu sĩ thân cận với ngài, cũng có một vài vị đến từ Hoa kỳ. Ngày nay chúng ta đang thấy PG cũng được truyền bá ở Phương Tây.
Học thuyết cứu độ của Phật giáo tạo thành trung điểm, hoặc đúng hơn điểm duy nhất của hệ thống này. Tuy nhiên, truyền thống PG cũng như những phương pháp xuất phát từ nó bắt nguồn từ một học thuyết cứu độ hầu như hoàn toàn tiêu cực.
Sự "giác ngộ" do Ðức Phật trải nghiệm xuất phát từ niềm tin thế giới này là tồi tệ, nó là nguồn gốc của sự dữ và đau khổ đối với con người.Ðể tự giải thoát khỏi sự dữ,con người phải tự giải thoát khỏi thế giới này, điều đó đòi hỏi phải cắt đứt với những ràng buộc liên kết chúng ta với thực tại bên ngoài - những mối ràng buộc đang tồn tại trong bản tính nhân loại, trong tinh thần, trong thân xác của chúng ta. Chúng ta càng được giải thoát khỏi những mối ràng buộc này, chúng ta càng không quan tâm đến cái tồn tại trên thế giới, chúng ta càng được giải thoát khỏi sự đau khổ, khỏi sự dữ bắt nguồn từ thế giới.
Chúng ta có tiếp cận Thiên Chúa bằng cách này không? Ðiều này không được nhắc đến trong sự "Giác ngộ" do Ðức Phật nêu lên. Trong phạm vi rộng hơn, PG là một hệ thống "vô thần". Theo PG, chúng ta không thể tự mình giải thoát khỏi sự dữ nhờ điều thiện xuất phát từ Thượng đế; chúng ta chỉ tự giải thoát nhờ tách rời khỏi thế giới tồi tệ. Một sự tách rời hoàn toàn như thế không phải là một sự kết hợp với Thượng đế, nhưng sự kiện đó được gọi là Niết bàn, một trạng thái thờ ơ hoàn toàn đối với thế giới. Tự giải thoát trước hết có nghĩa là tự giải phóng khỏi sự dữ bằng cách trở nên lãnh đạm thờ ơ với thế giới, nguồn gốc của sự dữ. Ðây là tột điểm của quá trình tâm linh.
Vào những thời điểm khác nhau, những nổ lực liên kết phương pháp này với những phương pháp thần bí Kitô giáo đã được thiết lập - hoặc là với những phương pháp thần bí đến từ Bắc âu (Eckhart, Tauler. Suso, Ruybroeck) hoặc với những phương pháp thần bí Tây ban nha sau này (thánh Tê-rê-sa Avila, thánh Gioan Thánh giá). Tuy nhiên, trong khi thánh Gioan Thánh giá, trong tác phẩm Ascent of Mount Carmel (Tiến lên núi Carmel) và tác phẩm Dark night of the soul (Ðêm tối của linh hồn) đề cập đến nhu cầu của sự thanh luyện, nhằm tách rời khỏi thế giới cảm xúc, ngài không quan niệm việc tách rời này như là một kết thúc nội tại. " Ðể đạt đến điều bạn không thích, bạn phải đến nới bạn không thích. Ðể đạt đến điều bạn không biết, bạn phải đi đến nơi bạn không biết. Ðể chiếm hữu điều bạn không có, bạn phải đi đến nơi bạn không có thứ gì."(Ascent of Mount Carmel, I, 13.II). Ở Ðông Á, những bản văn cổ điển của thánh Gioan Thánh giá được diễn giải như một sự thừa nhận các phương pháp khổ hạnh Phương Ðông. Nhưng vị tiến sĩ của GH này không nêu lên sự tách rời thế giới. Ngài nói đến sự tách rời thế giới với mục đích tự kết hợp với điều ở bên ngoài thế giới- do đó, tôi không muốn ám chỉ Niết bàn, nhưng là một TC có ngôi vị. Sự kết hợp với Ngài được thành hình không chỉ do sự thanh luyện, nhưng còn do tình yêu.
Chủ nghĩa Huyền bí núi Các men bắt nguồn từ điểm mà những suy tư của Ðức Phật kết thúc, cùng những giáo huấn của Ngài đối với đời sông tâm linh. Trong việc thanh luyện tích cực và thụ động của linh hồn con người trong những đêm đặc biệt của cảm xúc và tinh thần. Thánh Gioan Thánh Giá nhìn thấy sự chuẩn bị cần thiết cho tinh thần con người được thấm nhuần ngọn lửa tình yêu hằng sống. Và đó cũng là nhan đề công trình quan trọng của ngài - "Ngọn lửa hằng sống của tình yêu".
Vì vậy, mặc dù những sắc thái giống nhau, vẫn có sự khác biệt căn bản - huyền bí Kitô giáo ở từng thời đại - bắt đầu với những kỉ nguyên của các Giáo phụ GH Phương Ðông và Phương Tây đến các thần học gia vĩ đại của chủ nghĩa kinh viện (như thánh Tôma Aqui nô) dến các nhà huyền bí Bắc Âu, các nhà huyền bí núi Các men - không phải phát sinh từ sự "Giác ngộ" thuần tuý tiêu cực. Nó không phát sinh từ một nhận thức về sự dữ tồn tại do sự gắn bó của con người vào thế giới của giác quan, trí tuệ và tinh thần. Thần bí Kitô giáo phát sinh từ sự Mạc khải của Thiên Chúa hằng sống. Thiên Chúa tự mạc khải để kết hợp với con người, đánh thức trong con người khả năng được kết hợp với Ngài, chủ yếu là bằng những phương tiện nhân đức thần học, đức tin, hi vọng và nhất là tình yêu.
Thần bí Kitô giáo trong mọi thời cho đến thời đại chúng ta - kể cả thần bí của những con người hành động tuyệt vời như thánh Vincent Phao lồ, Gioan Bốt-cô, Maximilien Kolbe - đã thiết lập và tiếp tục thiết lập Kitô giáo trong yếu tố cốt lỏi của nó. Nó cũng thiết lập GH thành một cộng đoàn đức tin, hi vọng và bác ái. Nó thiết lập nên nền văn minh, nhất là nền văn minh Phương Tây, đước đánh dấu bằng sự tiếp cận tích cực với thế giới và phát triển nhờ những thành tựu của khoa học và kĩ thuật, hai nhánh kiến thức đã bén rễ trong truyền thống triết học cổ Hi lạp và sự Mạc khải Do thái-Kitô giáo. Chân lí về Thiên Chúa, Ðấng Sáng tạo thế giới và về Ðức Kitô, Ðấng Cứu rổi là một sức mạnh đầy uy quyền gây nguồn cảm hứng cho thái độ tích cực đối với sự sáng tạo và cung cấp một động lực cố gắng vì mục đích biến đổi và hoàn thiện.
Công đồng Vatican II đã xác nhận chân lí này một cách sâu rộng. Khoan dung với một thái độ tiêu cực đối với thế giới bằng việc tin tưởng nó chỉ là nguồn gốc của nỗi đau của con người và con người phải tách rời nó, đó là tiêu cực không chỉ vì nó mang tính cách đơn phương mà còn vì nó mâu thuẫn hoàn toàn với sự phát triển của chính con người cũng như của thế giới, cái mà Ðấng Tạo Hoá đã giao ban cho con người như là công trình của Ngài.
Chúng ta đọc thấy trong thông điệp Gaudium et Spes (Vui mừng và hi vọng): " Do đó thế giới mà (công đồng) quan niệm như là một thế giới của loài người, của toàn bôia đình nhân loại xét theo bối cảnh của toàn bộ thực tại; thế giới theo ý nghĩa sân khấu của lịch sử nhân loại và mang những dấu ấn về cuộc đấu tranh của con người với những thất bại và chiến thắng; thế giới mà những Kitô hữu tin đã được sáng tạo và giữ vững bằng tình yêu của Ðấng Sáng Tạo; một thế giới bị nô lệ hoá bởi tội lỗi, nhưng được giải thoát bởi Chúa Kitô chịu đóng đinh và sống lại để chiến thắng sự dữ và được biến đổi theo như chương trình của Thiên Chúa để đạt đến sự viên mãn (Gaudium et Spes 2).
Những từ này cho thấy giữa Kitô giáo và các tôn giáo ở Viễn Ðông, nhất là PG, có một cảm nhận rất khác nhau về thế giới như thế nào: đối với các Kitô hữu, thế giới là sự sáng tạo của Thiên Chúa, được Chúa Kitô cứu rỗi. Con người gặp gỡ Thiên Chúa ngay trong lòng thế giới. Do đó con người không cần phải tách rời tuyệt đối để tìm được chính mình trong bản ngã sâu kín nhất của họ.
Ðối với Kitô giáo, thật thiếu khôn ngoan nếu nói về thế giới như một sự dữ căn bản. Từ nguyên thuỷ, chúng ta tìm thấy Thiên Chúa là Ðấng Sáng Tạo yêu thương vật thụ tạo của ngài, một Thiên Chúa "đã hiến Con một của Ngài, để mọi người tin vào Người thì không thể hư mất nhưng có được cuộc sống vĩnh hằng" (Gioan 3,16).
Vì nguyên nhân này, thật là điều không thích hợp khi cảnh cáo những Kitô hữu hồ hỡi đón nhận một vài ý tưởng bắt nguồn từ những truyền thống tôn giáo của Viễn đông - chẳng hạn như những kĩ thuật và phương pháp suy niệm và thực hành khổ hạnh. Trong một số khu vực, những ý tưởng đó đã trở nên hợp thời và được đón nhận một cách dễ dàng hơn. Trước hết, chúng ta nên biết rõ di sản tinh thần của chính chúng ta và xét xem có nên loại bỏ nó hay không. Ở đây, chúng ta cần nhắc lại tài liệu ngắn nhưng quan trọng của Thánh bộ giáo lí Ðức tin "về một vài khía cạnh suy niệm Kitô giáo" (15/10/1989). Ở đây chúng ta tìm được lời giải đáp ổn thoả cho vấn đề "người Kitô giáo có thể tự làm giàu bằng những phương pháp suy niệm bắt nguồn từ các tôn giáo và nền văn hoá khác nhau hay không và như thế nào" (số 3).
Một lối thoát riêng rẽ là sự trở về với những tư tưởng ngộ đạo xưa dưới vỏ bọc là thời đại mới. Chúng ta không thể tự lừa dối xem ý thích này đưa đến việc canh tân tôn giáo. Ðó chỉ là một phương thế mới của thuyết ngộ đạo thực hành - thái độ của tâm linh nhân danh sự hiểu biết sâu sắc về Thiên Chúa đưa đến việc bóp méo lời của Ngài và thay vào đó là những ngôn từ thuần tuý nhân loại. Thuyết ngộ đạo không bao giờ loại bỏ hoàn toàn thực tại Kitô giáo. Trái lại, nó luôn luôn song hành với Kitô giáo, có khi nó mang dáng vẻ của một phong trào triết học, nhưng thường nhận vào mình những tính cách của một tôn giáo hoặc một phản tôn giáo trong sự đấu tranh rõ rệt, nếu không muốn nói là công khai, với tất cả những gì cốt lỏi của Kitô giáo.
Mười lăm
MUHAMMAD ?
Một cuộc tranh luận rất khác là cuộc tranh luận đưa chúng ta đến những giáo đường Do thái và thánh đường Hồi giáo, nơi những người thờ phượng Thiên Chúa độc nhất tập hợp.
Vâng, chắc chắn đây là một trường hợp khác khi chúng ta đến với những tôn giáo lớn tôn thờ một Chúa độc nhất này, trước hết là Hồi giáo. Trong tuyên ngôn Nostra Aetate, chúng ta đọc thấy: " Giáo hội cũng rất quan tâm đến những người Hồi giáo, họ thờ một Chúa hằng sống và luôn tồn tại, đầy lòng nhân từ và toàn năng, Ðấng sáng tạo nên trời và đất (Nostra Aetate). Như là kết quả của chủ thuyết độc thần, những người tin vào đấng Allah cũng rất gần gủi với chúng ta.
Tôi nhớ lại một biến cố từ thời niên thiếu của tôi. Trong một nữ tu viện của nhà thờ thánh Mark ở Florence, chúng tôi đang ngắm những bức bích hoạ của Fra Angelico. Một người đàn ông đến nhập bọn với chúng tôi tại một địa điểm, sau khi ca tụng công trình tuyệt tác của người nghệ sĩ vĩ đại, ông ta liền nói thêm: " Nhưng không gì có thể so sánh với thuyết độc thần Hồi giáo tuyệt vời của chúng tôi." Câu nói của ông ta không cản trở chúng tôi tiếp tục cuộc tham quan và chuyện trò thân mật. Ðó là dịp mà tôi có được thứ kinh nghiệm đầu tiên về cuộc trò chuyện giữa người Kitô giáo và Hồi giáo, điều mà chúng tôi đã cố gắng triển khai một cách có hệ thống trong thời đại hậu Công đồng.
Người nào biết đến Cựu và Tân ước, rồi sau đó đọc kinh Coran, đều thấy rõ tiến trình kinh này giản lược hoàn toàn mạc khải của Thiên Chúa. Không thể không ghi nhận sự xa rời điều mà Thiên Chúa đã nói về chính Ngài, trước tiên trong Cựu Ước qua các tiên tri, và sau cùng trong Tân ước qua Con Người. Trong Hồi giáo, tất cả sự phong phú của Thiên Chúa tự mạc khải tạo nên di sản của Cựu và Tân ước đều bị loại bỏ một cách dứt khoát.
Một số những danh hiệu đẹp đẽ nhất trong ngôn ngữ loài người được dành cho Thiên Chúa của kinh Coran, nhưng cuối cùng Ngài cũng chỉ là Thiên Chúa ở bên ngoài thế giới, một Thiên Chúa chỉ làThánh Thượng, chứ không bao giờ là Emmanuel (Thiên Chúa ở cùng chúng ta).Hồi giáo không phải là một tôn giáo cứu chuộc. Không có bất cứ một vị trí nào dành cho Thánh giá và sự Phục sinh. Chúa Giêsu được nhắc đến, nhưng chỉ với tư cách là một đấng tiên tri dọn đường cho vị tiên tri cuối cùng, Muhammad. Quyển sách cũng có nhắc đến Mẹ Maria, Ðức Mẹ Ðồng Trinh của Ngài, nhưng cái thảm kịch cứu chuộc lại hoàn toàn vắng bóng. Vì lí do này, không chỉ có thần học, mà nhân loại học của Hồi giáo đều rất khác xa với Kitô giáo.
Tuy nhiên, tính cách tôn giáo của những người Hồi giáo đáng cho chúng ta nể phục. Chúng ta không thể không thán phục lòng trung thành của họ trong việc cầu nguyện chẳng hạn. Hình ảnh những tín đồ của đấng Allah, những con người không quan tâm đến giờ giấc hoặc địa điểm, đã quỳ sụp xuống đất và tự đắm mình trong việc cầu nguyện, vẫn còn là tấm gương cho tất cả những người cầu khẩn Thiên Chúa đích thực, nhất là những người Kitô hữu, những người sau khi rời khỏi những thánh đường nguy nga tráng lệ, chỉ cầu nguyện chút ít hoặc không cầu nguyện chút nào.
Công đồng cũng mời gọi Giáo hội đối thoại với những tín đồ của "Ðấng Tiên tri" và Giáo hội đã tiến hành làm công việc đó. Chúng ta đọc thấy trong Nostra Aetate : "Cho dù trải qua nhiều thế kỉ, những người Kitô hữu và Hồi giáo đã từng có một vài chia rẽ và tranh cãi, Công đồng thánh thiện nay thúc giục tất cả hãy quên đi quá khứ và nổ lực nhằm đạt được sự hiểu biết lẫn nhau cũng như ngăn ngừa và cổ vũ cho công bằng xã hội, sức khoẻ tinh thần, hoà bình và tự do vì lợi ích của toàn nhân loại (Nostra Aetate 3).
Từ quan điểm này, như tôi vừa nhắc đến, những cuộc gặp gỡ để cầu nguyện được tổ chức tại Assisi (nhất là cuộc gặp gỡ vì hoà bình ở Bosnia, năm 1993), chắc chắn đã đóng một vai trò đầy ý nghĩa. Những cuộc gặp gỡ của tôi với các tín đồ Hồi giáo trong nhiều chuyến du hành mục vụ đến Phi châu và Á châu cũng hết sức thú vị, đôi khi người dân ở các nước đó đa số đều là người Hồi giáo. Mặc dù vậy, Ðức giáo hoàng cũng được đón tiếp một cách hết sức hiếu khách và được lắng nghe với một thái độ lịch thiệp.
Chuyến du hành của tôi đến Morocco theo lời mời của vua Hassan II có thể được coi như là một biến cố lịch sử. Ðó không đơn thuần là một cuộc thăm viếng mang tính cách xã giao, nhưng là một biến cố có tính cách mục vụ thật sự. Cuộc gặp gỡ của tôi với giới trẻ ở vận động trường Casablanca (1985) thật không bao giờ quên được. Sự thắc mắc của giới trẻ đối với những lời giáo huấn của Giáo hội thật đáng trân trọng, khi tôi nói về niềm tin vào một Thiên Chúa duy nhất. Chắc chắn đó là một biến cố chưa bao giờ xảy ra.
Tuy nhiên, những khó khăn cụ thể không phải là không có. Trong các quốc gia có các trào lưu chính thống đang nắm chính quyền, những quyền con người và các nguyên tắc về tự do tôn giáo đã bị giải thích một chiều một cách đáng tiếc - tự do tôn giáo chỉ còn mang ý nghĩa tự do áp đặt trên mọi công dân cái gọi là "tôn giáo đích thực". Trong các quốc gia này, tình trạng của các Kitô hữu đôi khi bị xáo trộn một cách khủng khiếp. Thái độ của những người theo trào lưu chính thống đang làm cho những cuộc tiếp xúc lẫn nhau trở nên cực kì khó khăn. Dù sao đi nữa, Giáo hội vẫn luôn sẵn sàng tiếp nhận việc đối thoại và hợp tác.
Mười sáu
DO THÁI GIÁO ?
Ở điểm này, dĩ nhiên là Ðức thánh Cha có ý muốn nói về Do thái giáo.
Ðúng vậy, vì số đông đáng kinh ngạc các tôn giáo, được sắp xếp theo những vòng tròn đồng tâm, chúng ta hãy đến với tôn giáo gần gủi với tôn giáo chúng ta nhất - tôn giáo của dân Chúa theo Cựu Ước.
Những lời trích dẫn từ bản Tuyên ngôn Nostra Aetate thể hiện một bước ngoặt. Công đồng lưu ý: " Giáo hội Chúa Kitô công nhận, theo mầu nhiệm cứu độ của Thiên Chúa, những nguồn gốc đức tin và sự tuyển chọn của Giáo hội được tìm thấy nơi giáo phụ Mai sen và các tiên tri.Giáo hội không thể quên mình đã nhận được mạc khải Cựu ước qua dân tộc mà Thiên Chúa đã ban Bản Giao ước xưa với lòng nhân từ vô biên của Ngài, Giáo hội cũng không thể quên Giáo hội rút chất bổ dưỡng từ rễ cây ô liu tươi tốt có ghép những chồi già, những dân ngoại. Do đó, vì gia sản tinh thần chung cho người Kitô hữu và Do thái thật lớn lao, Công đồng thánh khuyến cáo và cổ vũ cho sự hiểu biết và tôn trọng lẫn nhau, điều này có thể thực hiện được nhờ việc nghiên cứu Thánh Kinh và thảo luận trong tình huynh đệ (Nostra Aetate).
Những lời lẽ của bản Tuyên ngôn Công đồng phản ánh kinh nghiệm của nhiều dân tộc, vừa Do thái vừa Kitô hữu. chúng cũng phản ánh kinh nghiệm cá nhân của tôi từ những năm đầu đời của tôi tại thành phố quê hương. Tôi nhớ một cách đặc biệt trường tiểu học Wardowice, nơi có ít nhất một phần tư học sinh lớp tôi là người Do thái. Tôi muốn nhắc đến tình bạn của tôi ở ngôi trường này với một người trong số họ là Jerzy Kluger - một tình bạn kéo dài từ những ngày còn học tại trường đến tận ngày nay. Tôi có thể nhớ rõ những người bạn học Do thái tập hợp mỗi thứ bảy trong ngôi giáo đường phía sau trường chúng tôi. Cả hai nhóm tôn giáo, Công giáo và Do thái giáo, đều đoàn kết bởi ý thức là họ đã cầu nguyện cùng một Thiên Chúa. Mặc dù ngôn ngữ khác nhau, nhưng những lời cầu nguyện trong nhà thờ và trong giáo đường Do thái đều dựa trên những bản văn như nhau ở mức độ đáng trân trọng.
Sau đó Thế chiến thứ hai xảy ra, với những trại tập trung và sự huỷ diệt có hệ thống của nó. Trước hết và quan trọng hơn hết, những người con trai và con gái của quốc gia Do thái bị kết án không vì lí do gì khác hơn là vì họ là người Do thái. Dù chỉ là một cách gián tiếp, bất cứ ai sống ở Ba lan vào giai đoạn đó đều đụng chạm đến thực tế này.
Vì thế, đây cũng là một kinh nghiệm cá nhân của tôi, một kinh nghiệm mà tôi mang theo tận ngày nay. Auschwitz, biểu tượng có ý nghĩa nhất của cuộc tàn sát những người Do thái, cho thấy một hệ thống được thiết lập trên những nguyên tắc của lòng căm thù chủng tộc và tham vọng quyền lực có thể làm bất cứ điều gì. Cho đến nay, Auschwitz không ngừng khiển trách, nhắc nhở chúng ta nhớ chủ nghĩa bài Do thái là một tội ác to lớn chống lại nhân loại, tất cả lòng căm thù chủng tộc đều dẫn đến tình trạng chà đạp lên phẩm giá con người.
Tôi muốn trở lại giáo đường Wardovice. Giáo đường bị tàn phá bởi những người Ðức và hiện nay không còn tồn tại. Từ vài năm nay, Jerzy đến cho tôi hay là nơi thuộc vị trí giáo đường xưa kia sẽ được tôn vinh bằng một tấm bia tưởng niệm đặc biệt. Tôi phải thừa nhận rằng trong giây phút đó cả hai chúng tôi đều tỏ ra hết sức xúc động. Chúng tôi đã nhìn thấy gương mặt của những con người mà chúng tôi cùng quen biết và quan tâm, chúng tôi cùng nhớ lại những ngày thứ bảy vào thời thơ ấu và niên thiếu lúc cộng đồng Do thái ở Warrdovice tụ họp để cầu nguyện. Tôi đã hứa với Jerzy là tôi rất sung sướng gởi một lời nhận xét như là một dấu hiệu của tình đoàn kết và hoà hợp vào một dịp quan trọng như thế. Chính Jerzy đã mang thông điệp đó đến với những người đồng hương của tôi ở Wardovice. Cuộc hành trinh đó không phải là một điều dễ dàng đối với ông. Tất cả những thành viên của gia đình ông ở lại thành phố nhỏ bé đó đã bị giết tại Auschwitz. Chuyến viếng thăm Wardovice để khánh thành bia tưởng niệm cho giáo đường địa phương là chuyến đi đầu tiên của ông trong 50 năm qua.
Những ngôn từ của Nostra Aetate, như tôi đã nói, phản ánh kinh nghiệm của rất nhiều người. Tôi nghĩ lùi lại thời gian tôi làm công việc mục vụ tại Krakow. Krakow và nhất là vùng lân cận Kazimierz, đã giữ lại nhiều vết tích về văn hoá và truyền thống Do thái. Tại Kazimierz trước chiến tranh đã có vài chục giáo đường là những công trình văn hoá quan trọng. Với tư cách là tổng giám mục Krakow, tôi đã có quan hệ mật thiết với cộng đồng Do thái của thành phố. Tôi thích những mối quan hệ rất khắn khít với người đứng đầu cộng đồng, những mối quan hệ này vẫn còn tiếp tục ngay cả sau khi tôi đến La mã.
Sau khi được bầu vào ngai toà thánh Phêrô, tôi đã tiếp tục ấp ủ những mối quan hệ đầy ý nghĩa sâu xa này. Trong những chuyến viếng thăm mục vụ của tôi trên thế giới, tôi luôn luôn cố gắng gặp gỡ những người đại diện của cộng đồng Do thái. Nhưng một kinh nghiệm thực sự đặc biệt đối với tôi chính là cuộc thăm viếng của tôi đến giáo đường Do thái ở La mã. Lịch sử của những người Do thái ở La mã là một chương độc nhất trong lịch sử của dân tộc Do thái, một chương có liên hệ mật thiết đối với những sứ vụ của các tông đồ. Trong cuộc viếng thăm đáng nhớ đó, tôi nói về những người Do thái như là những người anh cả của chúng tôi trong đức tin. Những lời nói này vừa biểu hiện giáo huấn của Công đồng, và vừa là một sự xác tín về phía Giáo hội. Công đồng Vaticăng II không những nhắc đi nhắc lại vấn đề này về lâu về dài, nhưng điều mà Giáo hội khẳng định còn bao trùm một hiện thực to lớn không những có tính cách tôn giáo mà còn là văn hoá nữa.
Dân tộc phi thường này tiếp tục mang những dấu chỉ của sự tuyển chọn của Thiên Chúa. Có lần tôi đã nói điều này với một chính khách Do thái và ông ta cũng đồng ý nhưng vội nói thêm: " Nếu như điều đó không đắt giá.". Thực ra Ít ra en đã phải trả một giá khá đắt cho sự tuyển chọn này. Có lẽ vì lí do này, Ít ra en đã trở nên giống với Con Người hơn, theo xác thịt, Con Người cũng là con của Ít ra en. Lễ kỉ niệm thứ 2000 ngày Chúa xuống gian trần cũng là ngày lễ mừng đối với những người Do thái.
Tôi sung sướng vì nhiệm kì của tôi ở toà thánh Phêrô diễn ra trong giai đoạn sau Công đồng Va ti căng II, khi những nhận thức gây nguồn cảm hứng cho tuyên ngôn Nostra Aetate đang được thể hiện một cách cụ thể bằng nhiều đường lối khác nhau. Do đó hai giai đoạn tuyển chọn của Thiên Chúa - Cựu và Tân Ước - đang xích lại gần nhau hơn.
Giao ước mới bén rễ trong Giao ước cũ. Thời gian mà dân của Giao ước cũ có thể tự xem mình là thành phần của Giao ước mới là vấn đề do Chúa Thánh Linh hướng dẫn. Với tư cách con người, chúng ta chỉ biết cố gắng không gây trở ngại cho công việc này. Không gây trở ngại còn bao hàm cuộc đối thoại giữa những người Công giáo và Do thái . Về phía Giáo hội, công việc này đã được Uỷ ban giáo hoàng khuyến khích việc hợp nhất Kitô giáo đệ trình.
Tôi cũng sung sướng về tiến trình hoà bình đang diễn ra như là một kết quả tất yếu tại Trung Ðông, mặc dù những chậm trễ và trở ngại, và cũng nhờ sáng kiến của quốc gia Ít ra en, công việc đó đã trở thành hiện thực để thiết lập quan hệ ngoại giao giữa Toà Thánh và Ít ra en. Về việc công nhận quốc gia Ít ra en, điều quan trọng là khẳng định lại việc chính bản thân tôi không bao giờ có bất cứ sự ngờ vực nào về vấn đề này.
Có một lần, sau khi kết thúc một trong những cuộc gặp gỡ của tôi với cộng đồng Do thái, một vị có mặt đã nói: " Tôi muốn cám ơn Ðức Thánh Cha về tất cả những gì mà Giáo hội Công giáo đã làm suốt hai ngàn năm để làm cho Thiên Chúa đích thực được mọi người biết đến."
Những lời nói này chỉ rõ cho thấy một cách gián tiếp Giao ước mới giúp hoàn thành như thế nào tất cả những gì đã bén rễ trong lời mời gọi Abraham, trong giao ước của Thiên Chúa với dân tộc Ít ra en trên núi Sinai, và trong toàn bộ gia sản phong phú của các Tiên tri được linh ứng, các ngài từ hàng trăm năm trước đã chỉ rõ trong Sách Thánh Ðấng Duy Nhất mà Thiên Chúa sẽ gởi đến trong "thời điểm thích hợp" (x. Gal 4:4)
Mười bảy
MỘT THIỂU SỐ VÀO NĂM 2000
Xin Ðức Thánh Cha thứ lỗi, vai trò của con (điều đang trao cho con vừa là niềm vinh dự lớn lao vừa là một trách nhiệm như thế) cũng là một vai trò "khiêu khích" kính cẩn liên quan đến những câu hỏi - thậm chí gây bối rối - mà những người Công giáo cũng hay thắc mắc.
Con sẽ tiếp tục nhận thấy ÐTC đã thường xuyên nhắc nhớ như thế nào - với sự thấu hiểu tầm quan trọng tượng trưng của biến cố - việc tiến gần đến ngàn năm thứ ba của sự cứu độ. Theo những dự đoán của thống kê, gần năm 2000, lần đầu tiên trong lịch sử, số tín đồ Hồi giáo sẽ vượt qua số tín đồ Công giáo. Riêng tín đồ Ấn giáo cũng nhiều hơn tín đồ Tin lành và Chính thống giáo Hi lạp và Xlavơ gộp lại. Trong những chuyến công du mục vụ của ÐTC vòng quanh thế giới, ÐTC thường đi thăm những nơi mà những người tin vào Chúa Kitô , nhất là những người Công giáo, là một thiểu số nhỏ và thậm chí đang giảm sút.
ÐTC cảm thấy như thế nào khi đối diện với thực tế này, sau hai mươi thế kỉ rao giảng Tin Mừng? ÐTC thấy kế hoạch nào của Thiên Chúa đang hoạt động ở đây ?
Tôi nghĩ rằng một cái nhìn như thế về vấn đề phát xuất từ việc giải thích nó có phần đơn giản. Trên thực tế, tính chất còn sâu sắc hơn nhiều, như tôi đã cố gắng giải thích trong khi giải đáp cho câu hỏi trước. Ở đây, thống kê không ích lợi - chúng ta đang nói đến những giá trị không thể xác định số lượng
Thật ra mà nói, khoa xã hội học về tôn giáo - mặc dù có ích lợi trong những lãnh vực khác - cũng không giúp đỡ gì nhiều ở đây. Với tính cách là cơ sở để bình luận, những tiêu chuẩn để đo cái nó cung cấp không giúp gì khi nhận xét động thái nội tại của con người. Không có thống kê nào nhắm đến việc đo lường đức tin theo số lượng (ví dụ như số người tham gia vào các cuộc lễ lạc) sẽ đạt đến trọng tâm của vấn đề. Ở đây chỉ riêng những con số cũng không đầy đủ.
Câu hỏi của anh - gọi là " một cách khiêu khich" như anh nói - chung quy là vấn đề này : chúng ta hãy đếm số người Hồi giáo trên thế giới, hoặc số tín đồ Ấn giáo, chúng ta hãy đếm số người Công giáo, hoặc Kitô hữu nói chung, và chúng ta có thể xác định tôn giáo nào là thuộc đa số, tôn giáo nào có một tương lai tiến về phía trước, và tôn giáo nào có vẻ như thuộc về quá khứ, hoặc đang trong quá trình phân hoá và suy tàn có hệ thống.
Từ quan điểm của Phúc âm, vấn đề lại hoàn toàn khác hẳn. Chúa Kitô nói: " Ðừng sợ, hỡi đoàn chiên bé mọn, vì Cha chúng con hài lòng gởi vương quốc cho các con" (Lc 12:32). Tôi nghĩ rằng với những lời này Chúa Kitô đang trả lời một cách tốt nhất cho vấn đềࠦ#273;ang gây bối rối cho một số người và đã nảy sinh trong câu hỏi của anh. Thậm chí Chúa Giêsu còn đi xa hơn khi Ngài hỏi: " Khi nào Con Người đến, phải chăng Ngài sẽ tìm được Ðức tin trên trái đất này? (x.Lc 18:8).
Câu hỏi này và lời nói ở trên về đoàn chiên bé mọn chỉ rõ hiện thực sâu sắc gây nguồn cảm hứng cho Chúa Giêsu trong việc chăm lo đến các môn đệ của Ngài. Ngài đã không chuẩn bị cho họ một sự thành công dễ dàng. Ngài nói một cách rõ ràng, Ngài nói đến những cuộc bách hại đang chờ đợi những kẻ tin vào Ngài. Ðồng thời, Ngài thiết lập một nền móng vững chắc cho đức tin. " Chúa Cha vui lòng ban vương quốc" cho mười hai con người từ Galilê, và qua họ cho toàn thể nhân loại. Ngài cảnh báo cho họ biết trước rằng sứ mạng mà Ngài gởi cho họ bao hàm sự chống đối và bách hại vì chính Ngài cũng đã bị bách hại: "Nếu người ta bách hại Thầy, người ta cũng sẽ bách hại các con." Nhưng Ngài vội nói thêm: " Nếu ai tuân giữ lời thầy, người đó cũng sẽ tuân giữ lời các con" (x.Ga 15:20)
Từ thời niên thiếu của tôi, tôi đã cảm nhận trung tâm của Phúc âm được chứa đựng trong những lời sau này. Phúc âm là một lời hứa cho việc thành công dễ dàng. Nó không hứa một cuộc sống thuận lợi cho bất cứ ai. Nó đưa ra những yêu cầu và đồng thời, đó là một lời hứa to tát - lời hứa cuộc sống đời đời cho con người đang lệ thuộc vào quy luật của cái chết, và lời hứa chiến thắng nhờ đức tin cho con người còn lệ thuộc vào nhiều thử thách và những trở ngại.
Phúc âm chứa đựng sự mâu thuẫn căn bản: để tìm được cuộc sống, người ta phải đánh mất cuộc sống; để được sinh ra, con người phải chết; để tự cứu mình, con người phải gánh lấy thập giá. Ðây là sự thật cốt yếu của Phúc âm, chân lí bị con người chống đối mọi lúc và mọi nơi.
Phúc âm sẽ là một thách thức đối với sự yếu hèn của con người mọi lúc và mọi nơi. Có lẽ con người đang mong chờ một thách thức như thế trong tiềm thức; trên thực tế, con người cảm thấy nhu cầu nội tâm vượt quá chính mình. Chỉ bằng cách vượt qua chính mình, con người mới trở thành con người trọn vẹn (xem Blaise Pascal, Pensées, nxb Brunschvicg, 434: "Các bạn nên biết rằng con người vượt qua con người đến tận cùng").
Ðây là sự thật sâu sắc nhất về con người. Chúa Kitô là người đầu tiên biết đến sự thật này. Ngài biết thật sự điều đó trong mỗi người" (x.Ga 2:25). Với Phúc âm, Ngài đã chạm đến sự thật mật thiết của con người. Ngài đụng chạm sự thật đó trước hết bằng thập giá của Ngài. Phi la tô, người vừa hướng về phía người Nadaret bị đội vòng gai sau khi bị đánh đòn vừa nói,"Hãy ngắm nhìn người!" (Ga 19:5) đã không ý thức là ông ta đang công bố một sự thật cốt yếu, nó diễn tả điều vẫn còn là trung tâm của việc rao giảng Tin Mừng trong mọi lúc và mọi nơi.
Mười tám
THẾ NÀO LÀ "RAO GIẢNG TIN MỪNG HIỆN ÐẠI"?
Con muốn yêu cầu Ðức Thánh Cha nhấn mạnh một phút về cụm từ sau cùng này, nó luôn luôn trở lại trong bài giáo huấn, trong những lời động viên của ÐTC- "rao giảng Tin Mừng" (hay đúng hơn, "rao giảng Tin Mừng hiện đại"). Ðối với Giáo hoàng hiện nay, vấn đề này hình như là một nhiệm vụ hàng đầu của những người Kitô hữu ở vào cuối thế kỉ thứ hai mươi.
Lời mời gọi phát động trở lại việc rao giảng Tin mừng luôn đi vào đời sống hiện tại của Giáo Hội bằng nhiều phương cách. Trên thực tế, sự kiện đó không bao giờ vắng bóng." Khốn cho tôi nếu tôi không rao giảng Tin Mừng!" (xem I Cor (9:16). Lời tuyên bố của Phaolô thành Tarse thật đúng cho mỗi thời đại trong lịch sử Giáo hội. Phaolô, một người Pha ri sêu trở lại đạo bị lôi kéo bởi từ "khốn" một cách không mệt mỏi. Thế giới Ðịa trung hải, nơi ông sinh sống đã nghe được thông điệp này - Tin Mừng cứu độ trong Chúa Giêsu Kitô . Cái thế giới đó đã bắt đầu phê bình ý nghĩa của một thông điệp như thế. Nhiều người đi theo vị tông đồ. Chúng ta không bao giờ quên tiếng gọi huyền bí hướng dẫn thánh Phaolô vượt qua biên giới giữa Tiểu Á và Âu châu (xem Tđcv 16:9-10). Sự kiện này dẫn đến việc rao giảng Tin Mừng lần đầu tiên ở Châu âu.
Cuộc chạm trán của Phúc âm với thế giới Hi lạp tỏ ra có hiệu quả một cách đặc biệt. Trong số những người mà Phaolô đã thành công trong việc tập họp xung quanh Ngài, có những người đã nghe Ngài ở Areopagus giữ vai trò đáng chú ý tại Athen. Một cuộc phân tích bài giảng của thánh Phaolô ở Areopagus cho thấy đó là một tuyệt tác về thể loại đó. Ðiều vị tông đồ nói và cách thức Ngài phát biểu làm sáng tỏ thiên tài của Ngài với tư cách là người rao giảng Phúc âm. Chúng ta biết rằng ngày đã kết thúc trong sự thất bại. Từ khi Phaolô nói đến Thiên Chúa chưa ai biết đến, những người nghe đã đi theo ngài, vì họ khám phá trong những lời ngài nói một điều gì đó đang nói với những tôn giáo của họ. Nhưng khi ngài nhắc đến sự Phục sinh, họ liền đứng lên chống đối. Vị tông đồ hiểu rằng mầu nhiệm cứu độ nơi Chúa Kitô không dễ gì được những người Hi lạp chấp nhận, vì họ đã quen thuộc với chuyện huyền thoại và những hình thức suy nghĩ triết lí khác nhau. Tuy nhiên, ngài đã không chịu đầu hàng. Sau khi trở về A then, với một sự bướng bỉnh thần thánh, ngài vẫn tiếp tục công bố Phúc âm cho mọi người. Tính bướng bỉnh thần thánh này đã dẫn dắt ngài đến La mã, nơi ngài đã nhận lấy cái chết.
Nhờ đó, Phúc âm đã được mang ra khỏi ranh giới chật hẹp của Giê ru sa lem và Pa lét tin, để bắt đầu hành trình đến biên giới của thế giới đã được biết đến. Những lời mà thánh Phaolô đích thân rao giảng được lặp lại trong những Thư của ngài. Những thư này minh chứng cho sự kiện vị tông đồ để lại phía sau, bất cứ nơi nào ngài đi qua, những cộng đoàn sống động, nơi đó ngài không ngừng hiện diện với tư cách là chứng nhân của Chúa Kitô chịu Ðóng đinh và Sống lại.
Việc rao giảng Phúc âm do các tông đồ khởi xướng đã đặt những nền móng cho việc xây dựng cơ cấu tinh thần của Giáo hội, nó trở nên hạt giống và trong ý nghĩa nào đó, là kiểu mẫu có giá trị cho từng thời đại. Theo chân của các tông đồ, những môn đệ thuộc thế hệ thứ hai và thứ ba lại tiếp tục công việc rao giảng Tin Mừng. Ðây là một thời đại anh hùng, thời đại của thánh Ignatius thành Antioch, thánh Polycarpe, và nhiều thánh tử đạo xuất chúng khác.
Việc rao giảng Phúc âm không chỉ là giáo huấn sống động của Giáo hội, việc công bố đầu tiên về niềm tin, giảng dạy, đào tạo trong niềm tin (giáo lí); nó còn là sự cam kết suy nghĩ trên diện rộng về sự thật được mạc khải, một sự cam kết được biểu lộ ngay từ đầu trong những công trình của các Giáo phụ ở phương Ðông cũng như ở phương Tây. Khi giáo huấn này phải đương đầu với những suy tư của thuyết Ngộ đạo hoặc nhiều Dị giáo khác nhau đang trổi dậy, nó có thể có tính cách luận chiến.
Ðặc biệt việc rao giảng Phúc âm là một sức mạnh dẫn dắt cho những Công đồng khác nhau. Trong những thế kỉ đầu, nếu cuộc gặp gỡ của Giáo hội với thế giới Hi lạp đã không diễn ra, Công đồng Giêrusalem, do chính các tông đồ tổ chức vào khoảng năm 50 (xem Tđcv 15), có lẽ không được đầy đủ. Những Công đồng chung tiếp theo phát sinh từ nhu cầu biểu lộ sự thật về niềm tin mạc khải bằng ngôn ngữ đầy ý nghĩa và có tính thuyết phục đối với những người sống trong thế giới Hi lạp.
Tất cả những điều này thuộc về lịch sử của việc rao giảng Phúc âm, một lịch sử đã phát triển trong cuộc gặp gỡ của Phúc âm với nền văn hoá của từng thời đại. Chúng ta phải thừa nhận là ngoài việc cung cấp nền tảng cho những học thuyết thần học và triết học của ngàn năm thứ nhất, các Giáo phụ đã đóng vai trò căn bản trong việc rao giảng Phúc âm trên thế giới. Chúa Kitô đã nói: "Chúng con hãy đi khắp thế gian" (Mk 16:15). Trong khi thế giới mở rộng một cách chậm chạp, Giáo hội cũng không ngừng đối đầu với những thách thức mới trong việc rao giảng Phúc âm.
Ngàn năm thứ nhất đã nhìn thấy cuộc gặp gỡ của Giáo hội với nhiều dân tộc khi họ đến tiếp xúc với các trung tâm Kitô giáo trong quá trình di dân. Họ chấp nhận đức tin và trở nên những người Kitô hữu, cho dù họ không thể hiểu được trọn vẹn huyền nhiệm. Do đó nhiều người trong số họ đã ngã theo chủ thuyết Arius, giáo phái phủ nhận tính cách ngang bằng của Chúa Con với Chúa Cha, và họ đã tranh đấu vì sự chiến thắng của dị giáo này trong thế giới Kitô giáo. Ðây không chỉ là những cuộc tranh chấp về ý thức hệ; còn có một cuộc đấu tranh kiên trì để bảo vệ Phúc âm. Qua những cuộc tranh luận này, lời của Chúa Kitô vẫn còn vang vọng: " Các con hãy đi và hãy trở nên môn đệ của mọi dân tộc" (xem Mt 28:19). " Ad gentes!" Những lời nói này, được Ðấng Cứu độ thế gian thốt ra, đã phát sinh hoa trái bổ dưỡng.
Một trong những biến cố vĩ đại nhất trong lịch sử rao giảng Phúc âm chính là sứ mạng của hai anh em đến từ Thessalonica, thánh Cyril và thánh Methodius. Họ là những tông đồ của dân tộc Xlavơ - họ đã mang đến Phúc âm và đồng thời đặt những nền móng cho nền văn hoá Xla vơ. Trong phạm vi nào đó, các dân tộc Xlavơ đã mang ơn những vị thánh này về ngôn ngữ phụng vụ và văn chương của họ. Cả hai vị hoạt động tích cực trong suốt thế kỉ 19 giữa Constantinople và La mã nhằm thống nhất Giáo hội Ðông và Tây phương, tuy nhiên sự thống nhất này đã bắt đầu suy sụp. Trong những vùng rộng lớn của miền Trung và Nam Âu, di sản từ việc rao giảng Phúc âm của họ vẫn trường tồn. Cho đến ngày nay, nhiều quốc gia Xla vơ đã nhìn nhận họ không những là những người thầy của đức tin mà còn là những ông tổ của nền văn hoá của họ.
Một làn sóng mới vĩ đại của việc rao giảng Phúc âm đã bắt đầu vào cuối thế kỉ 15, bắt nguồn trước tiên ở Tây ban nha và Bồ đào nha. Ðây còn là một điều lạ lùng hơn vì ngay trong thời kì đó, sau cuộc li giáo giữa các giáo hội Ðông phương và Tây phương vào thế kỉ 11, cuộc chia rẽ bi đát đang diễn ra ở phương Tây. Lúc bấy giờ, sự huy hoàng lộng lẩy của triều giáo hoàng thời Trung cổ trở thành quá khứ. Phong trào Cải cách Tin lành đang phát triển ồ ạt. Vào lúc Giáo hội La mã đang mất dần những dân tộc ở phía Bắc dãy An pơ, Chúa Quan Phòng đã triển khai những viển cảnh mới. Với công cuộc khám phá ra Châu Mỹ, việc rao giảng Phúc âm cho toàn bộ bán cầu đó từ bắc xuống nam đã bắt đầu khởi động. Chúng ta mới vừa mừng kỉ niệm 500 năm công cuộc phúc âm hoá này, với mục đích không những tưởng niệm một biến cố của quá khứ mà còn xem xét những nhiệm vụ hiện nay của chúng ta dưới ánh sáng công việc của các nhà truyền giáo anh hùng, rất đạo đức, những người đã tích cực hoạt động ở khắp châu Mĩ.
Lòng nhiệt tình truyền giáo biểu lộ rất rõ ràng ở phía bên kia bờ Ðại tây Dương nhờ cuộc khám phá lục địa mới, nó cũng gợi ra những sáng kiến của Giáo hội ở phương Ðông. Thế kỉ 16 cũng là thế kỉ của thánh Phanxicô Xa vie, thành tựu truyền giáo của ngài được hướng đến phương Ðông - đặc biệt ở Ấn độ và Nhật bản. Ngài rất thành công ở đó, mặc dù ngài cũng đương đầu với sự kháng cự mãnh liệt từ nền văn hoá mà những dân tộc vĩ đại đó đã phát triển qua hàng ngàn năm. Ðiều cần thiết là nên bắt đầu công việc thâm nhập vào nền văn hoá, giống như Cha Matteo Ricci, vị tông đồ của Trung Hoa, đề xuất, nếu Kitô giáo muốn đi vào tâm hồn của các dân tộc đó. Tôi vừa nhắc lại là chỉ có một tỉ lệ nhỏ người Châu Á là Kitô hữu; tuy nhiên "đoàn chiên nhỏ" này chắc chắn là thành phần của Vương quốc được Chúa Cha ban cho các tông đồ qua Chúa Kitô . Sức sống của một vài Giáo hội ở Á châu thật đáng chú ý - một lần nữa đây là kết quả của việc bách hại. Ðó là điều rất đúng ở Hàn quốc, Việt Nam, và gần đây ở Trung Quốc.
Sự nhận thức toàn thể Giáo hội đang trong tình trạng truyền giáo đã được cảm nhận một cách mãnh liệt trong thế kỉ vừa qua cũng như hiện nay, nhất là nơi các Giáo hội kì cựu ở Tây âu. Trong quá khứ (ở nước Pháp chẳng hạn) quá nửa số linh mục trong một vài giáo phận đã lên đường truyền giáo.
Thông điệp Redemptoris Missio (Sứ mạng của Ðấng Cứu Chuộc), được công bố trong vài năm nay, bao gồm quá khứ xa và gần, khởi đầu với Areopagus ở Athens và tiếp tục cho đến thời đại hiện nay, trong đó những giai đoạn giống giai đoạn ở Areopagus đã luôn diễn đi diễn lại. Giáo hội đang rao giảng Phúc âm, Giáo hội tuyên xưng Chúa Kitô , Ngài là Ðường, là Sự Thật và là Sự Sống; Chúa Kitô là Ðấng trung gian duy nhất giữa Thiên Chúa và con người. Và mặc dù sự yếu hèn của con người, Giáo hội không bao giờ mệt mỏi trong việc công bố Chúa Kitô . Làn sóng truyền giáo vĩ đại dâng lên trong thế kỉ sau cùng được hướng đến tất cả các lục địa và đặc biệt hướng đến Phi châu. Ngày nay trên lục địa đó chúng ta đã gặp được một Giáo hội bản xứ được thiết lập một cách trọn vẹn. Có nhiều vị Giám mục là người da đen. Phi châu đang trở thành một lục địa của các ơn gọi truyền giáo. Những ơn gọi - nhờ hồng ân của Thiên Chúa - không bao giờ thiếu. Trong khi ơn gọi đang sút giảm ở Châu âu, thì ơn gọi đang ngày càng lớn mạnh ở Phi châu và Á châu.
Có lẽ một ngày nào đó, những lời của Ðức hồng y Hyacinth Thiandoum, con người đã thấy trước khả năng cựu lục địa sẽ được phúc âm hoá bởi những nhà truyền giáo da đen, sẽ trở thành hiện thực. Một lần nữa, chúng ta phải tự hỏi điều này không phải là bằng chứng cho nguồn sinh lực luôn luôn đổi mới của Giáo hội hay sao. Tôi đưa ra sự kiện này nhằm mục đích chiếu soi một thứ ánh sáng khác vào câu hỏi gây bối rối của một số Kitô hữu, và nhất là của những người Công giáo. Thật ra, không có những lí do để mà thất vọng. Nếu thế giới không phải là Công giáo từ một quan điểm giáo phái, nó vẫn được thẩm thấu bởi Phúc âm một cách sâu sắc. Thậm chí chúng ta có thể nói rằng mầu nhiệm của Giáo hội, Thân thể của Chúa Kitô , đang hiện diện một cách vô hình bên trong nó.
Chống lại tinh thần của thế giới, Giáo hội một lần nữa lại tiến hành cuộc đấu tranh hằng ngày, nó không gì khác hơn là cuộc đấu tranh vì linh hồn của thế giới. Nếu ở bên này, Phúc âm và Phúc âm hoá đang hiện hữu trên thế giới, thì ở bên kia cũng có việc chống lại phúc âm hoá mãnh liệt, hoạt động này được tổ chức tốt và có những phương tiện để đối địch với Phúc âm và Phúc âm hoá. Cuộc đấu tranh vì linh hồn của thế giới hiện nay đang ở đỉnh cao nơi mà tinh thần của thế gian có vẻ rất mạnh. Trong chiều hướng này, thông điệp Redemptoris Missio đề cập đến những Areopagi hiện đại. Ngày nay, những Areopagi này chính là thế giới khoa học, văn hoá, và truyền thông; đây là những thế giới của các nhà văn và nghệ sĩ, những thế giới mà thành phần ưu tú tri thức đã được hình thành.
Trong cuộc gặp gỡ luôn luôn đổi mới với con người, công cuộc Phúc âm hoá được gắn kết với sự thay đổi thế hệ. Những thế hệ đến rồi đi tự tách rời khỏi Chúa Kitô và Giáo hội, họ chấp nhận một kiểu tư duy và cuộc sống trần tục hoặc một kiểu như thế được áp đặt lên trên họ. Trong khi đó, Giáo hội luôn hướng nhìn về tương lai. Giáo hội không ngừng bước ra ngoài để gặp gỡ những thế hệ mới. Những thế hệ mới hình như đang đón nhận một cách hăm hở điều mà các bậc tiền bối của họ có vẻ vứt bỏ.
Sự kiện này có ý nghĩa gì? Nó có nghĩa là Chúa Kitô vẫn trẻ mãi. Nó có nghĩa là Chúa Thánh Linh không ngừng hoạt động. Những lời của Chúa Kitô đang vang lên: " Cha Thầy đang làm việc cho đến bây giờ, vì vậy Thầy cũng đang làm việc" (Ga 5:17). Chúa Cha và Chúa Con đang làm việc trong Chúa Thánh Linh, Ngài là Thánh Linh của sự thật, và sự thật không ngừng gây kinh ngạc cho con người, nhất là những tâm hồn của thế hệ trẻ. Vì thế, chúng ta không nên xem xét những thống kê một cách riêng rẽ. Ðối với Chúa Kitô , những công việc bác ái mới là quan trọng. Mặc dù tất cả những mất mát mà Giáo hội đã gánh chịu, Giáo hội không ngừng hướng về tương lai với niềm hi vọng. Niềm hi vọng đó là dấu chỉ của quyền lực của Chúa Thánh Linh. Và quyền lực của Chúa Thánh Linh phải được xét đoán dưới ánh sáng của những lời nói của vị Tông đồ: " Khốn cho tôi nếu tôi không rao giảng Phúc âm!" (xem I Cor 9:16).
Mười năm sau Công đồng, Thượng hội đồng Giám mục về đề tài Phúc âm hoá đã được triệu tập. Nó đã mang lại kết quả trong thư mục vụ của Ðức thánh Cha Phaolô VI,Evangelii Nuntiandi. Nó không phải là một thư chung, nhưng có lẽ nó quan trọng hơn nhiều thư chung khác. Nó có thể được xem như giải thích cho giáo huấn của Công đồng về nhiệm vụ cốt yếu của Giáo hội: " Khốn cho tôi nếu tôi không rao giảng Phúc âm!"
Khi năm 2000 đang đến gần, thế giới hiện đại cảm thấy có nhu cầu cấp thiết đối với Phúc âm. Ðúng là chúng ta cảm thấy nhu cầu này, bởi vì thế giới có vẻ như tự tách rời khỏi Phúc âm, hoặc nói đúng hơn vì thế giới chưa xích lại gần Phúc âm. Trường hợp thứ nhất - tách rời khỏi Phúc âm - là hết sức đúng đối với " thế giới cũ", nhất là Châu Âu; trường hợp thứ hai phù hợp với Á châu, Viễn đông và Phi châu. Cụm từ Phúc âm hoá mới được phổ biến bởi thư chung Evangelii Nuntiandi như một phúc đáp cho những thách thức mới mà thế giới hiện đại sáng tạo vì sứ mạng của Giáo hội.
Redemptoris Missio nói đến một mùa xuân mới của việc Phúc âm hoá, và thậm chí sự việc còn có ý nghĩa hơn khi thư chung được đón nhận một cách phấn khởi và nồng nhiệt trong mọi miền. Nối bước thư chung Evangelii Nuntiandi, Redemptoris Missio trình bày một tổng hợp mới của giáo huấn Giáo hội về việc Phúc âm hoá trong thế giới hiện đại.
Thư chúng nêu lên những vấn đề chính; nó nêu đích danh những trở ngại cản trở con đường Phúc âm hoá; nó soi sáng một số khái niệm nhiều lúc bị hiểu lầm, nhất là trong ngôn ngữ báo chí; cuối cùng nó chỉ rõ những khu vực của thế giới (ví dụ như các quốc gia thời kì hậu cộng sản) nơi sự thật của Phúc âm đã được mong đợi một cách lo lắng. Ðối với những quốc gia này, những quốc gia đã có một lịch sử lâu đời về Kitô giáo, cần có một thứ Phúc âm hoá trở lại.
Việc Phúc âm hoá mới không có gì giống với điều mà những bài báo khác nhau ám chỉ khi nói về sự khôi phục, hoặc kết án việc thu phục tân tòng, hoặc nại đến thuyết đa nguyên và sự khoan dung một cách đơn phương hoặc ác ý. Việc đọc kỉ sứ điệp Công đồng Digitatis Humanae về tự do tôn giáo có thể làm sáng tỏ những vấn đề này, cũng như làm giảm bớt những nỗi lo sợ mà một vài người cố gắng khích động với mục đích tước đoạt khỏi Giáo hội lòng can đảm và nhiệt tình trong sứ mạng Phúc âm hoá. Sứ mạng Phúc âm hoá là một phần cốt yếu của Giáo hội. Công đồng Va ti căng II đã thực hiện quan điểm này theo một đường lối phong phú khi khẳng định " Giáo hội.mang tính cách truyền giáo từ bản chất" (Ad Gentes 2).
Ngoài những chống đối này có liên quan đến việc Phúc âm hoá và những khả năng của nó trong thế giới hiện nay, những chống đối khác nảy sinh có liên quan đến những đường lối và phương pháp Phúc âm hoá. Vào năm 1989, tại Santiago de Compostela, Tây ban nha, Ngày Hội Giới trẻ Thế giới đã diễn ra. Câu trả lời của giới trẻ (nhất là giới trẻ Châu Âu) thật phi thường. Con đường hành hương xưa kia hướng đến đền thờ của thánh Gioan tông đồ lại tái diễn. Chúng ta đã biết đến tầm mức quan trọng của ngôi đền này và những cuộc hành hương trong Kitô giáo như thế nào, đặc biệt là vai trò của chúng trong việc hình thành bản sắc văn hoá của Châu âu. Tuy nhiên hầu như khi biến cố rất có ý nghĩa này đang diễn ra, những lời đồn cho rằng "giấc mơ của Compostela" đã hoàn toàn thuộc về quá khứ và Châu âu Kitô giáo đã trở nên một hiện tượng lịch sử cần được xếp vào những quyển sách lịch sử. Sự kiện mà việc Phúc âm hoá mới làm nảy sinh nỗi sợ hãi như thế trong dư luận là điều gì đó cần được suy nghĩ đến.
Trong bối cảnh của việc Phúc âm hoá mới, việc khám phá lại những giá trị đích thực hiện nay trong lòng mộ đạo của quần chúng rất có ý nghĩa. Cho đến gần đây vẫn còn tồn tại xu hướng coi thường lòng mộ đạo quần chúng. Tuy nhiên, trong thời đại hiện nay, một vài biểu hiện đang trải nghiệm một sự tái sinh đích thực - ví dụ như việc khôi phục những địa điểm hành hương cũ và thiết lập những địa điểm mới. Do đó, bằng chứng khó quên của việc tập họp tại Santiago de Compostela (1989) đã được nối tiếp bởi kinh nghiệm của Jasna Gora ở Czestochova(1991). Ðặc biệt các thế hệ trẻ rất phấn khích bởi những cuộc hành hương. Không những trong thế giới kì cựu mà còn tại Hoa kì, ở đây, mặc dù không có truyền thống hành hương đến các thánh địa, Ngày Hội giới trẻ thế giới tại Denver (1993) đã tập họp hàng trăm ngàn những người trẻ tin vào Chúa Kitô .
Ngày nay vẫn có nhu cầu rõ ràng cho việc Phúc âm hoá mới. Vẫn có nhu cầu công bố Phúc âm, vì nó có thể đồng hành cùng con người trên đường hành hương, và đồng hành cùng thế hệ trẻ. Một nhu cầu như thế không phải là một dấu chỉ tiến gần đến năm 2000 hay sao? Những người hành hương đang hướng về Miền đất hạnh phúc, về Na da rét, về Bê lem và Giê ru sa lem thường xuyên hơn. Dân Thiên Chúa của Cựu và Tân ước đang sống trong một thế hệ trẻ trung hơn và cuối thế kỉ thứ hai mươi, họ cũng có cùng kinh nghiệm như Abraham, con người nghe theo tiếng gọi của Thiên Chúa lên đường hành hương vì đức tin. Trong Phúc âm, chúng ta có nghe thấy câu nói nào khác thường xuyên hơn câu :Hãy theo ta" (Mt 8:22) hay không? Ðây là lời kêu gọi dân chúng ngày nay, đặc biệt là giới trẻ, đi theo dấu chân của Phúc âm hướng đến một thế giới tốt đẹp hơn.
Mười chín
CÓ HI VỌNG THỰC SỰ VÀO GIỚI TRẺ HAY KHÔNG?
Giới trẻ có một vị trí đặc biệt trong tim ÐTC, vì ÐTC thường lập đi lập lại là toàn thể Giáo hội đang nhìn giới trẻ với niềm hi vọng đặc biệt trong việc bắt đầu Phúc âm hoá trở lại.
Thưa ÐTC, đây có phải là niềm hi vọng thực tế không? Có phải những người trưởng thành như chúng ta chỉ ảo tưởng rằng mỗi thế hệ mới sẽ tốt đẹp hơn thế hệ chúng ta và tất cả những thế hệ đi trước hay không?
Ở đây anh đang triển khai một lãnh vực rộng lớn cho việc tranh luận và suy tư.
Giới trẻ ngày nay như thế nào, chúng đang tìm kiếm điều gì? Chúng ta có thể nói rằng chúng lúc nào cũng như lúc nào. Có một thứ gì đó trong con người không bao giờ thay đổi, như Công đồng đã nhắc lại trong hiến chế Gaudium et Spes (10). Ðây là điều đặc biệt đúng nơi giới trẻ. Nhưng giới trẻ ngày nay cũng khác so với giới trẻ trước kia. Trong quá khứ, những thế hệ trẻ được định hình bởi kinh nghiệm đau đớn của chiến tranh, trại tập trung, nguy hiểm liên miên. Kinh nghiệm này cho phép thế hệ trẻ - tôi tưởng tượng tất cả trên toàn thế giới, mặc dù trong đầu tôi chỉ có giới trẻ Ba lan - phát triển những đặc điểm của chủ nghĩa anh hùng vĩ đại.
Tôi nghĩ đến cuộc nổi dậy ở Warsaw năm 1944 - cuộc khởi nghĩa thất bại của những người đồng thời với tôi, những người đã hi sinh tất cả. Họ đã từ bỏ cuộc sống thanh xuân. Họ muốn chứng minh họ có thể cư xử phù hợp với cái gia sản vĩ đại và sống còn của họ. Tôi đã là một thành phần của thế hệ đó và tôi phải nói rằng chủ nghĩa anh hùng của những người đồng thời với tôi đã giúp tôi xác định được ơn gọi của mình. Cha Konstanty Michalski, một trong số các giáo sư nổi tiếng tại đại học Jagellonian ở Krakow, đã viết quyển sách Ở giữa chủ nghĩa anh hùng và sự Tàn bạo sau khi trở về từ trại tập trung Sachsenhausen. Nhan đề của quyển sách thu hút dư luận lúc bấy giờ. Vừa tham khảo Friar Albert Chmielowski, Michalski vừa nhắc lại những ngôn từ của Phúc âm về nhu cầu " hy sinh mạng sống mình" (xem Ga 15:13). Chính trong thời kì con người bị khinh miệt tột độ này, khi mà cái giá của cuộc sống con người có lẽ không bao giờ được xem là quá rẻ mạt, thì mỗi cuộc sống đã trở nên quý giá vì đạt được một cái giá của một món quà biếu không.
Về phương diện này, lớp trẻ ngày nay đã trưởng thành trong một bối cảnh khác hẳn. Chúng không có được những kinh nghiệm của cuộc chiến tranh thế giới thứ hai. Hơn nữa, nhiều người trong số họ đã không biết - hoặc không nhớ - đến cuộc đấu tranh chống lại chủ nghĩa Cộng sản, chống lại nhà nước độc tài. Họ sống trong tự do, điều mà những người khác đã giành được cho họ, và hầu như chấp nhận một nền văn hoá tiêu thụ. Nói một cách cụ thể hơn, đây là nguyên tắc của hoàn cảnh hiện nay.
Tuy nhiên, khó có thể nói rằng giới trẻ đã loại bỏ những giá trị truyền thống, từ bỏ Giáo hội. Những kinh nghiệm của các thầy giáo và các chủ chăn xác nhận chủ nghĩa lí tưởng nơi giới trẻ hiện nay không thua gì trước kia, mặc dù hiện nay nó được diễn tả dưới hình thức phê phán, trước khi nó được chuyển thành bổn phận. Nói chung, các thế hệ trẻ trưởng thành trong một bầu khí được đánh dấu bằng một chủ nghĩa thực chứng mới, trong khi ở Ba lan, lúc tôi còn là một cậu bé, thì những truyền thống lãng mạn chiếm ưu thế. Giới trẻ mà tôi tiếp xúc sau khi tôi được thụ phong linh mục đã tin tưởng vào những truyền thống này. Trong Giáo hội và trong Phúc âm, họ đã nhìn thấy có một điểm tham khảo giúp họ tập trung nội lực, hướng dẫn cuộc sống của họ theo một con đường có ý nghĩa. Tôi vẫn còn nhớ những cuộc nói chuyện của tôi với lớp trẻ đó, họ đã nói về mối quan hệ của họ với niềm tin trong điều kiện đó.
Kinh nghiệm đáng nhớ nhất của tôi trong giai đoạn này, khi những hoạt động mục vụ của tôi tập trung vào giới trẻ, đó là việc khám phá tầm quan trọng căn bản của thế hệ trẻ. Thế hệ trẻ là gì? Ðó không chỉ là một giai đoạn của cuộc đời tương ứng với một số năm nhất định, đó còn là một thời gian mà Chúa Quan Phòng ban cho mỗi cá nhân như là một trách nhiệm. Trong giai đoạn này, giống như chàng thanh niên trong Phúc âm, họ tìm kiếm những giải đáp cho những vấn nạn căn bản; họ tìm kiếm không những ý nghĩa của cuộc sống mà còn tìm một con đường cụ thể để tiếp tục sống cuộc sống của họ. Ðây là đặc điểm căn bản nhất của lớp trẻ. Mỗi cố vấn từng trải, bắt đầu là cha mẹ, không kể đến mỗi vị chủ chăn, phải ý thức đặc điểm này và phải biết nhận diện nó như thế nào nơi mỗi bé trai và bé gái. Tôi muốn nói thêm: Họ phải yêu diện mạo căn bản này của giới trẻ.
Nếu như ở từng giai đoạn của cuộc sống, con người mong muốn trở thành chính mình, tìm được tình yêu, thì trong thời thanh xuân họ thậm chí ước ao điều đó một cách mãnh liệt hơn. Ước muốn trở thành chính mình không thể được hiểu như là một giấy phép làm bất cứ thứ gì mà không có luật trừ. Giới trẻ không muốn điều đó chút nào - họ mong muốn được sửa sai, họ muốn được nói có hoặc không. Họ cần những người hướng dẫn, và họ muốn những người đó ở bên cạnh. Nếu những người hướng dẫn cầu cứu những nhân vật có uy tín, họ cũng làm như vậy vì họ nhìn thấy nơi những người đó ấm áp tình người và muốn đồng hành với họ trên những con đường họ đang theo.
Vấn đề căn bản của giới trẻ có tính cách cá nhân một cách sâu sắc. Trong cuộc sống, giới trẻ có nghĩa là khi chúng ta hiểu biết chính chúng ta. Ðó cũng là một thời kì hiệp thông. Giới trẻ, dù nam hay nữ, đều biết họ phải sống vì và với những người khác, họ biết cuộc đời của họ có ý nghĩa trong phạm vi nó trở thành một món quà nhưng không cho những người khác. Ðây là nguồn gốc của tất cả các ơn gọi - dù là cuộc sống linh mục hoặc tu sĩ, hoặc hôn nhân và gia đình. Lời kêu gọi sống đời sống hôn nhân cũng là một ơn gọi, một quà tặng từ Thiên Chúa. Tôi sẽ không bao giờ quên một chàng trai trẻ, một sinh viên ngành cơ khí ở Krakow, một người mà bất cứ ai cũng biết đã khao khát sự thánh thiện một cách mãnh liệt. Ðây là kế hoạch cuộc đời của anh ta. Anh biết mình " được sinh ra vì những việc vĩ đại", như thánh Stanislaus Kotska đã từng bày tỏ. Anh không hồ nghi về ơn gọi của anh không phải là đời sống linh mục hoặc tu sĩ. Anh biết anh được mời gọi để ở lại sống đời sống trần tục. Công việc kĩ thuật, việc nghiên cứu máy móc là niềm đam mê của anh. Anh đã tìm kiếm một người bạn đời và tìm kiếm nàng khi quỳ gối cầu nguyện. Tôi sẽ không bao giờ quên cuộc nói chuyện sau một ngày tĩnh tâm đặc biệt, anh đã nói với tôi: " Tôi nghĩ đây là người phụ nữ sẽ là vợ tôi, chính Thiên Chúa đã ban nàng cho tôi." Hầu như anh đang nghe theo không những tiếng gọi của những mong muốn riêng tư mà còn là của chính Thiên Chúa.Anh đã biết tất cả những điều tốt đẹp đều xuất phát từ Ngài, và anh đã có một sự lựa chọn tốt đẹp. Tôi đang nói về Jerzy Ciesielski, anh đã chết trong một tai nạn thảm khốc ở Xu đăng, nơi anh đã được mời đến giảng dạy tại trường Ðại học. Hồ sơ phong thánh cho anh đang tiến triển tốt.
Ơn gọi yêu thương này dĩ nhiên cho phép chúng ta tiến gần giới trẻ. Với tư cách là một linh mục, tôi đã ý thức vấn đề này rất sớm. Tôi cảm thấy trong tôi có một ơn gọi theo chiều hướng này. Cần thiết phải chuẩn bị cuộc sống hôn nhân cho giới trẻ, cần dạy cho họ tình yêu. Tình yêu không phải là một điều gì được học, và không có điều gì khác quan trọng hơn để học! Với tư cách là một linh mục trẻ, tôi đã học yêu tình yêu nhân loại. Ðây là một trong số những đề tài căn bản của cuộc đời linh mục của tôi - nhiệm vụ của tôi trên bục giảng, trong toà giải tội, và trong việc viết lách nữa. Nếu người ta yêu tình yêu nhân loại, dĩ nhiên nảy sinh nhu cầu tự hứa phục vụ cho "tình yêu cao đẹp", vì tình yêu là cao đẹp.
Sau cùng, giới trẻ luôn luôn tìm kiếm cái đẹp trong tình yêu. Họ mong muốn tình yêu của họ trở nên đẹp đẽ. Nếu họ nhượng bộ cho sự yếu hèn, đeo đuổi những kiểu cư xử có thể được xem như một " tai tiếng trong thế giới hiện đại" (đây là những kiểu cách khá phổ biến) thì tận trong nơi sâu thẳm của tâm hồn, họ vẫn còn ước ao một tình yêu đẹp đẽ và trong trắng. Ðây là điều đích xác nơi các chàng trai cũng như nơi các cô gái. Họ biết chỉ có Thiên Chúa mới có thể ban cho họ tình yêu này. Rốt cục, họ muốn đi theo Chúa Kitô , mà không cần quan tâm đến những hi sinh mà công việc này có thể đòi buộc.
Với tư cách là linh mục và chủ chăn trẻ, tôi dùng đường lối này để nhìn vào thế hệ trẻ và tuổi trẻ, và sự việc này vẫn luôn như thế trong toàn bộ thời gian này. Ðó là một viễn cảnh cho phép tôi gặp gỡ giới trẻ ở bất cứ nới nào tôi đến. Tất cả các linh mục chính xứ tại La mã đều biết những cuộc viếng thăm của tôi tại giáo xứ đều kết thúc bằng một cuộc gặp gỡ giữa Giám mục thành La mã và giới trẻ trong giáo xứ. Và không phải chỉ ở La mã, nhưng ở bất cứ nới nào giáo hoàng đến, người đi tìm giới trẻ và giới trẻ đi tìm người. Nói cho đúng hơn, không phải Ðức thánh cha đi tìm gì hết. Chỉ có một người đi tìm đó là Ðức Kitô , Ngài biết "việc đó ở trong mỗi con người" (xem Ga 2:25), nhất là ở nơi một người trẻ, và Ngài có thể đưa ra những giải đáp cho những câu hỏi của họ! Và dù cho giới trẻ đang đòi hỏi những lời giải đáp, họ cũng không sợ chúng; thậm chí họ chờ đợi chúng một cách chính xác hơn.
Ðiều này cũng giải thích ý tưởng tổ chức Ngày Hội Giới Trẻ Thế Giới. Ngay lúc đầu, trong Năm Toàn Xá Cứu Ðộ, và một lần nữa vào Năm Quốc Tế Giới Trẻ, được Liên Hiệp Quốc bảo trợ (1985), giới trẻ được mời đến La mã. Ðây là sự mở đầu. Không ai sáng lập ra những Ngày Hội giới Trẻ Thế Giới. Chính thế hệ trẻ đã sáng lập những ngày đó. Những ngày đó, những cuộc gặp gỡ đó đã trở thành một thứ được giới trẻ trên toàn thế giới ao ước. Phần lớn thời gian của những ngày này là một điều gây sửng sốt cho các linh mục, cũng như các giám mục, chúng vượt qua tất cả những sự mong đợi của họ.
Những Ngày Hội Giới Trẻ đã trở thành một bằng chứng vĩ đại lạ lùng mà giới trẻ dành cho chính họ. Chúng đã trở thành những phương tiện rao giãng Phúc âm rất hữu hiệu. Trong thực tế, nơi thế hệ trẻ có một tiềm năng vĩ đại cho điều thiện và khả năng sáng tạo. Bất cứ khi nào tôi gặp họ trong những chuyến du hành của tôi trên thế giới, trước tiên tôi mong nghe những gì họ muốn nói với tôi về chính họ, về xã hội và Giáo hội của họ. Và tôi luôn luôn nhấn mạnh: " Ðiều Cha sắp nói với các con không quan trọng bằng điều các con sắp nói với Cha. Các con không nhất thiết phải nói điều đó với cha bằng lời; các con sẽ nói với cha bằng sự hiện diện của chúng con, bằng bài ca của chúng con, có lẽ bằng điệu múa, bằng những vở kịch trào phúng, và sau cùng bằng sự cuồng nhiệt của chúng con."
Chúng ta cần sự cuồng nhiệt của thế hệ trẻ. Chúng ta cần niềm vui sống của họ. Trong đó đã phản ánh một thứ niềm vui nguyên thuỷ của Thiên Chúa khi Ngài sáng tạo con người. Giới trẻ trải nghiệm cùng niềm vui này trong chính họ. Niềm vui này giống nhau ở khắp mọi nơi, nhưng nó mài mãi mới lạ và độc đáo. Giới trẻ biết biểu lộ niềm vui này như thế nào theo đường lối đặc biệt của họ
Thật ra Ðức giáo hoàng không mang thế hệ trẻ từ tận cùng này đến tận cùng kia của thế giới,.chính họ mang Người đi. Cho dù Người đang trở nên già hơn, họ thuyết phục Người trẻ lại, họ không cho phép Người quên đi kinh nghiệm, việc khám phá ra tuổi trẻ của Người cũng như tầm quan trọng của tuổi trẻ đối với cuộc sống của mỗi người. Tôi tin rằng điều này giải thích rất nhiều.
Ngày khởi đầu cho nhiệm kì giáo hoàng của tôi, ngày 22 tháng Mười năm 1978, vào lúc kết thúc giờ phụng vụ, tôi đã nói với giới trẻ tụ tập tại Công trường Thánh Phêrô như sau: " Các con là niềm hi vọng của Giáo hội và của thế giới. Các con là niềm hi vọng của Cha." Tôi thường lập đi lập lại những lời này.
Tôi muốn đúc kết bằng cách nhấn mạnh là giới trẻ đang tìm kiếm Thiên Chúa, họ đang tìm kiếm ý nghĩa của cuộc sống, họ đang tìm kiếm những câu giải đáp dứt khoát: " Tôi phải làm gì để thừa hưởng cuộc sống đời đời? " (Lc 10:25). Trong cuộc tìm kiếm này, họ không thể giúp đỡ những gặp gỡ Giáo hội. Và Giáo hội cũng không thể giúp đỡ nhưng gặp gỡ giới trẻ. Ðiều cần thiết duy nhất là Giáo hội phải có sự hiểu biết sâu sắc là trẻ trung có ý nghĩa như thế nào, tầm quan trọng mà tuổi trẻ dành cho mỗi cá nhân. Giới trẻ cũng cần biết đến Giáo hội, họ cần cảm nhận Chúa Kitô trong Giáo hội, Chúa Kitô đồng hành với mỗi thế hệ, mỗi người qua hàng thế kỉ. Ngài đồng hành với mỗi người với tư cách là một người Bạn. Một ngày quan trọng trong cuộc đời của một người trẻ là ngày người đó tin đây là Người Bạn duy nhất sẽ không làm cho mình thất vọng, và luôn luôn là Người đáng tin tưởng.
Hai mươi
THIÊN CHÚA CÓ HOẠT ÐỘNG VÌ SỰ SỤP ÐỔ CỦA CNCS HAY KHÔNG?
Thiên chúa có vẻ im lặng ("sự im lặng của Thiên Chúa" như một số người đã nói và còn tiếp tục nói), nhưng trên thực tế, Ngài vẫn luôn luôn hoạt động. Hoặc những người nào thấy rõ việc tiết lộ chương trình huyền nhiệm của Ðấng Quan Phòng trong những công việc loài người cũng yêu sách như thế.
Trong bối cảnh của những biến cố gần đây, Ðức thánh Cha thường bày tỏ sự tin tưởng cá nhân (chẳng hạn như con nhớ đến những lời ÐTC nói trong các nước vùng biến Baltic, trong cuộc thăm viếng lần đầu tiên đến lãnh thổ của cựu Xô viết vào mùa thu năm 1993) rằng trong việc sụp đổ của chủ nghĩa Mác xít vô thần, người ta có thể thấy rõ digitus Dei (ngón tay của Thiên Chúa). ÐTC thường nói bóng gió đến " mầu nhiệm", thậm chí một "phép lạ", khi nói về sự sụp đổ sau bảy mươi năm, của một quyền lực có vẻ như sẽ tồn tại qua hàng thế kỉ.
Chúa Kitô nói: Cha ta đang làm việc cho đến lúc này, vì vậy ta cũng đang làm việc" (Ga 5:17). Những lời nói này ám chỉ đến điều gì? Việc kết hợp với Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Linh là yếu tố cấu thành cốt lỏi của cuộc sống đời đời. "Ðây là cuộc sống đời đời, điều mà họ nên biết Cha.và Ðấng duy nhất mà Cha gởi đến là Giêsu Kitô " (Ga 17:3). Nhưng khi Chúa Giêsu nói về Thiên Chúa Cha Ðấng "đang làm việc cho đến tận bây giờ". Ngài không ám chỉ đến sự vĩnh hằng một cách trực tiếp. Ngài nói đến sự kiện Thiên Chúa đang làm việc trên thế giới. Kitô giáo không chỉ là một tôn giáo của sự hiểu biết, của chiêm niệm. Ðó còn là một tôn giáo hành động của Thiên Chúa và của con người. Bậc thầy vĩ đại của đời sống thần bí và chiêm niệm, thánh Gioan thánh giá, có viết: " Vào cuối cuộc đời, chúng ta sẽ được phán xét về tình yêu"(Danh ngôn của Ánh Sáng và Tình Yêu 60). Chúa Giêsu diễn tả chân lí y hệt một cách đơn giản hơn khi nói về ngày Phán xét chung trong Phúc âm của thánh (Matthêu 25:31-46).
Chúng ta có thể nói đến sự im lặng của Thiên Chúa hay không? Nếu vậy, chúng ta nên giải thích sự im lặng đó như thế nào?
Vâng, trong một ý nghĩa nào đó Thiên Chúa im lặng, vì Ngài đã mạc khải hết mọi sự rồi. Ngài đã nói " vào thời xa xưa" qua các đấng tiên tri và " trong những ngày sau cùng này" qua Con của Ngài (xem Heb 1:1-2). Nơi Chúa Con, Ngài đã nói với chúng ta tất cả những gì Ngài đã phải nói. Thánh Gioan Thánh Giá nói Chúa Kitô " giống như một hầm mỏ phong phú với nhiều hốc chứa những kho báu, đến nổi dù những cá nhân sâu sắc có thể đi đến nhưngẫn không bao giờ đạt đến tận cùng, nhưng đúng hơn trong mổi hốc sâu họ tìm được những mạch mới với những hốc phong phú ở khắp mọi nơi" (Spiritual Canticle 37.4). Chúng ta cần nghe thêm một lần nữa tiếng nói của Thiên Chúa vang lên trong lịch sử loài người. Và nếu tiếng nói của Ngài không được lắng nghe, có lẽ là vì "những lỗ tai" của tâm hồn chúng ta không chịu mở ra. Trong ý nghĩa này Chúa Kitô nói đến những người " nhìn nhưng không thấy và nghe nhưng không chịu chú ý lắng tai hoặc tìm hiểu" (xem Mt13:13), trong khi kinh nghiệm của Thiên Chúa luôn ở trong tầm tay của mỗi người, có thể đạt đến Ngài nơi Chúa Giêsu Kitô và nơi quyền lực của Chúa Thánh Linh.
Ngày nay dù cho những sự việc có thể xảy ra như thế nào đi nữa, vẫn có nhiều người tìm được biện pháp để trải nghiệm Thiên Chúa Ðấng đang làm việc. Ðiều này được trải nghiệm một cách mạnh mẽ trong thời đại chúng ta, nhất là do thế hệ trẻ trung hơn. Chúng ta có thể nào đưa ra lời giải thích khác cho tất cả các hiệp hội và nhiều phong trào đang phát triển trong Giáo hội hay không? Những việc này có thể là điều gì khác không, nếu không muốn nói là Lời Chúa đã được nghe và đón nhận? Kinh nghiệm của ngày Hội Giới Trẻ ở Denver có thể được hiểu khác không, khi Lời Chúa được giới trẻ lắng nghe trong một hoàn cảnh ít có hy vọng thành công, vì có nhiều sự kiện đang được thực hiện để ngăn cản việc lắng nghe đó?
Việc lắng nghe này, sự hiểu biết này là nguồn gốc của hành động: nó làm phát sinh sự vận động tư tưởng, sự vận động của con tim, sự vận động của ước muốn. Có lần tôi đã từng nói với các vị lãnh đạo của những phong trào truyền giáo rằng chính Giáo hội là một phong trào đầu tiên và trước nhất, một sứ mạng. Ðó là sứ mạng được bắt đầu trong Thiên Chúa Cha và qua Chúa Con trong Chúa Thánh Linh không ngừng đến với nhân loại và uốn nắn nhân loại theo một đường hướng mới. Vâng, Kitô giáo là một hoạt động vĩ đại của Thiên Chúa. Hoạt động của lời nói trở thành hoạt động của các bí tích.
Các bí tích có phải là những điều gì khác nếu không phải là hoạt động của Chúa Kitô trong Chúa Thánh Linh hay không? Khi Giáo hội ban phép Thánh tẩy, chính là Chúa Kitô ban phép Thánh Tẩy; khi Giáo hội tha tội, chính là Chúa Kitô đang tha tội; khi Giáo hội cử hành bí tích Thánh Thể; chính là Chúa Kitô đang cử hành bí tích đó: " Này là Mình Ta". Vân vân. Tất cả các bí tích là một hoạt động của Chúa Kitô , hoạt động của Thiên Chúa trong Chúa Kitô . Vì vậy thật khó mà nói về sự im lặng của Thiên Chúa. Ðúng hơn chúng ta phải nói đến ước muốn ngăn chặn tiếng nói của Thiên Chúa.
Vì vậy, ước muốn ngăn chặn tiếng nói của Thiên Chúa đang được lên kế hoạch một cách kỉ lưỡng hơn. Nhiều người muốn làm bất cứ điều gì để tiếng nói của Ngài không được lắng nghe và nhường chỗ cho tiếng nói của con người, tiếng nói này không mang lại bất cứ thứ gì khác ngoài những việc làm của thế giới này. Ðôi khi một sự ban tặng như thế mang lại sự huỷ diệt thuộc tầm mức vũ trụ. Ðiều này không phải là lịch sử bi thảm của thế kỉ chúng ta hay sao?
Bằng câu hỏi anh xác nhận sự sụp đổ của chủ nghĩa CS, hoạt động của Thiên Chúa đã trở nên rất rõ ràng trong lịch sử của thế kỉ chúng ta. Chúng ta phải thận trọng về sự quá đơn giản. Ðiều chúng ta ám chỉ đến như là chủ nghĩa CS có lịch sử riêng, đó là lịch sử phản kháng trước bất công, giống như tôi đã nhắc lại trong thông điệp Laborem Exercens - một phản kháng của giai cấp công nhân vĩ đại, để rồi sơm trở thành một ý thức hệ. Nhưng sự phản kháng này cũng đã trở thành một phần trong giáo huấn của Giáo hội.
Chúng ta cần nhắc lại thông điệp Rerum Novarum từ cuối thế kỉ trước. Chúng tôi muốn nói thêm: Lời giáo huấn này không bị giới hạn ở mức phản kháng, nhưng còn có cái nhìn thật xa về tương lai. Trên thực tế, chính Ðức Lê ô XIII đã tiên đoán sự sụp đổ của chủ nghiã CS, một sự sụp đổ đắt giá đối với nhân loại và Châu âu, bởi vì thuốc chữa - Ngài đã viết trong thông điệp năm 1891 - có thể chứng tỏ cho thấy nguy hiểm hơn chính căn bệnh. ÐTC đã nói đến sự kiện này một cách hết sức nghiêm túc và đầy uy quyền của Giáo hội trong tư cách làm Thầy.
Và chúng ta phải nói gì về ba trẻ từ Fatima vào hôm trước cuộc Cách mạng Tháng Mười bùng nổ: "Nước Nga sẽ trở lại" và "cuối cùng Trái tim Ta sẽ chiến thắng"? Những trẻ đó không thể nào bịa ra những lời tiên đoán trên. Chúng không biết đủ về lịch sử hoặc địa lí cũng như mù tịt về những phong trào xã hội và những phát triển ý thức hệ. Tuy nhiên sự việc đã diễn ra y hệt như lời chúng đã nói. Có lẽ đây cũng là lí do ÐTC được gọi từ một quốc gia xa xôi; có lẽ đây là lí do cần thiết cho việc mưu sát tại quãng trường Thánh Phêrô phải diễn ra vào đúng ngày 13 tháng năm năm 1981, ngày kỉ niệm Ðức Mẹ hiện ra ở Fatima - đến nổi mọi việc có thể trở nên dễ hiểu và sáng tỏ hơn và tiếng Chúa nói trong lịch sử nhân loại qua những dấu chỉ của thời đại có thể được lắng nghe và hiểu một cách dễ dàng hơn.
Ðây là Thiên Chúa Cha Ðấng luôn luôn làm việc, và đây là Chúa Con, Ngài cũng đang làm việc và đây là Chúa Thánh Linh vô hình, Ngài là Tình Yêu, và vì Tình yêu không ngừng sáng tạo, cứu độ, thánh hoá và là hoạt động trao ban sự sống. Vì vậy thật đơn giản khi cho rằng sự Quan Phòng của Thiên Chúa đã gây nên sự sụp đổ của cncs. Theo một ý nghĩa nào đó, cncs với tính cách là một hệ thống tự sụp đổ. Nó sụp đổ như là môﴍ hậu quả của những sai lầm và lạm dụng của nó. Nó chứng tỏ là một liều thuốc còn nguy hiểm hơn chính bệnh tật. Nó không mang đến sự cải tạo xã hội đích thực, nhưng trở thành một mối đe doạ và thách thức đầy uy lực đối với toàn thể thế giới. Nhưng nó tự sụp đổ do sự yếu kém cố hữu của nó.
Cha ta đang làm việc cho đến lúc này, vì vậy chính ta cũng đang làm việc" (Ga 5:17). Sự sụp đổ của cncs mở ra trước mắt chúng ta cái nhìn bao quát về quá khứ của lối suy nghĩ và hành động điển hình của nền văn minh hiện đại, nhất là ở Châu âu, nơi xuất phát cncs. Nền văn minh hiện đại, mặc dù có những thành tựu đáng kể trong nhiều lãnh vực, vẫn gây nên nhiều khuyết điểm và làm nảy sinh nhiều lạm dụng đối với con người bằng nhiều cách khác nhau. Ðó là một nền văn minh luôn trang bị cho mình những cơ cấu quyền lực và những cơ cấu đàn áp về mặt chính trị cũng như về mặt văn hoá (nhất là bằng phương tiện truyền thông) nhằm áp đặt những khuyết điểm và lạm dụng giống nhau trên toàn thể nhân loại.
Chúng ta còn có thể giải thích như thế nào về sự chênh lệch đang gia tăng giữa miền bắc giàu có và miền nam luôn nghèo hơn? Ai sẽ chịu trách nhiệm về vấn đề này? Con người chịu trách nhiệm - con người với các ý thức hệ và các hệ thống triết học. Tôi muốn nói rằng tinh thần trách nhiệm tuỳ thuộc vào sự đấu tranh chống lại Thiên Chúa, sự loại bỏ có hệ thống tất cả những gì thuộc Kitô giáo. Cuộc đấu tranh này đã khống chế một cách sâu rộng tư tưởng và cuộc sống ở phương Tây trong ba thế kỉ. Chủ nghĩa tập thể Mác xít không gì khác hơn là một "bản dịch rẻ tiền" của kế hoạch này. Ngày nay một kế hoạch giống như thế đang tự biểu lộ trong tất cả sự nguy hiểm cũng như sự sai lầm của nó.
Mặt khác, Thiên Chúa tin tưởng vào Thoả ước của Ngài. Ngài đã thực hiện điều đó với nhân loại nơi Chúa Giêsu Kitô . Bây giờ Ngài không thể trốn tránh nó, một khi Ngài đã quyết định và vì tất cả những điều đó số phận của nhân loại là cuộc sống đời đời và Nước Trời. Phải chăng con người sẽ từ bỏ tình yêu Thiên Chúa, phải chăng con người sẽ nhận biết lỗi lầm bi đát của mình? Phải chăng vị vua của Bóng Tối sẽ đầu hàng, chính hắn là "cha đẻ của sự dối trá" (Ga 8:44), hắn không ngừng kết tội những đứa con của Con người giống như xưa kia hắn đã kết tội Job (x.Jb 1:ff) ? Chắc là hắn sẽ không đầu hàng, nhưng những lập luận của hắn có thể yếu đi. Có lẽ nhân loại dần dần sẽ trở nên tỉnh táo hơn, con người sẽ mở rộng đôi tai một lần nữa để nghe tất cả những gì Thiên Chúa đã nói với nhân loại.
Và sẽ không có điều gì nhục nhã về vấn đề này. Mỗi người có thể học tập từ những sai lầm của mình. Nhân loại cũng có thể làm như thế nếu họ để cho Thiên Chúa dẫn dắt theo suốt những đường lối của lịch sử. Thiên Chúa không ngừng làm việc. Công việc cốt yếu của Ngài vẫn mãi là Thánh giá và sự Phục sinh của Chúa Giê su. Ðây là lời tối hậu của chân lí và tình yêu. Ðây là nguồn vô tận của hành động Thiên Chúa trong các bí tích, cũng như trong tất cả những đường lối khác mà chỉ có Ngài mới biết rõ. Hành động của Ngài là một hành động đi xuyên qua tâm hồn con người và xuyên qua lịch sử nhân loại.
Hai mươi mốt
PHẢI CHĂNG CHỈ CÓ LA MÃ LÀ ÐÚNG ?
Chúng ta hãy trở lại ba thực tại của đức tin Công giáo không thể tách rời nhau như chúng ta đã bàn phía trước. Chúng ta vừa nói về Thiên Chúa và Chúa Giê su. Ðến lúc phải nói về Giáo hội.
Chúng ta nhận thấy đa số người, thậm chí ở phương Tây, vẫn còn tin vào Thiên Chúa (hoặc ít ra một vị Thiên Chúa nào đó). Chủ nghĩa vô thần công khai luôn luôn -và có vẻ còn tiếp tục bị giới hạn nơi thành phần tuyển chọn và những người trí thức. Niềm tin Thiên chúa "tự nhập thể - hoặc ít ra "tự biểu lộ" một cách độc nhất - nơi Chúa Giêsu vẫn còn được nhiều người tuân theo.
Nhưng Giáo hội thì sao? Ðặc biệt Giáo hội Công giáo thì sao? Hình như ngày nay nhiều người vẫn chống lại yêu sách cho rằng sự cứu độ chỉ có thể được tìm thấy trong Giáo hội. Nhiều Kitô hữu - và thậm chí một số người Công giáo - tự hỏi : Tại sao trong tất cả các Giáo hội Kitô giáo chỉ có Giáo hội Công giáo chiếm hữu và giảng dạy thời kì viên mãn của Phúc âm?
Ở đây, trước tất cả mọi thứ khác, chúng ta cần giải thích tín điều Kitô giáo về cứu độ và về việc làm trung gian của cứu độ, nó luôn luôn xuất phát nơi Thiên Chúa. " vì chỉ có một Thiên Chúa./ cũng chỉ có một Ðấng trung gian giữa Thiên Chúa và nhân loại,/ Chúa Giêsu Kitô , chính Ngài là con người" (1 Tm 2:5). " Không có sự cứu độ bằng . bất cứ danh hiệu nào khác" (Tđcv 4:12).
Vì thế đó là một chân lí được mạc khải, theo đó chỉ có sự cứu độ duy nhất và tuyệt đối nới Chúa Kitô . Giáo hội, với tính cách là thân thể của Chúa Kitô , chỉ là một công cụ của sự cứu độ này. Trong những lời đầu tiên của Lumen Gentium, Hiến chế tín lí về Giáo hội của Công đồng Va ti căng II, chúng ta đọc thấy: " Giáo hội ở trong Chúa Kitô như là một bí tích, hoặc một dấu chỉ và công cụ, của sự kết hợp mật thiết với Thiên Chúa và của sự hiệp nhất toàn nhân loại (Lumen Gentium). Vì vậy, với tư cách là dân Thiên Chúa, Giáo hội đồng thời là Thân thể của Chúa Kitô .
Công đồng giải thích một cách sâu sắc mầu nhiệm của Giáo hội: " Con Thiên Chúa, tự kết hợp với bản tính loài người, chiến thắng sự chết bằng Cái chết và sự Phục sinh của Ngài, đã cứu chuộc con người và biến đổi họ trở thành vật thụ tạo mới (x. Gal 6:15; 2 Cor 5:17). Bằng cách gởi Chúa Thánh Linh đến, Chúa Kitô tập hợp các anh em của Ngài từ mọi dân tộc để tạo thành thân thể mầu nhiệm của Ngài." (Lumen Gentium 7). Vì lí do này, như lời thánh Cyprian, Giáo hội phổ quát xuất hiện " như là một dân tộc được tập hợp bởi sự kết hợp của Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Linh" (De Oratione Dominica 23). Cuộc sống này, cuộc sống từ Thiên Chúa và trong Thiên Chúa, là hiện thực hoá của sự cứu độ. Con người được cứu độ trong Giáo hội bằng việc được đưa vào trong Mầu nhiệm của Thiên Chúa Ba Ngôi, trong mầu nhiệm của cuộc sống mật thiết của Thiên Chúa. Ðiều này không thể được cảm nhận bằng cách chỉ nhìn vào diện mạo hữu hình của Giáo hội. Giáo hội là một thân thể sống động. Thánh Phaolô đã giải thích sự kiện này trong cái nhìn sáng suốt về Thân thể của Chúa Kitô (x. Col 1:18).
" Theo cách này, chúng ta tất cả đều trở nên những thành phần của Thân thể đó (x. I Cor 12:27), và theo từng cá nhân là những thành phần của nhau (Rm 12:5)."Cũng có tính cách khác nhau của các phần và chức năng trong cơ cấu của Thân thể mầu nhiệm. Ðấng Duy nhất là Chúa Thánh Linh, đấng ban phát vì lợi ích của Giáo hội những quà tặng khác nhau với sự lộng lẫy huy hoàng tương xứng với sự phong phú của Ngài và những nhu cầu của các chức vụ" (Lumen Gentium 7).
Vì thế Công đồng không thể công bố bất cứ hình thức chủ nghĩa nào xem Giáo hội là trung tâm. Giáo huấn của Công đồng đều tập trung vào Chúa Kitô trong mọi khía cạnh và vì thế nó được bén rễ một cách sâu xa trong Mầu nhiệm của Chúa Ba Ngôi. Ở trung tâm của Giáo hội chính là Chúa Kitô và sự Hi sinh của Ngài, một sự Hi sinh được cử hành theo một ý nghĩa nào đó trên bàn thờ của mọi tạo vật, trên bàn thờ của thế giới. Chúa Kitô " là. người anh trưởng của mọi loài thụ tạo" (Col 1:15). Bao quanh sự hi sinh cứu chuộc của Ngài tập trung toàn thể thụ tạo đang giải quyết số phận đời đời của mình trong Thiên Chúa. Nếu tiến trình này gây nên đau khổ, nó cũng tràn trề hi vọng, như thánh Phao lồ giáo huấn trong Thư gởi tín hữu La mã (x. 8:23-24).
Một dân tộc duy nhất của Thiên Chúa đang hiện diện giữa tất cả các quốc gia trên trái đất, từ khi Ngài đón nhận các công dân từ mỗi chủng tộc, những công dân của Vương quốc về bản chất không thuộc thế giới này nhưng do từ trời. Trên thực tế, tất cả những sự phát triển tín đồ trên thế giới được hiệp thông với nhau nhờ Chúa Thánh Linh, vì vậy con người ở La mã đang biết rằng những người ở phía bên kia của trái đất cũng là những thành viên của mình. Trong cùng tài liệu, một trong số những tài liệu quan trong nhất của Công đồng Va ti căng 2, chúng ta đọc thấy: " Căn cứ vào tính cách công giáo này, mỗi thành phần đều mang những quà tặng của mình cho các thành phần khác và cho toàn thể Giáo hội, vì vậy những thành phần trọn vẹn và cá nhân đều được tăng thêm sức mạnh bằng cách hiệp thông với nhau, cùng làm việc chung để đạt được sự viên mãn trong hiệp nhất." (Lumen Gentium 13).
Trong Chúa Kitô , Giáo hội là một sự hiệp thông bằng nhiều cách khác nhau. Ðặc tính như là một sự hiệp thông khiến cho Giáo hội giống như sự hiệp thông của Thiên Chúa Ba Ngôi là Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Linh. Nhờ sự hiệp thông này, Giáo hội là công cụ cứu độ của con người. Nó vừa chứa đựng và vừa không ngừng chuyển động trên mầu nhiệm hi sinh cứu chuộc của Chúa Kitô . Nhờ sự đổ máu của mình, Chúa Giêsu Kitô không ngừng bước vào nơi cực thánh của Thiên Chúa dang nhận được sự cứu độ đời đời" (x. Heb 9:12).
Vì vậy, Chúa Kitô là chủ thể tích cực đích thực của sự cứu độ nhân loại. Giáo hội cũng giống như thế vì Giáo hội hoạt động nhân danh Chúa Kitô và trong Chúa Kitô . Giống như Công đồng giáo huấn: " Chúa Kitô , Ðấng hiện diện giữa chúng ta trong Thân thể của Ngài là Giáo hội, là Ðấng trung gian duy nhất và con đường dẫn đến sự cứu độ. Qua việc xác nhận một cách công khai sự cần thiết của niềm tin và phép thánh tẩy (x. Mk 16:16; Ga 3:5), Ngài khẳng định sự cần thiết của Giáo hội mà con người gia nhập qua phép thánh tẩy giống như qua một lối đi vào. Vì lí do này, những người nào không muốn vào hoặc ở lại trong Giáo hội thì không thể được cứu độ, một khi iết rằng Giáo hội Công giáo đã được thiết lập bởi Thiên Chúa qua Ðức Kitô như là một sự cần thiết" (Lumen Gentium 14).
Ở đây Công đồng giới thiệu lời giáo huấn về Giáo hội như là một đề tài cứu độ thiết thực nơi Chúa Kitô : " Ðược gia nhập hoàn toàn vào đoàn thể Giáo hội những người nào nhờ Thần Linh của Chúa Kitô chấp nhận tổ chức của Giáo hội và tất cả những phương tiện cứu độ đã được thiết lập. Trong cơ cấu hữu hình của Giáo hội họ được liên kết với Chúa Kitô - Ðấng điều khiển Giáo hội qua Ðức Thánh Cha và các giám mục - bằng những cam kết trong việc tuyên xưng đức tin, các bí tích, quyền cai quản của Giáo hội, và sự Hiệp thông. Những ai không kiên trì trong đức bác ái, cho dù họ vẫn còn ở trong Giáo hội bằng " thân xác" nhưng không bằng tâm hồn, họ cũng vẫn không thể được cứu độ. Tất cả các con cái của Giáo hội phải nhớ rằng hoàn cảnh ưu đãi của họ không phải do kết quả của công trạng riêng của họ, nhưng do kết quả của ân sủng đặc biệt của Chúa Kitô . Vì vậy, nếu người nào không đáp lại ân sủng này trong tư tưởng, trong lời nói, và trong hành động, không những người đó sẽ không thể được cứu độ, thậm chí họ còn bị kết án một cách nghiêm khắc hơn nữa" (Lumen Gentium 14). Tôi nghĩ rằng những lời này của Công đồng trả lời một cách đầy đủ cho thắc mắc của anh; chúng làm sáng tỏ về vấn đề tại sao Giáo hội là cần thiết đối với sự cứu độ.
Công đồng nói đến số hội viên trong Giáo hội đối với những Kitô hữu và về việc được liên hệ với Giáo hội đối với những kẻ tin vào Thiên Chúa nhưng không phải Kitô hữu, đối với những người thiện tâm (x. Lumen Gentium 15-16). Cả hai chiều kích này đều quan trọng đối với sự cứu độ, và mỗi chiều kích đều có những mức độ khác nhau. Con người được cứu độ qua Giáo hội, họ được cứu độ trong Giáo hội, nhưng họ luôn luôn được cứu độ nhờ ân sủng của Chúa Kitô . Ngoài thành viên chính thức trong Giáo hội, phạm vi cứu độ cũng có thể bao gồm những hình thức quan hệ khác đối với Giáo hội. Ðức Phaolô VI đã bày tỏ lời giáo huấn y hệt trong thông điệp đầu tiên của Ngài, Eclesiam Suam, khi Ngài nói đến những nhóm đối thoại khác nhau về cứu độ (x.Ecclesiam Suam 101-117), những phạm vi đươc Công đồng chỉ rõ cũng giống như những phạm vi của số hội viên bên trong và có quan hệ với Giáo hội. Ðây là ý nghĩa đích thực của lời tuyên bố nổi tiếng " Bên ngoài Giáo hội không có sự cứu độ."
Thật khó mà phủ nhận rằng tín lí này là cực kì công khai. Nó không thể bị kết án như là tính cách độc quyền của Giáo hội. Những ai chống đối lại những lời khẳng định của Giáo hội Công giáo có thể không hiểu một cách đầy đủ về giáo huấn này.
Mặc dù Giáo hội biết mình đã nhận được toàn bộ những phương tiện cứu độ, Giáo hội vui mừng khi những cộng đoàn Kitô khác liên kết với Giáo hội trong việc rao giảng Tin Mừng. Ðây là một bản văn đặc biệt để hiểu được giáo huấn của Công đồng là Giáo hội của Chúa Kitô "tồn tại" trong Giáo hội Công giáo(x.Lumen Gentium 8; Unitatis Redintegratio 4).
Vì có tính cách Công giáo, nên Giáo hội được rộng mở để đối thoại với tất cả những Kitô hữu khác, với những tín đồ của những tôn giáo không thuộc Kitô giáo, và cũng như với những người thiện tâm như Ðức Gioan XXIII và Phaolô VI thường nhắc nhở. Thông điệp Lumen Gentium giải thích một cách thuyết phục và sâu xa ý nghĩa của " người thiện tâm". Giáo hội muốn rao giảng Phúc âm cùng với tất cả những người tin vào Chúa Kitô . Giáo hội muốn lưu ý cho tất cả con đường đưa đến sự cứu độ đời đời, những nguyên lí căn bản của cuộc sống trong Thánh linh và trong sự thật.
Cho phép tôi nhắc lại những năm trong thời niên thiếu của tôi. Tôi nhớ một ngày nọ cha tôi cho tôi một quyển sách kinh có chứa đựng kinh cầu Chúa Thánh Linh. Ông khuyên tôi nên đọc nó mỗi ngày. Vì thế, từ đó về sau, tôi đã cố gắng thực hiện. Lần đầu tiên tôi đã hiểu ý nghĩa những lời nói của Chúa Kitô với người phụ nữ Xa ma ri ta nô về những kẻ tôn thờ Thiên Chúa đích thực, về những kẻ thờ phượng Ngài trong Thánh Linh và trong sự thật (x. Ga 4:23). Có nhiều giai đoạn hơn nữa trong cuộc đời tôi. Trước khi bước chân vào chủng viện, tôi đã từng gặp một người tên là Jan Tyranowski, ông ta là một nhà huyền bí đích thực. Con người này, con người mà tôi xem như một vị thánh, đã giới thiệu cho tôi những nhà huyền bí nổi tiếng Tây ban nha và đặc biệt Thánh Gioan Thánh Giá. Thậm chí trước khi vào chủng viện, tôi đã đọc những tác phẩm của nhà huyền bí đó, đặc biệt là thơ ca của ngài. Ðể đọc thơ theo nguyên tác, tôi đã học tiếng Tây ban nha. Ðó là một giai đoạn quan trọng nhất trong đời tôi.
Tuy nhiên, tôi nghĩ rằng ở đây những lời nói của cha tôi đã đóng một vai trò rất quan trọng vì chúng hướng dẫn tôi trở thành một người thờ phượng Thiên Chúa đích thực - chúng dẫn dắt tôi cố gắng trở thành một trong số những người thờ phượng Ngài đích thực. Tôi đã khám phá ra Giáo hội là một cộng đoàn cứu độ. Trong Giáo hội này tôi đã tìm được chỗ đứng và ơn gọi của mình. Dần dần, tôi đã học được ý nghĩa của sự cứu chuộc được hoàn thiện trong Chúa Kitô cũng như ý nghĩa của những bí tích và nhất là của Thánh lễ. Tôi đã học biết chúng ta đã được cứu chuộc với cái giá như thế nào. Tất cả những điều này đã dẫn tôi vào mầu nhiệm của Giáo hội một cách sâu xa hơn nữa, vì là một mầu nhiệm, nên nó có một chiều kích vô hình. Công đồng cũng đã nói như thế về điều này. Mầu nhiệm này lớn lao hơn cơ cấu và tổ chức hữu hình của Giáo hội. Cơ cấu và tổ chức là nhằm phục vụ cho mầu nhiệm. Giáo hội với tư cách là Thân thể của Chúa Kitô , đang len lỏi và ôm lấy tất cả chúng ta. Những chiều kích tâm linh, mầu nhiệm của Giáo hội vô cùng vĩ đại hơn bất kì chiều kích nào mà thống kê xã hội học có thể cho thấy.
Hai mươi hai
ÐI TÌM SỰ HIÊP NHẤT BỊ ÐÁNH MẤT
Câu trả lời cuối cùng của Ðức Thánh Cha nêu lên một vấn đề khác. Ngoài việc đạt được những kết quả tích cực, việc đối thoại công đồng - sự nổ lực liên kết tất cả những người Kitô hữu phù hợp với những lời cầu nguyện của chính Chúa Kitô - hình như đã có những phần thất vọng. Chẳng hạn như gần đây một vài quyết định của Giáo hội Anh giáo đã tạo nên những ngăn trở mới đúng lúc xem ra có hi vọng hiệp nhất gần gũi hơn. Thưa Ðức thánh Cha, về vấn đề quan trọng này, những cảm nghĩ và hi vọng của ÐTC là gì?
Trước khi nói đến những thất vọng, chúng ta nên nói vắn tắt về sáng kiến của Công đồng Va ticăng II một lần nữa để đặt Giáo hội trên con đường đến Công đồng chung. Con đường này rất thân thiết đối với tôi. Tôi đến từ một đất nước có những truyền thống Công đồng được bén rễ một cách sâu xa, cho dù nổi tiếng là Công giáo.
Theo dòng lịch sử hàng thiên niên kỉ, Ba lan đã là một quốc gia được hình thành bởi nhiều chủng tộc, nhiều tôn giáo - nhất là Kitô giáo, nhưng không chỉ có Kitô giáo. Truyền thống này đã và vẫn còn là nguồn gốc của khía cạnh tích cực của nền văn hoá Ba lan, cụ thể là sự khoan dung và cởi mở của nó đối với những người suy nghĩ một cách khác nhau, nói những ngôn ngữ khác nhau, hoặc tin tưởng, cầu nguyện hoặc tôn vinh những mầu nhiệm đức tin như nhau nhưng theo đường lối khác nhau. Tuy nhiên trong suốt lịch sử Ba lan đã từng có những nổ lực cụ thể để mang lại sự thống nhất. Liên bang Brest- Litovsk vào năm 1596 đánh dấu sự bắt đầu của lịch sử Giáo hội Phương Ðông. Hiện nay Giáo hội này được gọi là Giáo hội Công Giáo theo phụng vụ Byzantin-Ukraina, nhưng vào thời kì đó Giáo hội chủ yếu là Giáo hội của những người Nga và Byelorussia.
Ðây là một cách giới thiệu câu trả lời của tôi cho những ý kiến của một số người thất vọng về cuộc đối thoại công đồng. Tôi nghĩ vấn đề còn tác động mạnh hơn những nổi thất vọng này, đó là con đường đưa đến sự hiệp nhất Kitô giáo đã được thực hiện với một sinh lực mới. Một khi chúng ta tiến gần giai đoạn cuối của ngàn năm thứ hai, những người Kitô hữu càng nhận thức sâu sắc rằng những mối chia rẽ giữa họ với nhau là mâu thuẫn với lời cầu nguyện của Chúa Kitô trong Bữa Tiệc Ly: " Xin cho tất cả nên một, cũng như Cha đang ở trong con và con đang ở trong Cha. ước gì thế gian tin rằng Cha đã sai con"(x. Ga 17:21).
Những người Kitô hữu thuộc mọi danh xưng và cộng đoàn khác nhau có thể đánh giá chân lí của những lời này một cách đặc biệt như là kết quả hoạt động truyền giáo, một hoạt động đã được tăng cường mới đây, vừa ở phía Giáo hội Công giáo, như tôi đã nhấn mạnh ở trên, vừa ở phía các Giáo hội và các cộng đoàn Tin lành khác nhau. Những người được các nhà truyền giáo công bố Chúa Kitô và Tin Mừng của Ngài bằng việc rao giảng những lí tưởng về tình huynh đệ và hiệp nhất, không thể giúp đỡ nhưng thắc mắc về sự hiệp nhất của những Kitô hữu. Họ cần phải biết trong số những Giáo hội và cộng đoàn thì Giáo hội hoặc cộng đoàn nào là thuộc về Chúa Kitô , từ khi Ngài thành lập một Giáo hội duy nhất - một Giáo hội duy nhất có thể nhân danh Ngài. Vì vậy, trong một ý nghĩa nhất định kinh nghiệm hoạt động truyền giáo đã làm phát sinh phong trào Công đồng hiện nay.
Ðức Thánh Cha Gioan XXIII, người được Thiên Chúa linh ứng để triệu tập Công đồng, thường tuyên bố: " Ðiều chia rẽ chúng ta với tư cách là những tín hữu trong Ðức Kitô là rất nhỏ so với điều liên kết chúng ta." Trong lời tuyên bố này chúng ta đang tìm được trọng tâm của tư tưởng Công đồng. Công đồng Va ti căng II đã tiếp tục trong chiều hướng như thế, như chúng ta đã đọc thấy trong những đoạn trích từ Hiến chế tín lí về Giáo hội, ngoài ra chúng ta còn có Sắc lệnh về Công đồng, Unitatis Redintegratio, và Tuyên bố về Tự do tôn giáo, Dignitatis Humanae. Cả hai tài liệu sau cùng này cực kì quan trọng xét từ quan điểm Công đồng.
Ðiều liên kết chúng ta lớn hơn điều chia rẽ chúng ta rất nhiều; các tài liệu của Công đồng cung cấp một hình thức cụ thể hơn cho trực giác căn bản của Ðức Gioan XXIII. Trên thực tế, tất cả chúng ta đều cùng tin vào cùng một Ðấng Kitô . Ðức tin này là sự kế thừa căn bản giáo huấn của bảy hội nghị Công đồng chung đã được tổ chức vào thiên niên kỉ thứ nhất. Vì thế đó là nền tảng cho cuộc đối thoại và sự phát triển của hiệp nhất, một sự phát triển sẽ xảy ra cùng mức độ như chúng ta có thể khắc phục những chia rẽ của chúng ta - những chia rẽ to lớn là do ý tưởng là mỗi người đều có thể nắm độc quyền về chân lí.
Những chia rẽ này chắc chắn đối nghịch lại với điều mà Chúa Kitô suy nghĩ. Không thể nào tưởng tượng được Giáo hội, được thiết lập trên nền tảng của các tông đồ và Phêrô lại không duy nhất. Nhưng chúng ta cũng có thể hiểu trải qua hàng thế kỉ việc tiếp xúc với những bối cảnh chính trị và văn hoá khác nhau đã dẫn dắt những tín hữu giải thích thông điệp của Chúa Kitô bằng những cường điệu thay đổi như thế nào.
Tuy nhiên, những biện pháp khác nhau để tìm hiểu và sống đức tin vào Chúa Kitô của mỗi người có thể bổ sung trong những trường hợp nhất định; chúng không phải loại trừ nhau. Sự thiện chí là cần thiết để nhận thức những giải thích và cách thức thực hành niềm tin có thể gặp nhau và bổ sung cho nhau như thế nào. Cũng cần xác định những chia rẽ đích thực bắt đầu từ đâu, đức tin bị tổn thương ở điểm nào. Cần khẳng định là khoảng trống giữa Giáo hội Công giáo và Chính thống giáo không rộng lớn cho lắm. Mặt khác, đối với những giáo hội và cộng đoàn bắt nguồn từ thời cải cách, chúng ta phải nhận thấy rằng hố ngăn cách là hết sức rộng lớn, từ khi nhiều yếu tố căn bản do Chúa Kitô thiết lập đã không được tôn trọng.
Ðồng thời chúng ta cũng nên nhận biết rằng những khó khăn về bản chất tâm lí và lịch sử nơi các Giáo hội chính thống tỏ ra sâu sắc hơn nơi một số cộng đoàn Tin lành. Ðây là lí do cho thấy những cuộc gặp gỡ cá nhân rất quan trọng. Tôi càng tin tưởng hơn về vấn đề này mỗi khi tôi gặp các nhà lãnh đạo của các giáo hội đó, cho dù ở La mã hoặc trong những chuyến viếng thăm trên toàn thế giới. Sự việc chúng tôi có thể đến với nhau và cầu nguyện là rất có ý nghĩa. Ðiều này hoàn toàn không thể nào tưởng tượng được từ vài năm trước đây.
Về vấn đề này, tôi phải nhắc lại một vài chuyến viếng thăm tôi đã thực hiện, chúng có tầm quan trọng đặc biệt theo quan điểm Công đồng - chẳng hạn như những cuộc viếng thăm tại Vương quốc Anh và bán đảo Scandinavi. Nói chung, chúng tôi có thể nhận thấy rằng những khó khăn chủ quan thật lớn lao trong những quốc gia đó, nơi mà những sự chia rẽ bộc phát trước tiên. Vì vậy, đối với Giáo phái Tin Lành, những khó khăn này ở Ðức và Thuỵ sĩ chẳng hạn xem ra trầm trọng hơn ở Bắc Mỹ và Phi Châu. Tôi sẽ không bao giờ quên lời phát biểu tôi đã nghe trong cuộc họp Công đồng giữa các đại biểu của Cộng đoàn Tin Lành ở Cameroon: " Chúng tôi biết chúng tôi bị chia rẽ, nhưng chúng tôi không biết vì sao."
Ở Châu Âu tình trạng này hoàn toàn khác hẳn. Dù vậy, mỗi người có thể thấy được nhiều bằng chứng về khát vọng to lớn đối với công cuộc hiệp nhất Kitô giáo.
Những thất vọng mà anh ám chỉ đã nảy sinh trong trường hợp của những cá nhân hoặc những nhóm người quan niệm vấn đề hiệp nhất Kitô giáo theo một cách quá ngẫu nhiên và hời hợt. Nhiều người nhiệt tinh do sự lạc quan quá đáng sẵn sàng tin tưởng Công đồng vatican II đã giải quyết được vấn đề. Nhưng công đồng chỉ mở đường tiến đến sự hiệp nhất bằng cách uỷ thác trước hết cho Giáo hội Công giáo; nhưng con đường đó tự nó là một tiến trình, nó phải dần dần vượt qua nhiều trở ngại - về bản chất giáo điều hoặc văn hoá hoặc xã hội - những trở ngại đó đã tích luỹ qua hàng bao thế kỉ. Do đó, điều cần thiết là chúng ta phải thoát ra khỏi những lời sáo rỗng, những thói quen cũ kỉ. Và trước hết, cần nhận thấy rằng sự hiệp nhất đang tồn tại.
Nhiều vấn đề đã được thực hiện theo những xu hướng này. Cuộc đối thoại Công đồng ở những mức độ khác nhau đang tiếp tục phát triển và mang lại nhiều kết quả tốt đẹp. Một số những uỷ ban thần học đang bắt tay vào công việc với một tinh thần hợp tác. Bất cứ ai theo dõi sát sao những vấn đề này cũng không thể trợ giúp nhưng ý thức đến sự hiện diện của Chúa Thánh Linh. Tuy nhiên không ai tin rằng con đường tiến đến sự hiệp nhất lại ngắn ngủi hoặc không có những trở ngại. Trước hết, cần phải có nhiều lời cầu nguyện cũng như sự cam kết lớn lao đối với nổ lực hoán cải sâu xa, điều này chỉ có thể thực hiện bằng việc cầu nguyện chung và những cố gắng đi kèm nhân danh công lí, hoà bình và sự định hình của trật tự trần thế luôn phù hợp với những giá trị Kitô giáo, nhân danh tất cả mọi vấn đề mà nhiệm vụ của các Kitô hữu trên thế giới yêu cầu.
Ðặc biệt trong thế kỉ hiện tại, những biến cố đã xảy ra đang mâu thuẫn sâu sắc với chân lí của Tin Mừng. Ðặc biệt tôi muốn nói đến hai cuộc Chiến tranh thế giới và những trại tập trung và huỷ diệt. Những biến cố này trái lại cũng có thể tăng cường ý thức về Công đồng chung nơi nơi các Kitô hữu chia rẽ. Trong chiều hướng này, việc tận diệt những người Do thái chắc chắn đóng vai trò đặc biệt. Nó đặt trước Giáo Hội và Kitô giáo vấn đề tương quan giữa Cựu và Tân Ước. Bản Tuyên Ngôn của Công Ðồng Vatican II Nostra Aetate là kết quả của những phản ánh của Giáo hội Công giáo về mối tương quan này. Công đồng đã góp phần to lớn vào việc phát triển nhận thức việc các con cái của Israel là "những người anh cả" của chúng ta. Sự phát triển này là kết quả của đối thoại, đặc biệt là đối thoại Công đồng. Trong Giáo hội Công giáo, cuộc đối thoại với những người Do thái đang diễn ra trong Uỷ ban giáo hoàng cổ vũ cho sự hiệp nhất Kitô giáo, nó cũng liên quan đến cuộc đối thoại giữa các cộng đoàn Kitô giáo khác nhau.
Nếu lưu ý đến tất cả những vấn đề này, chúng ta có thể nhận thấy rằng Giáo hội Công Giáo đã nổ lực tiến đến công cuộc hiệp nhất cam go và thực hiện việc đó hàng ngày một cách hết sức nghiêm túc. Dĩ nhiên sự hiệp nhất đích thực không phải và không thể chỉ là kết quả của sức lực con người mà thôi. Người chủ xướng đích thực vẫn là Chúa Thánh Linh, Ðấng phải quyết định, cho dù từ quan điểm nhân loại, khi tiến trình hiệp nhất đã phát triển một cách đầy đủ.
Khi nào việc này xảy ra? Tiên đoán không phải là điều dễ dàng. Trong bất cứ trường hợp nào, dưới ánh sáng của ngàn năm thứ ba đang đến gần, các Kitô hữu đã nhận thấy trong khi Giáo hội bị chia rẽ trong ngàn năm thứ nhất, ngàn năm thứ hai được đánh dấu bằng nhiều sự chia rẽ sâu sắc đối với phương Ðông và Phương Tây, hiện nay những mối chia rẽ đó cần được hàn gắn.
Ðã qua năm 2000, chúng ta cần được hiệp nhất hơn, mong mỏi hơn việc tiến lên con đường hiệp nhất như Chúa Kitô đã cầu nguyện hôm trước cuộc Thương Khó của Ngài. Sự hiệp nhất này là vô cùng quý giá. Trong một ý nghĩa nhất định, tương lai của thế giới đang bị lâm nguy. Tương lai của Vương quốc Thiên Chúa trên thế giới đang bị lâm nguy. Tính yếu đuối và định kiến của con người không thể huỷ hoại kế hoạch của Thiên Chúa đối với thế giới và nhân loại. Nếu chúng ta coi trọng vấn đề này, chúng ta có thể nhìn về tương lai với niềm lạc quan nhất định. Chúng ta có thể tin rằng " Ðấng duy nhất bắt đầu làm công việc tốt đẹp này cho chúng ta sẽ đưa nó đến sự hoàn thiện" (xem Phil 1:6)
Hai mươi ba
TẠI SAO BỊ CHIA RẼ ?
Những kế hoạch của Thiên Chúa thường không thể hiểu được. Ðiều đó chỉ có thể thấy và hiểu về sau này. Nhưng có thể nào có cái nhìn thoáng qua câu trả lời ngay lúc này cho câu hỏi của nhiều tín hữu qua hàng thế kỉ hay không? Tại sao Chúa Thánh Linh lại cho phép có quá nhiều sự chia rẽ và thù địch khác nhau nơi những người tuyên xưng là môn đệ của cùng Phúc âm, môn đệ của cùng Ðấng Kitô ?
Vâng, đúng vậy, chúng ta có thể tự hỏi: Tại sao Chúa Thánh Linh lại cho phép tất cả những sự chia rẽ này? Nói chung, những nguyên nhân và sự phát triển có tính cách lịch sử của những mối chia rẽ này đều được mọi người biết đến. Tuy nhiên, có lẽ có một lí do siêu lịch sử nào đó.
Có thể có hai câu trả lời cho vấn nạn này. Chúng ta sẽ thấy trong những chia rẽ này hậu quả cay đắng của những tội lỗi do các Kitô hữu đã phạm. Câu trả lời càng tích cực hơn được gợi hứng bởi niềm tin là Ðấng Duy nhất có thể mang lại điều tốt đẹp thậm chí từ sự dữ, từ sự yếu hèn của con người. Những chia rẽ đó không thể nào là một đường lối luôn hướng dẫn Giáo hội khám phá ra sự phong phú trong Phúc âm của Chúa Kitô và trong sự cứu độ do Chúa Kitô thực hiện hay sao? Có lẽ tất cả những sự phong phú này sẽ không được phơi bày ra ánh sáng theo cách khác.
Chúng ta thường khẳng định là có một phép biện chứng nào đó hiện diện nơi kiến thức và hoạt động của con người. Phải chăng, trong biến cố "Hiện xuống", Chúa Thánh Linh không lưu tâm đến việc này hay sao? Ðiều cần thiết là nhân loại nên hiệp nhất qua tính cách đa dạng, học cách tập hợp nhau trong một Giáo hội duy nhất, ngay cả trong khi giới thiệu tính cách phong phú của những lối suy nghĩ và hành động, của những nền văn hóa và văn minh. Một cách nhìn nhận những vấn đề như thế trong một ý nghĩa nào đó không phù hợp với sự khôn ngoan, sự tốt đẹp và quan phòng của Thiên Chúa hay sao?
Tuy nhiên, điều này không thể là một biện minh cho những chia rẽ vẫn tiếp tục khoét sâu! Ðã đến lúc phải để cho tình yêu kết hợp chúng ta được biểu lộ! Nhiều sự việc khiến cho chúng ta tin tưởng rằng thời điểm đó chính là ngay lúc này đây, và như là một kết cuộc, tầm quan trọng của tinh thần đại kết Kitô giáo sẽ là điều hiển nhiên. Tinh thần đại kết là câu giải đáp cho sự cổ vũ trong Thư thứ nhất của thánh Phêrô về "việc cung cấp một lời giải thích cho nguyên nhân niềm hi vọng của chúng ta" (x.I Pt 3:15).
Sự tôn trọng lẫn nhau là một đòi hỏi trước tiên cho tinh thần đại kết thực sự. Trước đây, trong khi nhắc lại những kinh nghiệm của tôi trên quê hương, tôi đã nhấn mạnh những biến cố lịch sử đã định hình nước Ba lan như là một xã hội có tinh thần khoan dung sâu rộng đối với nhiều tín ngưỡng và nhiều quốc tịch. Ở một giai đoạn trong lịch sử Tây phương khi những người theo dị giáo đang bị thẩm tra và bị thiêu trên giàn hoả, vị vua Ba lan cuối cùng của triều đại Jagiellon đã đưa ra bằng chứng về vấn đề này bằng câu nói " Trẫm không phải là vua của lương tâm các ngươi".
Chúng ta hãy nhớ đến việc Chúa Giêsu nói chuyện với Phêrô về một vài nhiệm vụ của người mục tử trong đó có việc bảo vệ sự hợp nhất của đàn chiên. Sứ vụ Phêrô cũng là sứ vụ của hiệp nhất đang được thực hiện trong lãnh vực đại kết. Nhiệm vụ của thánh Phêrô là không ngừng tìm kiếm những đường lối giúp bảo vệ sự hiệp nhất. Vì vậy, ngài không tạo ra những trở ngại nhưng phải mở ra những con dường. Ðiều này cũng không mâu thuẫn với nhiệm vụ mà Chúa Kitô đã giao phó cho ngài: " Hãy củng cố các huynh đệ của các con trong đức tin" (x. Lc 22:32). Ðiều đáng lưu ý là Chúa Kitô đã nói những lời này đúng vào lúc Phêrô đang chối bỏ Ngài. Sự việc giống như chính vị thầy muốn nói với Phêrô: " Con hãy nhớ con thật yếu đuối, con cũng cần hoán cải luôn. Con chỉ có thể củng cố những người khác một khi con ý thức về sự yếu hèn của con. Thầy giao phó cho con chân lí, chân lí lớn lao của Thiên Chúa, nó dược xem như sự cứu rổi cho con người, nhưng chân lí này không thể được rao giảng hoặc đem ra thực hành nếu không có tình yêu. "Veritatem facere in caritate" (sống chân lí trong tình yêu; x Eph 4:15); đây là điều luôn luôn cần thiết
Hai mươi bốn
GIÁO HỘI VÀ CÔNG ÐỒNG
Hãy cho phép chúng con quấy rày ÐTC nhân danh tất cả những người phủ nhận sự lạc quan cũng như sự bi quan để gắn chặt vào hiện thực lạnh lùng. Chắc chắn ÐTC ý thức là trước kia cũng như hiện nay không thiếu những người đòi hỏi nếu như chúng ta nhận xét kĩ những năm sau Công đồng Vaticăng II, những cánh cửa mà Công đồng đã mở ra đã không còn cho phép những người ở "bên trong" Giáo hội bước ra ngoài, hơn là cho những người ở " bên ngoài" bước vào. Có những người không do dự bày tỏ mối quan tâm về tình hình của Giáo hội, họ cho rằng sự hiệp nhất đức tin của Giáo hội và chính quyền không còn vững vàng như trước, nhưng đúng hơn đã bị đe doạ bởi những lực lượng chia rẽ.
Một lần nữa cho phép tôi không đồng ý với cách nhìn các vấn đề như thế. Ðiều mà tôi đã nói về điểm này khiến cho tôi có một ý kiến khác từ quần chúng mà anh nhắc đến. Ý kiến của tôi được dựa trên niềm tin vào Chúa Thánh Linh đang hướng dẫn Giáo hội, đồng thời cũng từ việc nhận xét cẩn thận các sự kiện. Công dồng Vatican II là món quà to lớn của Giáo hội, cho tất cả những ai tham gia vào Giáo hội, cho toàn thể gia đình nhân loại, và cho mỗi cá nhân chúng ta.
Khó mà nói điều gì mới mẻ về Công đồng Vatican II. Ðồng thời, chúng ta phải luôn luôn hướng về Công đồng, đó là một bổn phận và thách thức cho Giáo hội và cho thế giới. chúng ta cảm thấy có nhu cầu nói về Giáo hội nhằm giải thích một cách đúng đắn và bảo vệ Giáo hội chống lại những giải thích thiên vị. Trên thực tế, những giải thích như thế đang tồn tại và chúng không chỉ xuất hiện vào lúc kết thúc Công đồng. Công đồng đã bắt gặp chúng trong thế giới và thậm chí trong Giáo hội. Những giải thích này là sự thể hiện những quan điểm hoặc thuận lợi hoặc chống lại việc chấp nhận và am hiểu Công đồng, cũng như cam kết biến nó thành một phần của cuộc sống.
Tôi đã có cơ hội đặc biệt là có thể tham gia Công đồng từ đầu đến cuối. Dù sao điều này cũng được coi như hiển nhiên, từ khi nhà cầm quyền CS ở đất nước tôi coi chuyến du hành đến La mã là một đặc ân và hoàn toàn nằm dưới sự kiểm soát của họ. Nếu dưới những hoàn cảnh như thế mà tôi có được cơ hội tham gia Công đồng từ đầu đến cuối, điều đó có thể được coi như là một món quà đặc biệt từ Thiên Chúa.
Trên nền tảng trải nghiệm của tôi ở Công đồng, tôi đã viết Những nguồn gốc canh tân. Ðầu quyển sách, tôi đã phát biểu quyển sách là một nổ lực trả món nợ đối với Chúa Thánh Linh mà mỗi vị giám mục tham dự Công Ðồng đã mắc nợ. Vâng, Công đồng chứa đựng một thứ gì đó của biến cố Hiện Xuống - Nó giúp các vị giám mục trên thế giới, và toàn thể Giáo hội những đường lối phải theo vào cuối thiên kỉ thứ hai. Ðức Phao lồ VI đã nhắc đến những đường lối này trong thông điệp Ecclesiam Suam (x. 60 ff).
Lúc khởi sự tham gia vào Công đồng, tôi là một vị giám mục trẻ. Tôi còn nhớ trước hết chỗ ngồi của tôi ở ngay gần lối vào Vương cung thánh đường thánh Phêrô. Từ khoá họp lần thứ ba - sau khi tôi được bổ nhiệm tổng giám mục Krakow - tôi được chuyển lên gần bàn thờ hơn.
Công đồng là cơ hội duy nhất để lắng nghe những người khác, nhưng cũng để suy tư một cách sáng tạo. Dĩ nhiên những giám mục luống tuổi và nhiều kinh nghiệm hơn đã đóng góp nhiều nhất vào việc phát triển tư tưởng của Công đồng. Trước tiên, lúc tôi còn trẻ, tôi đã học hỏi nhiều hơn là đóng góp. Tuy nhiên dần dần tôi đến tham dự Công đồng với thái độ chín chắn và sáng tạo hơn.
Do đó, qua khoá họp lần thứ ba, tôi tự coi mình như là một thành viên của nhóm soạn thảo cái gọi là Sơ đồ thứ mười ba, tài liệu sẽ trở thành Hiến chế mục vụ Vui Mừng và Hy Vọng sau này. Tôi đã có thể tham gia vào công việc hết sức thú vị của nhóm này, nhóm tập họp bởi những đại biểu của Uỷ ban Thần học và Tông đồ giáo dân. Tôi sẽ không bao giờ quên cuộc gặp gỡ ở Ariccia vào tháng Giêng năm 1965. Bản thân tôi rất biết ơn Ðức hồng Y Gabriel-Marie Garrone trong việc Ngài giúp đỡ tôi soạn thảo tài liệu mới. Ðiều này cũng đúng đối với các vị giám mục và các nhà thần học khác, những người mà tôi rất có may mắn được cộng tác. Tôi đặc biệt mang ơn cha Yves Congar và cha Henri de Lubac. Hiện nay tôi vân còn nhớ những lời nói của vị sau đã khuyến khích tôi kiên trì theo luồng tư tưởng mà tôi đeo đuổi trong cuộc tranh luận. Sự việc này xảy ra khi những cuộc gặp gỡ diễn ra tại Vatican. Từ đó về sau tôi có được mối quan hệ thân thiết với cha De Lubac.
Công đồng là một kinh nghiệm lớn lao của Giáo hội; nó đã là - như chúng tôi nói vào lúc đó - "chủng viện của Chúa Thánh Linh". Tại Công đồng, Chúa Thánh Linh đã nói với Giáo hội trong toàn bộ tính cách phổ quát của nó, điều này được phản ánh trong sự hiện diện của các vị giám mục trên toàn thế giới và bởi sự hiện diện của các đại biểu của nhiều Giáo hội và Cộng đồng Kitô giáo.
Những lời của Chúa Thánh Linh luôn luôn thể hiện cái nhìn bao quát sâu sắc trong mầu nhiệm vĩnh hằng, và nêu lên con đường cho những người tin vào công việc mang mầu nhiệm này đến cho thế giới ngày nay. Thậm chí sự kiện những con người đó cùng được Chúa Thánh Linh mời gọi và họp thành một cộng đồng đặc biệt để lắng nghe, cầu nguyện, suy nghĩ và sáng tạo cùng nhau, có tầm quan trọng cơ bản đối với việc rao giảng Tin Mừng, việc tái rao giảng Tin Mừng bắt nguồn từ Công đồng Vatican II. Tất cả những sự kiện này có liên quan mật thiết với kỉ nguyên mới trong lịch sử nhân loại và trong lịch sử của Giáo hội.
Hai mươi lăm
MỘT "CUỘC ÐỐI THOẠI VỀ CỨU ÐỘ"
Ðức thánh cha đã không nghi ngờ: trong giai đoạn đó của lịch sử Giáo hội và thế giới,cần phải có một Công đồng chung như Công đồng Vatican II, "bất thường" trong phong cách và nội dung với sự tôn trọng hai mươi Công đồng trước, từ Công đồng Nicaea năm 325 đến Công đồng Vatican I vào năm 1869.
Cần thiết phải có một Công đồng không phải để chống lại một bè rối đặc biệt như trường hợp của các thế kỉ trước nhưng đúng hơn để khởi động hai tiến trình; thứ nhất, vượt qua những sự chia rẽ trong Kitô giáo đã gia tăng gấp bội trong thiên niên kỉ thứ hai; thứ hai, làm sống lại được chừng nào tốt chừng nấy việc rao giảng Phúc âm trên ngưỡng cửa của thiên niên kỉ thứ ba.
Như anh đã nhận xét, Công đồng Vatican II khác với những Công dồng trước kia vì phong cách đặc biệt của nó. Ðó không phải là một phong cách tự vệ. Không một lần nào trong các tài liệu của Công đồng xuất hiện ngôn từ anathema (rút phép thông công). Ðó là một mô hình hướng đến đại kết, được đặc trưng bằng mở rộng việc đối thoại, cuộc đối thoại được Ðức Phaolô VI mô tả như là "một cuộc đối thoại cứu độ".
Cuộc đối thoại này không bị giới hạn vào những người Kitô hữu. Nó được mở rộng cho các tôn giáo ngoài Kitô giáo, và đạt đến toàn thế thế giới hiện đại, kể cả những người không tin. Trên thực tế, chân lí không thể bị giới hạn. Chân lí dành cho mỗi người và tất cả mọi người. Và nếu chân lí đó xuất phát từ tình yêu (x. Eph 4:15), nó sẽ trở thành phổ quát hơn. Ðây là phong cách và tinh thần của Công đồng Vatican II.
Phong cách và tinh thần sẽ được ghi nhớ như là một chân lí cốt yếu về Công đồng, chứ không phải những cuộc tranh cãi giữa những người tự do và những người bảo thủ- những cuộc tranh luận theo ngôn ngữ chính trị, chứ không phải tôn giáo- những cuộc tranh luận mà một số người muốn giản lược toàn bộ Công đồng. Trong tinh thần này, Công đồng Vatican II sẽ còn là một thách thức cho tất cả các Giáo hội và là một nhiệm vụ cho mỗi người hướng đến về lâu về dài.
Trong những thập niên đã qua sau khi kết thúc Công đồng Vatican II, chúng ta đã có thể nhận thấy sự thách thức và nhiệm vụ này đã được đón nhận như thế nào trong những điều kiện khác nhau và ở những mức độ khác nhau. Chúng ta đã nhận thấy vấn đề này trước hết qua những hội nghị hậu công đồng - hoặc những Thượng hội đồng các giám mục từ khắp nơi trên thế giới được ÐTC triệu tập, hoặc những cuộc họp của những giáo phận hoặc các giáo tỉnh. Qua kinh nghiệm tôi biết việc tiếp cận hội nghị này đang đáp ứng biết bao đối với sự mong mỏi của các nhóm khác nhau và điều mà nó có thể đạt được. Tôi nghĩ đến những hội nghị giáo phận đã loại trừ vai trò nổi bật đơn phương của hàng giáo phẩm và đã trở nên một phương thế biểu lộ trách nhiệm của mỗi cá nhân đối với Giáo hội. Ý thức trách nhiệm cộng đồng đối với Giáo hội, được giáo dân hiện nay cảm nhận một cách đặc biệt, là nguồn gốc của sự canh tân. Trong viễn ảnh của thiên niên kỉ thứ ba, ý thức trách nhiệm này sẽ tạo nên hình ảnh của Giáo hội cho những thế hệ tương lai.
Năm 1985, năm kỉ niệm thứ hai mươi ngày kết thúc Công đồng, một hội nghị bất thường của các giám mục đã được nhóm họp. Tôi nêu lên vấn đề này bởi vì từ cuộc hội nghị đó đã nảy sinh ý tưởng về sách Giáo lí của Giáo hội Công giáo. Một vài nhà thần học, cũng như toàn thể các nhóm, phổ biến khái niệm nhu cầu sách giáo lí , đó là một phương tiện truyền bá đức tin lạc hậu, vì thế nên loại bỏ. Họ cũng bộc lộ ý kiến là không thể sáng tạo một loại sách Giáo lí cho Giáo hội hoàn vũ. Ðây cũng là những nhóm đã sớm đánh giá bộ giáo luật, theo yêu cầu của Ðức Gioan XXIII, như là vô dụng và không thích hợp. Nhưng tiếng nói của các giám mục nhóm họp tại Thượng hội đồng đã phác hoạ một bức tranh hoàn toàn khác hẳn - Giáo luật mới đã là một sáng kiến đúng lúc và cần thiết trong Giáo hội.
Sách Giáo lí cũng cần thiết để cho toàn bộ giáo huấn phong phú của Giáo hội sau Công đồng Vatican II có thể được bảo vệ trong một sự tổng hợp mới và đi theo một chiều hướng mới. Nếu không có Giáo lí của Giáo hội hoàn vũ, giáo huấn đó sẽ không được hoàn tất. Trên nền tảng văn bản của vai trò làm thầy của Giáo hội, những nhóm cá nhân có thể tiếp tục soạn ra những sách giáo lí riêng phù hợp với nhu cầu địa phương. Trong một thời gian tương đối ngắn, việc tổng hợp vĩ đại này đã được hoàn tất. Ðúng ra toàn thể Giáo hội đã đóng vai trò trong việc làm này. Ðức hồng y Joseph Ratzinger, tổng trưởng bộ giáo lí đức tin xứng đáng với niềm vinh dự về lãnh vực này. Quyển Giáo lí, được xuất bản vào năm 1992, đã trở thành một quyển sách bán chạy nhất trên toàn thế giới đồng thời minh chứng cho nhu cầu to lớn về loại văn bản này, thoạt nhìn nó có thể như chỉ được quan tâm một cách có giới hạn.
Và sự quan về sách Giáo lí vẫn tiếp tục. Chúng ta đang đứng trước một hiện thực mới. Thế giới, mệt mỏi vì ý thức hệ, đang hướng đến sự thật. Ðã đến lúc ánh sáng rực rỡ của sự thật bắt đầu chiếu soi vào bóng đêm của cuộc sống nhân loại. Cho dù còn sớm để phán xét, nếu chúng ta nhận thấy có biết bao nhiêu điều đã được thực hiện và có biết bao nhiêu điều đang được thực hiện, điều rõ ràng là Công đồng sẽ không còn là một danh từ vô hồn.
Chúa Thánh Linh qua Công đồng Vatican II đã không nói một cách vô ích. Kinh nghiệm của những năm này cho phép chúng ta nhìn thấy thấp thoáng khả năng của việc khai phóng mới hướng đến chân lí của Thiên Chúa, một chân lí mà Giáo hội phải rao giảng "trong mùa và ngoài mùa" (x. 2Tim 4:2). Mỗi một công cụ của Phúc âm phải tri ân và luôn cảm thấy mắc nợ Chúa Thánh Linh về món quà của Công đồng. Sẽ phải mất nhiều năm và nhiều thế hệ mới thanh toán được món nợ này.
Hai mươi sáu
MỘT SỰ CANH TÂN VỀ PHẨM CHẤT
Theo con nhận xét, những lời nói rất rõ ràng của ÐTC đã minh chứng một lần nữa tính cách thiên vị, sự thiển cận của những người nghi ngờ ÐTC đang cổ vũ cho" một sự khôi phục", là một "người phản kháng" đối với Công đồng.
Tuy nhiên, ÐTC vẫn ý thức là chỉ có một số người đang thắc mắc về việc có cần những thay đổi trong Giáo hội hay không. Ðối với những người khác, Công đồng Vatican II tự nó không phải là vấn đề, nói đúng hơn có một số giải thích về nó không phù hợp với tinh thần của các Giáo phụ Công đồng.
Cho phép tôi trở lại câu hỏi ban đầu, giống như một số những câu hỏi khác, nó khêu gợi một cách cố ý. Phải chăng Công đồng đang mở những cánh cửa để dân chúng hiện nay có thể gia nhập Giáo hội, hoặc là những cánh cửa rộng mở để những cá nhân hoặc những nhóm người có thể bắt đầu rời bỏ Giáo hội?
Trong một phạm vi nào đó, ý kiến của anh phản ánh một chân lí, nhất là nếu chúng ta nhìn Giáo hội ở Tây âu (cho dù ở Tây âu hiện nay chúng ta đang chứng kiến nhiều dấu hiện của việc canh tân tôn giáo). Nhưng tình hình của Giáo hội cần được nhìn từ viễn cảnh toàn cầu. Chúng ta phải đánh giá tất cả những gì đang xảy ra ở Trung và Ðông âu cũng như bên ngoài Châu âu, ở Bắc và Nam Mỹ, cũng như ở các nước truyền giáo, nhất là ở Phi châu, ở những khu vực rộng lớn của Ấn độ dương và Thái bình dương, và theo mức độ nhất định, ngay ở những nước Á châu, kể cả Trung hoa. Trong nhiều quốc gia này, Giáo hội được xây dựng trên sự khôn ngoan của các thánh tử đạo, và trên nền móng này, Giáo hội đang phát triển với một sinh lực luôn lớn mạnh - với tư cách là Giáo hội của thiểu số, nhưng đó là một Giáo hội rất sống động.
Từ Công đồng, chúng ta đã nhìn thấy một sự canh tân chủ yếu về chất lượng. Cho dù các linh mục tiếp tục khan hiếm và các ơn gọi vẫn còn quá ít, các phong trào tôn giáo đang nảy nở và phát triển. Chúng phát sinh từ một bối cảnh khác với những hiệp hội Công giáo xưa kia, chúng có tính cách xã hội hơn về bản chất. Chúng được gợi hứng bởi giáo lí về xã hội của Giáo hội và có mục tiêu biến đổi xã hội, xây dựng một sự công bằng xã hội. Một số phong trào này đi sâu vào việc đối thoại với Chủ nghiã Mác- xít đến nổi đã đánh mất đi nguồn gốc Công giáo của mình ở một mức độ nào đó.
Dù sao những phong trào mới đã được định hướng để hướng đến sự canh tân cá nhân. Con người là tác nhân đầu tiên của toàn bộ thay đổi xã hội và lịch sử, nhưng để có thể thực hiện vai trò này chính họ phải tự đổi mới trong Ðức Kitô , trong Chúa Thánh Linh. Ðây là chiều hướng giữ vững lời hứa trọng đại đối với tương lai của Giáo hội. Có một thời, việc canh tân của Giáo hội diễn ra chủ yếu qua các hội dòng tôn giáo. Ðiều này là có thực trong thời kì tiếp theo sau cuộc suy sụp của đế quốc La mã với các tu sĩ dòng Benedictine và vào thời Trung cổ với các hội dòng hành khất - các tu sĩ dòng Franciscan và Dominican. Ðiều này là có thực trong thời kì sau Cải cách, với các tu sĩ dòng Tên và các tu hội tương tự khác; vào thế kỉ XVIII, với các tu sĩ dòng Cứu chuộc và Thương khó; trong thế kỉ XIX, với những tu hội thừa sai năng động như Các Cha dòng Ngôi Lời, các tu sĩ dòng Chúa Cứu thế và Salesian.
Song song với các tu hội tôn giáo có nguồn gốc mới mẻ hơn, và sự phát triển của những học viện thế tục trong thế kỉ này, những năm Công đồng nhóm họp và sau Công đồng đã chứng kiến sự ra đời của những phong trào mới mẻ này. Ngoài những tu sĩ được phong chức thánh, những phong trào này cũng được tạo nên bởi phần lớn những người đã lập gia đình và có nghề nghiệp ổn định. Lí tưởng của việc canh tân thế giới trong Chúa Kitô đang phát sinh trực tiếp từ nhiệm vụ căn bản của phép thánh tẩy.
Ngày nay, thật là sai lầm nếu chỉ nói về những người rời bỏ Giáo hội. Cũng có những người trở lại. Trước hết, đã có một sự biến đổi rất căn bản về mô hình bên dưới của chúng ta. Tôi quan tâm đến Âu châu và Mĩ châu, đặc biệt ở Bắc Mĩ và Nam mĩ theo chiều hướng khác. Khuôn mẫu truyền thống về lượng đã được biến đổi theo một khuôn mẫu mới, có chất lượng hơn. Ðây cũng là một kết quả của Công đồng.
Công đồng Vatican II xuất hiện vào giai đoạn khuôn mẫu cũ kỉ đang bắt đầu nhường chỗ cho khuôn mẫu mới. Vì thế, chúng ta phải nói rằng Công đồng đến đúng lúc và đãm trách một công việc cần thiết không những cho Giáo hội mà còn cho toàn thế giới.
Nếu Giáo hội thời hậu Công đồng gặp phải nhưng khó khăn trong lĩnh vực giáo lí và kỉ luật, những khó khăn này không đủ nghiêm trọng để tạo nên mối đe doạ thật sự cho những chia rẽ mới. Giáo hội của Công đồng Vatican II, Giáo hội được đánh dấu bởi tính cách hợp tác tối đa của các giám mục trên thế giới, đang phục vụ thực sự thế giới này bằng nhiều cách khác nhau và tự chứng tỏ mình như là Thân thể đích thực của Chúa Kitô , như là công cụ của sứ mạng giải thoát và cứu chuộc của Ngài, như Người khởi xướng công bằng và hoà bình. Trong một thế giới bị chia rẽ, sự hiệp nhất của Giáo hội Công giáo vượt qua các ranh giới quốc gia, vẫn còn là một sức mạnh to lớn, được công nhận thậm chí bởi những kẻ thù và ngày nay vẫn còn hiện diện trong các tổ chức chính trị và quốc tế. Không phải bất cứ ai cũng dễ chịu với sức mạnh này, nhưng Giáo hội tiếp tục lập lại cùng với các thánh tông đồ: " Chúng tôi không thể không nói về điều mà chúng tôi đã thấy và đã nghe" (Tđcv 4:20). Bằng cách này, Giáo hội vẫn trung thành với chính mình và toả sáng chân lí rực rỡ mà Chúa Thánh Linh làm chảy tràn trên vị hôn thê của Ngài.
Hai mươi bảy
PHẢN ỨNG CỦA "THẾ GIỚI"
Câu trích của ÐTC về sự kiên định của thánh Phêrô và thánh Gioan trong Tông đồ công vụ - chúng tôi không thể không nói về điều chúng tôi đã thấy và đã nghe" (Tđcv 4:20) - nhắc chúng con nhớ rằng, mặc dù mong muốn đối thoại của Giáo hội, những lời nói của Ðức thánh Cha không phải lúc nào cũng được mọi người chấp nhận. Trong một vài trường hợp, những lời nói đó đã bị bác bỏ (nếu chúng con phải tin vào những bài tường thuật của hệ thống truyền thông trên thế giới), nhất là khi Giáo hội tái khẳng định về việc giáo huấn, nhất là về một số vấn đề về luân lí.
Anh ám chỉ vấn đề đón nhận giáo huấn của Giáo hội trong thế giới hiện nay, đặc biệt trong lãnh vực đạo đức và luân lí. Một số người vẫn cho rằng về những vấn đề luân lí, nhất là đạo đức giới tính, Giáo hội và Ðức thánh Cha không biết rõ về thế giới hiện tại với những khuynh hướng tự do phóng khoáng trong cách sống. Từ khi thế giới đi vào khuynh hướng này, người ta có cảm tưởng Giáo hội đang tụt hậu, hoặc trong bất cứ biến cố nào, thế giới cũng đang bỏ Giáo hội lại phía sau. Thế giới đang rời xa khỏi Ðức thánh Cha; thế giới đang xa rời Giáo hội.
Ý kiến này đang được phổ biến, nhưng tôi tin rằng điều đó hoàn toàn sai lầm. Thông điệp Veritatis Splendor đang chứng minh vấn đề này, cho dù nó không trực tiếp đề cập đến đạo đức giới tính, nhưng đúng hơn đề cập đến sự đe doạ lớn lao do chủ thuyết tương đối đăﴍ ra cho nền văn minh Phương tây. Ðức thánh Cha Phaolô VI đã ý thức vấn đề này một cách sâu xa và biết rõ bổn phận của Ngài là đấu tranh chống lại chủ thuyết tương đối như thế vì điều thiện cốt lỏi của con người. Với thông điệp Humanae Vitae (Cuộc sống con người), ngài đã thực hành những lời mà thánh tông đồ Phaolô đã viết cho môn đệ Ti mô tê: " Con hãy công bố lời Chúa; hãy kiên trì cho dù nó thuận lợi hay bất lợi .Vì sẽ có lúc con người sẽ không chấp nhận giáo lí được công bố" (2 Tim 4 : 2-3). Hình như những lời nói này của thánh tông đồ không nói lên tính cách của tình hình hiện nay hay sao?
Phương tiện truyền thông tạo điều kiện cho xã hội lắng nghe điều mà xã hội muốn nghe (x.2 Tim 4:3). Ngay cả một tình huống tồi tệ nhất cũng diễn ra khi mà các nhà thần học, đặc biệt các nhà đạo đức, liên kết với phương tiện truyền thông để gây sự chú ý đến điều họ phải nói khi họ chống lại "giáo lí đã được công bố". Thật ra, một khi giáo lí đích thực không phù hợp với mọi người, việc tìm kiếm tính chất đại chúng dễ dãi là không đúng đắn. Giáo hội phải đưa ra một câu trả lời trung thực cho vấn đề " Tôi phải làm điều thiện nào để có được cuộc sống đời đời?" (Mt 19:16). Chúa Kitô đã cảnh báo chúng ta trước khi Ngài cho chúng ta biết con đường dẫn đến sự cứu độ đời đời không rộng rãi và thuận tiện, nhưng hẹp và khó khăn (X. Mt 7:13-14). Chúng ta không có quyền rời bỏ viễn cảnh này, hoặc thay đổi nó. Ðây là điều mà Giáo hội khuyên nhủ; đó cũng là nhiệm vụ của các nhà thần học - nhất là các nhà đạo đức - cùng cộng tác với Giáo hội, họ cũng có một vai trò đặc biệt.
Dĩ nhiên, những lời của Chúa Kitô vẫn còn đúng đắn khi Ngài cảnh báo về những gánh nặng đó, những gánh nặng mà một số vị thầy, vì không muốn tự mình gánh vác, đã khoán trắng cho những người khác (x. Lc 11:46). Nhưng chúng ta phải nhận xét điều gì là gánh nặng lớn hơn - chân lí, ngay cả chân lí cấp thiết nhất, hoặc dáng vẻ bên ngoài của chân lí, điều nào chỉ tạo nên một ảo tưởng về tính trung thực. Thông điệp Veritatis Splendor giúp chúng ta đối diện với tình trạng khó xử căn bản mà con người có vẻ nhận biết. Trên thực tế, tôi biết hiện nay tình thế khó xử này được hiểu biết khá hơn so với năm 1968, khi ÐTC Phaolô VI công bố thông điệp Humanae Vitae.
Có đúng là Giáo hội đã đi đến một điểm dừng và thế giới đang tách rời khỏi Giáo hội hay không? Chúng ta có thể nói thế giới chỉ phát triển đến một thứ tự do hành xử to lớn hơn hay không? Phải chăng những lời này không che đậy chủ thuyết tương đối rất có hại cho con người? Không những phá thai, nhưng còn ngừa thai có liên quan chặt chẻ với chân lí về con người. Việc xa rời chân lí này không thể hiện một bước tiến bộ và không thể được xem như là một thước đo về "tiến bộ đạo đức". Ðối diện với những thử thách như thế, mỗi mục tử của Giáo hội và trước tiên là Ðức giáo hoàng phải chú ý một cách đặc biệt lời cảnh báo mạnh mẽ trong Thư thứ hai của thánh Phaolô gởi cho Ti mô tê: "Phần con, con hãy khôn ngoan trong mọi trường hợp, hãy vững vàng trong gian khổ, hãy hoàn thành công việc của người rao giảng Phúc âm; hãy làm tròn chức vụ của mình" (2 Tm 4:5).
Ðức tin trong Giáo hội hôm nay. Trong kinh Tin Kính -kinh Tin Kính của các thánh tông đồ cũng như của Công đồng Nice-Constantinople- Chúng ta đọc: Tôi tin Giáo hội. Chúng ta đặt Giáo hội ngang hàng với Mầu nhiệm Thiên Chúa Ba ngôi và những mầu nhiệm Nhập thể và Cứu chuộc. Tuy nhiên, như cha De Lubac đã chỉ rõ, niềm tin vào Giáo hội này có nghĩa là một điều gì khác với niềm tin vào những mầu nhiệm lớn lao của chính Thiên Chúa, vì chúng ta không những tin vào Giáo hội mà đồng thời chúng ta là Giáo hội. Tuân theo Công đồng, chúng ta có thể nói chúng ta tin vào Giáo hội như tin vào một mầu nhiệm. Ðồng thời chúng ta biết rằng với tư cách là dân Chúa, chúng ta là Giáo hội. Chúng ta cũng là Giáo hội với tư cách là những người thuộc về cấu trúc vô hình của Giáo hội và trước hết với tư cách là những người chia sẻ sứ mạng cứu thế của Chúa Kitô , cái sứ mạng mang ba tính cách- tiên tri, tư tế, và vương giả.
Chúng ta có thể nói rằng niềm tin của chúng ta vào Giáo hội được Công đồng canh tân và đào sâu theo một đường lối đầy ý nghĩa. Giáo hội từ lâu đã quan tâm nhiều hơn đến chiều kích thiết chế và phẩm trật đồng thời hơi quên lãng chiều kích căn bản của ân sủng và quyền năng, điều này là đặc thù của dân Chúa.
Nhờ giáo huấn Công đồng, chúng ta có thể nói rằng niềm tin vào Giáo hội đã được giao phó cho chúng ta một lần nữa như là một nhiệm vụ. Sự canh tân thời hậu Công đồng trước tiên là một sự canh tân của niềm tin cực kì phong phú và có kết quả này. Niềm tin vào Giáo hội, như Công đồng Vatican II truyền dạy, đòi hỏi chúng ta xem lại kế hoạch quá cứng nhắc - chẳng hạn như sự khác biệt giữa Giáo hội giảng dạy và Giáo hội học hỏi phải quan tâm đến sự kiện là mỗi người chịu phép rửa tham dự vào sứ mạng tiên tri, tư tế, và vương giả của Chúa Kitô , dù ở bất cứ mức độ nào. Vì vậy, chúng ta đang nói chuyện không những về những khái niệm đang thay đổi mà còn về những thái độ canh tân, như tôi đã cố gắng nêu ra trong quyển sách tôi đã viết sau Công đồng, Những Nguồn gốc Canh tân.
Nhưng hãy cho phép tôi trở lại một lúc với tình hình tôn giáo hiện nay ở Châu âu. Một vài người đã hi vọng rằng sau cuộc suy sụp của chủ nghĩa Cộng sản, sẽ có một sự trở về tôn giáo theo bản năng ở tất cả các giai cấp trong xã hội. Ðiều này có xãy ra hay không? Chắc chắn nó đã không xãy ra theo cách mà một số người tưởng tượng, nhưng dù sao chúng ta có thể khẳng định rằng nó đang diễn ra, nhất là ở nước Nga. Như thế nào? Trước hết trong việc trở về với truyền thống và thực tiển của Giáo hội Chính thống. Trong các tôn giáo đó, nhờ sự phục hồi quyền tự do tôn giáo, cũng đã có sự hồi sinh của Giáo hội Công giáo, một Giáo hội đã từng hiện diện trong hàng thế kỉ qua những người Ba lan, người Ðức, người Lithuani và những người Ukraina đang sinh sống ở nước Nga. Các cộng đoàn Tin lành và nhiều giáo phái phương Tây, với những nguồn lợi kinh tế to lớn sẵn có, cũng đã thụ hưởng sự canh tân ở đó.
Trong những nước khác, việc quay về với tôn giáo, hoặc sự kiên trì trong Giáo hội của mình diễn ra trong mối quan hệ trực tiếp với kinh nghiệm thực tế của Giáo hội trong thời kì đàn áp của CS, cũng như trong mối quan hệ với truyền thống xưa kia. Ðây là trường hợp trong các xã hội như Bohemia. Slovakia, Hungary và thậm chí những nước Chính thống giáo chiếm ưu thế như Romania hoặc Bulgaria. Các quốc gia Yugoslavi và vùng Baltic xưa kia cũng có những vấn đề đặc thù của họ.
Quyền lực đích thực của Giáo hội nằm ở đâu? Dĩ nhiên trải qua hàng thế kỉ ở phương Tây và phương Ðông quyền lực của Giáo hội nằm trong chứng cứ của các thánh nhân, của những người đã biến chân lí của Chúa Kitô thành chân lí của chính họ, những người đi theo con đường là chính Ðức Kitô và những người sống cuộc đời bắt nguồn từ Ngài và trong Chúa Thánh Linh. Trong các Giáo hội Ðông và Tây phương, những vị thánh này không bao giờ thiếu.
Những vị thánh của thế kỉ chúng ta phần đông là những vị thánh tử đạo. Những chế độ độc tài thống trị Châu âu vào giữa thế kỉ thứ 20 đã làm gia tăng con số các thánh đó. Những trại tập trung, những trại chết chóc- những thứ đã sản sinh những lò thiêu khủng khiếp dành cho những người Do thái - đã cho thấy những vị thánh đích thực trong số những người Công giáo, Chính thống giáo cũng như Tin lành. Ðây là những vị tử đạo đích thực. Cũng nên nhắc lại những gương mặt như thế chẳng hạn như cha Maximilien Kolbe và Edith Stein, thậm chí trước đó, những vị thánh tử đạo trong cuộc nội chiến Tây ban nha. Ở Ðông âu đội quân của các vị tử đạo, đặc biệt nơi những người Chính thống giáo, thật đông đảo: những người Nga, Ukraina, Byelorussia và những người thuộc những vùng lãnh thổ rộng lớn bên kia dãy núi Uran. Cũng có những người Công giáo tử đạo ở Nga, Byelorussia, Lithuania, các quốc gia vùng Baltic, vùng BaLcan, Ukraina, Galicia, Romania, Bulgaria, Albania và trong các quốc gia thuộc Yugoslavia trước kia. Ðây là số đông lớn lao những người "đi theo Con Chiên" như sách Khải Huyền đã ghi (x.Kh 14:4). Họ đã hoàn tất, trong cái chết của họ với tư cách là những người tử đạo, những đau khổ cứu chuộc của Chúa Kitô (x.Col 1:24) và đồng thời họ đã trở thành nền tảng cho một thế giới mới, một Châu âu mới và một nền văn minh mới.
Hai mươi tám
"CUỘC SỐNG ÐỜI ÐỜI" CÓ HIỆN HỮU HAY KHÔNG?
Gần đây trong Giáo hội, những lời nói đã gia tăng. Hình như trong hai mươi năm qua, "những tài liệu" đã được công bố ở từng cấp của Giáo hội nhiều hơn so với hai mươi thế kỉ trước.
Ðối với một số người có vẻ như Giáo hội rất ba hoa này lại im lặng về điều cốt yếu nhất : cuộc sống đời đời.
Thưa ÐTC, thiên đàng, luyện ngục, hoả ngục có còn tồn tại hay không? Tại sao có nhiều người của Giáo hội không ngừng bình luận về những vấn đề thời sự, nhưng hầu như không bao giờ nói với chúng con về sự vĩnh hằng, về sự hiệp thông sau cùng với Thiên Chúa là Ðấng vẫn còn là Ơn gọi, định mệnh và cùng đích của con người như đức tin truyền dạy?
Hãy mở Hiến chế tín lí về Giáo hội, Lumen Gentium, ở chương 7, chương bàn về tính cách về ngày Cánh chung của Giáo hội lữ hành trên trái đất, cũng như sự kết hợp của Giáo hội trần thế với Giáo hội trên trời. Câu hỏi của anh không nhắc đến sự hiệp nhất của Giáo hội lữ hành và Giáo hội trên trời, nhưng nói đến sự liên kết giữa ngày Cánh chung và Giáo hội trần thế. Về vấn đề này, anh chỉ rõ cái viển tượng này trong mục vụ đã không còn tồn tại ở một số khía cạnh và tôi phải thừa nhận vấn đề này có phần đúng.
Chúng ta hãy nhớ lại cách đây không lâu, trong những bài giảng cấm phòng hoặc trong các sứ mạng truyền giáo, Những Sự việc sau cùng- sự chết, phán xét chung, thiên đàng, hoả ngục, luyện ngục- luôn luôn là một phần không thể thiếu của chương trình suy niệm và các cha giảng đã biết cách nói có hiệu quả và gây ấn tượng như thế nào. Biết bao nhiêu người đã được trở lại đạo và xưng tội nhờ những bài giảng và những suy niệm về những Sự Việc sau cùng!
Hơn nữa, chúng ta phải biết rằng phong cách mục vụ có tính cách hết sức cá nhân: " Hãy nhớ rằng vào Ngày Tận thế chính chúng con sẽ hiện diện trước mặt Thiên Chúa với cuộc sống trọn vẹn của chúng con. Trước ngai toà phán xét của Người, chúng con sẽ chịu trách nhiệm về mọi hành động của chúng con, sẽ bị phán xét không những về những hành động và lời nói mà còn về những tư tưởng của chúng con nữa, ngay cả tư tưởng kín đáo nhất." Có thể nói rằng những bài giảng này tương ứng một cách hoàn toàn với nội dung của Mạc Khải trong Cựu và Tân ước, và đã đi vào tận tâm hồn của thế giới nội tâm của con người. Chúng kích động lương tâm của họ, chúng khiến cho họ phải quỳ gối, chúng dẫn dắt họ đến toà giải tội, tự chúng đã có hiệu quả cứu thoát sâu sắc.
Con người có tự do và do đó có trách nhiệm. Trách nhiệm của họ là trách nhiệm cá nhân và xã hội, một trách nhiệm trước Thiên Chúa, một trách nhiệm làm nên sự vĩ đại của họ. Tôi hiểu những nổi lo sợ mà anh đang nhắc đến: anh e sợ rằng việc người ta không nói nhiều về những vấn đề đó trong rao giảng Phúc âm, trong giáo lí và trong những bài thuyết giáo dài biểu hiện mối đe doạ đối với cái vĩ đại cơ bản này của con người. Thật ra, chúng ta có thể tự hỏi phải chăng Giáo hội vẫn còn có khả năng đánh thức chủ nghĩa anh hùng và sản sinh ra những vị thánh mà không cần công bố thông điệp này. Tôi không nói nhiều về những vị đại thánh được tôn vinh trên bàn thờ, nhưng về những vị thánh "mỗi ngày", để sử dụng ngôn từ theo nghĩa của nền văn học Kitô giáo xưa kia.
Công đồng cũng nhắc chúng ta nhớ về lời mời gọi mọi người đến sự thánh thiện trong Giáo hội. Ơn gọi này có tính cách phổ quát và liên quan đến mỗi người chịu phép thánh tẩy, mỗi Kitô hữu. Ðiều đó luôn luôn có tính cách cá nhân, được liên kết với công việc, nghề nghiệp của mỗi người. Ðó là một món nợ phải trả cho những tài năng mà mỗi người đã lãnh nhận- hoặc mỗi người sử dụng chúng thật tốt hoặc tồi tệ. Chúng ta biết những lời mà Chúa Giêsu đã nói về người chôn giấu những nén bạc thật hết sức gay gắt và hăm doạ (x.Mt 25:25-30).
Có thể nói rằng giáo lí và việc rao giảng của Giáo hội gần đây đã tập trung vào ngày Cánh chung có tính cách cá nhân, một vấn đề được bén rễ trong sự Mạc Khải của Thiên Chúa một cách sâu sắc. Tuy nhiên ý niệm do Công đồng đề xuất là một ý niệm về ngày Cánh chung của Giáo hội và của thế giới.
Ðề mục chương 7 của Hiến chế Lumen Gentium - Bản chất về ngày Cánh chung của Giáo hội lữ hành"- mà tôi khuyến khích anh đọc lại, bày tỏ ý đồ này một cách rõ ràng. Ðây là đoạn mở đầu: " Giáo hội, nơi mà tất cả chúng ta được mời đến trong Chúa Giêsu Kitô và trong đó chúng ta lãnh nhận được sự thánh thiện nhờ ân sủng của Thiên Chúa, sẽ đạt đến sự viên mãn trong vinh quang của nước trời, khi thời gian đến để canh tân tất cả mọi điều (x. Tđcv 3:21), và khi nhân loại cùng với toàn thể thế giới liên kết một cách mật thiết với con người và qua con người tiến đến định mệnh của mình, nhân loại sẽ được canh tân hoàn toàn trong Ðức Kitô .. Và Chúa Kitô một khi từ trái đất trỗi dậy, Ngài sẽ lôi kéo mọi người lên với Ngài (x.Ga 12:32); một khi trỗi dậy từ cỏi chết (x. Rm 6:9) Ngài truyền vào các tông đồ Thánh Linh đầy sức sống và qua Thánh Linh thiết lập Thân thể Ngài, đó là Giáo hội, bí tích cứu độ phổ quát; ngồi bên tay hữu Ðức Chúa Cha, Ngài luôn hoạt động trên thế giới để dẫn dắt con người đến với Giáo hội và qua Giáo hội liên kết họ với chính Ngài một cách mật thiết hơn, đồng thời dưỡng nuôi họ bằng Thân Xác và Máu huyết của Ngài. Ngài chia sẻ cuộc sống vinh quang của Ngài với họ. Vì thế, sự canh tân được hứa hẹn mà chúng ta mong đợi đã được bắt đầu trong Chúa Kitô . Nó được chuyển sang bởi Chúa Thánh Linh và qua Chúa Thánh Linh nó tiếp tục trong Giáo hội nơi mà đức tin truyền dạy cho chúng ta ý nghĩa của cuộc sống trần thế, trong khi chúng ta hoàn thành, trong niềm hi vọng vào điều tốt đẹp mai sau, công việc mà Thiên Chúa Cha ban cho chúng ta trên thế gian này, nhờ đó chúng ta đem lại sự viên mãn cho sự cứu độ của chúng ta (x. Phil 2:12). Sự tận cùng của thời đại đã đến (x. I Cor 10:11) và sự canh tân thế giới được quyết định một cách dứt khoát - và theo một đường lối nhất định nó được trù liệu trước trên thế gian này. Giáo hội được tô điểm bằng sự thánh thiện đích thực, nhưng không hoàn toàn trên trái đất. Nhưng cho đến khi có trời mới đất mới, trong đó sự công chính ngự trị (x. 2Pt 3:10-13), Giáo hội lữ hành, với những bí tích và thiết chế thuộc về giai đoạn hiện tại của lịch sử, mang theo dấu ấn của thế giới phù du này, và sống giữa tạo vật đang còn rên siết và tranh đấu trong lúc khát khao sự xuất hiện của con cái Thiên Chúa (x. Rm 8:19-22)"(Lumen Gentium 48).
Phải thừa nhận rằng viễn cảnh ngày Cánh chung này chỉ hiện diện một cách mờ nhạt trong việc rao giảng truyền thống. Chúng ta đang còn bàn về một viễn cảnh mang màu sắc độc đáo và Kinh thánh. Ðoạn văn đầy đủ mà tôi vừa trích dẫn gồm những đoạn văn được trích từ Phúc âm, những Thư của các thánh tông đồ, và Tông đồ công vụ. Truyền thống về ngày Cánh chung được tập trung vào cái gọi là Những Sự Việc Sau Cùng, nó được Công đồng đặt vào viễn cảnh nền tảng từ Kinh thánh. Học thuyết cánh chung, như tôi vừa nhắc đến, mang tính cách nhân loại học một cách sâu sắc, nhưng dưới ánh sáng của Tân Ước, trước tiên nó được tập trung vào Chúa Kitô và Chúa Thánh Linh, và trong một ý nghĩa nhất định nó cũng có tính cách vũ trụ.
Chúng ta có thể tự hỏi phải chăng con người với cuộc sống cá nhân, trách nhiệm, định mệnh, tương lai cánh chung, nước trời hoặc hoả ngục hoặc luyện ngục của mình không kết thúc bằng việc đang biến đi trong chiều kích vũ trụ hay sao. Khi nhận biết những lí do chính đáng khiến anh nêu lên vấn nạn, trả lời một cách trung thực để khẳng định là điều cần thiết: con người đang biến đi ở một mức độ nhất định; các nhà thuyết giáo, các giáo lí viên, các nhà giáo cũng thế; và như một kết cục, họ không còn can đảm lâu hơn để rao giảng sự đe doạ về hoả ngục. Có lẽ ngay cả những người lắng nghe họ cũng không còn lo sợ hoả ngục nữa.
Trên thực tế, con người của thời hiện đại đã trở nên vô cảm đối với những Sự Việc Sau Cùng. Một mặt, sự tục hoá và chủ nghĩa tục hoá đang cổ vũ tính vô cảm này và dẫn đến tâm lí hưởng thụ hướng đến những của cải vật chất. Mặt khác, "những địa ngục trần gian" được tạo nên trong thế kỉ đang lôi kéo đến sự diệt vong này cũng dã góp phần vào tính cách vô cảm đó. Sau kinh nghiệm của những trại tập trung, trại tù, những cuộc ném bom, không kể những thảm hoạ tự nhiên, con người có thể mong đợi một cái gì khác tồi tệ từ thế giới này, thậm chí muôn vàn sự tủi nhục và khinh miệt hay không? Một địa ngục hay không?
Ðến một mức độ nhất định, thuyết tận thế đã trở nên không còn thích hợp với con người hiện tại, nhất là trong nền văn minh chúng ta. Tuy nhiên, niềm tin vào Thiên Chúa, như là Sự Công Bình Tối thượng không phải không thích hợp đối với con người; sự mong đợi vẫn còn là có Một Ðấng nào đó cuối cùng sẽ có thể nói ra sự thật về điều thiện và điều dữ mà con người đang làm, Một Người nào đó có thể thưởng người lành và phạt kẻ dữ. Không có bất cứ ai ngoài Ngài lại có khả năng làm điều đó. Con người tiếp tục có được nhận thức này, đó là vẫn tồn tại bất chấp những khiếp đảm về thế kỉ này. " vì vậy con người chỉ chết có một lần, và tiếp đến là sự phán xét" (x,Heb 9:27).
Sự nhận thức này cũng thể hiện một mẫu số chung cho tất cả những tôn giáo độc thần cũng như những tôn giáo khác. Khi Công đồng nói về tính cách của Ngày tận thế của Giáo hội lữ hành, điều này cũng dựa trên nền tảng của sự nhận thức này. Thiên Chúa, Vị Thẩm phán công bình,Vị Thẩm phán thưởng công cho người lành và phạt kẻ dữ, không ai khác hơn là Thiên Chúa của Abraham, của Isaac, của Maisen, và cũng là của Chúa Kitô , Ngài là Con Thiên Chúa. Thiên Chúa này trước hết là Tình Yêu. Không đích xác là Khoan dung, nhưng là Tình yêu. Không những là Cha của người con hoang đàng, nhưng còn là người Cha "đã hiến dâng Con Một của Ngài, để tất cả những ai tin vào Ngài sẽ không chết nhưng được sống đời đời" (x.Ga 3:16).
Sự thật mà Phúc âm truyền dạy về Thiên Chúa này cần có sự thay đổi nhất định về vấn đề tận thế. Trước hết, tận thế không phải là điều gì sẽ diễn ra trong tương lai, nhưng một điều gì chỉ xãy ra sau khi cuộc sống trần thế kết thúc. Tận thế đã bắt đầu khi Chúa Kitô đến. Biến cố tận thế cuối cùng là Cuộc Tử nạn cứu chuộc và Sự Phục sinh của Ngài. Ðây là sự khởi đầu cho " một trời mới và đất mới" (x.Rev 21:1). Ðối với mỗi người, cuộc sống sau khi chết được liên kết với lời khẳng định: "Tôi tin vào sự phục sinh của thân xác," và: "Tôi tin vào sự tha thứ tội lỗi và cuộc sống bất diệt." Ðây là thuyết tận thế có tâm điểm là Chúa Kitô .
Nơi Chúa Kitô , Thiên Chúa đã mạc khải cho thế gian Ngài ước mong cho "mọi người đều được cứu rổi và lãnh hội được chân lí" (1 Tm 2:4). Câu trích từ Thư thứ nhất gởi cho Timô tê này có tầm quan trọng căn bản để hiểu biết và rao giảng Những Việc sau cùng. Nếu Thiên Chúa mong ước điều này - Nếu, vì lí do này, Thiên Chúa đã ban Con của Ngài, Ðấng đang hoạt động trong Giáo hội qua Chúa Thánh Linh - Con người có thể bị kết án, bị Thiên Chúa ruồng bỏ hay không?
Vấn đề hoả ngục luôn luôn làm xáo trộn các nhà đại tư tưởng trong Giáo hội, khởi đầu là Origen và tiếp tục trong thời đại chúng ta với Mikhail Bulgakov và Hans Urs von Balthazar. Về vấn đề này, các Công đồng xưa kia đã bác bỏ luận thuyết về " apocatastasis sau cùng," theo đó thế giới sẽ được tái sinh sau sự huỷ diệt, và mọi tạo vật đều được cứu thoát; một lý thuyết đã loại bỏ hoả ngục một cách gián tiếp. Nhưng vấn đề vẫn còn tồn tại. Thiên Chúa, Ðấng đã yêu thương con người rất nhiều, có thể cho phép con người chối bỏ Ngài để bị kết án khổ cực đời đời hay không? Hơn nữa, những lời nói của Chúa Kitô không có tính nước đôi. Trong Phúc âm thánh Matthêu Ngài đã nói rõ ràng về những người sẽ nhận án phạt đời đời (x.Mt 25:46). Những người này sẽ là ai? Giáo hội không bao giờ có bất cứ lời tuyên bố nào về vấn đề này. Ðây là một mầu nhiệm không thể hiểu được, nó bao quát sự thánh thiện của Thiên Chúa và lương tâm của con người. Vì vậy, sự im lặng của Giáo hội là vị thế thích hợp duy nhất đối với đức tin Kitô hữu. Thậm chí khi Chúa Giêsu nói với Giu đa kẻ phản bội " có thể tốt hơn cho con người ấy nếu như nó không bao giờ được sinh ra" (Mt 26:24). Những lời nói của Ngài không ám chỉ đến một án phạt đời đời.
Tuy nhiên vẫn có một điều gì đó trong chính lương tâm của con người đang chống lại bất cứ mất mát nào về lời kết án này: Thiên Chúa Tình yêu cũng không phải là Ðấng Công bình tối cao hay sao? Người có thể tha thứ những tội ác khủng khiếp hay không? Những tội ác không thể bị phạt hay sao? Hình phạt sau cùng không cần thiết để tái lập sự quân bình luân lí trong lịch sử phức tạp của nhân loại hay sao? Trong ý nghĩa nào đó hoả ngục không phải là công cụ bảo vệ cuối cùng cho lương tâm đạo đức của con người hay sao?
Kinh thánh đưa ra khái niệm về lửa thanh luyện. Giáo hội phương Ðông chấp nhận nó vì nó thuộc Kinh thánh, trong khi không chấp nhận giáo lí Công giáo về luyện ngục.
Ngoài sắc chỉ của ÐGH Benedict XII từ thế kỉ mười bốn, những công trình huyền nhiệm của thánh Gioan thánh giá đã cung cấp cho tôi một lí lẽ vững chắc về luyện tội. " Ngọn lửa tình yêu sống động", như thánh Gioan nhắc đến, trước hết là một ngọn lửa thanh luyện. Những đêm huyền nhiệm được vị đại tiến sĩ của Giáo hội mô tả trên nền tảng kinh nghiệm riêng tư tương ứng với luyện ngục trong một ý nghĩa nhất định. Thiên Chúa khiến cho con người trải qua một thứ luyện ngục nội tâm có tính chất nhục dục và tinh thần như thế để đưa họ kết hợp với chính Ngài. Ở đây chúng ta không cảm thấy mình đứng trước một toà án đích thực. Chúng ta đang hiện diện trước quyền lực của chính Tình yêu.
Trước tất cả mọi thứ, chính tình yêu mới phán xét. Thiên Chúa Tình yêu phán xử bằng tình yêu. Chính tình yêu đòi hỏi sự thanh luyện, trước khi con người có thể sẵn sàng cho sự kết hợp với Thiên Chúa, chính Ngài là ơn gọi, là định mệnh tối hậu của họ.
Có lẽ điều này là đầy đủ. Nhiều thần học gia, ở phương Ðông cũng như phương Tây, kể cả các nhà thần học hiện nay, đã nghiên cứu về những sự việc sau cùng. Giáo hội vẫn còn ý thức về Ngày tận thế, Giáo hội vẫn còn dẫn dắt con người đến cuộc sống đời đời. Nếu như Giáo hội ngưng lại công việc đó, Giáo hội sẽ không còn tin vào ơn gọi của mình, vào Tân ước, điều mà Thiên Chúa đã thực hiện trong Chúa Giêsu Kitô.
Hai mươi chín
TIN ÐỂ LÀM GÌ?
Ngày nay, nhiều người đã được đào tạo - hoặc bị biến dạng - bởi một thứ chủ nghĩa thực dụng và chủ nghĩa thực lợi, hình như họ muốn hỏi : "Khi mọi thứ đều được nói ra và được thực hiện, tin có lợi gì? Niềm tin có mang lại điều gì nữa không? Không thể nào sống một cuộc sống công chính mà không quan tâm đến việc sử dụng Phúc âm một cách nghiêm túc hay sao?
Ðối với một vấn nạn như thế chúng ta có thể trả lời một cách rất ngắn gọn như sau: lợi ích của đức tin không thể so sánh với bất cứ điều tốt đẹp nào, thậm chí một điều tốt đẹp của một tính chất đạo đức cũng thế. Trên thực tế, Giáo hội không bao giờ phủ nhận việc ngay cả một người không tin có thể thực hiện những hành vi tốt đẹp và cao cả. Mỗi người có thể dễ dàng đồng ý điều này. Giá trị của đức tin không thể giải thích được, mặc dù có những nổ lực thường xuyên để làm như thế, bằng cách nhấn mạnh lợi ích của nó đối với đạo lí của con người. Hơn nữa, chúng ta có thể nói rằng lợi ích căn bản của đức tin nằm ở sự kiện một người tin và tự phó thác chính mình. Bằng việc tin tưởng và phó thác, chúng ta đáp trả lại lời Chúa. Lời Ngài không rơi vào khoảng không, nhưng quay trở lại với Ngài, đồng thời sinh hoa trái, như đã có lời phán trong sách Isaia (x. Is 25:11). Tuy nhiên, Thiên Chúa tuyệt đối không muốn ép buộc chúng ta đáp lại lời Ngài.
Về vấn đề này, giáo huấn của Công đồng, và nhất là Bản tuyên ngôn về Tự do tôn giáo, Dignitatis Humanae, thật hết sức quan trọng. Việc trích dẫn và phân tích toàn bộ Bản tuyên ngôn là điều nên làm. Có lẽ nên trích dẫn một ít câu như sau: "Tất cả mọi người cần tìm kiếm sự thật, đặc biệt về Thiên Chúa và Giáo hội của Ngài, và một khi lãnh hội được điều đó, họ nên gắn bó với sự thật và kính trọng nó" (Dignitatis Humanae).
Ðiều mà Công đồng nhấn mạnh ở đây, đó là phẩm giá của con người. Bản văn còn nêu: "Ðược thúc đẩy bởi phẩm giá của họ, với tư cách là những cá nhân được phú cho lí trí và ý chí tự do cũng như được đầu tư bằng trách nhiệm cá nhân, tất cả mọi người vì bản tính và nhiệm vụ luân lí cần tìm kiếm sự thật, nhất là sự thật tôn giáo. Một khi họ hiểu được sự thật này, họ nên gắn bó với nó và bố trí toàn bộ cuộc sống phù hợp với những yêu cầu của sự thật đó" (Dignitatis Humanae 2). Tuy nhiên cách thức mưu tìm sự thật phải phù hợp với phẩm giá và bản chất xã hội của con người - đó là, bằng việc tìm kiếm một cách tự do, với sự giúp đỡ của việc dạy dỗ hoặc giáo dục..bằng giao tiếp và đối thoại."(Dignitatis Humanae 3).
Như những đoạn văn sau đây nêu rõ, Công đồng đánh giá sự tự do của con người một cách nghiêm túc và cầu cứu đến mệnh lệnh bên trong của lương tâm để minh chứng rằng câu trả lời của con người dành cho Thiên Chúa và Lời của Ngài qua đức tin được liên kết một cách chặt chẻ với phẩm giá của họ. Con người không thể bị ép buộc để chấp nhận sự thật. Họ chỉ có thể bị lôi kéo đến sự thật do bản chất riêng của họ, tức là bằng tự do cá nhân, nó giúp cho họ tìm kiếm sự thật một cách trung thực và một khi tìm được sự thật, họ sẽ gắn kết với nó qua niềm tin và thái độ của họ.
Ðây là Giáo huấn bất di bất địch của Giáo hội. Nhưng trước đó, đó là giáo huấn mà chính Chúa Kitô đã minh hoạ bằng những hành động của Ngài. Từ viễn tượng này mà phần thứ hai bản tuyên bố của Công đồng về Tự do tôn giáo cần được đọc lại. Có lẽ anh sẽ bắt gặp ở đó câu trả lời cho vấn nạn của anh.
Ðó là một câu trả lời vang vọng giáo huấn của các Giáo phụ và truyền thống thần học từ Thánh Thomas Aquinas đến John Henry Newman. Công đồng đã tái khẳng định điều đã luôn luôn là niềm tin của Giáo hội. Thực ra lập trường của Thánh Tôma đã được mọi người biết đến : Ngài kiên trì tôn trọng lương tâm đến mức cho rằng thật sai lầm cho bất cứ ai thực hiện một hành vi đức tin nơi Chúa Kitô nếu người đó bị thuyết phục, cho dù phi lí, rằng thực hiện một hành vi như thế là sai lầm.(x. Summa Theologiae 1-2.19.5). nếu như con người được lương tâm nhắc nhở - cho dù là lương tâm lầm lạc, nhưng tiếng nói của lương tâm họ có vẻ như đúng đối với họ- người đó phải luôn luôn lắng nghe nó. Ðiều không được phép đó là y miệt mài trong sự lầm lạc mà không cố gắng đạt đến sự thật.
Nếu như Newman đặt lương tâm lên trên quyền lực, ông không công bố bất cứ điều gì mới mẻ đối với giáo huấn bất di bất dịch của Giáo hội. Lương tâm, như Công đồng truyền dạy, "là đền thờ và đáy lòng sâu kín nhất của con người, nơi đó con người tự thấy chỉ có mình với Thiên Chúa, tiếng nói của lương tâm vang vọng bên trong họ. trong sự trung thành với lương tâm những người Kitô hữu kết hợp với những người khác để tìm kiếm sự thật và giải quyết, theo sự thật này, nhiều vấn đề luân lí nảy sinh trong đời sống của các cá nhân cũng như trong đời sống của xã hội. Vì thế, một lương tâm tốt đẹp càng chiếm ưu thế, con người và những nhóm xã hội càng tránh xa sự ngoan cố và nổ lực mù quáng để làm cho phù hợp với những tiêu chuẩn khách quan của lối sống đạo đức. Tuy nhiên, có khi lương tâm đi lạc do sự ngu dốt nhưng không vì lí do này mà đánh mất phẩm giá của nó. Nhưng điều này không liên quan đến con người làm rất ít để tìm kiếm sự thật và điều thiện hoặc khi do thói quen của tội lỗi chính lương tâm trở nên hầu như mù quáng" (Gaudium et Spes 16).
Chúng ta dễ dàng bị tác động bởi sự kiên trì sâu xa của bản tuyên ngôn của Công đồng về Tự do Tôn giáo. Dưới ánh sáng của giáo huấn Công đồng, chúng ta có thể nói rằng lợi ích của niềm tin nằm ở sự kiện là, nhờ niềm tin, con ngươì đạt được bản tính tốt biết theo lẽ phải của mình. Họ đạt được điều này bằng cách đáp lại Thiên Chúa, như đó là nhiệm vụ của mình - một nhiệm vụ không chỉ đối với Thiên Chúa, nhưng còn đối với chính bản thân mình.
Chúa Kitô đã làm mọi điều để thuyết phục chúng ta về tầm quan trọng của câu trả lời này. Con người được mời gọi để đưa ra câu trả lời này với sự tự do nội tại đến nỗi nó sẽ lan toả ánh sáng huy hoàng của sự thật rất cần thiết cho phẩm giá con người. Chúa Kitô uỷ thác cho Giáo hội hành động cùng một cách như thế. Ðây là lí do vì sao lịch sử của Giáo hội đầy dãy những phản đối chống lại những ai cố tình thúc ép niềm tin, "bằng cách tạo nên những cuộc hoán cải bằng gươm giáo." Về vấn dề này, chúng ta cần nhớ lại những nhà thần học Tây ban nha ở Salamanca tỏ rỏ lập trường chống lại việc cưỡng bức các thổ dân của Châu Mĩ, những người Anh-điêng, dưới chiêu bài đưa họ trở lại Kitô giáo. Ngay cả trước đó, cũng trong tinh thần này, Viện Hàn lâm Krakow đã lên án trong Công đồng Constance việc sử dụng bạo lực chống lại những cư dân vùng Baltic dưới cùng chiêu bài tương tự.
Chắc chắn Chúa Kitô ước mong niềm tin. Ngài ước mong niềm tin của con người và vì con người. Ðối với những ai tìm kiếm những phép lạ từ nơi Ngài, Ngài trả lời: Ðức tin của con đã cứu lấy con" (x.Mk 10:52). Trường hợp của người đàn bà Canaan gây xúc động đặc biệt. Trước tiên có vẻ như Chúa Giêsu không muốn lắng nghe lời bà cầu xin Ngài giúp đỡ cho con gái của bà, hầu như Ngài muốn khích động việc tuyên xưng đức tin " bởi vì ngay cả những con chó cũng được ăn những mụn bánh từ trên bàn của chủ rơi xuống" (Mt 15:27). Ngài thử thách người đàn bà ngoại quốc để có thể nói như sau: " Ðức tin của bà thật lớn lao ! Việc đó sẽ được thực hiện với bà theo như mong ước của bà" (Mt 15:28).
Chúa Kitô muốn đánh thức đức tin trong trái tim con người. Ngài mong muốn họ đáp lại lời của Thiên Chúa Cha, nhưng Ngài vẫn kính trọng phẩm giá con người. Trong việc tìm kiếm đức tin, một đức tin ngấm ngầm đang hiện diện, vì thế điều kiện cần thiết cho sự cứu độ đã được thoả mãn.
Từ quan điểm này, câu hỏi của anh đang tìm được câu trả lời trọn vẹn hơn trong Hiến chế Công đồng về Giáo hội. Vì thế chúng ta nên đọc lại một lần nữa: "Trên thực tế, những ai vì không mắc tội không biết đến Phúc âm của Chúa Kitô và của Giáo hội, nhưng họ tìm kiếm Thiên Chúa một cách thành thật, và nổ lực,với sự trợ giúp của ân sủng, thực thi ý muốn của Ngài qua tiếng gọi của lương tâm- họ cũng có thể đạt được sự cứu độ đời đời. Chúa Quan phòng sẽ không từ chối sự giúp đỡ cần thiết để cứu độ những người chưa nhận biết Thiên Chúa, và những ai nổ lực sống "một cuộc sống tốt đẹp" mà không có ơn Chúa (Lumen Gentium 16).
Trong câu hỏi, anh có đề cập đến "một cuộc sống trung thực, liêm khiết mà không cần đến Phúc âm". Tôi sẽ trả lời rằng nếu như cuộc sống thật sự chính trực, đó là vì Phúc âm không được nhận biết và không bị chối bỏ trên bình diện ý thức, vì trên thực tế Phúc âm đang hoạt động trong thâm tâm của người đang nỗ lực tìm kiếm chân lí và mong muốn chấp nhận nó ngay khi họ biết đến nó. Sự mong muốn như thế là một biểu lộ của ân sủng đang hoạt động trong linh hồn. Chúa Thánh Linh thổi ở nơi Ngài muốn và như ý Ngài muốn (x. Ga 3:8). Sự tự do của Thánh Linh gặp gỡ sự tự do của con người và chứng thực điều đó một cách trọn vẹn.
Việc làm sáng tỏ này là cần thiết để ngăn ngừa bất kì mối nguy nào của lối giải thích theo Pelagius. Nguy hiểm này đã tồn tại vào thời thánh Augustine, và hình như đang trổi dậy trong thời đại của chúng ta. Pelagius cho rằng thậm chí không cần ơn Chúa, con người vẫn có thể sống một cuộc sống tốt đẹp và hạnh phúc. Vì thế, ơn Chúa không cần thiết cho con người. Nhưng sự thật là con người được mời gọi đến sự cứu độ một cách đích thực; một cuộc sống tốt đẹp là điều kiện của sự cứu độ; sự cứu độ không thể có được mà không có sự trợ lực của ân sủng.
Cuối cùng, chỉ có Thiên Chúa mới có thể cứu thoát con người, nhưng Ngài mong đợi con người cộng tác. Sự kiện con người có thể cộng tác với Thiên Chúa xác định sự vĩ đại đích thực của họ. Sự thật theo đó con người được mời gọi để cộng tác với Thiên Chúa trong mọi sự, với cái nhìn hướng về mục đích cuối cùng của cuộc đời- sự cứu độ và kết hiệp với Thiên Chúa- đã bộc lộ trong truyền thống Phương đông nơi giáo thuyết synergisme. Với Thiên Chúa, con người "sáng tạo" ra thế giới; với Thiên Chúa, con người "sáng tạo" ra sự cứu độ cá nhân của mình. Sự thần thánh hoá con người xuất phát từ Thiên Chúa. Nhưng ở đây, con người cũng phải cộng tác với Thiên Chúa.
Ba mươi
NHÂN QUYỀN
Một lần nữa ÐTC nhắc nhở đến phẩm giá con người. Cùng với nhân quyền, kết quả của phẩm giá con người, đây là một trong những chủ đề trọng tâm và theo chu kì trong giáo huấn của ÐTC. Nhưng ÐTC muốn nói lên điều gì qua "phẩm giá con người" ? ÐTC hiểu như thế nào về "nhân quyền" đích thực? Có phải là những nhượng bộ từ các chính quyền và các nhà nước hay không? Hoặc một thứ gì hoàn toàn khác, một thứ gì hết sức sâu sắc hơn?
Trong một ý nghiã nhất định tôi đã nêu ra vấn đề ngay trọng tâm câu hỏi của anh : "Phẩm giá con người có ý nghĩa gì? Nhân quyền là gì? " Dĩ nhiên những quyền này đã được Ðấng Tạo hoá ghi trong chương trình sáng tạo; vì thế chúng ta không thể nói đến những sự nhượng bộ về phía các định chế của con người, về phía các quốc gia và các tổ chức quốc tế. Những định chế này biểu lộ không hơn gì điều mà chính Thiên Chúa khắc ghi trong chương trình sáng tạo của Ngài, điều mà chính Thiên Chúa khắc ghi trong lương tri, hoặc trong tâm hồn con người, như thánh Phaolô giải thích trong thư gởi cho các tín hữu La mã (x. Rm 2:15).
Phúc âm là sự xác nhận đầy đủ nhất của tất cả quyền con người. Nếu không có nó chúng ta có thể dễ dàng nhận thấy xa cách với sự thật về con người. Thực ra Phúc âm xác nhận quy luật của Thiên Chúa duy trì trật tự luân lí của vũ trụ và thừa nhận nó, đặc biệt bằng chính sự Nhập thể. Con người là ai, nếu Chúa Con mặc lấy bản tính con người? Người này phải là ai, nếu Con Thiên Chúa trả giá tuyệt đỉnh cho phẩm giá của nó ? Mỗi năm phụng vụ Giáo hội diễn tả điều kì diệu sâu xa này khi Giáo hội chiêm ngắm sự thật và mầu nhiệm này, vào ngày Lễ Giáng sinh và trong đêm Vọng Phục sinh. "O felix culpa, quae talem ac tantum meruit habere Redemptorem" (Ôi tội hồng phúc, tội đã giành được cho chúng ta Ðấng Cứu chuộc vĩ đại biết chừng nào!" Kinh Exultet). Ðấng Cứu Chuộc chứng thực những quyền con người bằng cách phục hồi phẩm giá trọn vẹn mà con người đã lãnh nhận khi Thiên Chúa tạo dựng con người theo hình ảnh của Ngài.
Từ khi anh bàn đến vấn đề này, hãy để tôi lợi dụng câu hỏi của anh để nhắc lại vấn đề này dần dần trở thành cực kì quan trọng đối với tôi như thế nào. Ðó là một điều kinh ngạc lớn lao để tôi ý thức rằng mối quan tâm đối với con người và phẩm giá của nó đã trở thành đề tài chính của cuộc bút chiến chống lại chủ nghĩa Mác-xít, mặc dù có những mong đợi trái ngược, và cũng vì những người Mác-xít đã làm cho vấn đề của con người trở thành trung điểm của những lí lẽ của họ.
Sau chiến tranh, khi những người Mác-xít nắm được quyền lực ở Ba lan và bắt đầu kiếm soát chương trình giảng dạy đại học, người ta có thể chờ đợi chương trình của chủ nghĩa duy vật biện chứng sẽ được biểu lộ qua triết thuyết tự nhiên. Phải nói rằng Giáo hội ở Ba lan đã chuẩn bị cho vấn đề này. Trong những năm sau chiến tranh, tôi nhớ lại những tác phẩm của Cha Kazimierz Klosak - một giáo sư của khoa Thần học ở đại học Krakow nổi tiếng về học thức cực kì uyên bác- đã trình bày sinh động biết bao đối với giới trí thức Công giáo. Trong các tác phẩm uyên bác của Klosak, triết học tự nhiên Mác-xít đã bị thách thức bằng một biện pháp đổi mới cho phép khám phá ra Logos - ý tưởng và trật tự sáng tạo- trên thế giới. Vì vậy Klosak đã trở thành một phần của truyền thống triết học khởi đầu với các nhà tư tưởng Hi lạp, và tiếp tục bằng quinque viae của thánh Thomas, và thậm chí nơi các nhà khoa học hiện nay như Alfred North Whitehead.
Thế giới hữu hình tự nó không thể đưa ra một nền tảng khoa học để có được một giải thích có tính cách vô thần về thực tại. Sự suy nghĩ trung thực vẫn tìm được những yếu tố đầy đủ trên thế giới để đạt đến sự nhận biết Thiên Chúa. Trong ý nghĩa này sự giải thích có tính cách vô thần về thực tại là phiến diện và có dụng ý.
Tôi vẫn còn nhớ lại những cuộc tranh cãi này. Tôi cũng tham gia vào nhiều cuộc gặp gỡ với các nhà khoa học, đặc biệt với các nhà vật lí, những người, sau Einstein, hoàn toàn cởi mở đối với một sự giải thích hữu thần về thế giới.
Nhưng lối tranh luận với chủ nghĩa Mác-xit này thật ngắn ngủi. Chính con người - và cuộc sống luân lí của họ - sớm trở thành vấn đề trọng tâm bên dưới cuộc tranh cãi. Triết học tự nhiên bị đặt sang một bên. Trong nổ lực biện hộ cho chủ nghĩa vô thần, cuộc tranh cải của các nhà đạo đức đã nhanh chóng bãi bỏ sự giải thích thế giới vật lí. Khi tôi viết quyển sách Con người đang hành động, những người đầu tiên quan tâm đến nó, với mục đích tấn công nó, chính là những người mác-xít. Trên thực tế, quyển sách của tôi mô tả một yếu tố đang quấy rầy trong bút chiến của họ chống lại tôn giáo và Giáo hội.
Nhưng, trong khi đạt đến vấn đề này, tôi phải nói rằng mối quan tâm của tôi đối với "Con người đang hành động" không phải phát sinh từ những cuộc tranh cãi với chủ nghĩa Mác-xít hoặc không giống như một câu trả lời trực tiếp cho những cuộc tranh cãi trên. Tôi đã quan tâm từ lâu về con người như là một nhân vị. Có lẽ mối quan tâm của tôi là do sự kiện là tôi đã không bao giờ ưa thích đặc biệt khoa học tự nhiên. Tôi luôn luôn bị mê hoặc bởi con người. Trong khi học tập ở khoa văn chương, con người khiến tôi quan tâm như là một người sáng tạo ra ngôn ngữ và là một chủ thể của văn học; sau này, khi tôi khám phá ra ơn thiên triệu làm linh mục của mình, con người trở thành đề tài trung tâm cho mục vụ của tôi.
Cuộc chiến kết thúc ở điểm này và những cuộc tranh luận với chủ nghĩa Mác-xít ở giai đoạn rất sôi nổi. Trong những năm đó, mối quan tâm lớn nhất của tôi là với lớp trẻ, họ không hỏi tôi nhiều lắm về sự hiện hữu của Thiên Chúa, nhưng về cách sống, cách đối diện và giải quyết những vấn đề về tình yêu và hôn nhân và không nhắc đến những vấn đề có liên quan đến việc làm. Tôi vẫn luôn luôn nhớ đến những bạn trẻ đó từ thời kì sau cuộc chiếm đóng của người Ðức. Trong một ý nghĩa nhất định, với những mối ngờ vực và những thắc mắc của họ, họ cũng đã chỉ ra cho tôi con đường để đi. Từ những cuộc gặp gỡ của chúng tôi, từ những chia sẻ của tôi trong những vấn đề về cuộc sống của họ, một quyển sách đã chào đời. Nội dung của nó được đúc trong tựa đề Tình Yêu và Trách nhiệm.
Quyển sách của tôi về con người đang hành động ra đời muộn hơn, nhưng nó cũng có cùng nguồn gốc như thế. Tôi đến với đề tài này từ lúc tôi bắt đầu quan tâm đến những vấn đề về cuộc sống của con người - những câu hỏi do những người không những ở thời đại hiện nay mà còn ở mọi thời nêu lên. Vấn đề điều thiện điều dữ luôn luôn hiện diện trong đầu chúng tôi, giống như chàng thanh niên trong Phúc âm đã hỏi Chúa Giê su: " Con phải làm gì để hưởng được cuộc sống đời đời? " (Mc 10:17).
Vì vậy sự phát triển trong những nghiên cứu của tôi về con người- về nhân vị- có thể được giải thích bằng mối quan tâm về mục vụ của tôi. Ðúng là từ một quan điểm mục vụ trong Tác phẩm Tình Yêu và Trách nhiệm mà tôi đã hình thành khái niệm về một nguyên lí nhân phẩm. Nguyên lí này là một nổ lực chuyển giới răn tình yêu sang ngôn ngữ của các nhà đạo đức triết học. Con người là một hữu thể mà chỉ có chiều kích thích hợp cho nó là tình yêu. Chúng ta phải là một con người nếu chúng ta yêu con người. Ðiều này là đúng đối với Thiên Chúa cũng như đối với con người. Tình yêu đối với một con người loại trừ khả năng đối xử với họ như một đồ vật giải trí. Ðây là một nguyên tắc của các nhà đạo đức theo trường phái Kant và tạo thành cái được gọi là mệnh lệnh thứ hai của ông. Tuy nhiên, mệnh lệnh này có tích cách tiêu cực và không làm rỗng toàn bộ nội dung của giới răn tình yêu. Nếu Kant nhấn mạnh một cách mạnh mẽ đến nỗi con người không thể được đối xử như là một đồ vật giải trí, ông ta làm như thế nhằm chống lại chủ nghĩa thực dụng của người Anglo-saxon, và từ quan điểm này, ông đã thực hiện mục đích của mình. Tuy nhiên, Kant không giải thích giới răn tình yêu một cách đầy đủ. Trên thực tế, giới răn tình yêu không bị giới hạn ở mức loại trừ tất cả lối ứng xử biến con người trở thành một đồ vật giải trí. Nó còn đòi hỏi hơn nữa; nó đòi hỏi sự khẳng định một con người như là một con người.
Sự giải thích đúng đắn về con người của giới răn tình yêu được bắt gặp trong những bản văn của Công đồng: "Khi Ðức Chúa Giêsu cầu nguyện cùng Thiên Chúa Cha xin cho mọi người hiệp nhất" (Ga 17:22), Ngài đặt trước chúng ta những chân trời mới mà lí trí con người không thể thấu hiểu và ám chỉ mối tương đồng giữa sự kết hiệp của Ba ngôi Thiên Chúa và sự kết hiệp của các con cái Thiên Chúa trong sự thật và bác ái. Mối tương đồng này cho thấy rõ con người, loài thụ tạo duy nhất trên trái đất mà Thiên Chúa muốn có vì lợi ích của chính họ, có thể tự khám phá chính mình một cách trọn vẹn bằng cách tự hiến mình"(Gaudium et Spes 24). Ở đây chúng ta thật sự có được một lời giải thích đầy đủ về giới răn tình yêu. Trước tiên, nguyên tắc "một con người có giá trị bởi sự kiện đơn giản nó là một con người được diễn đạt một cách rất rõ ràng: con người chỉ là thụ tạo trên trái đất mà Thiên Chúa muốn có vì lợi ích của họ." Ðồng thời Công đồng cũng nhấn mạnh điều quan trọng nhất của tình yêu chính là quà tặng chân thành của bản thân. Trong ý nghĩa này con người được nhận thức bằng tình yêu.
Vì thế, hai khía cạnh này - việc khẳng định một con người như là một con người và món quà chân thành của bản thân - không những không loại trừ lẫn nhau, nhưng chúng chứng thực và bổ sung cho nhau. Con người tự khẳng định mình một cách đầy đủ nhất bằng tự hiến chính mình. Ðây là sự viên mãn của giới răn tình yêu. Ðây cũng là sự thật trọn vẹn về con người, một sự thật mà Thiên Chúa đã nói cho chúng ta qua cuộc sống của Ngài, và truyền thống của luân lí Kitô giáo, không kém hơn truyền thống của các thánh và của nhiều vị anh hùng vì tình yêu đồng loại, đã tiếp diễn và sống động trong dòng lịch sử.
Nếu như chúng ta tước đoạt quyền tự do con người ra khỏi khả năng này, nếu như con người không tự cam kết trở nên quà tặng cho những người khác, thì sự tự do này có thể trở nên nguy hiểm. Nó sẽ trở thành tự do khi làm điều gì mà chính tôi coi như tốt đẹp, điều gì đem lại cho tôi lợi lộc hoặc niềm vui, ngay cả một niềm vui cao thượng. Nếu chúng ta không thể chấp nhận việc mưu tìm sự tự hiến mình như là một món quà, thì sẽ luôn luôn tồn tại mối nguy hiểm của tự do ích kỉ
Kant đấu tranh chống lại mối nguy hiểm này, và trong hàng ngũ này cũng có Max Scheler và rất nhiều người đi sau ông cũng đã chia sẻ những giá trị với các nhà đạo đức của ông. Nhưng sự diễn đạt trọn vẹn của tất cả những điều này đã được tìm thấy trong Phúc âm. Vì lí do này, chúng ta có thể tìm thấy trong Phúc âm một sự tuyên bố kiên định về tất cả quyền con người, ngay cả những điều có thể làm cho chúng ta cảm thấy không mấy dễ chịu vì những lí do khác nhau.
Ba mươi mốt
SỰ BẢO VỆ CHO TỪNG CUỘC SỐNG
Trong số những quyền mà ÐTC đã nhắc đến, những quyền có thể "khiến chúng ta khó chịu", trước hết là quyền sống, quyền này phải được bảo vệ từ lúc thụ thai. Ðây cũng là một vấn đề được nêu lên thường xuyên và cấp bách trong giáo huấn của ÐTC. Sự lên án nhiều lần của ÐTC chống lại bất cứ việc hợp pháp hoá phá thai nào được xác định như là " ám ảnh" bởi một số nhóm văn hoá và chính trị vì họ tin rằng " những lí do nhân đạo" thuộc về phía họ - phía đã thúc đẩy các chính phủ cho phép phá thai.
Ðối với con người, quyền sống là quyền căn bản. Một bộ phận của nền văn hoá hiện nay vẫn còn muốn phủ nhận quyền này, bằng cách biến nó trở thành một thứ quyền "đáng buồn", một thứ quyền cần phải được bảo vệ. Nhưng không có quyền nào khác lại tác động đến cuộc sống con người một cách khắn khít như thế! Quyền sống tức là quyền được sinh ra và tiếp tục sống cho đến cuối đời: "Tôi sống được bao nhiêu, tôi có quyền sống bấy nhiêu."
Vấn đề những trẻ được thụ thai và không được sinh ra vẫn còn là một vấn đề rõ ràng hết sức nhạy cảm. Hợp pháp hoá việc chấm dứt mang thai không gì khác hơn là cho phép một người trưởng thành, với sự thoả thuận của luật pháp, cất đi cuộc sống của những trẻ em chưa được sinh ra và không thể tự bảo vệ, thật khó mà nói đến sự ám ảnh trong một vấn đề như thế này, ở đây chúng ta đang đối phó với một mệnh lệnh căn bản của mọi lương tri - bảo vệ quyền sống của một con người vô tội và không được phòng thủ.
Vấn đề thường được mô tả như là quyền tự do lựa chọn của phụ nữ liên quan đến cuộc sống đang tồn tại trong người họ, cái mà họ đang mang trong tử cung: phụ nữ nên có quyền lựa chọn giữa việc ban cho hoặc lấy đi cuộc sống từ đứa con chưa sinh ra. Bất cứ ai cũng có thể thấy rằng ở đây việc lựa chọn chỉ là bề ngoài. Không thể nói đến quyền lựa chọn khi nó liên quan đến một điều xấu xa, khi sự việc đang lâm nguy chính là giới răn Không được giết người!
Giới răn này có thể có ngoại lệ hay không? Câu trả lời là không, cho dù giả thuyết về tự vệ chính đáng không bao giờ liên quan đến một người vô tội nhưng luôn luôn liên quan đến một kẻ gây hấn bất công, giả thuyết đó phải tôn trọng nguyên tắc mà các nhà đạo đức gọi là principium inculpatae tutelae (nguyên tắc tự vệ không phạm tội). Ðể được chính đáng, việc "tự vệ" đó phải được thực hiện theo cách ít gây ra tổn thất nhất và nếu có thể cứu thoát được mạng sống của kẻ gây hấn.
Ðây không phải là trường hợp của một đứa trẻ không được sinh ra. Một đứa trẻ được thụ thai trong bụng mẹ không bao giờ là một kẻ gây bất công; nó là một sinh vật không được bảo vệ đang được chào đón và giúp đỡ.
Chúng ta cần nhận thức rằng, trong bối cảnh này, chúng ta đang chứng kiến những thảm kịch thật sự của con người. Người mẹ thường là nạn nhân của tính ích kỉ của đàn ông, trong ý nghĩa nào đó, người đàn ông, kẻ đã góp phần vào việc thụ thai của một cuộc sống mới, lại không muốn nặng gánh với nó và giao trách nhiệm cho phụ nữ, cứ như đó là "sai lầm" của một mình cô ta. Vì thế, khi người phụ nữ rất cần sự nâng đỡ của người đàn ông, người này lại chứng tỏ mình là một kẻ tự cao tự đại vô liêm sỉ, có thể khai thác tình cảm và sự nhu nhược của phụ nữ, và còn kháng cự lại bất cứ ý thức trách nhiệm nào đối với hành động của chính mình. Ðây là những vấn đề được biết rất rõ không những trong các toà giải tội mà còn trong những phiên toà trên thế giới và càng ngày càng phổ biến trong các phiên toà có liên quan đến trẻ em.
Vì thế, qua việc loại bỏ " kẻ ủng hộ lựa chọn", một cách bệnh hoạn, cần phải trở thành "kẻ ủng hộ phụ nữ" một cách can đảm, bằng cách khuyến khích việc lựa chọn có lợi cho phụ nữ. Trên thực tế, chính người phụ nữ mới là người trả giá cao nhất, không những cho thiên chức làm mẹ, mà còn cho sự tiêu diệt thiên chức đó, cho sự loại bỏ cuộc sống của đứa trẻ đã được thụ thai. Lập trường trung thực duy nhất, trong những trường hợp này, là lập trường đoàn kết căn bản với phụ nữ. Bỏ họ một mình là không đúng. Những kinh nghiệm của nhiều trung tâm tư vấn cho thấy phụ nữ không muốn loại bỏ cuộc sống của trẻ mà họ đang mang trong mình. Nếu họ được nâng đỡ trong lối ứng xử này và đồng thời nếu họ được giải thoát khỏi sự đe doạ của những người xung quanh, họ có khả năng trở thành anh hùng. Như tôi đã nói, nhiều trung tâm tư vấn đã là bằng chứng cho vấn đề này chẳng hạn như những nhà dành cho các bà mẹ vị thành niên. Hình như xã hội đang bắt đầu triển khai một thái độ chín chắn hơn trong vấn đề này, cho dù vẫn còn có nhiều người tự gọi là "người làm phúc"đòi hỏi "giúp đỡ" phụ nữ bằng cách giải thoát họ khỏi niềm hi vọng được làm mẹ.
Ở đây chúng ta đang đứng trước một hoàn cảnh rất nhạy cảm, vừa từ quan điểm của quyền con người vừa từ quan điểm đạo đức và mục vụ. Tất cả những khía cạnh này bị lôi cuốn vào nhau. Tôi đã luôn luôn xem vấn đề này là trường hợp trong cuộc sống cá nhân của mình và trong công tác mục vụ với tư cách là một linh mục, một giám mục giáo phận, và người kế vị thánh Phêrô, với tất cả trách nhiệm mà nhiệm vụ này đòi hỏi.
Vì vậy, tôi phải lập lại là tôi tuyệt đối loại bỏ tất cả sự cáo buộc và ngờ vực có liên quan đến "nỗi ám ảnh" được cho là của Ðức Giáo Hoàng về vấn đề này. Chúng ta đang đối phó với một vấn đề có tầm quan trọng to lớn, trong đó tất cả chúng ta phải tỏ rõ trách nhiệm và thức tỉnh cao nhất. Chúng ta không thể cung cấp những hình thức cho phép chà đạp quyền con người cũng như phá hoại hoàn toàn những giá trị căn bản không những đối với cuộc sống của những cá nhân và gia đình nhưng còn cho chính xã hội nữa. Phải chăng không có một sự thật đáng buồn trong cụm từ văn hoá sự chết đầy uy lực?
Dĩ nhiên, điều ngược lại với văn hoá sự chết không thể là một chương trình phát triển dân số toàn cầu vô trách nhiệm. Tỉ lệ phát triển dân số cần được coi trọng. Ðường lối đúng đó là Giáo hội phải kêu gọi các bậc cha mẹ có trách nhiệm. Vấn đề này được nói đến trong các chương trình tư vấn gia đình của Giáo hội. Bậc làm cha làm mẹ có trách nhiệm là điều kiện cần thiết cho tình yêu nhân loại, và đó cũng là điều kiện cần thiết cho tình yêu vợ chồng đích thực, vì tình yêu không thể vô trách nhiệm. Vẻ đẹp của nó là kết quả của tinh thần trách nhiệm. Khi tình yêu có trách nhiệm đích thực, nó cũng thật sự tự do.
Ðây là giáo huấn mà tôi đã học được từ thông điệp Humanae Vitae do người tiền nhiệm của tôi là Ðức Phaolô VI viết ra, và thậm chí tôi cũng đã học được sớm hơn từ những người bạn trẻ đã lập gia đình và lập gia đình sớm, trong khi tôi đang viết tác phẩm Tình Yêu và Trách Nhiệm. Như tôi đã từng nói, chính họ là những người thầy của tôi trong lãnh vực này. Họ chính là những người, đàn ông cũng như phụ nữ, đã làm nên một cuộc đóng góp sáng tạo vào việc chăm sóc mục vụ về gia đình, vào những nổ lực mục vụ vì lợi ích của các bậc cha mẹ có trách nhiệm, vào việc xây dựng những chương trình tư vấn đã phát triển sau đó. Hoạt động chính và sự sốt sắng ban đầu dành cho các chương trình này là nhằm cổ vũ tình yêu con người. Trong các chương trình đó, trách nhiệm đối với tình yêu con người phải được tồn tại không ngừng.
Niềm hi vọng là trách nhiệm này sẽ không bao giờ thiếu vắng ở bất cứ nơi đâu và trong bất cứ ai; trách nhiệm này sẽ không bao giờ thiếu vắng nơi các nhà luật pháp, các thầy giáo, hoặc các chủ chăn. Có biết bao nhiêu con người bình thường mà tôi muốn nhắc đến ở đây để bày tỏ lòng biết ơn sâu xa của tôi dối với sự sốt sắng khoan dung và sự tận tuỵ to lớn của họ! Trong cuộc sống của họ, chúng tôi tìm được chứng từ của người Kitô hữu và của sự thật về nhân cách con người, họ đang trở thành chính mình đến mức họ tự hiến bản thân mình như là một quà tặng nhưng không cho những người khác.
Từ những chương trình tư vấn chúng ta nên quay về với các trường đại học. Tôi nhớ đến những trường tôi biết và những cơ sở mà tôi đã góp phần xây dựng. Ðặc biệt ở đây tôi đang nghĩ đến khoa đạo đức học ở Ðại học Công giáo Lublin, cũng như học viện được xây dựng ở đó sau khi tôi ra đi, dưới sự lãnh đạo của các bạn đồng nghiệp và học trò gần gủi nhất của tôi- đặc biệt là cha Tadeusz Styczen và cha Andrzej Szostek. Khái niệm về "nhân vị" không những là một lí thuyết tuyệt vời; nó còn nằm ở trung tâm bản chất con người.
Tôi cũng nhắc lại học viện tương tự được thiết lập tại Ðại học Lateran ở La mã, nó là nguồn cảm hứng cho những sáng kiến tương tự ở Hoa kì, Mexico, Chi lê, và trong các quốc gia khác. Ðường lối hữu hiệu nhất để phục vụ cho sự thật về bậc làm cha làm mẹ có trách nhiệm đó là cho thấy những cơ sở giáo dục đạo đức và nhân loại học của nó. Trong lãnh vực này hơn bất cứ lãnh vực nào khác, việc cộng tác giữa các chủ chăn, các nhà sinh học và các nhà thầy thuốc là hết sức cần thiết.
Tôi không thể nhấn mạnh ở đây về những nhà tư tưởng hiện đại, nhưng ít nhất tôi cũng phải nhắc đến một người - Emmanuel Lévinas, ông đại diện cho trường phái đặc biệt của chủ nghĩa nhân bản đương thời và triết học về đối thoại. Cũng như Martin Buber và Franz Rosenzweiz, ông đề cập đến truyền thống nhân bản của Cựu Ước, ở đó mối quan hệ giữa con người "I" (tôi) và thần thánh, "Thou" (ngươi, mi) tuyệt hảo được nhấn mạnh một cách mạnh mẽ.
Thiên Chúa, nhà làm luật tối cao, đã truyền giới răn trên núi Sinai "Thou shalt not kill," (Ngươi không được chém giết) như là một mệnh lệnh luân lý tuyệt đối. Lévinas, cũng như những người đồng đạo với ông, đã trải nghiệm cái thảm kịch Lò thiêu xác một cách sâu sắc, đang nêu lên cái công thức đáng chú ý của mệnh lệnh căn bản của Mười Ðiều Răn- theo ông, diện mạo bộc lộ nhân cách. Triết học về diện mạo này cũng được bắt gặp trong Cựu Ước: trong sách Thánh Vịnh, và trong các Sách Tiên Tri, có nhiều mối quan hệ đến "việc tìm kiếm diện mạo Thiên Chúa" (x. Tv 26, 27:8). Chính nhờ diện mạo mà con người có thể nói, và nhất là, bất cứ ai chịu đựng một điều bất công đều nói câu "Ðừng giết tôi!" Diện mạo con người và lệnh truyền "Không được giết người" đã được liên kết một cách khéo léo nơi Lévinas, vì thế trở thành một bằng chứng cho thời đại chúng ta, thời đại mà các chính quyền, ngay cả các chính quyền được bầu chọn một cách dân chủ, cũng phê chuẩn những cuộc hành quyết quá dễ dàng.
Có lẽ tốt hơn không nên nói nhiều thêm về đề tài đáng buồn như thế.
Ba mươi hai
MẸ THIÊN CHÚA
Việc canh tân của khoa thần học về Ðức Maria và việc sùng kính Người - trong truyền thống Công giáo - là đặc tính khác của giáo huấn và hoạt động mục vụ của Ðức Gioan Phaolô II. Totus Tuus ("Con hoàn toàn thuộc về Mẹ Maria") là khẩu hiệu mà ÐTC chọn cho giáo triều của mình.
Ngoài ra, thỉnh thoảng đây đó có những tin đồn và báo cáo về những cuộc hiện ra huyền bí và những thông điệp của Ðức Trinh Nữ Maria; cũng như trong những thế kỉ trước, những đám đông người đang lên đường hành hương. Kính thưa ÐTC, ÐTC có thể nói gì về vấn đề này.
Totus Tuus. Câu nói này không chỉ là một sự biểu lộ lòng mộ đạo, hoặc đơn giản một sự biểu lộ lòng sốt sắng. Nó còn hơn thế nữa. Sau thế chiến thứ II, trong khi tôi được tuyển dụng làm công nhân trong nhà máy, tôi bị lôi cuốn bởi lòng sùng kính Ðức Maria. Ban đầu, hình như thời thơ ấu của tôi có một chút khoãng cách đối với việc sùng kính Ðức Maria, để tập trung vào Chúa Kitô nhiều hơn. Nhờ Thánh Louis de Montfort, tôi mới hiểu rằng việc sùng kính Mẹ Thiên Chúa đích thực chính là quy về Chúa Kitô , điều đó được bén rễ rất sâu vào Mầu nhiệm Chúa Ba Ngôi, và những mầu nhiệm Nhập thể và Cứu chuộc.
Nhờ đó tôi đã khám phá lại lòng sùng kính Ðức mẹ với một sự hiểu biết sâu sắc hơn trong thời kì này. Hình thức sùng kính chín chắn đối với Mẹ Thiên Chúa đã có ở trong tôi qua năm tháng và trổ sinh hoa trái trong các thông điệp Redemptoris Mater và Mulieris Dignitatem.
Ðối với việc sùng kính Ðức Mẹ, mỗi người chúng ta phải hiểu rằng lòng sùng kính như thế không chỉ nhắm đến nhu cầu của con tim, một khuynh hướng tình cảm, nhưng nó còn đáp ứng lại một sự thật khách quan về Mẹ Thiên Chúa. Ðức Maria là Evà mới, được Thiên Chúa đặt vào mối tương quan khắn khít với Chúa Kitô , Ađam mới, khởi đầu bằng việc Truyền Tin, qua đêm Giáng sinh tại Bê lem, qua buổi tiệc cưới tại Cana thuộc miền Galilê, qua Thập giá trên Núi Calvari cho đến món quà của Chúa Thánh Linh vào ngày Hiện Xuống. Mẹ Thiên Chúa Ðấng Cứu chuộc là Mẹ của Giáo hội.
Công đồng Vatican II đã thực hiện những bước chân vĩ đại về phía trước đối với tín điều về Ðức Mẹ và lòng sùng kính Ngài. Không thể đưa vào đây toàn bộ chương tám của Hiến Chế tín điều Lumen Gentium về Giáo hội, nhưng việc đó sẽ được thực hiện. Khi tôi tham gia vào Công đồng, tôi đã có suy nghĩ chín chắn trong chương này về tất cả những trãi nghiệm trong thời niên thiếu của tôi, cũng như những mối quan hệ đặc biệt tiếp tục liên kết tôi với Mẹ Thiên Chúa theo những đường hướng luôn luôn mới mẽ.
Ðường hướng đầu tiên - và kì cựu nhất- được buộc chặt với tất cả mọi thời gian trong thời thơ ấu của tôi khi tôi dừng lại trước ảnh Ðức Mẹ Hằng Cứu Giúp trong nhà thờ họ Wardovice. Nó được ràng buộc với truyền thống của chiếc áo choàng Carmelite mang ý nghĩa và biểu tượng phong phú, tôi biết đến nó từ thời trai trẻ qua tu viện Carmelite "trên đồi" ở thành phố quê hương tôi. Ðường hướng đó cũng được ràng buộc với truyền thống thực hiện những cuộc hành hương đến thánh địa Kalwaria Zebrzydowska, một trong số những địa điểm lôi cuốn những đoàn người hành hương, nhất là từ miền Nam nước Ba lan và từ bên kia dãy núi Các-pác. Thánh địa này rất nổi tiếng vì nó không chỉ sùng kính Ðức Mẹ nhưng còn hướng về Ðức Kitô . Trong khi ở tại thánh địa Kalwaria, công việc đầu tiên mà những người hành hương phải thực hiện đó là đi Ðàng Thánh Giá, trên đường đó, nhờ Ðức Maria, nhân loại đã tìm được vị trí chính đáng bên cạnh Chúa Kitô . Cây Thánh Giá đứng ở trên con đồi nhìn xuống toàn bộ khu vực bao quanh thánh địa. Cuộc rước Ðức Mẹ long trọng diễn ra trước ngày lễ Ðức Mẹ hồn xác lên trời, cuộc rước kiệu không gì khác hơn là sự biểu lộ niềm tin của người Kitô hữu mà Mẹ Thiên Chúa chia sẻ trong sự Phục sinh và trong Vinh quang của Con riêng của Ngài.
Từ những năm tuổi ấu thơ, lòng sùng kính của tôi đối với Ðức Mẹ được liên kết một cách sâu sắc với niềm tin của tôi vào Chúa Kitô . Thánh địa Kalwaria đã giúp tôi rất nhiều trong vấn đề này.
Chương khác trong cuộc đời tôi chính là Jasna Gora, với tượng Ðức Mẹ da đen. Ðức Mẹ Jasna Gora của chúng tôi đã được sùng kính qua hàng thế kỉ với tư cách là Nữ vương của nước Ba lan. Thánh địa này thuộc về toàn cỏi đất nước. Quốc gia Ba lan đã được tìm kiếm qua hàng thế kỉ, và vẫn tiếp tục tìm kiếm, nâng đỡ và củng cố việc hồi sinh tinh thần từ nơi Ðức Bà và Nữ Vương của mình. Ở Jasna Gora một công cuộc rao giảng Phúc âm đang diễn ra. Những biến cố lớn lao trong đời sống của đất nước Ba lan luôn luôn được gắn chặt với địa danh này theo một cách nào đó. Lịch sử vừa xa xưa vừa hiện đại của đất nước tôi đã bén rễ một cách sâu sắc nhất trên ngọn đồi Jasna Gora.
Tôi nghĩ điều mà tôi đã nói đang giải thích một cách dầy đủ lòng sùng kính Ðức Maria của vị giáo hoàng đương nhiệm, và trước tiên thái độ phó thác hoàn toàn cho Ðức Mẹ của người - khẩu hiệu Totus Tuus của người.
Ba mươi ba
PHỤ NỮ
Trong tông thư có tựa đề đầy ý nghĩa Mulieris Dignitatem (Phẩm giá của Phụ nữ), ÐTC đã chỉ rõ việc sùng kính mà những người Công giáo dành cho một Phụ nữ, Ðức Mẹ Maria, thích hợp như thế nào đối với vấn đề tư cách phụ nữ.
Qua những nhận xét phía trước, tôi muốn nhắc lại một khía cạnh về việc sùng kính Ðức Mẹ. Lòng sùng kính này không chỉ là một hình thức mộ đạo; đó cũng là một thái độ - một thái độ đối với phụ nữ với tư cách là phụ nữ.
Nếu như thế kỉ chúng ta được đặc trưng bằng thuyết nam nữ bình quyền đang phát triển trong các xã hội tự do, chúng ta có thể nói rằng nổ lực này là một phản ứng chống lại sự thiếu tôn trọng dành cho mỗi phụ nữ. Tất cả những gì tôi đã viết về đề tài này trong tông thư Mulieris Dignitatem đều được cảm nhận từ khi tôi còn rất trẻ, từ thời thơ ấu. Có lẽ tôi cũng đã chịu ảnh hưởng của hoàn cảnh thời tôi được nuôi dưỡng - đó là thời kì mà con người kính trọng và đề cao phụ nữ, đặc biệt đối với những người phụ nữ làm mẹ.
Tôi nghĩ rằng thuyết nam nữ bình quyền hiện nay nẩy sinh từ việc thiếu tôn trọng phụ nữ. Sự thật được mạc khải dạy chúng ta một thứ gì khác. Tôn trọng phụ nữ, sửng sốt về sự mầu nhiệm của tư cách làm mẹ, và sau cùng tình yêu hôn nhân của chính Thiên Chúa và của Chúa Kitô , như được mô tả trong sự Cứu độ, là tất cả những yếu tố không bao giờ thiếu vắng trong niềm tin và cuộc sống của Giáo hội. Vấn đề này có thể bắt gặp trong truyền thống phong phú của những tập tục và thói quen, hiện nay truyền thống đó đang bị xói mòn một cách đáng tiếc. Trong nền văn minh của chúng ta, phụ nữ đã trở thành một món đồ giải trí.
Ngoài ra, điều quan trọng là trong hoàn cảnh này khoa thần học chính thức về phụ nữ đang được phục hồi. Vẻ đẹp tinh thần, năng khiếu đặc biệt của phụ nữ đang được khám phá trở lại. Những nền tảng củng cố vị trí của phụ nữ trong đời sống, không những đời sống gia đình mà còn đời sống xã hội và văn hoá đang được khẳng định lại.
Cũng vì mục đích này, chúng ta nên quay lại diện mạo của Ðức Maria. Chính Ðức Maria và cao trào sùng kính Ðức Maria đang trở thành nguồn cảm hứng mạnh mẽ và sáng tạo.
Ba mươi bốn
"ÐỪNG LO SỢ"
Như ÐTC đã nhắc lại trong cuộc nói chuyện, chắc chắn không có bất cứ rủi ro nào khi giáo triều của ÐTC bắt đầu bằng một tiếng kêu đã có và vẫn còn có những tiếng vang vọng sâu xa trên toàn thế giới: "Ðừng lo sợ!"
Trong những cách thức để hiểu được lời động viên này, phải chăng ÐTC không tin rằng có người sẽ hiểu như sau: nhiều người cần được trấn an, được khuyên "đừng lo sợ" Chúa Kitô và Phúc âm của Ngài, vì họ lo sợ khi quay về với đức tin, cuộc sống của họ sẽ bị thất bại bởi những đòi hỏi được xem như là nặng nề hơn là dễ chịu?
Vào ngày 22 tháng Mười, 1978, khi tôi nói câu "Ðừng lo sợ!" trên quãng trường Thánh Phêrô, tôi có thể không biết một cách đầy đủ câu nói đó sẽ đưa tôi và toàn thể Giáo hội đi đến đâu. Ý nghĩa của nó xuất phát từ Chúa Thánh Linh, Ðấng An ủi được Chúa Giêsu hứa ban cho các môn đệ của Người, hơn là từ con người đã nói ra nó. Tuy nhiên, theo dòng thời gian, tôi đã nhắc đi nhắc lại câu nói này trong nhiều dịp khác nhau.
Lời động viên "đừng lo sợ!" nên được giải thích theo một ý nghĩa rất rộng. Ðó là một lời động viên dành cho mọi người, một lời động viên nhằm chiến thắng nỗi sợ hãi trong tình hình thế giới hiện nay, ở phương Ðông cũng như ở phương Tây, ở phía Bắc cũng như ở phía Nam.
Ðừng lo sợ điều mà chính các bạn đã sáng tạo, đừng lo sợ tất cả những điều con người đã sản xuất và điều càng ngày càng trở nên nguy hiểm cho con người hơn! Cuối cùng đừng lo sợ chính các bạn!
Tại sao chúng ta không nên lo sợ? Bởi vì con người đã được Thiên Chúa cứu chuộc. Khi thốt ra những từ này trên quảng trường thánh Phêrô, tôi đã biết rằng bức thông điệp đầu tiên và toàn bộ giáo triều của tôi sẽ được gắn bó với sự thật của ơn Cứu chuộc. Trong ơn Cứu chuộc, chúng ta tìm được nền tảng sâu xa nhất của câu nói "Ðừng lo sợ!" : "bởi vì Thiên Chúa đã yêu thế gian đến nỗi đã hiến dâng Con Một của Ngài" (x. Ga 3:16). Người Con này luôn luôn hiện diện trong lịch sử nhân loại với tư cách là Ðấng Cứu Chuộc. Ơn Cứu Chuộc toả khắp toàn thể lịch sử nhân loại, thậm chí trước Chúa Kitô , và chuẩn bị cho tương lai về ngày Cánh chung của nhân loại. Ðó là ánh sáng "chiếu soi trong bóng đêm, và bóng đêm đã không chiến thắng nó được" (x. Ga 1:5). Quyền lực của Thánh giá và sự Phục sinh của Chúa Kitô vĩ đại hơn bất cứ sự dữ nào mà con người có thể hoặc sẽ lo sợ.
Ở điểm này chúng ta một lần nữa cần quay lại Totus Tuus. Trong câu hỏi trước anh đã nói về Mẹ Thiên Chúa và nhiều mạc khải riêng đã diễn ra, đặc biệt trong hai thế kỉ sau cùng. Tôi đã trả lời bằng cách giải thích việc sùng kính Ðức Maria đã phát triển như thế nào trong cuộc sống cá nhân của tôi, khởi đầu từ quê hương tôi, rồi thánh địa Kalwaria và sau cùng ở Jasna Gora. Jasna Gora trở thành một phần lịch sử của quê hương tôi trong thế kỉ mười bảy, giống như một cách "đừng lo sợ!" được Chúa Kitô nói qua miệng của Mẹ Ngài. Vào ngày 22 tháng Mười, 1978, khi kế thừa sứ vụ của thánh Phêrô ở La mã, tôi đã mang theo bên mình cái kinh nghiệm và việc sùng kính Ðức Maria ở quê hương tôi hơn bất cứ thứ gì khác.
"Ðừng lo sợ!" Chúa Kitô đã nói vơi các tông đồ (x. Lc24:36) và với những phụ nữ (x.Mt28:10) sau khi Phục Sinh. Theo các Phúc Âm, lời nói này được dành cho Ðức Maria. Mạnh mẽ trong đức tin, Ðức Mẹ đã không lo sợ chút nào. Sự tham gia của Ðức Maria vào chiến thắng của Ðức Kitô đã trở nên rõ ràng đối với tôi trước hết từ kinh nghiệm của dân tộc tôi. Ðức hồng y Stephan Wyszinski đã nói với tôi: vị tiền nhiệm của Ngài, Ðức hồng y August Hlond đã nói tiên tri khi Ngài sắp mất: " Sự chiến thắng, nếu nó đến, sẽ đến nhờ Ðức Maria." Trong thời gian làm việc mục vụ tại Ba lan, bản thân tôi đã biết những lời nói này thật đúng đắn như thế nào.
Sau khi được bầu vào chức vụ giáo hoàng, vì tôi quan tâm nhiều hơn đến những vấn đề của Giáo hội hoàn vũ, tôi đã có được niềm xác tín như thế: trên mức độ hoàn vũ, nếu chiến thắng đến thì nó sẽ được Ðức Maria mang đến. Chúa Kitô sẽ chiến thắng nhờ Ðức Mẹ, bởi vì Ngài muốn những chiến thắng của Giáo hội hiện nay và trong tương lai được liên kết với Ðức Maria.
Tôi vẫn giữ niềm xác tín này mặc dù tôi chưa biết nhiều về Fatima. Tuy nhiên, tôi có thể nhận thấy rằng có sự tiếp nối nhất định giữa La Salette, Lộ Ðức và Fatima - và trong quá khứ xa Jasna Gora thuộc nước Ba lan của chúng tôi.
Vì thế vào ngày 13 tháng Năm, 1981, khi tôi bị thương do những viên đạn bắn ra trên Quãng trường thánh Phêrô. Lúc đầu, tôi không chú ý đến sự kiện việc mưu sát đã diễn ra đúng vào ngày kỉ niệm Ðức Mẹ hiện ra với ba trẻ ở Fatima trong nước Bồ đào nha và nói với chúng những lời mà hiện nay, vào cuối thế kỉ này, xem như vẫn còn giữ kín.
Với biến cố này, có lẽ Chúa Kitô đã không nói lại một lần nữa "Ðừng lo sợ!" hay sao? Người đã không lập lại lời động viên Phục sinh này cho Ðức giáo hoàng, Giáo Hội và một cách gián tiếp với toàn thể gia đình nhân loại hay sao?
Vào cuối thiên niên kỉ thứ hai, có lẽ hơn bao giờ hết, chúng ta cần những lời nói của Chúa Kitô Phục sinh: " Ðừng lo sợ!" Con người, ngay cả sau khi cncs sụp đổ, vẫn không ngừng lo sợ và có nhiều lí do để có cảm giác này, họ cần nghe những lời này. Các quốc gia cần nghe chúng, đặc biệt những quốc gia đã được hồi sinh sau khi đế quốc CS sụp đổ, cũng như những quốc gia đã chứng kiến biến cố này từ bên ngoài. Các dân tộc và các quốc gia trên toàn thế giới cần lắng nghe những lời này. Lương tâm của họ cần trưởng thành trong niềm xác tín rằng Một Ðấng nào đó hiện hữu và nắm trong tay vận mệnh của thế giới thoáng qua này; Một Ðấng nào đó đang nắm giữ chìa khoá sự chết và cõi âm ty(x Kh 1:18); Một Ðấng nào đó là Alpha và Omega của lịch sử nhân loại (x Kh 22:13)- đó là lịch sử cá nhân hoặc tập thể. Và Ðấng duy nhất đó là Tình yêu (x 1 Ga 4:8,16) - Tình yêu trở thành con người, Tình yêu bị đóng đinh và được Phục sinh, Tình yêu không ngừng hiện diện giữa mọi người. Ðó là Tình yêu thuộc mầu nhiệm Thánh thể. Ðó là nguồn vô tận của sự hiệp thông. Chỉ Một Mình Người có thể ban cho sự bảo đảm tối hậu khi Người nói "Ðừng lo sợ!"
Anh nhận thấy con người thời đại cho việc quay về với đức tin thật khó khăn vì họ lo sợ những đòi hỏi đạo đức mà đức tin ràng buộc họ. Và vấn đề này là sự thật ở một mức độ nhất định. Phúc âm đang đòi hỏi một cách chắc chắn. Chúng ta biết rằng Chúa Kitô không bao giờ cho phép các môn đệ của Ngài và những ai nghe lời Ngài nuôi dưỡng bất kì ảo tưởng nào về vấn đề này. Trái lại, Ngài không tiếc bất cứ nổ lực nào để chuẩn bị cho họ trước mọi thứ khó khăn bên trong hoặc bên ngoài, Ngài luôn ý thức đến sự kiện họ có thể quyết định bỏ rơi Ngài. Vì thế, nếu Ngài nói " Ðừng lo sợ!" chắc chắn Ngài không nói để huỷ bỏ bằng cách nào đó điều Ngài đã yêu cầu. Hơn nữa, bằng những lời này, Ngài chứng thực toàn bộ sự thực của Phúc âm và tất cả những đòi hỏi của nó. Ðồng thời Ngài tiết lộ cho thấy những đòi hỏi của Ngài không bao giờ vượt quá những khả năng của con người. Nếu con người chấp nhận những đòi hỏi này với thái độ của đức tin, họ cũng sẽ bắt gặp trong ân sủng và Thiên Chúa không bao giờ từ chối ban cho họ sức mạnh cần thiết để đối diện với những đòi hỏi đó. Thế giới tràn đầy những bằng chứng về sức mạnh giải thoát và cứu chuộc mà các Phúc âm công bố thường xuyên hơn là nhắc lại những đòi hỏi của cuộc sống đạo đức. Có biết bao nhiêu người trên thế giới mà cuộc sống hàng ngày chứng thực cho khả năng sống bên ngoài nền luân lí của Phúc âm! Kinh nghiệm cho thấy một cuộc sống của con người thành đạt không thể khác hơn cuộc sống mà họ đã sống.
Chấp nhận những đòi hỏi của Phúc âm có nghĩa là khẳng định tất cả những đòi hỏi của nhân loại, nhìn thấy trong đó vẻ đẹp mà Thiên Chúa mong muốn, đồng thời nhận biết sự yếu đuối của chúng ta nhờ ánh sáng uy quyền của chính Ngài: "Ðiều gì loài người không thể thì Thiên Chúa lại có thể làm" (Lc 18:27).
Hai chiều kích này không thể bị tách rời : một mặt, những đòi hỏi mà Thiên Chúa muốn dành cho con người; mặt khác, những đòi hỏi của Tình yêu cứu độ của Ngài - quà tặng của ân sủng mà chính Ngài đã liên kết. Có phải ơn Cứu Chuộc được thực hiện trong Ðức Kitô là thứ gì khác, nếu không phải là điều này? Thiên Chúa mong muốn cứu thoát loài người, Ngài mong muốn nhân loại tìm được sự viên mãn, điều mà chính Ngài đã định sẵn, và Ðức Kitô có lí khi Ngài nói ách của Ngài thì êm ái và cuối cùng gánh của Ngài thì nhẹ nhàng (x. Mt 11:30).
Ðiều rất quan trọng là bước qua ngưỡng cửa hi vọng, không phải để dừng lại phía trước nó, nhưng để cho mình được hướng dẫn. Tôi tin rằng đại thi hào Cyprian Norwwid người Ba lan đã nghĩ đến vấn đề này, khi ông mô tả ý nghĩa cuối cùng của cuộc sống người Kitô giáo bằng những lời như sau: "Không phải với thánh giá của Ðấng Cứu thế ở phía sau bạn, nhưng với thánh giá của riêng bạn phía sau Ðấng Cứu thế."
Có mỗi lí do cho sự thật của Thánh giá là Tin Mừng.
Ba mươi lăm
BƯỚC QUA NGƯỠNG CỬA HI VỌNG
Thưa ÐTC, dưới ánh sáng của mọi điều mà ÐTC đã nói với chúng con, và chúng con biết ơn về những điều đó, chúng con có nên kết luận rằng " lo sợ" Thiên Chúa của Ðức Giêsu Kitô thật sự là không công bằng? Chúng con có nên kết luận thật xứng đáng để bước qua ngưỡng cửa hi vọng, để khám phá chúng ta có một Cha chung, để tái khám phá việc chúng ta được yêu hay không?
Tác giả Thánh vịnh có nói: " Kính sợ Thiên Chúa là khởi đầu của sự khôn ngoan".(x. Tv 110, 111:10). Cho phép tôi liên hệ những lời trong Kinh thánh này trong khi trả lời cho câu hỏi của anh.
Sách Thánh chứa đựng một lời động viên kiên trì để nuôi dưỡng sự kính sợ Thiên Chúa. Ở đây chúng ta đang đề cập đến sự kính sợ là một quà tặng của Thánh Linh. Trong số bảy quà tặng của Chúa Thánh Linh, được nêu rõ trong lời nói của tiên tri Isaia (x Is 11:2), sự kính sợ Thiên Chúa được xếp cuối cùng, nhưng điều đó không có nghĩa là kém quan trọng nhất, vì kính sợ Thiên Chúa chính là khởi đầu của sự khôn ngoan. Trong số những quà tặng của Chúa Thánh linh, sự khôn ngoan chiếm hàng đầu. Vì vậy chúng ta cần cầu nguyện để mọi người ở bất cứ đâu, nhất là những người trong thời đại chúng ta nhận được sự kính sợ Thiên Chúa.
Từ Sách Thánh, chúng ta cũng biết rằng sự kính sợ này - nguồn gốc của khôn ngoan- không có điểm gì chung với nỗi sợ hãi của một người nô lệ. Ðó là sự kính sợ của con cái, không phải nỗi sợ hãi của nô lệ. Hình mẫu chủ-tớ kiểu Hêgel là điều xa lạ đối với Phúc âm. Ðó là hình mẫu được phác hoạ từ một thế giới trong đó không có Thiên Chúa hiện diện. Trong một thế giới mà Thiên Chúa thật sự hiện diện, trong thế giới của sự khôn ngoan Thiên Chúa, chỉ có kính sợ của con cái mới có thể tồn tại.
Sự biểu lộ đích thực và đầy đủ của sự kính sợ này chính là Ðức Kitô. Chúa Kitô muốn chúng ta kính sợ tất cả những gì là xúc phạm đến Thiên Chúa. Ngài mong muốn điều này vì Ngài đến trong thế giới để làm cho con người tự do vì sự tự do. Con người được tự do nhờ tình yêu, vì tình yêu là nguồn gốc của tất cả những gì là thiện hảo. Tình yêu này, phù hợp với lời của Thánh Gioan, loại bỏ tất cả nỗi sợ hãi (x 1 Ga 4:18). Mỗi dấu chỉ của nỗi sợ hãi nô lệ biến mất hoàn toàn trước uy quyền gây khiếp sợ của Ðấng Duy nhất toàn năng và trường tồn. Vị trí của nó được chiếm lấy bởi sự quan tâm của con cái để ý muốn của Thiên Chúa được thực hiện trên trái đất- ý muốn đó là sự thiện hảo có nguồn gốc và sự viên mãn từ nơi Ngài.
Vì thế, các thánh thuộc mỗi thời đại cũng là sự nhập thể của tình yêu con cái của Chúa Kitô , đó là nguồn gốc của tình yêu của thánh Phanxicô dành cho tất cả mọi sinh vật cũng như của tình yêu đối với quyền lực cứu độ của Thánh giá, nó lập lại mối quân bình giữa cái thiện và cái ác cho thế giới.
Con người hiện nay có bị xúc động bởi sự kính sợ của con cái đối với Thiên Chúa, một sự kính sợ khởi đầu của mọi tình yêu hay không? Người ta có thể nghĩ - và không thiếu bằng chứng cho tác dụng này- rằng mô hình chủ nô vẫn còn tồn tại trong ý thức của con người ngày nay hơn là sự khôn ngoan, mà nguồn gốc của nó ở trong sự kính sợ của con cái đối với Thiên Chúa. Triết thuyết ngạo mạn phát sinh từ mô hình của Hêgel. Sức mạnh duy nhất có khả năng chống lại học thuyết này một cách có hiệu quả được bắt gặp trong Phúc âm của Chúa Kitô , trong đó mô hinh chủ-nô được biến đổi một cách cơ bản thành mô hình cha-con.
Mô hình cha-con luôn trường tồn. Nó lâu đời hơn lịch sử con người. Những "tia sáng của tư cách làm cha" trong công thức này thuộc về mầu nhiệm Ba ngôi của chính Thiên Chúa, mầu nhiệm toả ra từ Ngài chiếu sáng con người và lịch sử của họ.
Tuy nhiên, như chúng ta biết nhờ Mạc khải, trong lịch sử loài người, các tia của tư cách làm bố gặp gỡ sự kháng cự đầu tiên trong tội nguyên tổ, một sự kiện khó hiểu nhưng có thực. Ðây đích thực là chìa khoá để giải thích thực tại. Tội nguyên tổ không chỉ là một sự xúc phạm đến mệnh lệnh tích cực của Thiên Chúa mà còn xúc phạm đến ý muốn của Thiên Chúa được ẩn chứa trong mệnh lệnh đó. Tội nguyên tổ ra sức xoá bỏ tư cách làm cha, đồng thời phá huỷ những tia cho phép tạo dựng thế giới, nghi ngờ sự thật về Thiên Chúa Tình yêu và chỉ để cho con người ý thức về mối quan hệ chủ-nô. Kết cục, Thiên Chúa có vẻ như ganh tị về uy quyền của Ngài trên thế giới và trên con người; và con người cảm thấy bị thúc đẩy gây chiến chống lại Thiên Chúa. Trong bất cứ thời kì lịch sử nào, con người nô lệ bị lôi kéo đứng về phía chống đối lại người chủ đã bắt họ làm nô lệ.
Cuối cùng, tôi có thể tổng kết câu trả lời của tôi trong sự mâu thuẫn sau đây: để làm cho con người thời đại thoát khỏi nỗi lo sợ chính mình, thế giới, những người khác, những quyền lực trên trái đất, những hệ thống áp bức, để làm cho họ thoát ra khỏi mọi biểu hiện của nỗi lo sợ nô lệ trước "sức mạnh phổ biến" mà những kẻ tin gọi là Thượng đế, điều cần thiết là con người phải cầu nguyện sốt sắng rằng họ sẽ gánh lấy và bồi dưỡng trong tâm hồn sự kính sợ đích thực đối với Thiên Chúa, sự kính sợ đó là khởi đầu cho sự khôn ngoan.
Sự kính sợ Thiên Chúa này là sức mạnh cứu độ của Phúc âm. Ðó là sự kính sợ có tính cách xây dựng, không bao giờ huỷ hoại. Nó sáng tạo con người tự cho phép mình được hướng dẫn bởi trách nhiệm, bởi tình yêu có trách nhiệm. Nó sáng tạo những đàn ông và phụ nữ thánh thiện - những Kitô hữu đích thực- cuối cùng tương lai của thế giới sẽ thuộc về họ. André Malraux đã có lí khi cho rằng thế kỉ hai mươi mốt là thế kỉ của tôn giáo hoặc không là gì cả.
Ðức giáo hoàng, con người đã bắt đầu giáo triều của mình với câu nói "Ðừng lo sợ!", cố gắng đặt niềm tin hoàn toàn vào lời cổ vũ này và luôn luôn sẵn sàng phục vụ con người, các quốc gia, và nhân loại trong tinh thần sự thật của Phúc âm.
Chuyển ngữ xong vào đầu tháng Mười Một 2007
Nguyễn Kim Ngân
0 comments:
Đăng nhận xét