QUYỀN CỦA NGƯỜI PHỤ NỮ TRƯỚC VẤN NẠN PHÁ THAI

Bạn nghĩ sao nếu có ai đó quyết định ngay bây giờ bạn được sống hay là phải chết ? Vậy đấy, khi bạn vừa đọc xong dòng chữ trên thì ít nhất đã có một, hai con người bé bỏng phải chịu phán quyết là… án chết. Đó chính là các thai nhi ! ( Ảnh xác một thai nhi được đón về DCCT Sàigòn )
Ước tính trên đất nước Việt Nam chúng ta hôm nay, cứ mỗi sáu giây trôi qua là lại có một thai nhi bị giết chết. Còn đau đớn hơn án tử hình, vì cái chết ở đây lại được đưa ra từ chính người cha, người mẹ đang cưu mang em, những người mà em tin tưởng nhất và cũng là người duy nhất có thể bảo vệ em, yêu thương em trên đời này… !
Bạn nghĩ xem, còn nỗi đau nào hơn thế !?! Đấy là chưa nói tới cách thức các em phải chịu chết: từng thớ thịt, từng bộ phận trên cơ thể em đều bị cắt ra, cắt vụn ra, xé ra từng mảnh, từng mảnh ! Thương ôi, tình người còn đâu ?
Trải qua dòng lịch sử, người phụ nữ phải vất vả lắm nếu không nói là họ đã phải đánh đổi cả tính mạng mới đòi lại được quyền bình đẳng, quyền được tự do quyết định giá trị sống của mình. Thiết nghĩ, khi con người đấu tranh cho sự công bằng ấy là để góp sức xây dựng một cuộc sống hạnh phúc hơn, nhiều tình người hơn.
Thế nhưng, đáng buồn thay, không ít phụ nữ đã lạm dụng quyền của mình để sống buông thả, để tự quyết định cả mạng sống của người khác, cụ thể là các thai nhi, con của chính họ. Họ tự biện minh rằng phụ nữ phải được quyền phá thai, nếu không cứ phải sinh em bé thì sẽ trở nên gánh nặng cho họ !?!
Nhưng xin được hỏi: đâu là QUYỀN SỐNG của chính những em bé đáng thương này ? Dù người phụ nữ có quyền lớn đến thế nào đi nữa thì điều đó cũng không có nghĩa là họ được phép tước đoạt mất QUYỀN SỐNG của THAI NHI, con của họ !
Khi nhắc đến quyền của người phụ nữ, sao trước đó họ không nghĩ mình cũng có quyền không quan hệ bừa bãi, họ cũng có quyền lựa chọn biện pháp tránh thai tự nhiên, họ cũng có quyền sống khiết tịnh. Đó là cái quyền đẹp nhất, tốt lành nhất mà đáng lẽ họ phải chọn thay cho lối sống cuốn hút theo sự chết !
Mặt khác, quyền của người phụ nữ ở đâu khi họ đấu tranh quyết liệt để giữ lại thai nhi trước sức ép phải phá thai của người bạn đời ? Quyền này lại không được người đời ủng hộ, họ lên án, khinh bỉ… khiến người phụ nữ phải ngậm ngùi bỏ đi chính đứa con họ đang cưu mang, và cả hậu quả khôn lường mà họ phải gánh chịu sau này là sự dằn vặt về lương tâm, là nỗi đau vô sinh hoặc các thứ bệnh phụ khoa nan y bất trị.
Một vài dòng suy tư trước vấn nạn phá thai đang hoành hành trên quê hương thân yêu của chúng ta. Mong rằng mỗi người hãy lựa chọn cho mình giá trị sống tốt đẹp nhất để cuộc sống của mỗi người và mọi người được hạnh phúc hơn, giàu lòng nhân ái hơn…
“KẺ ĐI TÌM”, Nhóm BVSS Hà Nội, 22.9.2011
MỤC LỤC TÌM BÀI
( Quý độc giả có thể nhấn phím Ctrl và đưa mũi trỏ vào từng tiêu đề trong mục lục để vào trực tiếp từng bài trên các trang báo – Hyperlink )


Text Box: CÙNG SUY NIỆM
 

AI LÊN THIÊN ĐÀNG TRƯỚC AI ?

Cách đây đúng 3 năm, sau Thánh Lễ Chúa Nhật 26 Thường Niên năm A, tôi uống cà phê trước Nhà Thờ Đ.T., nghe mấy ông sồn sồn vừa uống cà phê vừa nói chuyện to:
- Làm có môt giờ cũng lãnh một đồng ! Bực bội tuần trước chưa nguôi. Tuần này, thêm bực vì đám ăn chặn của dân, đám sống bằng vốn tự có lại có vé ưu tiên vào Thiên Đàng trước ! Bực thiệt !
- Có gì mà bực ?
- Ông là thánh sao mà không bực ? Hai hạng này đang thịnh. Một bên là lấy tiền của dân mà mua lạc thú, bên bán cái nghìn vàng ! Ông coi đó, ả ở đầu xóm kìa, hôm thì kẹp ông xe ôm, hôm thì kẹp chàng em-xi giọng mái, đêm thì với một chú CA Huyện, đêm khác với vài tên thuế vụ, vài cậu cầu lông, lâu lâu lại một anh CA Sàigòn bảnh tỏn đi xe con ra rước ả du hí vài ngày… không lẽ tụi nó lên thiên đàng trước tui và ông sao ?
- Cả nước nầy ai mà không biết, chuyện công khai mà ! Nhưng họ lên thiên đàng trước tui và ông thì mừng cho họ chớ. Còn tui và ông sợ có lên được không chớ đừng nói chuyện lên trước lên sau !”
Vấn đề vẫn như chưa giải quyết. Có anh ngồi bên cạnh lên tiếng:
- Mấy ông học ở đâu cái thói “cắt xén” vậy. Phải nghe cho hết nguyên câu nói của Chúa Giêsu, rồi có ý kiến gì thì ý kiến chứ. Nguyên câu nói là: "Tôi bảo thật các ông, những người thu thuế và gái điếm sẽ vào Nước Thiên Chúa trước các ông. Vì Gioan đã đến với các ông trong đường công chính, và các ông không tin ngài; nhưng những người thu thuế và gái điếm đã tin ngài. Còn các ông, sau khi xem thấy điều đó, các ông cũng không hối hận mà tin ngài" ( Mt 21, 31 – 32 ).
Như thế, Chúa Giêsu không hề bảo “cứ ăn chặn của dân đi, cứ làm đĩ điếm đi, rồi sẽ được vào Thiên Đàng”, nhưng Ngài có ý nói đến việc “sám hối và tin vào Ngài” để được vào Thiên Đàng, để được cứu rỗi. Có anh thu thuế Mátthêu nghe lời Chúa kêu gọi, Dakêu biến đổi nhờ gặp Chúa, có chị Maria thành Magdala từng hành nghề buôn phấn bán hương đã dừng bước giang hồ, có anh ăn trộm bên phải Thập Giá Chúa Giêsu tin nhận Chúa Giêsu là Con Thiên Chúa… là những điển hình cho việc “sám hối và tin vào Tin Mừng”.
Còn chúng ta, phàm ai là Kitô Hữu Công Giáo cũng đã biết tiêu chuẩn vào Thiên Đàng “sám hối và tin vào Tin Mừng” này rồi, nhưng có sám hối hay chưa và có tin hay không mới là điều quan trọng.
Dụ ngôn “hai người con” và câu nói khó nghe này Chúa Giêsu cố ý nói với các Thượng Tế và các Kỳ Mục là những người tự phụ, cố chấp, không sám hối, không chấp nhận Tin Mừng, không chấp nhận biến đổi đời sống theo Tin Mừng.
Và hôm nay, Ngài cũng đang nói với chúng ta, những Kitô Hữu Công Giáo thích “nổi tiếng đạo đức, làm bộ đạo đức” hơn là “đạo đức”, thích “biết Lời, biết luật” hơn là “giữ luật, giữ Lời”, thích giảng giải và đòi buộc người khác giữ luật mà mình lại không giữ, thích xem thường người khác và không chấp nhận ai xem thường mình. Nói chung là, chúng ta đang sống dối trá với bản thân mình, với mọi người và đáng sợ nhất là dối trá với cả chính Thiên Chúa.
Dối trá vì chúng ta là những người nói mà không làm, hoặc nói một đàng, làm một nẻo… Chúa Giêsu đang mời gọi chúng ta hãy “làm”, là hãy “sám hối và tin vào Tin Mừng”, như người con thứ nhất, “Con không muốn đi đâu”, nhưng sau đó, nó hối hận nên lại đi”.
Hối hận, hay sám hối là khiêm tốn nhận ra mình đã không vâng lời Cha, không bỏ ý riêng mình mà làm theo ý Cha, đã lỡ từ chối lời mời gọi của Cha, và nay, nhất quyết thực hành theo ý của Cha.
Thánh Phaolô mời gọi chúng ta hãy mặc lấy tâm tình của Chúa Giêsu, là khiêm tốn tự hạ đến mức tận cùng mới có thể thực hiện được ý muốn của Thiên Chúa ( x. Pl 2, 5 – 8 ).
Vâng, phải thực hiện ý muốn của Thiên Chúa, mới được vào Nước Trời. Chúa Giêsu cũng đã từng nói với các người Pharisêu: “Không phải những ai nói: ‘Lạy Chúa, Lạy Chúa !’ là được vào Nước Trời đâu, nhưng chính là thi ‎hành ý muốn của Cha tôi” ( Mt 7, 21 ).
Thực hành ý muốn của Thiên Chúa là bỏ đường gian ác mà về nẻo công chính của Thiên Chúa như tiên tri Edêkien loan tin: “Nếu kẻ gian ác bỏ đàng gian ác nó đã đi, và thực thi công bình chính trực, nó sẽ được sống. Nếu nó suy nghĩ và từ bỏ mọi tội ác nó đã phạm, nó sẽ sống chớ không phải chết” ( Ed 18, 27 – 28 ).
Có những tội nhân công khai, bị lên án công khai, bị xem thường công khai, nay đã trở về công khai, trở về trong niềm hân hoan tận đáy lòng:
Đến thăm nhà dưỡng thai của Sr. T.M., tôi được nghe một em gái 21 tuổi, tâm sự: “Nhà con ở Sóc Trăng. Tía má nợ triền miên vì chỉ có một công ruộng. Con đang đi làm công ty may ở Sóng Thần, tháng gần hai triệu. Tháng nào cũng nhịn đủ thứ mà cũng chỉ gửi về cho má được có một triệu. Mấy bạn con bảo làm thêm. Ban đầu e ngại, nhưng thấy có nhiều tiền… Mỗi tháng gửi về cho má được gần chục triệu. Hai năm, con đã phá thai ba lần. Tía má đã trả hết nợ rồi, thì con cũng vừa nhận được cái bầu thứ tư nầy đây. Con không dám phá nữa. Có tội chết ! Con giữ lại cháu để sau này có mẹ có con. May mà có mấy bạn nó chỉ ra đây với Sơ T.M. xin ăn !”
Có những tội nhân “chưa công khai” vẫn đang thao thao bất tuyệt về luật Chúa, luật Giáo Hội. Trong số đó, có cả tôi, cả bạn đấy chứ ? Vâng, tôi vẫn nghĩ thời nay, Thượng Tế và Kỳ Mục không những còn, mà còn nhiều nữa là khác...
Có nhiều Hội Đoàn Công Giáo quá nghiêng về thành tích con số hội viên, nghiêng về thành tích những sinh hoạt đậm tính hình thức, mà thiếu chuẩn bị, huấn luyện cho hội viên về các đức tính nhân bản, nhân bản Kitô giáo, về đời sống nội tâm kết hiệp với Chúa và tuân hành lề luật Chúa. Từ đó, Hội Đoàn nào cũng có mục đích là giúp người ta nên thánh, bỗng, Hội Đoàn trở thành cái áo đẹp, chức vụ trong Hội thành ra cái lọng che, mối tương quan mật thiết với các cha, với Giáo Xứ, Giáo Phận trở thành thành trì kiên cố cho một cuộc sống bê bối, giả dối, lừa đảo, không làm theo ý Cha trên Trời… Thiết tưởng tôi không nói quá, bởi vì, những điều trông thấy còn đau lòng hơn.
Thử nhìn lại, mỗi năm ít là một lần, Hội Đoàn nào cũng tổ chức ngày Đại Hội thật hoành tráng, có thuyết trình, có đố vui Giáo Lý, có Hội Thảo, có Thánh Lễ Đồng Tế, có dâng hoa, có múa, có văn nghệ, có tiệc tùng… Còn phải có một bài viết đăng trên mạng với đầy đủ hình ảnh nữa mới tốt. Ai cũng vui mừng năm nay tổ chức hoành tráng. Tổ chức hoành tráng như thế là thành công… Mỗi năm một lần, rồi thôi. Hẹn ngày nầy năm tới, hoành tráng hơn… Sinh hoạt thường kỳ hằng tháng hằng tuần thì thưa thớt. Đời sống nội tâm và nhân bản hằng ngày của Hội Viên không là quan trọng !
Sống chung với một xã hội gian dối, tại sao chúng ta không thể nêu gương đời sống chứng nhân cho họ về một cuộc thay đổi tận căn từ dối trá ra thật thà, từ gian ác ra công chính… mà ngược lại, mình lại bị tiêm nhiễm sự dối trá của họ, lại đưa sự dối trá ấy vào ngay trong cách sống đạo hôm nay, trong tương quan với người, và cả với Thiên Chúa. Nói mà không làm. Nói có đạo mà không có đạo. Nói Công Giáo mà không Công Giáo… đang là cuộc sống của chúng ta. Thật là vô lý, mà là điều vô lý có thật !
Tạ ơn Lời Chúa hôm nay cho chúng ta có cơ hội nhìn lại cách sống đạo thật đau lòng nhưng không phải trầm kha vô phương cứu chữa. Hãy tin vào Lời Chúa sẽ biến đổi cuộc đời ta và thế gian này, như Ðức Thánh Cha Biển Ðức XVI đã khẳng định trong buổi đọc Kinh Truyền Tin chung với 2.000 tín hữu và du khách hành hương trưa Chúa Nhật 18 tháng 9 năm 2011 vừa qua trong sân nhà nghỉ mát Castel Gandolfo:
“Tin Mừng đã và đang biến đổi thế giới như một dòng sông tưới gội một cánh đồng mênh mông. Vì Thiên Chúa là Tình Yêu đã làm người nơi Ðức Giêsu và với hiến tế của Người, Ngài đã cứu chuộc nhân loại khỏi nô lệ sự dữ bằng cách trao ban cho nó một niềm hy vọng đáng tin cậy”.
Lạy Chúa, chúng con là những Kitô Hữu cứng lòng, chỉ nói mà không làm, chưa chịu sám hối, chưa chịu tin tuyệt đối vào Chúa Giêsu. Xin cho mỗi chúng con lắng nghe tiếng Lòng Thương Xót Chúa đang tha thiết: “Ước chi hôm nay các bạn nghe tiếng Người, các bạn đừng cứng lòng nữa”, và biết phục thiện đời sống chúng con cách sớm nhất, là sống đúng thánh ý Cha trên Trời. Amen.
PM. CAO HUY HOÀNG, 21.9.2011

LÀM NGAY HÔM NAY !

Những gì hôm qua thì đã qua, chuyện ngày mai thì chưa tới, còn việc hôm nay thì đang ở trong tầm tay. Đã là người có lương tri bình thường thì không ai vô tâm, bạc tình khi sống quay lưng với cội nguồn lịch sử và cũng ít có ai sống mà không hướng tới tương lai. Tuy nhiên, không thể chối cãi rằng cái hôm nay mới là cái mang tính quyết định. Chính vì thế nhiều lúc chúng ta cần phải có thái độ “tự do” một cách nào đó với những gì đã qua và với những gì chưa tới.
Đừng quá bám víu vào sự đã qua cho dù đó là những thành quả lẫy lừng, những chiến công hiển hách hay là những thất bại ê chề, những lỗi lầm tủi nhục. Nếu quá khứ của ta là những sự màu hồng thì đáng trân trọng, nhưng hãy coi chừng chuyện thường tình của kiếp người là rất dễ ngủ quên trên chiến thắng và nhất là hãy đề phòng cám dỗ tự kiêu, tự mãn, một cám dỗ thường gây “hậu quả đặc biệt nghiêm trọng”.
Thực tiễn cho thấy chuyện vì tự hào, tự mãn “đã đánh thắng hai đế quốc to”, nên các nhà lãnh đạo nước Việt đã dần đưa đất nước ngụp lặn trong hố sâu của nghèo khó, tụt hậu do chính cái tư duy, nếp nghĩ và cung cách hành xử kiểu “chủ quan, duy ý chí”. Nếu quá khứ của ta vướng đầy những sự nhuốm màu tím hay đen thì cũng đáng nghiền ngẫm để tự kiểm và rút kinh nghiệm, nhưng cũng phải canh chừng cám dỗ buông xuôi, ngã lòng. Lỗi lầm nào cũng để lại vết thương đau. Thất bại là mẹ thành công. Có người do bị ám ảnh bởi những lỗi lầm, hay thất bại của quá khứ mà nản chí, buông xuôi. Cũng có người biết tích lũy những vết thương đau thành chuỗi kinh nghiệm làm nền tảng cho những thành quả hôm nay. Bài học lịch sử thật đáng quý, tuy nhiên lịch sử không phải là vòng tròn lặp lại cái đã qua như cũ, như xưa.
Đừng quá ảo vọng vào những gì chưa đến. Tương lai thường chất chứa những sự tốt đẹp, vì đó là ước mơ của con người. Chẳng ai lại đi mơ ước điều xấu xa tồi tệ cho chính mình. Họa hiếm mới có một đôi người, khi ở trong tình trạng bất bình thường, mới mong những sự chẳng nên cho bản thân. Đã là người, cần phải có hoài bảo và ước mơ. Tuy nhiên cũng cần thận trọng trước cám dỗ xa rời thực tế. Đã có đó một vài chủ thuyết vẽ vời viễn ảnh tương lai “to đẹp hơn gấp mười, gấp trăm ngày nay” để rồi lòe bịp đồng loại lãng quên không nhìn thẳng vào cái hiện tại, một hiện tại đầy bất công, dối trá…
Thiên Chúa là Đấng của hôm nay: Với Thiên Chúa, cái hiện tại là cái quan trọng nhất, là cái có tính quyết định. Trước đây ngươi sống công chính mà bây giờ ngươi làm điều gian ác thì ngươi phải chết. Người tội lỗi xưa làm nhiều sự gian ác mà bây giờ bỏ điều dữ, làm điều chính trực công minh thì sẽ được sống. Ngôn sứ Êdêkien minh nhiên nói thay Thiên Chúa sự thật này ( x. Ed 18, 27 – 28 ).
Đến trần gian, Chúa Kitô thường cảnh tỉnh nhiều vị lãnh đạo Do Thái thời bấy giờ, những người vốn tự hào về công nghiệp đã qua của mình. Khi kể câu chuyện về hai người con, Chúa Kitô đã làm nổi rõ cái giây phút hiện tại. Người con cả sở dĩ được chấp nhận dù trước đó không vâng lời Cha nhưng giờ này anh hối hận và vâng theo lời cha. Trái lại, người con thứ, trước đó đã mau mắn đáp vâng lời cha mà giờ này anh lại không làm theo ý cha thì cũng bằng không.
Để khẳng định chân lý này Chúa Kitô còn nói với những Thượng Tế và Kỳ Mục hôm ấy bằng một kiểu nói long trọng: “Tôi bảo thật các ông: Những người thu thuế và những cô gái điếm vào Nước Thiên Chúa trước các ông. Vì ông Gioan đã đến chỉ đường công chính cho các ông, mà các ông không tin ông ấy, còn những người thu thuế và những cô gái điếm lại tin” ( Mt 21, 31 – 32 ). Một số nhà chú giải phân tích chữ “trước” còn có nghĩa là “thay thế”, nghĩa là những người thu thuế và gái điếm sẽ thế cái chỗ của các vị Thượng tế và kỳ mục trong Nước Trời. Kết thúc dụ ngôn “Người Cha nhân hậu”, Chúa Kitô đã nêu bật lời của người cha với đứa con cả: “Chúng ta phải ăn mừng và hoan hỉ, vì em con đây đã chết mà nay lại sống, đã mất mà nay lại tìm thấy” ( Lc 15, 32 ).
Sống mà không có ngày mai là một cuộc sống thiếu định hướng, thiếu tinh thần cầu tiến. Tuy nhiên cái của ngày mai phải được đặt nền tảng vững vàng trên cái của hôm nay. Nhiều khi chúng ta có thể quá lo lắng cho những sự chưa đến mà bỏ quên bổn phận trong hiện tại. “Anh em đừng lo lắng về ngày mai, ngày mai, cứ để ngày mai lo…” ( Mt 6, 34 ). “Xin Cha cho chúng con hôm nay lương thực hằng ngày” ( Mt 6, 11 ). “Hôm nay, nếu các ngươi nghe tiếng Người, đừng cứng lòng nữa !” ( Tv 95, 7 – 8 )
Đừng để đến ngày mai những gì tốt đẹp và phải đạo có thể làm trong ngày hôm nay: Xét về mặt tiêu cực, dưới nhãn quan đức công bằng thì nếu giam tiền công nhật của người làm công đến hôm sau là đã phạm lỗi bất công ( x. Lv 19, 13 ). Còn trên bình diện đức ái thì nếu bỏ qua một việc tốt, một việc lành trong khả năng và hoàn cảnh của ta hôm nay thì đã phạm một điều tồi tệ, đó là tội thiếu sót mà chúng ta thường đấm ngực thú lỗi trong phần khởi đầu của Thánh Lễ: Tôi thú nhận cùng Thiên Chúa và cùng anh chị em: tôi đã phạm tội nhiều trong tư tưởng, lời nói và những điều thiếu sót…”
Lúc sinh thời, mỗi khi gặp những người bệnh tật, dù đó là ngày Lễ nghỉ và theo luật Do Thái giáo bấy giờ thì không được phép, nhưng Chúa Giêsu vẫn ra tay thi ân giáng phúc, bất chấp nhiều luật sĩ và biệt phái giận dữ chống đối và thậm chí còn tìm cách giết Người. Phải làm ngay hôm nay, lúc này, ở đây ( hic et nunc ) những điều chính đáng và phải đạo trong hoàn cảnh và khả năng của mình. Bởi chưng, nhiều lúc, chính khi không làm điều thiện là làm điều ác, không cứu sống là giết chết, không bênh vực công lý là toa rập với sự gian dối, bất công… ( x. Mc 3, 4 ).
Những kẻ tự cao là những người luôn nhớ và muốn kẻ khác nhớ mình đã làm một sự gì đó. Những người tự ti là những người không thể quên và nghĩ rằng người ta không thể quên mình đã lầm lỡ một sự gì đó. Những người lười biếng là những người luôn muốn làm một sự gì đó mà không bao giờ làm ( Les paresseurs sont ceux qui toujours veulent faire quelque chose – Ngạn ngữ Pháp ). Những người hèn nhát là những người luôn khát khao một sự gì đó ( mà không dám làm ). Còn những người công chính là những người bắt tay làm ngay những sự phải làm, đáng làm, nên làm, hôm nay, lúc này.

Lm. Giuse NGUYỄN VĂN NGHĨA, Giáo Phận Buôn Ma Thuột

ĐIỀU THIÊN CHÚA MUỐN

Một trong những tài khéo của Đức Giêsu trong nghệ thuật giảng dạy đó chính là việc dùng dụ ngôn, với những hình ảnh gần gũi, thiết thực với đời sống con người, phù hợp với văn hóa, phong tục nhân loại nhằm thông tin được truyền đạt dễ hiểu, dễ thực hiện.
Hơn thế nữa, nhìn lại trong suốt hành trình rao giảng của Đức Giêsu, dụ ngôn nào Ngài dùng cũng đầy súc tích, không chỉ hợp tình hợp lý mà còn diễn tả đến tận cùng khía cạnh tinh tế nhất trong chiều sâu tâm linh nhân loại. Mới nghe qua tưởng chừng như đơn giản bởi nó quá gần gũi với đời thường, nhưng nhìn lại là cả một quá trình diễn tả sự biến đổi của chiều sâu tâm linh.
Cái thế giới mà Đức Giêsu xuống thế làm người muốn thiết lập không phải là vũ trụ. Điều đó Ba Ngôi Thiên Chúa đã hoạt động ngay từ thuở đầu tạo dựng. Thế nhưng Ngôi Hai Thiên Chúa đến trần gian chính là để thiết lập thế giới tâm linh trong tâm hồn nhân loại.
Thiên Chúa ở trong tâm hồn con người. Ngài thấu hiểu mọi điều kín nhiệm ở đó với những vui buồn, sướng khổ, thánh thiện hay tội lỗi. Chính vì thấu biết mọi điều kín nhiệm cho nên Thiên Chúa đã đồng hóa với họ, để mà chia sẻ cho đến tận cùng mọi khắc khoải kiếp người.
Nếu chỉ nhìn bề ngoài mà đánh giá theo lăng kính nhân loại, có lẽ chẳng mấy ai nhận ra được cái mánh khóe, trá hình của sự ác. Bề ngoài là thân thiện, tốt lành nhưng phía sau tấm màn sơn son thiếp vàng ấy chính là những trò tráo trở với đủ mọi thủ đoạn đê hèn. Phải nói không có gì đáng sợ bằng cuộc sống, không gì nguy hiểm bằng con người. Ai cũng biết mình được sinh ra để sống với nhau, cho nhau, nhưng chỉ vì cơm áo gạo tiền, chỉ vì cuộc sống mà con người không ngừng chém giết, sát hại lẫn nhau. Càng nói về thế giới, càng đề cập đến con người, càng cảm nhận sự khiếp đảm từ đó. Người lành thì ít mà kẻ dữ quá nhiều. Thế giới này chắc chắn không là một thiên đường yêu thương vì nhân loại không có tình thương yêu.
    Blogger Comment
    Facebook Comment

0 comments:

Đăng nhận xét