CHUỖI SỰ SỐNG – LIFE CHAIN



Sáng sớm thứ hai 2.10 hôm nay, chúng tôi mở Inbox của Gmail và nhận được lá thư của vợ chồng kỹ sư Nguyễn Thái Vũ, bác sĩ Phạm Thị Cẩn cùng ba cháu gái từ Texas ( Hoa Kỳ ) gửi về. Câu chuyện nóng hổi về Bảo Vệ Sự Sống tại Mỹ vừa diễn ra hôm Chúa Nhật 1.10, có lẽ vừa đi xong về đến nhà là viết kể lại ngay. Xin chép lại nguyên văn E-Mail này đến quý độc giả Ephata.
Gia đình anh chị Vũ – Cẩn, cũng là độc giả Ephata từ lâu, đã từng nhiệt thành tham gia Bảo Vệ Sự Sống khi còn ở Việt Nam, nhất là bác sĩ Cẩn với Y Đức trong sáng và chuyên môn Y Khoa thông thạo đã giúp chúng tôi tư vấn thành công rất nhiều ca sắp sửa phá thai, thật vui mừng, nay cả gia đình tiếp tục hiệp thông liên đới từ xa với anh chị em BVSS tại quê nhà...
Cha Uy và anh chị em BVSS Sàigòn thương,
Hôm nay Chúa Nhật 2.10, con đưa cả nhà một vợ ba con gái, cùng đi tham gia “Life Chain”, con tạm dịch là “Chuỗi Sự Sống”, một hoạt động BVSS chống phá thai. Đại khái mỗi năm, vào một ngày đầu của tháng 10, buổi chiều từ 14 giờ đến 15 giờ, trên toàn nước Mỹ, các thành viên tham gia sẽ đứng ngay bên đường, vâng, cứ đứng yên một chỗ như thế trong thinh lặng, suy tư và cầu nguyện. Già trẻ lớn bé đều có thể tham gia, mỗi người với một tấm bảng giấy khổ A0 ghi thông điệp "Abortion kills children – Phá thai giết trẻ em" đứng cách nhau khoảng một mét, trên những quãng đường nhộn nhịp xe cộ qua lại, kéo dài cả 2, 3 cây số. Và cha biết không, năm ngoái đã có đến hơn 1.500 thành phồ và thị trấn của nước Mỹ tham gia. Còn năm nay thì chưa kịp có thống kê đúc kết, chắc cũng đông như thế.
Đây là các websites liên quan, cha xem cho biết http://www.milwaukeelifechain.org/pictures.asphttp://www.nationallifechain.org/
Đứng bên đường, những người tham gia “Life Chain’ chúng con nhận đủ mọi thứ tìn hiệu phản ứng từ người đi xe ngang qua, khen ( thumbs up ), vẫy tay thân thiện, tán thưởng hoặc hoan hô, ra dấu OK đồng tình v.v… Nhưng ngược lại, cũng có những ngón tay giữa giơ lên, chỉ thắng vào mặt chúng con, thậm chí rất nhiều tay còn hạ cửa kính xe xuống chửi toáng lên ( xin lỗi, con xin ghi rõ ): "Bọn Công Giáo chúng mày hết việc rồi a ?"… "Đ.M. tụi mày đi mà kiếm việc làm khác tốt hơn đi"... hoặc họ chửi bẩn, vắn tắt "F. you !" Cũng có rất nhiều tiếng còi xe tin tin inh ỏi cả lên, nhưng mình không hiểu là họ tán thưởng hay đang chửi mình nữa...
Mấy phút đầu chưa quen, con thấy tức điên lên, trừng mắt và định... chửi lại ! Sau đó, con mới thấy đằng sau cái bảng hiệu ban tổ chức “Life Chain” phát cho mọi người đều có in cẩn thận các lời khuyên hãy giữ bình tĩnh, hãy giữ thinh lặng, hãy có các thái độ ứng xử theo quy định, mỉm cười đáp lại những hành vi và lời nói thô tục ra làm sao, nhường nhịn các nhóm chống đối ( Nhóm Pro-Choice, nghịch lại với Nhóm Pro-Life chủ trương Bảo Vệ Sự Sống ) như thế nào cho đúng với tinh thần yêu thương và cầu nguyện.
Con rất vui khi lần đầu tiên tham gia hoạt động này. Đứng bên đường, con nhớ thật nhiều đến các hoạt động BVSS ở quê nhà, nhớ các cha Uy, cha Phương, cha Phước và cả cha Giám Tỉnh nữa... những người đã nói cho con lần đầu tiên biết đến ý nghĩa của việc phải Bảo Vệ Sự Sống.
Cha hãy tưởng tượng một ngày nào đó, dọc theo Quốc Lộ 1 của quê hương mình, từ Bắc chí Nam, vào một ngày, một giờ nào đó trong năm, các Linh Mục, nam nữ Tu Sĩ các tôn giáo khác nhau, các y bác sĩ, và anh chị em lương lẫn giáo, tất cả những ai chủ trương Bảo Vệ Sự Sống, dứt khoát nói không với phá thai, mỗi người một tấm bảng có nội dung giống nhau, đứng cách đều nhau một mét như thế...
NGUYỄN THÁI VŨ
MỤC LỤC TÌM BÀI
( Quý độc giả có thể nhấn phím Ctrl và đưa mũi trỏ vào từng tiêu đề trong mục lục để vào trực tiếp từng bài trên các trang báo – Hyperlink )
Text Box: CÙNG SUY NIỆM

BÀI CA CHIẾN THẮNG CỦA NGƯỜI NGHÈO KHỔ

Giáo Xứ tôi, được xây dựng vào tháng 10 năm 1973, khi cha Stephano đưa đoàn di dân vào khu khẩn hoang lập ấp. Rừng thiêng nước độc. Nhà Thờ bằng cây rừng, mái tôn, vách ván thô sơ.
Sau tháng 4 năm 1975, Nhà Xứ, Nhà Thờ, trống trước trống sau, và đoàn Giáo Dân nghèo vẫn còn đó, mà chủ chiên thì vắng bóng vì thời cuộc quá nhiễu nhương.
Mỗi Chúa Nhật, bà con đến Nhà Thờ đọc dăm bảy kinh rồi về. Gọi “dăm bảy kinh” là vì bà con không dám ngồi lâu hơn trong Nhà Thờ nằm ngay bên cạnh Ủy Ban Nhân Dân Xã mới được xây dựng ngay trên đất đã qui hoạch cho Nhà Thờ !
Cha GB. Trương Văn Hiếu, chánh xứ Giáo Xứ Hòa Vinh, cách Giáo Xứ tôi 4 cây số, thường xuyên kín đáo thăm bà con và thỉnh thoảng thăm Nhà Thờ, ban Bí Tích Giải Tội tập thể. Rồi dần quen, cha thỉnh thoảng đến dâng Thánh Lễ công khai luôn. Tháng 10 năm ấy, lễ Đức Mẹ Mai Khôi, cha tha thiết bảo bà con siêng năng lần hạt Mai Khôi với niềm tin rằng Mẹ sẽ ban cho anh em một chủ chiên mới.
Cũng ngày ấy, ngài chính thức đặt tên cho ca đoàn Giáo Xứ gồm những anh chị em nông dân nghèo khổ cái tên gọi thân thương “Ca Đoàn Mai Khôi”. Ngài nói: “Kinh Mai Khôi là bài ca chiến thắng của những người nghèo khổ của Thiên Chúa”. Ngài giải thích: “Người nghèo khổ của Thiên Chúa là người có lòng khiêm nhượng, khao khát Thiên Chúa với niềm tín thác mạnh mẽ, và nhất là, người biết mình còn có đời sau và cần có đời sau”.
Cả Giáo Xứ ra sức đọc kinh Mai Khôi, nhà nhà Mai Khôi, người người Mai Khôi. Bảy năm đọc kinh Mai Khôi. Bà con hiệp lòng ký vào một đơn xin Linh Mục đặt dưới chân Đức Mẹ. Hai ông trong Hội Đồng Giáo Xứ đi ở tù. Nhiều ông khác “được” thăm hỏi, “được” canh phòng cẩn mật…
Tháng 9 năm 1982, Cha PX. Lê Quang Diễn nhận bài sai của Đức Giám Mục Nicolas, từ trại cải tạo về làm quản xứ. Có thể nói, đây là bài sai đổi xứ đầu tiên trong Giáo Phận sau năm 1975, và cũng là trường hợp đổi xứ đặc biệt nhất: từ trại cải tạo ra ngay làm quản xứ, không có thời gian quản thúc, quản chế… Cả Giáo Xứ tạ ơn Mẹ Maria và nhận ra đây là phép lạ của chuỗi Mai Khôi mà cha GB. Trương Văn Hiếu đã khuyến khích trong suốt 7 năm ròng.
Cha GB. đã về với Chúa ngày 21.5.2011, nhưng “Bài Ca Chiến Thắng Của Người Nghèo Khổ” từ ngài vẫn luôn là lời nhắn gửi sống động:
- Kinh Mai Khôi của người có lòng khiêm nhượng
- Kinh Mai Khôi của người có lòng khao khát Thiên Chúa với niềm tín thác mạnh mẻ.
- Kinh Mai Khôi của người biết mình còn có đời sau và cần có đời sau.
Thiết tưởng bài ca của người nghèo và phép lạ Mai Khôi không chỉ là bài ca và phép lạ của bà con Giáo Xứ tôi, nhưng còn là của mọi tín hữu khắp nơi trên thế giới.
Vâng, trong lịch sử Giáo Hội, bài ca của người nghèo là lời kinh Mai Khôi đã từng chiến thắng bè rối Albigeois nổi lên ở miền Nam nước Pháp vào thế kỷ 13, chiến thắng sự bành trướng của ly giáo Cải Cách ở Luxembourg, chiến thắng quân Thổ Nhĩ Kỳ thế kỷ 16, và đầu thế kỷ 20, chiến thắng phái Tam Điểm phân hóa và chống phá Giáo Hội tại Bồ Đào Nha…
Và ngay đến hôm nay, lời kinh Mai Khôi vẫn còn ghi thêm những chiến công lẫy lừng.
Những chứng từ sống động về lời kinh Mai Khôi của những người phụ nữ Công Giáo Nga, ít học, quê mùa đã hết lòng khiêm nhường, tín thác, không chỉ 7 năm Mai Khôi mà là gần 70 năm Mai Khôi dưới chế độ vô thần cộng sản để niềm tin vào Chúa Giêsu Kitô vẫn mãnh liệt, sức sống của Chúa Giêsu Kitô vẫn trẻ trung, và Giáo Hội Chúa Kitô vẫn tồn tại và sống động.
Những chứng từ sống động về lời kinh Mai Khôi của những Giáo Hội hầm trú bên Trung Quốc đã khẳng định sức mạnh chiến thắng diệu kỳ của chuỗi Mai Khôi trước bao bức bách, cường bạo.
Những chứng từ sống động gần gũi nhất nơi mỗi biến cố thắp nến cầu nguyện cho Công Lý tại Việt Nam, bài ca chiến thắng của những người nghèo lại cất lên, và phép lạ của kinh Mai Khôi phải thấy được bằng con mắt Đức Tin mới nhận ra mình đang được hơn là mất, đang thắng chứ không phải thua, đang bình an và hiệp nhất giữa sóng gió tưởng có thể chòng chành, chao đảo.
Vâng, có thể là không còn tượng Đức Mẹ ở công viên, nhưng sáng sáng chiều chiều ở “công viên mới” vẫn còn lời kinh kính mừng của những người yêu mến Mẹ. Tượng Đức Mẹ người ta đã dẹp đi rồi. Nhưng Mẹ vẫn ở đó. Ai dám nói những người nghèo khổ của Mẹ đang thua ? Vẫn những kinh Mai Khôi hướng lòng lên Đồi Thánh Giá. Có thể là không còn cây Thánh Giá trên đồi xưa đầy kỷ niệm, nhưng, cây Thánh Giá trên cao quá, ở xa quá, bây giờ người ta đã hạ cây Thánh Giá ấy xuống mà đặt vào ngay trong lòng mỗi tín hữu để tôn kính, để ôm hôn, để làm nhịp cầu cứu rỗi. Ai dám nói những người nghèo khổ của Mẹ đang thua ?
Có những chiến công không chỉ thấy bằng con mắt Đức Tin, mà con mắt trần cũng có thể thấy được. Có thể bạn và tôi còn nhớ “bài ca chiến thắng của người nghèo khổ” bởi muôn tấm lòng cất lên rập ràng phía sau trường tiểu học cuối xóm Trúc Lâm nhìn về núi Tàpao nơi Mẹ đang ở đó, bị bắn vỡ đầu, bị đập gãy tay… Vâng, lời kinh Mai Khôi ấy đã hiển linh thành Trung Tâm Thánh Mẫu Tàpao cho muôn con cái Mẹ, cho muôn người nghèo khổ thêm niềm xác tín chiến thắng.
Những chứng từ về kinh Mai Khôi, chuỗi Mai Khôi, bài ca chiến thắng của người nghèo khổ còn sống động ở nơi mỗi gia đình Công Giáo. Một vòng thăm dò cho thấy những gia đình có giờ kinh chung, lần chuỗi chung sáng hoặc tối, một chục hay đủ năm chục... được nhiều ơn bình an gia đình hơn là những gia đình thiếu giờ kinh chung, vắng kinh Mai Khôi chung và riêng, hoặc còn tệ hơn nữa là các thành viên trong gia đình không hề biết… lần chuỗi !
Thực ra, để đọc kinh chung và lần chuỗi chung trong gia đình không phải dễ nếu không có một quyết tâm cùng với những khiêm tốn, từ bỏ. Việc lần chuỗi riêng cũng thế, nếu không có lòng yêu mến Mẹ, tin thác cậy trông nơi Mẹ để vượt qua sóng gió cuộc đời, nhất là vượt qua cám dỗ để nên hoàn thiện thì khó lòng mà thực hiện được. Xin nghe mấy tâm sự:
“Thưa cha, nhà con không đọc kinh chung được, vì khoảng 8 đến 9 giờ là nhà con xỉn rồi ! Mấy mẹ con đọc kinh thì ổng nói là… quân Pharisêu !”
“Mỗi lần lần chuỗi, con phải cất cái chuỗi đi, vừa làm việc vừa lần chuỗi cha ạ ! Có chục thiếu, có chục dư ! Nhưng chắc Đức Mẹ bỏ qua cho. Ổng thấy con cầm cái chuỗi là ổng chửi: “Đồ đạo đức giả !”
“Đã mấy lần cầm đến chuỗi Mai Khôi, mà con không thể nào lần chuỗi được, nhớ đến nó, phát ghét !”… “Nó nào ?”… “Thằng chồng con chứ ai !”
Bởi vậy, khi cả nhà thuận tình đọc kinh và lần chuỗi chung với nhau, thiết tưởng, đã là một chiến thắng.
Chứng từ Mai Khôi còn là bài ca chiến thắng của người có niềm tin vào đời sau, còn có đời sau và cần có đời sau. Một lời khẩn khoản thiết tha vì tin yêu Mẹ Maria là Mẹ của mình trong Nước Trời. Mẹ là trạng sư cho những tội nhân cần đến lượng khoan hồng, lòng thương xót. Không chỉ đợi đến lúc lâm chung mới tỉnh ngộ, mà ngay khi các tín hữu đọc kinh Mai Khôi sốt sắng, cũng đã mặc lấy tâm tình của “tội nhân sẽ đến giờ lâm tử” nói lên niềm tin vào đời sống vĩnh cửu trong Thiên Chúa, nhờ Mẹ Maria trong tình mẫu tử thiêng liêng.
“Nếu “nải chuối buồng cau, đường mía lau xôi nếp một” là ca dao tình mẹ ngọt ngào trong văn học dân gian Việt Nam, thì Kinh Kính Mừng quả là lời kinh tuyệt diệu ngọt ngào tình mẫu tử thiêng liêng giúp ta gặp được Đức Maria cao xa là Mẹ Chúa Trời nhưng vẫn cứ luôn gần gũi với người dương thế cho dẫu phận người hôm nay không đẹp đẽ gì, vì xét cho cùng chỉ là kẻ có tội “khi nay và trong giờ lâm tử”. Chính vì thế Kinh Kính Mừng đã trở thành lời nguyện tắt mọi lúc mọi nơi. ( Đức Cha Giuse Vũ Duy Thống ).
Mừng lễ Mẹ Maria Mai Khôi và vào tháng Mai Khôi, chúng con tạ ơn Chúa đã ban cho chúng con người Mẹ mẫu gương nhân đức tuyệt vời, ban cho chúng con Chuỗi Mai Khôi phương thế chiến thắng cám dỗ, thế gian, ba thù và phương thế nên thánh.
Xin cho chúng con yêu mến, tin tưởng Mẹ, mà siêng năng lần hạt riêng và lần hạt chung với gia đình.
Xin cho linh hồn cha cố GB. hưởng nhan Chúa. Amen.
PM. CAO HUY HOÀNG, 28.9.2011

CON ĐƯỜNG NHỎ CỦA VỊ THÁNH LỚN

 Kính tặng mẹ nhân ngày lễ Bổn Mạng Têrêsa Hài Đồng Giêsu
Khi bàn về cách thức cầu nguyện, một người anh lớn bên Mỹ bảo với tôi rằng, trước cổng của một Nhà Thờ anh em Tin Lành bên ấy có treo dòng chữ “Thiên Chúa luôn trả lời cho những ai quỳ gối và cầu khẩn Người” ( God always reply to your knee-mail ). Nghĩa bóng của câu này là một gợi ý tốt để giải thích cho một số vấn nạn sau.
Thỉnh thoảng tôi vẫn nhận ít câu hỏi từ các bạn trẻ về mối liên quan giữa vận dụng lý thuyết vào thực hành. Một võ sinh học Karatedo 6 năm, đã tập cả ngàn lần cho các bài quyền một chống bốn, nhưng khi đối diện với thực tế ngoài đường phố, một chống hai lại rất rụt rè ? Một sinh viên tốt nghiệp ngành khoa học máy tính loại khá vẫn lúng túng khi được giao một công việc đơn giản, xây dựng một phần mềm ứng dụng nhỏ ? Một Giáo Dân dù đã đọc kinh Lạy Cha vài chục ngàn lần vẫn thấy khó nếu phải tha thứ cho người xung quanh, khi đụng đến cái tôi to lớn ? Mẫu trả lời chung cho những câu hỏi dạng này phụ thuộc hai ý sau:
- Cái gì diễn ra trong trí óc của chúng ta lúc thi triển một bài quyền, khi nghe giáo viên giảng bài hay lúc đọc kinh Lạy Cha ?
- Mục tiêu của mỗi cá nhân khi tập võ, khi đến trường hay theo đuổi một tôn giáo là gì ? Mục tiêu này sẽ chi phối các suy tư diễn ra trong hệ thần kinh suốt quá trình tập luyện của võ sinh, học tập của sinh viên hay cầu nguyện của Kitô hữu.
Nếu chúng ta đọc Kinh Lạy Cha vì nghĩa vụ và trong trạng thái trống rỗng của tâm lẫn trí thì việc quá khó trong tha thứ lỗi lầm cho anh em là một tất yếu. Khoảng cách giữa lý thuyết và thực hành trong một lãnh vực là tỉ lệ nghịch với cường độ mà khối óc, con tim mà ta dành riêng cho lãnh vực ấy. Nếu cường độ càng lớn thì khoảng cách càng bé.
Nói về mối tương qua giữa lý thuyết và thực hành, ngành khoa học sư phạm chỉ rằng, có 5 bậc thang mà một con người có thể nhận thức về một chủ đề trong kho tàng hiểu biết của nhân loại. Các bậc của thang đo có thứ tự từ thấp đến cao như sau:
1. Biết một ít, có tính sơ lược.
2. Hiểu thành thạo từ tổng quan đến chi tiết.
3. Ứng dụng được tri thức để giải các bài toán thực tế.
4. Tổng hợp, phân tích và so sánh tri thức.
5. Đề xuất giải pháp mới liên quan.
Chúng ta cũng đồng ý với nhau rằng, thời đại ngày nay cần chứng nhân hơn là thầy dạy. Điều này là chính xác. Khi đối chiếu với thang đo năm mức ở trên, một chứng nhân đang ở vị trí thứ ba, nó cao hơn thầy dạy vì chỉ đang ở mức hai ( xin phép loại trừ các vị thầy đang ở mức 4, 5 ). Thánh nữ Têrêsa là một con người mẫu mực kết hợp hài hòa giữa giáo lý và đời sống, giữa lý thuyết và thực hành cho linh đạo Tình Yêu – là tâm điểm của “con đường nên thánh”.
Không chỉ dừng lại tình yêu với các chị em Nữ Tu Dòng Cát Minh, Thánh Têrêsa còn đặc biệt cầu nguyện cho những người tội lỗi. Ngài tâm sự: “Lạy Chúa Giêsu nếu bàn ăn mà những người tội lỗi làm bẩn đi, cần được tẩy sạch bởi một linh hồn yêu mến Chúa, thì con đây xin chấp nhập ngồi lại đó để ăn bánh thử thách cho đến khi Chúa muốn đưa con vào nơi đầy ánh sáng của Chúa”. Trong một đoạn khác, Thánh nữ viết: “Tôi nói với Chúa là tôi lấy làm sung sướng hy sinh không nếm cảnh thiên đàng trên mặt đất, để xin Chúa mở cửa cõi đời đời cho những kẻ không tin đáng thương”. Và trên hết là tình yêu và sự tín thác đến tận cùng mà Thánh nữ dành cho Thiên Chúa. Khách hành hương sẽ nhìn thấy trên vách phòng trong tu viện của Thánh Têrêsa dòng chữ “Chúa Giêsu là tình yêu duy nhất của con”.
Với thang đo 5 mức, người có trình độ cử nhân cần thường đạt ở mức 3. Nếu là tiến sĩ cần thể hiện rõ mức thứ 5 trong luận án của mình. Thánh Têrêsa Hài đồng Giêsu khi tìm kiếm cho chủ đề “con đường nên Thánh”, ngài đã chỉ ra một giải pháp mới ( mức 5 ) cho vấn đề này một cách hoàn hảo và đặc sắc. Con đường ấy là hoàn hảo vì sau khi phát hiện, Thánh Nữ đã phân tích các yếu tố Thần Học của con đường tu đức – tín thác và khiêm nhường đến tận cùng. Ngài còn thiết kế qui trình, cách thức vận hành và vận dụng một cách mỹ mãn trên chính bản thân với phát kiến này. Con đường ấy là đặc sắc, đơn sơ vì phù hợp cho số đông, cho nhiều trường hợp và kết hợp chắc chắn với sự mặc khải của Tân Ước: “Thầy bảo thật các con, nếu các con không trở nên như những em nhỏ này sẽ không vào được nước trời” ( Mt 18, 3 ).
Chúng ta có thể thấy sự đơn sơ của tác phẩm “con đường nhỏ” khi đối chiếu nó với cuốn “Lộ trình tâm linh lên cùng Thiên Chúa” của một Tiến Sĩ Hội Thánh khác – Thánh Bonaventura. Luận án về con đường nhỏ này có tiêu đề “Con đường thơ ấu thiêng liêng”. Đây là một lý do quan trọng để ngài vinh dự trở thành vị nữ Tiến Sĩ Hội Thánh thứ 3 trong Giáo Hội Công Giáo, người trẻ tuổi nhất đứng giữa những bậc thầy thiêng liêng và cao lớn khác.
Thiên Chúa – Ngài thường làm những chuyện vĩ đại bắt đầu từ những việc rất nhỏ bé. Ngài dùng David – người chăn cừu trẻ tuổi để chiến thắng người khổng lổ, hùng mạnh Gôliat ( 1Sm 40, 54 ). Người dùng 300 quân của Ghit-ôn, võ trang bằng ống tù và, để chiến thắng quân Mađian nhiều vô số kế như chấu chấu ( Tl 7, 22 ). Ngài chọn một thanh niên đánh cá làm môn đệ, đã từng chối Ngài đến 3 lần, để trở thành vị Giáo Hoàng đầu tiên. Và bây giờ, Ngài lại dùng Thánh Têrêsa chỉ với 24 tuổi đời; 9 năm tu Dòng – thời gian tu tập vừa đủ cho một Linh Mục thụ phong; hàng ngày chỉ suy niệm, cầu nguỵện và làm các việc phục vụ nhỏ trong bốn bức tường của dòng kín, trở thành “vị Thánh lớn nhất của thời đại mới”, như lời của Đức Giáo Hoàng Pio X tuyên bố.
Masseo – một người bạn của Thánh Phanxico Assisi – hỏi: “Tại sao thiên hạ lại rùng rùng chạy theo cha”. Thánh Phanxicô trả lời như sau “Chúa là Đấng nhìn thấu suốt tâm can mọi người. Chúa đã tìm khắp thế gian, không ai xấu xa ngu dốt, yếu hèn như tôi nên Người chọn tôi để làm việc của Người”.
Lạy Thánh Têrêsa, trước đây có một người học trò là tiên tri Êlisa, cầu xin với thầy mình là Ngôn Sứ Êlia “xin cho con được hai phần thần khí của thầy” ( 2V 2, 9 ), thì nay chúng con – những người con bé nhỏ cũng xin như thế đối với Thánh nhân vào dịp lễ Quan Thầy Têrêsa thành Lisieux.
G. TUẤN ANH

PHẦN HOA LỢI CỦA TA ĐÂU ?

Thưở Cựu Ước, Vườn Nho của Chúa là Nhà Israel ( Is 5, 7a ).
Thiên Chúa đã yêu thương xây dựng Vườn Nho này xinh đẹp và đã đầu tư tối đa cho Vườn Nho với ước mong Vườn Nho sinh hoa, kết trái, như bài ca trong sách Isaia đã nhắc đến Vườn Nho tuyệt vời này: “Người tôi yêu có một Vườn Nho trên đồi xinh tươi. Người rào giậu, cuốc đất, nhặt đá, chọn giống nho quý đem trồng, xây vọng gác giữa vườn, khoét bồn ép nho trong vườn, và trông mong nó sinh quả nho tươi tốt ”, nhưng đáng tiếc thay, Vườn Nho “sinh toàn nho dại” ( Is 5, 1 – 2 ).
Bài ca ấy nói về con cái Israel bị nô lệ tội lỗi, không sống xứng đáng là Con cái Thiên Chúa “Ta trông mong nó thực hành điều chính trực, nhưng đây toàn sự gian ác. Ta trông mong nó thực hành đức công bình, nhưng đây toàn là tiếng kêu oan” ( Is 5, 7b ).
Các ngôn sứ được Thiên Chúa gửi đến, nhưng bị Dân Chúa chối từ như trong dụ ngôn “tá điền sát nhân”: “Đến mùa nho, ông sai đầy tớ đến nhà tá điền để thu phần hoa lợi. Nhưng những người làm Vườn Nho bắt các đầy tớ ông: đánh đứa này, giết đứa kia và ném đá đứa khác. Ông lại sai một số đầy tớ khác đông hơn trước: nhưng bọn tá điền cũng xử với họ y như vậy ( Mt 21, 34 – 36 ).
Và chính Đức Giêsu, Con Thiên Chúa được sai đến, cũng bị các tá điền đối xử tệ đến mức phải mất mạng: “Sau cùng, ông sai chính con trai mình đến gặp chúng, vì nghĩ rằng: "Chúng sẽ nể con ta." Nhưng bọn tá điền vừa thấy người con, thì bảo nhau: "Đứa thừa tự đây rồi ! Nào ta giết quách nó đi, và đoạt lấy gia tài nó ! " Thế là chúng bắt lấy cậu, quăng ra bên ngoài Vườn Nho, và giết đi” ( Mt 21, 37 – 39 )
Thời Tân Ước, và hôm nay, Giáo Hội, Giáo Phận, Giáo Xứ, gia đình, và chính mỗi chúng ta là một Vườn Nho của Chúa – Vườn Nho chính Chúa Giêsu đã thiết lập và giao lại cho chúng ta trông coi để Vườn Nho tươi tốt và trổ sinh hoa trái ngon ngọt cho đến vụ mùa Ông Chủ đến thu phần hoa lợi.
Cùng làm Vườn Nho Chúa với danh nghĩa “tá điền”, dù cho là người tá điền của Vườn Nho lớn như Giáo Hội, Giáo Phận, hay nhỏ hơn như Giáo xứ, như gia đình, tất thảy đều có chung nhiệm vụ là không chỉ duy trì sự hiện diện của “ông chủ vườn” đầy yêu thương, đáng kính trọng nơi Vườn Nho mình mà còn phải trung thành với Chủ và sinh lợi cho Chủ bằng những vụ nho ngon ngọt sai trái, trúng mùa.
Người tá điền với vai trò vừa canh tác vừa quản lý. Canh tác, chăm bón, vun tưới cho từng cây nho được khỏe mạnh, tươi tốt, lại còn phải canh phòng những thứ dịch bệnh, vi khuẩn có thể làm tổn hại đến sức sống của cây nho. Quản lý Vườn Nho là quản lý tài sản của Ông Chủ, không để thất thoát vì bất cứ lý do gì, không để cho kẻ trộm cắp, kẻ phá hoại cướp đi tài sản mà chính ông chủ đã lập nên bằng chính cốt nhục của Ông, bằng bửu huyết của Con Ông.
    Blogger Comment
    Facebook Comment

0 comments:

Đăng nhận xét