Truyện kể rằng:
Trước khi ông Moisê dẫn dân Do Thái ra khỏi cảnh nô lệ Ai Cập, người phải qua một thời gian huấn luyện dưới sự chỉ giáo của một thầy dạy. Kỷ luật đầu tiên mà Moisê phải tuân giữ, là sự im lặng tuyệt đối trước bất cứ điều trái ý nào.
Một hôm, hai thầy trò đi du ngoạn tại một miền quê có đồi núi hùng vĩ, cây cối xanh tươi, hoa cỏ muôn màu muôn sắc, sông nước trong mát. Nhưng Moisê cũng phải im lặng không dám mở miệng khen ngợi.
Ðến gần bờ sông, Moisê thấy một đứa bé đang chìm dần xuống nước, trong khi đó người mẹ trên bờ sông không biết làm gì hơn là khóc than thảm thiết.
Moisê không cầm lòng được trước cảnh tượng đáng thương đó, liền buột miệng nói:
Thầy không thể làm gì để cứu đứa bé được chăng?
Thầy giáo bảo Moisê hãy giữ im lặng.
Moisê cắn lưỡi giữ yên lặng, nhưng cảm thấy áy náy trong tâm hồn. Ông tự nghĩ, không lẽ thầy mình lại có tấm lòng chai đá như vậy hay sao? Hay là chỉ vì bất lực không thể cứu giúp người gặp cảnh khó khăn được? Mặc dù Moisê không dám nuôi những tư tưởng xấu về thầy mình, nhưng lại rất khó mà xua đuổi những tư tưởng ấy đi.
Hai thầy trò lặng lẽ tiếp tục tiến về phía biển. Ðứng trên bờ biển, Moisê thấy chiếc thuyền nhỏ lao đao, vật lộn với sóng lớn và đang chìm dần với cả nhóm thủy thủ. Moisê kêu lên:
Lạy thầy, xin hãy nhìn xem kìa, chiếc thuyền nhỏ đang chìm dần.
Một lần nữa thầy giáo ra hiệu cho Moisê phải giữ im lặng. Moisê không dám nói gì thêm nữa, nhưng trong lòng không khỏi phân vân lo lắng.
Khi hai thầy trò trở về nhà, Moisê liền đem sự việc đến bàn hỏi cùng Chúa.
Chúa phán: thầy con làm như vậy là có lý, đứa bé chết đuối trong nước sông, nếu không chết, lớn lên nó sẽ là tên tướng giặc gây chiến giữa hai quốc gia, và hàng ngàn người vô tội sẽ phải chết thảm thương. Còn chiếc thuyền nhỏ ngoài biển kia đang chở theo một bọn cướp hung dữ, chúng đang dự bị tấn công một làng nhỏ gần vùng biển. Nếu chúng không bị đắm thuyền, thì chúng sẽ cướp phá và giết hại dân làng vô tội.
Các bạn thân mến!
Các bạn đã nghe được tiếng nói của im lặng bao giờ chưa? Nó không phải là điều nghịch nghĩa. Sự thầm lặng nói với tiếng nói thâu suốt tâm lòng con người. Lời lẽ của nó thân tình và quan trọng. Quan trọng, bởi vì những lời lẽ đó dẫn đưa chúng ta đến chỗ suy tư với chính mình, lắng nghe tiếng nói của thiên nhiên, của vạn vật và của Chúa trong tâm hồn ta nữa.
Tiếng nói của thầm lặng thúc đẩy chúng ta tìm hiểu sự chân thật, đồng thời cũng chỉ bảo chúng ta cách đối thoại với thực tại đang chờ đón ta. Sự thầm lặng sẽ giúp ta không bị hoa mắt trước những ảo mộng hão huyền, không bị mỏi mệt vì tiếng ồn ào huyên náo.
Thỉnh thoảng chúng ta cũng cần phải rút lui vào trong chính mình một chốc lát, cho dù chỉ một vài phút để nghỉ ngơi tinh thần, để khám phá ra sự thật trong thinh lặng, để định hướng đi và hướng dẫn bánh lái của cuộc đời ta.
Lạy Chúa, này đây con xin im lặng trước nhan thánh Chúa, con nhìn Chúa và con biết Chúa cũng đang nhìn con. Chúa thấu tỏ mọi sự, xin hãy nói và con đang lắng nghe với tất cả tâm hồn, tất cả trí khôn. Xin hãy truyền cho sóng gió của dục vọng, của ham muốn trong đời con phải lặng thinh, để tâm hồn con trở nên phẳng lặng và trong sáng, để có thể phản ảnh dung nhan của Chúa, để con biết nhìn mọi sự với cái nhìn của Chúa, cái nhìn của lòng tin yêu, cậy trông và phó thác trong sự quan phòng đầy khôn ngoan của Chúa. Amen.
Rario Veritas
(Nguồn:http://suyniemhangngay.org/sn2/1008_TiengNoiCuaThinhLang.php)
0 comments:
Đăng nhận xét