LTS: Ban biên tập Nữ Vương Công lý nhận được loạt bài của tác giả Phêrô Trần Đình Thuần, một giáo dân gốc Can lộc giáo phận Vinh, viết về đời sống và ơn gọi của người linh mục trong xã hội hôm nay.
Trong lá thư gửi tới Nữ Vương Công Lý, tác giả cho biết: “Chúng con là giáo dân thuộc giáo phận Vinh hiện đang sống và làm việc tại TP hồ chí minh. Chúng con đã ra đi và hiểu được cuộc sống của xã hội, nhưng cũng băn khoăn cho giáo phận nhà. Dịp mùa chay này, chúng con gửi bài này tới nữ vương công lý hòa bình hy vọng được quan tâm bài viết và đăng tin, vì giáo phận Vinh chúng con có nhiều vị linh mục sống chưa đúng vai trò chức sắc linh mục của mình như môn đệ Chúa Kitô.”
Chúng tôi thiết nghĩ, đây là tấm lòng của người giáo dân đối với Giáo hội, đặc biệt đối với các nhà lãnh đạo Giáo hội. Những chia sẻ này thật đáng trân trọng và ý nghĩa nhất là trong những ngày của Tuần Thánh sắp tới đây.
Đây cũng là dịp để mọi linh mục biết người giáo dân ngày nay mong ước điều gì nơi các linh mục.
Chân thành cám ơn tác giả và kính chúc quý độc giả một Tuần thánh nhiều hồng ân.
Trân trọng.
Linh mục có nhiệm vụ cộng tác với Giám mục trong việc thể hiện vai trò của người mục tử. Linh mục có những công việc trực tiếp liên quan đến người giáo dân trong công tác mục vụ: loan báo Lời Chúa, dâng hy tế cho Thiên Chúa. Trong việc cộng tác vào ba tác vụ chính của hàng Giám mục, linh mục cần có những khả năng, đức tính và phẩm chất đạo đức, như đời sống thánh thiện, độc thân….
Công đồng Vaticanô II đã ra hai sắc lệnh với tựa đề “Đào tạo linh mục” và “Chức vụ và đời sống linh mục”. Đây là hai văn kiện liên hệ trực tiếp tới thiên chức và đời sống cũng như sứ vụ của người linh mục. Bên cạnh đó, một số văn kiện khác, cách nào đó, cũng đề cập đến vấn đề này.
Tuy các văn kiện của công đồng Vaticanô II đề cập rất nhiều về chức vụ và vai trò của người linh mục. Nhưng trong cuộc sống hôm nay, không thể chỉ có những vai trò vừa nêu trên mà còn có những vai trò không kém phần thiết thực trong đời sống của người linh mục, đó là: “linh mục và người nghèo; linh mục, người lãnh đạo và phục vụ; linh mục người giảng dạy đức tin…”.
Linh mục và người nghèo
Khi nói đến người nghèo, tự nhiên ai cũng có cảm giác ngần ngại, vì người nghèo gắn liền với sự khổ cực, với thiếu thốn, với lối sống lam lũ, dốt nát. Nhưng người nghèo lại được Đức Giêsu quan tâm hàng đầu trong sứ vụ của mình. Giải phóng họ , giúp họ có niềm hy vọng và cậy trông vào Thiên Chúa, phải chăng đó là sứ mệnh của những người đang theo sát Chúa Kitô trong ơn gọi linh mục[1]? Vậy, người nghèo có ý nghĩa gì với các linh mục ngày nay, những người theo sát Chúa Kitô?
Trước hết, thiết nghĩ, linh mục là người giống với người nghèo, đó là không có của cải (hiểu theo nghĩa những cái không do mình gầy dựng), và bình đẳng với phẩm giá người nghèo.
Linh mục là người không có của cải, vì linh mục là dòng dõi tư tế. Theo Cựu ước, dòng dõi Lêvi không chiếm hữu gì, chỉ sống nhờ những lễ phẩm người ta dâng cúng cho Thiên Chúa. Ngày nay, linh mục cũng sống nhờ vào những người hảo tâm giúp đỡ, trong số đó, có nhiều người tình nguyện giúp với ý hướng là giúp mở rộng nước Chúa hay tạo điều kiện tốt cho những người của Chúa. Linh mục sống đúng với tinh thần của người môn đệ là thực sự nghèo, hay nói đúng hơn là tự nguyện nghèo, như lời căn dặn của Chúa khi sai các môn đệ đi rao giảng: “Đừng kiếm vàng bạc hay tiền giắt lưng. Đi đường, đừng mang bao bị, đừng mặc hai áo, đừng đi dép hay cầm gậy. Vì thợ thì đáng được nuôi ăn”[2].
Linh mục là người bình đẳng về phẩm giá với người nghèo, vì linh mục và người nghèo đều là con cái Chúa và được mời gọi sống đúng ý Chúa. Đọc “dụ ngôn nén bạc” của Chúa Giêsu, ta càng thấy rõ sự bình đẳng này. Linh mục nhiều khi bị cám dỗ cho mình là công dân hạng nhất và coi người nghèo là công dân hạng nhì[3]….Nhưng Công đồng Viticanô II đã xác định sự bình đẳng của mọi thành phần dân Chúa về mặt phẩm giá và tự do.
Thế nhưng xét về mặt vất chất, xem ra linh mục trội hơn người nghèo, vì linh mục không được trả thù lao cho những công việc mình làm, nhưng lại nhận được sự hảo tâm giúp đỡ một cách rộng rãi từ những người có thiện chí, nên đời sống vật chất thường không phải chật vật như người nghèo. Người nghèo, họ thiếu cả những cái nhỏ nhất như miếng cơm manh áo. Họ thiếu ngay cả tình thương và sự đồng cảm, đi đâu cũng bị dò xét, đề phòng, nói chi đến chuyện có ai đó tự nguyện giúp đỡ hoặc giúp đỡ với niềm vui[4].
Không những hơn về khía cạnh vật chất, người linh mục còn hơn người nghèo về khía cạnh tri thức, vì linh mục được đào tạo rất chu đáo, đầy đủ, có nhiều điều kiện tiếp xúc với những nguồn tài liệu mới, được cập nhật thường xuyên về “đạo” cũng như về “đời”. Linh mục ít nhất cũng có tài ăn nói hơn người nghèo, đồng thời cũng có tầm hiểu biết hơn về các lĩnh vực của đời sống; đặc biệt, biết điều gì là quan trọng cho đời sống. Ngược lại, người nghèo, phần đông trong số họ thường là hạn chế về kiến thức, vì nghèo nên có ít điều kiện để học hành, tài năng ít có cơ hội để phát huy, và như thế, họ khó có được một tầm nhìn rộng lớn và toàn diện.
Thêm vào đó, linh mục còn là người có nhiều mối tương quan, vì linh mục thường được nhiều người thương mến, tôn trọng, trong khi người nghèo lại thường bị người khác hất hủi, lạnh nhạt. Linh mục được nhiều người quan tâm, biết đến, lui tới vì sẽ có lúc, họ cần đến linh mục giúp mình trong nhiều việc: dâng lễ, cầu nguyện, làm các bí tích trong việc ma chay, cưới hỏi…; còn người nghèo, vì nghèo nên ít có điều kiện để giao tiếp với nhiều người, nên không tạo được nhiều mối quan hệ khác với những mối tương trợ với người cùng cảnh ngộ.
Trước những người bình thường hoặc giàu có, người nghèo bị cô lập bởi con mắt kỳ thị, dửng dưng, khinh miệt[5].
Như vậy, đối với người linh mục, lời dạy của Chúa về việc dành ưu tiên cho người nghèo hệ tại ở đâu? Thiết nghĩ, các linh mục thường để ý hay nhạy cảm với những điều thuộc về mình hay điều khác biệt, nhưng ít quan tâm đến những tương đồng, bình đẳng về bản chất sâu xa của mình với người nghèo, nên đã có nhiều động thái bề ngoài có vẻ trái ngược với đức bác ái của người mục tử hoặc với bản chất của sứ vụ, nhưng lại được biện minh bằng những lý do rất bình thường và hợp lý [6].
Đôi khi những động thái ấy còn có vẻ ngoài là sự lạnh nhạt với người nghèo. Từ những điều kiện trổi trang, cộng với những vẻ bề ngoài rất khác biệt với người nghèo, một số linh mục trở nên dửng dưng, lạnh nhạt với người nghèo. Các linh mục không còn nhạy cảm với những nỗi khổ cực của người nghèo, vì nó quá xa lạ với đời sống của các ngài. Thái độ lạnh nhạt đó thể hiện bằng việc lẩn tránh, không tiếp xúc hoặc những thái cử, ngược với tinh thần Tin mừng. Quả vậy, Chúa Giêsu đã nói: “ai cho một trong những kẻ bé mọn này uống, dù chỉ một chén nước lã thôi, vì kẻ ấy là môn đệ Thầy, thì Thầy bảo thật anh em, người đó sẽ không mất phần thưởng đâu”. Đón tiếp còn chưa muốn thì làm sao cho uống nước của cha được![7]
Lên lớp, phê phán người nghèo thay vì đồng cảm và khích lệ. Nếu có tiếp đón người nghèo, linh mục luôn có thái độ dè chừng xem họ có lừa mình không, thay vì cố gắng hiểu xem tại sao họ làm thế; tại sao họ phải cố nói cách này hay cách khác để xin một chút tiền. Hay linh mục cũng thường có thái độ phê phán, lên lớp, dạy đời một cách dồn dập, không cần biết họ có khả năng tiếp thu, hay có thiện chí tiếp nhận chưa, thay vì đồng cảm an vui và khích lệ họ. Thay vì nâng đỡ để khuyến khích, linh mục lại làm cho họ mất động lực để vươn lên trong cuộc sống.
Từ thái độ lạnh lùng hoặc đón tiếp một cách thiếu bác ái của linh mục, người nghèo cảm thấy linh mục tạo ra một hố ngăn cách, và dần dần, họ thật khó tự nhiên để tiếp xúc với linh muc. Họ gặp linh mục, cũng chẳng khác gì gặp những người bình thường bôn ba với cuộc sống, cũng bận rộn với những việc đời mà không có một chút tinh thần “cho không biếu không”. Và thế là, họ vẫn ở trong vòng luẩn quẩn, không có một động lực nào cho họ thay đổi cuộc sống[8]..
Tóm lại: Trên đây là những cảm nhận bên ngoài về một số linh mục ngày nay đang bị ảnh hưởng của lối sống xã hội hoặc những bận rộn với đời thường, mà quên đi vai trò và căn tính thực sự của mình là lòng bác ái cùng mối quan tâm ưu tiên dành cho người nghèo khổ trong sứ vụ linh mục. Đó là điều Hiến Chế Vui Mừng và Hy Vọng đã cảnh giác: “Vui mừng và hy vọng, ưu sầu và lo lắng của con người ngày nay, nhất là của người nghèo và những ai đau khổ, cũng là vui mừng và hy vọng, ưu sầu lắng lo của các môn đệ Chúa Kitô”[9].
Cầu mong ngày càng có nhiều linh mục thấm nhuần tinh thần này hơn để Giáo hội ngày càng làm rõ thêm bộ mặt tuyệt vời của Chúa Kitô.
(Còn tiếp)
Phêrô Trần Đình Thuần
www.nuvuongcongly.net/[1] Trung tâm học vấn Đaminh, Nội san giao lưu, Linh mục trước những thách đố của thời đại, số 15, tr.145.
[2] Mt 10,9-10.
[3] Trung tâm học vấn Đaminh, ibid., tr.146.
[4] Ibid., tr.147.
[5] Trung tâm học vấn Đaminh, Nội san giao lưu, Linh mục trước những thách đố của thời đại, số 15, tr.147.
[6] Ibid., 148.
[7] Ibid. tr.148.
[8] Trung tâm học vấn Đaminh, Nội san giao lưu, Linh mục trước những thách đố của thời đại, số 15, tr.149.
[9] Vaticanô II, Hiến chế mục vụ về Giáo hội trong thế giới ngày nay, số 1.
0 comments:
Đăng nhận xét