Tu sĩ không phải là người không có tình cảm nhưng sống tình cảm cách đặc biệt. Lời khấn khiết tịnh của người tu sĩ chỉ liên quan tới một khía cạnh là không lập gia đình, còn các khía cạnh khác vẫn bình thường. Họ vẫn sống tình hiếu thảo, yêu thương như trong một gia đình và sống tình bạn với nhau. Người tu sĩ không khước từ vai trò làm cha mẹ của mình (cha mẹ của trẻ em, bệnh nhân, người nghèo… đối tượng phục vụ).
BẢN CHẤT CỦA TÌNH BẠN
Trong kinh nghiệm sống của nhiều người, có lẽ không có gì qúy trọng hơn tình bạn. Những cụ già và những kẻ gần cái chết thường nói những mãn nguyện lớn lao nhất của đời họ là tình bạn.
Trong các nền văn hoá, người ta đều nói về tình bạn và ca tụng tình bạn. Bởi vì tình bạn có những giá trị cao quý :
Sách Huấn Ca:
“Ăn nói dịu dàng thì tăng thêm bạn hữu
Phát biểu dễ thương thì tăng thêm lời thân ái.
Ước chi có nhiều người sống hòa nhã với con,
Nhưng cố vấn cho con, thì trong muôn ngàn chỉ nên chọn một (Hc 6,5-6)
Người bạn trung thành là một nơi nương tựa vững chắc
Ai gặp được người bạn như thế là gặp được một kho tàng.
Không gì đổi lấy được người bạn trung thành,
Và giá trị của người bạn ấy, không cân nào lường được.
Người bạn trung thành là phương thuốc xoa dịu cuộc đời.
Những ai kính sợ Đức Chúa sẽ gặp được người như vậy.
Người kính sợ Chúa thì điều khiển được tình bạn của mình,
Vì bản thân mình thế nào, thì can thân mình cũng thế.”(Hc 6,14-17)
Aristote: “Tình bạn là tình cảm sâu đậm nhất trong đời sống con người”.
Cicéron : “Tình bạn như mặt trời trong cuộc sống chúng ta, là ơn lớn nhất sau sự khôn ngoan mà các thần linh ban cho con người.”
Pithagore: “Ai muốn sống lâu : cần có rượu ngon và tình bạn”.
Châm ngôn Ả rập: “Có thể sống khi không có người anh em, nhưng không thể sống mà không có tình bạn, vì bạn là anh em, còn anh em không hẳn là bạn”.
TÌNH BẠN LÀ GÌ ?
Tình bạn là một sự lựa chọn, chỉ có đối với một số người. Động lực đầu tiên nảy sinh tình bạn là sự thiện cảm. Có nhiều lý do dẫn đến thiện cảm :
Tâm tình, tình cảm giống hoặc khác (nó bổ túc cho mình).
Sở thích, hợp với cái gì đó của người kia.
Cùng quê hương, dân tộc, quê quán, Hội dòng.
Cùng tiếng nói (ngôn ngữ).
Cùng tư tưởng, tôn giáo…
Tình bạn luôn luôn là một sự lựa chọn (Ga 15: “các con là bạn của Thầy, chính Thầy lựa chọn các con….”
Tình bạn không đòi hỏi sự gần gũi thân xác, nó là tâm tình, xa mấy cũng cảm được tâm tình của nhau.
Tình bạn không phải là tình yêu nhục dục (đụng chạm đến thân xác). Tình bạn không cần phải gần nhau. Tình bạn vượt ra khỏi nhu cầu tính dục (thân xác).Tình dục thì khi xa cách là thảm cảnh (nó đóng kín chân trời của tôi hạn hẹp trong thân xác một người).
Tình bạn là tương quan của ta với một số người có cảm thông, hiểu biết nhau. Nó bao gồm các sắc thái:
Mong ước thiện ích cho bạn.
Làm điều thiện ích cho bạn.
Tin tưởng, có thể thổ lộ những thầm kín
Tình bạn luôn là tương quan hai chiều và chỉ luôn luôn là một tương quan tốt mà thôi.
Nếu có lúc ghét nhau : chưa là bạn. Không thể là bạn khi người này ghét người kia.
Theo thánh Augustinô: “Trên trời mới có tình bạn hai chiều, thế gian khó mà có được. Vậy cuộc sống trên thiên đàng là hiệp hội huynh đệ”. Thế gian khó có được vì con người hạn hẹp, có thể có tình bạn lý tưởng nhưng không dài lâu.
Aristote: “Ai bảo rằng mình có nhiều bạn thì chẳng có ai cả. Vì tình bạn thì sâu đậm lắm”.
VẬY BẠN TÔI LÀ AI ?
Là người mà ta có thể tìm thấy sự nâng đỡ, tha thứ, khuyến khích ngay cả khi người đó chỉ trích chúng ta. Trong cuộc sống ta thích lời chỉ trích của người bạn hơn là sự khen tặng của người thù, vì nó giúp ích cho ta.
Là người hiểu ta mà không cần phải nói nhiều. Sự thinh lặng của hai người bên nhau cũng là một loại ngôn ngữ, vì thinh lặng có lúc là khinh khi, không thèm biết đến, nhưng đối với bạn thì đó là sự thông cảm, là tình thương sâu đậm… vì ngôn từ có giới hạn.
Là người bạn cùng tôi tiến bước (có tự do thật và có sự thánh thiện). Người tu sĩ mà si mê ai thì người đó chặn hết mọi ngõ ngách vươn tới “Cái Khác”. Người si mê bị chiếm hữu, bị bó chặt tê cứng bởi đối tượng …
HIỆU QUẢ CỦA TÌNH BẠN
Hiệu quả của tình bạn là sự hiệp thông (vì có thiện cảm nên đi đến sự hiệp thông).Bạn là cuộc sống của tôi và cuộc sống của tôi là của bạn.
Bạn : gồm 1 linh hồn và hai thân xác, “tâm đầu ý hợp”. Khi một người chết, mất nửa “chúng tôi”, sẽ đau đớn như mình bị chết.
Cũng có trường hợp tình bạn bội phản như tình bạn của Chúa Giêsu và Giuđa : “Cả người bạn thân cũng giơ gót đạp con …”.
TÌNH BẠN VÀ TÌNH BÁC ÁI BỔ TÚC CHO NHAU
Người ta thường nói : tình bạn khác tình bác ái.
Tình bạn là giá trị nhân bản. Tình bạn chỉ có đối với một số người (có giới hạn).
Tình bác ái là tham dự vào chính đời sống Thiên Chúa, là ơn siêu nhiên đến từ Chúa. Tình bác ái là ơn Chúa ban cho tất cả mọi người, phải yêu thương tất cả mọi người Chúa dựng nên (tình yêu rộng lớn).
Tình bác ái chính là tình yêu huynh đệ, là nền tảng cho mọi tình yêu khác trong đời sống.
Tình yêu huynh đệ là một thái độ có trách nhiệm : muốn sự tốt cho người khác, săn sóc, chú ý đến, bất cứ họ là ai, đó là một tình yêu đại đồng. “Anh em chỉ có một thầy. Còn tất cả đều là anh em với nhau”. (Mt 23,8)
Nguồn gốc của tình huynh đệ vượt xa mọi ranh giới, tiếng nói, văn hoá, màu da… mọi sự đều bình đẳng.
Tình yêu huynh đệ là tình yêu đối với cả những người thù địch. Đó là tình yêu anh hùng vì tôi trao ban tình yêu mà lại nhận lại sự thù ghét, nên tình yêu của tôi là anh hùng.
Tình yêu lý tưởng: có hai chiều. Tình yêu không lý tưởng: có một chiều.
Vậy tình bạn và tình bác ái là hai thực tại bổ túc cho nhau. Có nhiều thứ tình yêu trong cuộc sống con người, nhưng đối với người thánh hiến thì ngoài tình Chúa, ta chỉ nên có hai thứ tình yêu. Đó là : tình yêu huynh đệ và tình bạn.
Có 3 nấc thang hay 3 vòng tròn khác nhau diễn tả tình yêu của người tu sĩ từ rộng lớn đến gần gũi.
Mức 1: Tình yêu huynh đệ với mọi người (mong thiện ích cho mọi người).
Mức 2: Tình yêu hiệp thông huynh đệ trong bối cảnh một cộng đoàn.
Mức 3: Tình bạn có sự tin tưởng, thổ lộ được.
TU SĨ VÀ ĐỜI SỐNG TÌNH CẢM.
Phải sống tình cảm cách lành mạnh : yêu người khác và cảm thấy mình được người khác yêu thương lại. Tình yêu thương trong đời tu thì cụ thể với con người trong đời sống thường ngày chứ không lý thuyết, ý niệm, lý sự.
Tình yêu có thể được thể hiện bằng hai cách:
+ Tích cực : Yêu.
+ Tiêu cực : Ghét.
Cuộc sống tình cảm như chiếc áo có hai mặt: mặt ngoài và mặt trong, mình mặc bên nào ra chứ không thể để một mặt ở nhà. Vì thế ta phải kiểm soát tình cảm cách tích cực, nếu không nó sẽ kiểm soát ta cách tiêu cực.
Tu sĩ cũng sống tình cảm của mình cách bình thường như bao người khác, nhưng phải sống tích cực, nếu không, đương nhiên điều tiêu cực sẽ xẩy ra.
Một số biểu hiện tình cảm tiêu cực trong đời sống tu sĩ
Bệnh lạnh lùng, đi đến khô khan tình cảm (con tim vô cảm, vô thần).
Hiếu chiến với người khác : gặp ai cũng gây, cũng chống, chỉ trích hay đối với một số người. Không vừa ý thì phản ứng, hung hăng (như mèo, nhím giơ vuốt, ai đến gần thì bắn lông.)
Hiếu chiến với chính mình (hành khổ chính mình): Thường khi tấn công người khác không được thì lại quay về mình để tấn công mình. Thái độ này nguy hiểm vì có khi mặc áo nhân đức : ăn chay, đánh tội để đè nén sự thật trong mình. (Nhân đức thật có hai điều kiện : Sự quân bình và tình yêu thương.)
Khuynh hướng cho mình là không ai thương, không ai để ý, dẫn đến mình là nạn nhân của mình.
Sự ghen tương : ham hố quyền bính, danh vọng nên có khi dẫn đến hoạt động thái quá. Hoạt động thái quá thì không phải là hoạt động tông đồ, điều đó khiến tu sĩ di chuyển rất nhiều mà không thực sự là công tác tông đồ. Có những tu sĩ rất nhiệt tình nhưng đùng một cái là bỏ hết. Chứng tỏ đó không phải là làm việc cho Chúa.
Hay bối rối, lệch lạc tâm lý. Rất khó lý luận với những người này. không được lẫn lộn giữa sự bối rối với một lương tâm tế nhị (tế nhị là chú ý đến những chuyện nhỏ nhưng quân bình và có tình thương).
Thiếu quân bình : đối với người ngoài thì dễ thương, còn chị em không chịu được.
Một trong những biểu hiện tiêu cực là thích một cái gì quá đáng (say mê quá một cái gì mà bỏ bê cái khác hoặc say mê ăn uống quá độ, thân thể hoá vấn đề tình cảm). Cũng có khi ghét người khác hay ghét cái gì đó mà không có lý do.
TU SĨ SỐNG TÌNH CẢM THẾ NÀO ?
Gần nhất là các chị em trong cộng đoàn. Cộng đoàn là môi trường trong đó ta sống đời sống tình cảm của mình. Trong đời sống cộng đoàn, ta không sống tình yêu chung chung, hoặc thờ ơ, hoặc theo hình thức bề ngoài. Rất tiếc nhiều người sống bên nhau mà không sống tình bạn huynh đệ với nhau. Sống trong một nhà, khác với việc sống trong một cộng đoàn.
Lưu ý một vài khác biệt tâm lý giữa nam và nữ :
Nam tu : có nguy cơ dễ đi đến thờ ơ, tương quan lạnh lùng trong công việc, đi đến hình thức cá nhân chủ nghĩa.
Nữ tu : Nữ giới thì sống bằng con tim nên lại quá gắn bó rồi ghen tương, xét nét, phân bì, nói lui nói tới.
Trong đời sống gia đình thì vợ chồng có thể bổ túc sửa đổi cho nhau, còn trong đời sống tu (nữ) có nguy cơ là cái gì cũng to, trầm trọng, dễ lệch.
Nam tu: ai biết người đó thôi, nếu người này chào, người kia không trả lời thì mặc kệ, bỏ qua, không thèm chú ý.
Nữ tu : nếu chào nhau mà không trả lời thì để bụng, rồi có lúc sẽ kể tội hỏi tại sao chào nhau mà không trả lời, hoặc im lặng đi đến hiểu lầm, sinh chuyện. Không để cho nhau sống an lành. Người nữ hay tạo cho mình những vấn đề không đâu.
Phím đàn nam: Nốt kêu, nốt tịt, nốt kêu bé.
Phím đàn nữ: Nốt nào cũng kêu to, nhưng nó diễn tả sự phong phú tình cảm.
Vì thế người nữ cần phải tận dụng sự phong phú của tình cảm để làm đẹp cuộc sống. Kinh nghiệm đời sống tu cho thấy là ta không thể yêu thương mọi người đồng đều. Chúa Giêsu yêu thương tất cả nhưng không yêu cùng một cường độ như nhau, nên chúng ta phải yêu thương mọi người như tình bác ái huynh đệ đòi hỏi là muốn và làm điều thiện cho người khác. Nhưng ta không thể thổ lộ tâm tư với hết mọi người được. Chúng ta có bổn phận yêu thương mọi thành phần trong cộng đoàn và được mọi người yêu thương lại. Nhưng ta không có quyền đòi hỏi hết mọi người phải thổ lộ tâm sự với ta, và ta cũng không đòi bất cứ ai cũng là đối tượng cho ta thổ lộ tâm tình. Thổ lộ tâm tình với ai được là một ơn. Mỗi người có quyền tín nhiệm ai đó để trao chìa khoá nhà mình, không ai có quyền bắt ép ai.
Ví dụ: Có thể ta quý mến mọi người, nhưng chỉ thổ lộ được với ai đó thôi. Có những người ta tin được để tâm sự nhưng cũng có những người mình rất quý, dễ sống, nhưng không thổ lộ được. Trong cùng cộng đoàn ta có thể tin người này mà không tin người kia. Biết chấp nhận thực tại này là một trưởng thành nhân bản.
Vậy đâu là tiêu chuẩn cho thấy tình bạn trưởng thành, chín mùi (không gây ra khó khăn).
Trước hết phải tránh hai hòn đá ngầm:
Khuynh hướng loại trừ: Khi trong cộng đoàn có một nhóm tách rời, loại trừ những người khác và tự khép kín trong chính mình.
Khuynh hướng bệnh hoạn: Muốn chiếm hữu, xâm lăng người khác. Khi nào xảy ra? Khi một người nói với người khác rằng, không được kể cho ai …. Chỉ nói với tôi …. Chỉ nói với chị thôi đấy.
Tình yêu là một sự tự do. Nếu chiếm hữu, xâm lăng là lấy mất tự do của người khác.
Tình thân: Không ghét nhưng yêu thương, giúp hai người mở lòng với cộng đoàn.
Tình riêng: Chiếm đoạt, ghen tương…
Dấu chỉ của sự trưởng thành
Luôn được thúc đẩy phải yêu thương mọi người hơn mãi.
Biết chấp nhận người khác là chính họ, chứ không bắt họ dính vào tôi.
Tuy nhiên ta phải hiểu cái gì cũng có luật trừ. Luật trừ không phải là luật chung, nhưng luôn phải có luật trừ:
Ví dụ: Mua một giỏ táo rất ngon nhưng bên trong cũng có những trái thối.
Tình bạn là giá trị cao quý nhưng cũng có những khía cạnh bệnh hoạn, vì thế ta cũng đừng ngạc nhiên khi thấy có dấu hiệu bệnh hoạn trong tình bạn. Khi có bệnh họan là dấu chỉ chưa trưởng thành. Ví dụ :
– Phải trốn người khác để gặp nhau.
– Ngăn cản người khác thay đổi sở, hay công việc.
– Gò bó, giữ chặt cho mình thôi.
– Điện thoại, email liên tục.
Đó là những cử chỉ bệnh hoạn.
Tình bạn là một giá trị cao quý, phải cố đi đến trưởng thành. Tuy nhiên cũng phải chấp nhận có những người không trưởng thành, bệnh họan.
NĂM ĐỐI TƯỢNG SỐNG TÌNH CẢM CỦA NGƯỜI TU SĨ
Đối với Chúa : phải sống tình cảm sâu đậm trong tương quan tình yêu với Chúa. Nơi mỗi người có một khát khao và chỉ có tình yêu Chúa mới lấp đầy. Ta thường hứa với Chúa nhiều hơn là ta cho Chúa. Thánh Augustinô: “Lạy Chúa, Chúa dựng nên chúng con cho tình yêu Chúa, nên chúng con chỉ khắc khoải bao lâu chưa được nghỉ yên trong Chúa” (nếu không cầu nguyện sâu đậm thì không thể trưởng thành tình cảm trong đời sống tu).
Đối với quê hương dân tộc : phải cảm thấy yêu thương môi trường mình sống trong mọi giá trị văn hoá, phong tục, ngôn ngữ.. và cảm thấy mình được yêu thương. Yêu tha nhân như chính mình là yêu những gì mình từ đó phát xuất ra : quê hương, cội nguồn, gia đình, cộng đoàn…
Đới với cộng đoàn : yêu cộng đoàn, yêu dòng tu mà tôi là thành phần. Cuộc sống cộng đoàn là một thực tại quan trọng đối với tôi.
– Bởi vì cộng đoàn đồng hành với ta trong suốt cuộc đời. Bao lâu ta còn sống thì bấy lâu còn cộng đoàn.
– Cộng đoàn là trường học đức ái, dạy ta tha thứ, gặp gỡ, trao đổi, hiệp thông.
– Cộng đoàn giúp ta lớn lên về mọi mặt nhân bản lẫn siêu nhiên, là nhu cầu tất yếu cho đời sống dâng hiến.
– Cộng đoàn giúp tôi biến đổi, là nơi tạo dáng.
Vì vậy, các tu sĩ phải rất cẩn thận để đừng có chia rẽ trong cộng đoàn.
– Sống cộng đoàn là điều không dễ dàng, nhưng là điều có thể sống được, phải sống tích cực và làm chứng cho mọi người thấy tình Chúa.
– Trong cộng đoàn không phải ta cùng mọi tính tình và mọi nguồn gốc… nhưng cùng đặc sủng, cùng một dòng nên ta có thể sống được.
– Chúa là người gọi ta đến sống chung nên ta phải làm chứng rằng ta có thể sống với chị em mình được. Chúa mời gọi ta làm chứng cho tình yêu huynh đệ, mặc dù có những cái ta không thích, không hợp, không đồng ý.
Đới với công tác tông đồ mà tu sĩ thi hành : phải yêu thương mọi đối tượng phục vụ cách chân thành, sâu đậm. Giả thiết tôi phải có con tim rộng mở, yêu cả tâm hồn, có khi chỉ gặp người đó một chốc lát thôi. Trong việc tông đồ, không hành xử như một nhân viên, nhưng như một tín hữu Kitô – thấy ai cũng đáng yêu.
Trong lãnh vực tình bạn : Theo tiêu chuẩn, tôn trọng và yêu mến nhưng không chiếm hữu riêng. Nhớ là không bao giờ có tình bạn trọn vẹn, trọn vẹn chỉ có ở trên trời, trần gian không có.
Đi tu ta không từ bỏ tình cảm thì phải sống nó cách trọn vẹn. Nên nhớ tình nghĩa xây đắp con người ; làm an ủi lòng người. Hãy thắng lướt vật cản để sống hạnh phúc.
TÌNH BẠN THEO TINH THẦN KITÔ GIÁO
Đời sống con người cần được củng cố, được làm cho tươi đẹp hơn bởi các tình bạn. Yêu thương và được yêu thương đó là niềm hạnh phúc nhất của cuộc sống con người. Khi nói đến tình bạn, chúng ta không nên hiểu nó theo một nghĩa hạn hẹp, như một thứ tình cảm đặc biệt chỉ dành riêng cho một nhóm hoặc một ít người sống đóng kín với nhau mà thôi. Vì quan niệm hẹp hòi này có thể chia rẽ con người và có thể tạo ra những phức tạp trong đời sống xã hội. Tình bạn mà chúng ta nói đến đây cần được hiểu theo một nghĩa rộng như là mối liên lạc thân thiện với mọi người sống bên cạnh, không có tính cách đóng kín, chia rẽ nhưng được mở rộng mỗi ngày một hơn. Đối với những ai có niềm tin Kitô, ta hãy năng suy niệm đời Chúa Giêsu. Ta hãy xem Chúa Giêsu đã sống tình cảm của một con người như thế nào ?
Ngài sống với tình yêu thương rộng rãi, nhưng cũng có những thứ bậc tình thương (Người là bạn của những người thu thuế, đĩ điếm, Người có thiện cảm với những người tội lỗi).
Với 12 tông đồ : Chúng con là bạn hữu của Thầy, vì Thầy đã lựa chọn chúng con (Chúa không có cùng cường độ tình bạn. ngài yêu thích Phêrô, Giacôbê và Gioan hơn. Ngài cho ba môn đệ này tham dự vào ba biến cố : con gái Zairô sống lại, biến hình trên núi, hấp hối trong vườn dầu. Nhưng trong 3 môn đệ đó, Gioan Ngài yêu thương hơn cả.
Chúa Giêsu có tình bạn thuần tuý với nhiều người khác nhau.
Chúa Giêsu cũng là bạn với mấy người phụ nữ: Maria Mađalêna, Gioanna, Suzanna và rất nhiều phụ nữ khác (Luca).
Chúa Giêsu sống tình cảm rất cởi mở rộng rãi nhưng có thứ bậc (Đời sống tình cảm theo mô hình của kim tự tháp; Chúa Giêsu cũng có bạn ngoài nhóm 12 (Lazarô, Maria, Mattha..)
Ga 4 : Các tông đồ kinh ngạc khi thấy Chúa nói chuyện với người Samari. Sau khi sống lại Chúa Giêsu hiện ra với các phụ nữ …. Mặc dù mọi người không tin những phụ nữ đã gặp Chúa sống lại vì bối cảnh xã hội.
Vậy tình bạn theo tinh thần Kitô giáo là tình bác ái, vì người tu sĩ yêu thương mọi người cách vô vị lợi, chia sẻ được với mọi người và phục vụ hết mọi người. Do đó, ai cũng có thể là bạn của người tu sĩ theo nghĩa rộng.
Nt. Marie Rose Vũ Loa, FMSR
0 comments:
Đăng nhận xét