Phần I: Ăn Chay Cứu Linh Hồn Và Thế Giới
Người phụ nữ lớn tuổi tên là Anna thờ phượng Chúa cả ngày lẫn đêm, bà ăn chay và cầu nguyện (Lc 2:37). Chúa Giêsu cũng ăn chay: “Sau khi ăn chay bốn mươi đêm, Ngài cảm thấy đói” (Mt 4:2). Phúc Âm chứa nhiều đề tài về việc ăn chay, một điều thực hành đã biến dần trong xã hội tân tiến. Thật sự, việc ăn chay rất quan trọng trong đời sống tâm linh.
Từ ngữ Ăn Chay bắt nguồn từ một chữ Do Thái, dịch sát nghĩa là: “che miệng hay đóng miệng lại”. Tiếng Hy Lạp có nghĩa “không ăn”. Nói rõ ra, ăn chay là từ bỏ đồ ăn, không phải để chết nhưng là để tiến đến sự thánh thiện. Nói một cách khác, ăn chay vượt lên sự thèm thuồng thức ăn, để rồi hành động và suy gẫm.
Trong các thông điệp gần đây của Medjugorje, Nam Tư, Đức Mẹ Maria đã nói rằng nhân loại chúng ta bỏ quên giá trị của việc ăn chay. Mẹ nhắc nhở rằng ngay cả chiến tranh và thiên tai cũng có thể chấm dứt, nếu ta cầu nguyện và ăn chay. Đức Mẹ nói rằng nhiều người thường bố thí để thay cho việc ăn chay. Nếu chúng ta không chịu ăn chay trong đời sống thường nhật thì chúng ta đã loại bỏ một yếu tố quan trọng để giúp ta trở nên thánh thiện. Và sự thánh thiện này không thể có được, nếu không ăn chay.
Tất cả chúng ta đều được kêu gọi để ăn chay, ngay cả những người già cả, bịnh hoạn và người trẻ nữa. Tuy nhiên, không phải ai cũng được kêu gọi để ăn chay cùng một cách. Chúng ta nên tìm kiếm Chúa, hỏi Ngài cách thức ăn chay rồi làm theo những gì chúng ta cảm nhận được từ Ngài.
Có thể một số người cần phải ăn chay bằng bánh mì và nước lã, vì đó là cách ăn chay tốt nhất mà Đức Mẹ Maria đã nhấn mạnh. Một số người khác được kêu gọi để từ bỏ hút thuốc lá, bỏ uống rượu, hay không xem truyền hình. Số khác có thể làm theo lời ăn chay của Giáo hội, tức là ăn hai bữa nhẹ, mà không ăn bữa thứ ba.
Ăn chay không phải luôn luôn là không ăn gì cả. Một số người có thể đền tội bằng cách ăn những thứ mà họ không thích, hay không nói những lời khó nghe đối với bạn đồng nghiệp hay bạn hữu.
Bất cứ cách ăn chay nào mà bạn được kêu gọi để thực hành đều tốt cả. Chúng ta ăn chay với lòng hăng hái và nhiệt thành, cũng như chúng ta đáp lời kêu gọi của Đức Mẹ Maria để sống một cuộc đời cầu nguyện thẳm sâu hơn. Điều quan trọng là chúng ta bắt đầu ăn chay và để Chúa dùng sự chay tịnh của mình để hướng ta đến con đường thánh thiện. Nếu ta đi sâu hơn trong con đường mà Chúa dẫn ta đi, ta cũng sẽ thay đổi cách ăn chay; cuối cùng ta sẽ đạt đến cách ăn chay tốt nhất mà Đức Mẹ Chúa Trời đã giải thích: đó là ăn chay bằng bánh mì và nước lã.
Trong Mùa chay năm 1988 Đức Mẹ Maria đã nói với các khách hành hương ở trên đồi Hiện ra Podbrdo rằng Mẹ hài lòng với sự chay tịnh của họ, và sự thống hối trong Mùa chay, nhưng Mẹ sẽ hài lòng hơn khi thấy họ tránh xa tội lỗi.
Maria là Mẹ của chúng ta, là gương mẫu và là thầy dậy của chúng ta. Qua các thông điệp Đức Mẹ Maria ban ở Medjugorje. Mẹ đang dạy dỗ chúng ta đi trên đường thánh thiện, và Mẹ mời gọi chúng ta ăn năn, trở lại với Chúa Giêsu Kitô. Là một người Mẹ, Mẹ mong mỏi chúng ta trờ nên thánh thiện và sống tăng trưởng trong tình yêu của Chúa. Ăn chay là một chiều hướng quan trọng trong sự tăng trưởng này.
Chúng ta hãy bắt đầu bằng cách mời Đức Mẹ Maria cầu thay cho chúng ta để tâm trí ta mở rộng ra, lắng nghe các thông điệp được loan báo tại nơi đây, rồi trái tim chúng ta sẽ thay đổi để làm theo lời kêu gọi của Đức Mẹ Maria, đó là việc ăn chay.
LỜI NÓI ĐẦU
Mục đích của chúng tôi khi viết cuốn sách nhỏ này là để khuyến khích các bạn hãy ăn chay. Ở phần cuối của cuốn sách này, chúng tôi muốn nói với các bạn rằng: “Nào hãy cùng ăn chay”, và tôi hy vọng các bạn sẽ đáp lại bằng câu: “Vâng, tôi sẽ ăn chay!”. Tôi cầu nguyện để qua việc ăn chay, bạn sẽ khám phá ra các kho tàng quý báu mà Chúa đã đặt trogn tâm linh bạn, và qua việc ăn chay, bạn sẽ ao ước để Chúa lớn lên trong bạn mỗi ngày. Tôi cũng cầu nguyện rằng qua việc chay tịnh, bạn sẽ tìm thấy Thiên Chúa của tình yêu, niềm trông cậy và đức tin, một Thiên Chúa của sự bình ăn. Qua sự ăn chay, bạn sẽ gặp các khách hành hương khác trong niềm cảm mến, bình an, tín thác và trông cậy. Qua sự ăn chay, bạn sẽ tìm được sức mạnh để chiến thắng sự dữ ở trong bạn. Ăn chay có thể đuổi kẻ dữ ra khỏi chúng ta. Và khi ta bắt đầu xin Chúa Toàn Năng chúc lành cho bạn, qua Đức Mẹ Maria, Nữ Vương Hòa Bình. Nhân danh Cha, và Con và Thánh Thần. Amen.
1. Ăn Chay Là Điều Cần Thiết
Từ từ, người đi truyền bá Tin Mừng bắt đầu nói về việc ăn chay và nói rằng Chúa Giêusu đã đề nghị việc ăn chay để có thể tiến bộ trong đời sống tâm linh. Những điều Chúa Giêsu nói về việc ăn chay được tóm gọn như sau:
Ăn chay cũng cần thiết như việc cầu nguyện. (Mt 6:16)
- Việc ăn chay hay cầu nguyện phải xuất phát từ tâm nguyện và ý định trong sạch, không phải là từ lòng kiêu hãnh hay muốn tỏ ra mình là người đạo đức. Hãy xem lại chuyện một người Pharisêu đã khoe khoang sự đạo đức của mình trước đám đông, và một người tội lỗi khiêm cung cầu nguyện (Lc 18:9-14)
- Chúa Giêsu tuyên bố rằng các môn đệ của Ngài cũng ăn chay như môn đệ của Thánh Gioan Tẩy Giả, nhưng chưa ăn chay cho đến khi Ngài rời khỏi thế giới này. “Khi chú rể còn hiện diện thì khách ăn cưới không ăn chay”. (Mt 9:16-16).
- Khi Chúa Giêsu giải thích cho các môn đệ lý do tại sao mà họ không thể trừ ma quỷ ra khỏi một người đàn ông. Ngài có đề cập đến quyền năng của việc ăn chay. Trong dịp ấy Chúa phán rằng có một số ma quỷ mà ta không thể trừ được với việc cầu nguyện mà còn phải ăn chay đi đôi với cầu nguyện”. (Mc 9:29)
- Theo thánh Luca, Chúa Giêsu không ăn gì cả trong suốt 40 ngày Ngài ở trong sa mạc. Nói cách khác, Chúa Giêsu ăn chay trước khi tuyên xưng Tin Mừng. Ngay sau khi Ngài chịu phép rửa ở sông Giodan (Luca 4:1-4). Chúa Giêsu không ra lệnh là các môn đệ của Ngài phải ăn chay, nhưng Ngài kỳ vọng là họ sẽ thực hành việc ăn chay.
2. Việc Ăn Chay Trong Thời Kỳ Phôi Thai Của Giáo Hội
Trong truyền thống của người Do Thái thì việc ăn chay là một phần quan trọng. Việc thực hành ăn chay đã có từ lâu đời, trong nền văn minh Hy Lạp và La Mã. Truyền thống của người Do Thái chỉ định ăn chay một ngày, đó là ngày Thống Hối, cũng là ngày cầu nguyện nhiệt thành.
Tuy nhiên, người ta thường ăn chay 2 lần trong một tuần, vào thứ hai và thứ năm (Luca 18:22). Trong Thánh Kinh Cựu Ước, chúng ta học được rằng khi gặp các hoàn cảnh khó khăn, các vị vua và tiên tri thường xin dân chúng hãy ăn chay và cầu nguyện (Jon 3:7). Trong thánh Vịnh, chúng ta tìm thấy các câu như sau :
“Khi họ đau ốm, tôi mặc áo nhặm, rắc tro, linh hồn tôi khiêm cung với việc ăn chay, tôi thầm thĩ cầu nguyện nơi tâm hồn tôi.”(TV 35-13), hay: “Hai đầu gối tôi lung lay vì tôi ăn chay, và xác thịt tôi loại bỏ những thứ cặn bã” (TV 109:24)
Giáo hội Tiên khởi giới thiệu hai ngày ăn chay trong một tuần lễ, vào ngày thứ tư và thứ sáu. Có một số tín hữu trung thành, còn ăn chay thêm ngày thứ bảy nữa để chuẩn bị cho ngày Chúa Nhật là ngày của Thiên Chúa Giêsu Ba Ngôi. Việc thực hành ăn chay dần dần trở nên phổ thông và được nhiều người biết đến. Trong suốt một tuần Thánh, người ta giữ chay nguyên cả tuần, chẳng hạn như vào thế kỷ thứ ba, Giáo hội giới thiệu việc ăn chay 40 ngày trong mùa Chay, để chuẩn bị cho ngày lễ Phục sinh, ngày kỷ niệm Chúa Giêsu sống lại.
3. Việc Ăn Chay Rất Cần Thiết Như Là Một Dấu Hiệu Của Sự Kỳ Vọng.
Trong một lối nhìn, việc ăn chay không cần thiết sau khi Chúa Giêsu Kitô đến với thế gian, vì khách đến dự tiệc cưới không có lý do gì để ăn chay, trong khi chú rể vẫn còn ở với họ (Mt 9:15). Tuy nhiên Chúa Giêsu vẫn còn trở lại trong vinh quang, nên việc ăn chay vẫn cần thiết, như là một dấu hiệu của sự kỳ vọng.
Điều này cho ta một sự nhận thức và một ý nghĩa mới về việc ăn chay. Như vậy, chúng ta sẽ chú ý nhiều hơn đến Chúa Giêsu là Đấng sẽ đến.
Tóm lại, chúng ta có thể kết luận rằng Giáo hội nhận thức việc ăn chay là quan trọng và có ý nghĩa. Do đó ăn chay đã được thực hành trong suốt quá trình lịch sử Giáo hội. Trong một số Cộng đoàn Công giáo, việc ăn chay vẫn được thực hành cho đến ngày hôm nay. Khi đọc Hạnh Các Thánh, chúng ta thấy các Ngài đã đóng góp nhiều điều quan trọng qua việc ăn chay. Trong điều lệ của Cộng đoàn thánh Phanxicô Assisi (Khó Khăn), Ngài đã kêu gọi các tu sĩ hãy giữ chay 40 ngày vào ba mùa trong năm, đó là mùa Chay; mùa lễ kính Tổng Lãnh Thiên Thần Michael và từ ngày lễ Các Thánh (1/11) đến ngày lễ Giáng Sinh. Ngài còn đòi hỏi các tu sĩ Dòng Phanxicô hãy giữa chay ngày thứ sáu hàng tuần.
Ngày nay, điều lệ của Giáo Hội đã bớt nghiêm ngặt. Bây giờ, chỉ còn có 2 ngày trong năm mà giáo dân cần giữ chay, đó là ngày Thứ tư Lễ Tro và Thứ Sáu Tuần Thánh.
Trước khi có hiện tượng Đức Mẹ hiện ra ở Medjugorje, tại Giáo hội vùng Bosnia và Herzegovina, các giáo dân đã giữ chay nhiều ngày hơn luật Giáo hội buộc. Điều này do ảnh hưởng tâm linh của linh mục Dòng Phanxicô vốn đang hoạt động tại vùng này. Có rất nhiều tín hữu trung thành, nhất là các thiếu nữ và các bà mẹ của gia đình, ăn chay vào thứ ba hằng tuần để tưởng niệm đến Thánh Antôn. Họ ăn chay 12 ngày, trước lễ Đức Mẹ Lên Trời. Họ ăn chay trước mỗi ngày lễ lớn, và trong Mùa Chay. Đây là thời gian mà dân chúng của Medjugorje và các vùng phụ cận giữ chay một cách nghiêm túc, ngay cả trong mùa hè mà mọi người phải làm việc cực nhọc ở ngoài đồng.
4. Canh Tân Trong Việc Thực Hành Ăn Chay
Các thông điệp liên quan đến sự kiện Đức Mẹ Maria hiện ra, không thể có những mặc khải mới về chương trình của Chúa dành cho nhân loại chúng ta, hay những sự thật nào khác về Giáo hội. Các thông điệp cũng không thể đi ra khỏi các mặc khải mà Chúa Giêsu đã ban cho các Tông đồ.
Vì thế, các cuộc Đức Mẹ Maria hiện ra luôn là dấu chỉ của Chúa để Ngài tiếp tục tỏ lộ chính Ngài cho các con cái của Ngài. Đồng thời, Ngài cũng khuyến khích chúng ta hãy kiên tâm đi trên con đường về với Ngài. Rất nhiều lần, Chúa Giêsu kêu gọi chúng ta qua sự suy niệm của Đức Mẹ Maria. Đôi khi, chính Chúa Giêsu nói với chúng ta. Nhưng sự can thiệp của Chúa nhằm khuyến khích chúng ta hãy tiếp tục thực hành những gì đã có trong truyền thống lâu đời của Giáo hội.
Lời kêu gọi ăn chay của cm tại Medjugorje , Nam Tư cũng chỉ là lời lập lại những gì Chúa Giêsu đã phán, và những điều mà Giáo hội Tiên Khởi đã thực hành với lòng hăng say.
Khi chúng ta học hỏi Thánh Kinh Cựu Ước và nghiên cứu mọi chi tiết mọi trường hợp ta thấy người dẫn được kêu gọi khẩn thiết để ăn chay trong những ngày khó khăn. Chúng ta cũng hiểu rằng việc cầu nguyện và ăn chay có thể mang lại một sự thay đổi hay làm giảm thiểu sự nguy kịch của các tình trạng khẩn trương và nghiêm trọng.
5. Đức Mẹ Maria Muốn Tái Huấn Luyện Chúng Ta
Bây giờ, chúng ta hãy nhìn lại việc ăn chay trong thời đại. Khi Đức Mẹ xin chúng ta đọc kinh Tin Kính hằng ngày. Mẹ muốn chỉ cho chúng ta rằng ta sống trong một thời đại không còn đức tin nữa. Chắc hẳn Mẹ muốn nói với chúng ta rằng :
“Ngày nay, không có đủ người để tuyên xưng kinh Tin Kính, các con hãy gắn bó với Thiên Chúa vì Ngài đã ban chính Mình Ngài cho các con qua Chúa Giêsu Kitô”.
Đó là cách Đức Mẹ chỉ dẫn. Mẹ cũng như các thầy giáo tốt khác, Mẹ giao công tác cụ thể cho các con của Mẹ. Mẹ đòi hỏi các con Mẹ hãy ăn chay theo như truyền thống của Giáo Hội. Mẹ muốn tái huấn luyện chúng ta là những người đang sống trong một thời đại chỉ chú ý đến tiền bạc, lợi nhuận, tích lũy của cải vật chất, tham lam... Nhưng Mẹ sẽ phải bắt đầu từ đâu?
6. Ăn Chay Sẽ Dẫn Chúng Ta Đến Sự Tự Do Của Trái Tim Và Trí Tuệ
Trước tiên, Đức Mẹ Maria kêu gọi chúng ta hãy cầu nguyện và ăn chay. Bằng cầu nguyện, ta được gắn bó với Thiên Chúa và bằng ăn chay, ta tách rời trái tim mình ra khỏi mọi dính bén của thế gian, khỏi mọi sự bận rộn của trần thế. Ăn chay sẽ dẫn chúng ta đến sự tự do của trái tim và trí tuệ. Ăn chay là lời kêu gọi hoán cải cho thân xác của chúng ta.
Nói cách khác, ăn chay là một quá trình giúp ta tự do, không còn lệ thuộc vào mọi điều vật chất. Khi ta được giải thoát khỏi mọi sự vật bên ngoài, ta cũng được tự do khỏi những đam mê trong nội tâm ta, bởi những đam mê ấy đã trói buộc và làm cho đời sống nội tâm của ta bị xiềng xích. Tự do ăn chay sẽ làm cho thân xác ta mở rộng để đón nhận các giá trịnh mới. Do đó, ăn chay giải phóng ta khỏi những sự ràng buộc để rồi giải phóng ta, làm cho ta được tự do để hưởng hạnh phúc.
7. Cảm Nghiệm Của Một Khách Hành Hương Về Việc Ăn Chay
Để chứng minh những gì mà chúng tôi vừa trình bầy, tôi xin trích chứng từ của một khách hành hương đã kể cho tôi nghe:
“Tôi bắt đầu ăn chay bởi vì vợ tôi và các con tôi đã thực hành việc ăn chay rồi. Do đó, tôi không muốn vợ tôi phải nấu ăn cho một mình tôi. Trước tiên, không có điều gì rõ ràng xẩy ra. Tôi biết là mình bị chia trí khi cầu nguyện. Tôi cố gắng lắng nghe Lời Chúa, nhưng tôi không cảm thấy điều gì thay đổi, hay một ảnh hưởng nào tác động tôi cả. Tôi vẫn lắng nghe Lời Chúa và đi làm công việc của tôi, nhưng không có gì trong tôi thay đổi cả.
Một ngày kia, tôi chợt cảm thấy mình phải thay đổi thái độ cầu nguyện của mình. Tôi có cảm tưởng rằng lối nhìn mới của tôi về cách cầu nguyện là kết quả của sự tĩnh lặng suy niệm mà tôi đã làm trong những ngày ăn chay. Thời gian đầu tiên, tôi luôn phải chiến đấu với nhu cầu ăn và uống, tôi đã hoãn việc cầu nguyện cho đến sáng hôm sau. Nhưng rồi sự việc đã xảy ra, đó là kết quả của sự cầu nguyện tích cực. Trước đây tôi không hòa thuận với anh tôi và tôi đã quen với sự bất hòa ấy, rồi đến nỗi các vợ con của anh em chúng tôi không hề biết nhau. Khoảng một năm sau khi ăn chay, tôi nhận biết tình trạng bất hòa này đã làm cho tôi áy náy và buồn nản. Tôi vẫn tiếp tục cầu nguyện và ăn chay. Và rồi, một buổi sáng nọ, tôi cảm thấy mình vừa thoát khỏi một gánh nặng. Tôi đến gặp anh tôi và xin anh tha lỗi cho tôi. Anh ấy cũng đã tha lỗi cho tôi rồi. Tạ ơn Chúa, và nhờ ơn Chúa, bây giờ chúng tôi là trở thành anh em ruột thịt. Ngay lúc này, đó là điều quan trọng của đời tôi”.
8. Điều Cần Thiết Là Hãy Trở Lại Ngay Với Thiên Chúa
Khi đọc xong chứng từ này, chúng ta nhận thấy việc ăn chay đã giúp ông ấy tìm được chính mình một lần nữa, và đồng thời giúp ông ta có một các nhìn khác về sự liên hệ giữa ông và Chúa và giữa ông ta với những người khác. Ngay khi lời cầu nguyện của ông bắt đầu sinh hoa trái trong trái tim ông, ông không phải đợi lâu để tìm thấy mối liên hệ mới với Chúa. Từ đó ông canh tân mối liên hệ với người anh. Câu chuyện này chứng minh rằng các hành động xấu xa của con người có thể làm cho họ mù quáng. Điều cần thiết để thay đổi trái tim và trí tuệ là việc quay trở về với Chúa. Ăn chay sẽ giúp cho việc này trở nên dễ dàng hơn.
Ăn chay không phải chỉ đơn giản là ăn chay, nhưng khi ăn chay thì ta sẽ ăn năn hối cải; trước hết, trong mức độ đức tin, và rồi trong mức độ liên quan xã hội.
9. Ăn Chay Cho Ta Có Sức Mạnh Vô Địch
Nếu không có sự cầu nguyện, ăn chay và thống hối thì rất khó mà trở lại với Chúa. Cầu nguyện sẽ cho ta có khả năng để trở nên tự do khi được kết hợp với việc ăn chay. Nếu chúng ta nghĩ rằng Đức Mẹ Maria kêu gọi mỗi chúng ta trở thành ngôn sứ trong xã hội vô thần này, thì ta nên ăn chay, và sự ăn chay sẽ cho ta có sức mạnh vạn năng.
Khi nghĩ rằng mình là chúa tể của đời sống và của thế giới, rồi bắt đầu kiêu ngạo rằng ta không cần đến Chúa, đó là lúc ta chứng tỏ dấu hiệu của kẻ vô thần. Ăn chay là phương pháp tốt nhất giúp ta loại bỏ tư tưởng ấy ra khỏi trái tim mình. Ăn chay giúp ta chịu theo Thánh ý Chúa, để hiểu rõ về Ý Chúa và con người mình hơn. Khi viết về việc ăn chay, LM L.Rucie đã nói như sau :
“Lý do và giá trị lớn nhất của ăn chay là sẵn sàng làm công cụ cho đức tin. Ăn chay cũng có nghĩa là giúp cho con người tỏ sức mạnh và kiện toàn tinh thần tự kiểm soát. Ăn chay là sự bảo đảm cho việc đầp phục Thiên Chúa, trong đức tin chân thành và đúng nghĩa. Khi con người không phải là chủ của chính mình thì người ấy sẽ có thể đặt mình hoàn toàn trong tay của Chúa”
Chúng ta biết rằng trong Thánh Kinh, Chúa Giêsu dậy chúng ta hãy cầu nguyện không ngừng nghỉ, không chấm dứt. Nhưng mỗi ngày chúng ta tìm mọi cách để khỏi phải cầu nguyện, nào là tôi không có thì giờ, tôi bận rộn với đời sống. Vì thế, tôi không thể cầu nguyện được. Nhưng chiều sâu của vấn đề không phải là ta có thì giờ để cầu nguyện hay không có thì giờ để làm chuyện ấy. Vấn đề là liệu ta có hết lòng ao ước hay cần thiết để gặp Chúa qua lời cầu nguyện hay không. Khi ta có của cải rồi, ta lại muốn có thêm nữa, như vậy ta không còn để dành chỗ cho Chúa nữa, và ta cũng không còn giờ để cầu nguyện. Như thế, chúng ta đang ở trong trình trạng nguy hiểm vì không có khoảng trống và thời gian nào cho Chúa cả. Bằng cách này, ta ngày càng trở nên một kẻ vô thần thực sự. Có nghĩa là ta hài lòng với của cải vật chất, có đồ ăn ngon, thức uống tốt, và ta tin rằng như vậy đủ để giải quyết mọi vất đề rồi. Với thái độ và niềm tin ấy, không còn chỗ cho sự cần thiết của việc cầu nguyện.
Ăn chay có một kết quả là đặt mọi sự vào đúng chỗ của chúng. Sau khi ăn chay, ta càng đọc được sự thật về chính mình. Ta cảm nghiệm sự thật về mọi sự trong cách thức mới. Từ từ, ta nhận thức rõ ràng mình không thể tự cung ứng cho chính mình. Ta còn nhận ra rằng thế gian không thể thỏa mãn nhu cầu sâu xa nhất của trái tim nhân loại. Điều này mở lối cho niềm xác tín rằng nhân loại chúng ta cần đến Chúa.
Điều thứ nhất trong Tám Mối Phúc Thật là: “Phúc thay ai có tâm hồn nghèo khó vì Nước Trời là của họ”. Hay nói cách khác như sau : “Phúc thay ai có lòng ao ước Chúa”. Những ai cảm thấy mình tự cung ứng mọi nhu cầu cho chính mình, rằng mình không cần các nhu cầu sâu lắng hơn, và không có ai cao trọng hơn mình, thì con người ấy là một kẻ không nghèo trước nhan thánh Chúa. Điều ấy có nghĩa là kẻ ấy đang sống với niềm tin rằng hắn không cần Chúa, và hắn không cần cầu nguyện.
Khi ta ăn chay, từ từ niềm xác tín ấy nổ bung ra, và chúng ta cảm thấy mình mở rộng ra trước nhu cầu phải cầu nguyện, và ta cảm thấy cần phải gặp gỡ và đối thoại với Chúa. Vì lý do ấy, ta có thể nói rằng ăn chay là điều không thể thay thế được, mà là điều chúng ta rất cần. Ta cần ăn chay để trưởng thành trong cầu nguyện, và đặc biệt cầu nguyện trong tâm hồn. Nói cách khác, ta cầu nguyện dễ dàng hơn khi ăn chay và ta ăn chay tốt hơn khi cầu nguyện.
Có một câu châm ngôn như sau : “Một bao tử đầy không thích học hỏi”. Ý nghĩa của châm ngôn này sẽ không thay đổi khi ta nói : “Một bao tử đầy không thích cầu nguyện”. Khi ăn chay, thể xác ta đói khát, lúc ấy, ta mới ý thức là mình đói khát cả mặt tinh thần và mình cần những nhu cầu trong tâm linh. Cảm nghiệm được thuộc về Chúa và ao ước Chúa một cách sâu đậm không đi ngược lại nhân phẩm của con người. Chúng ta biết và cảm nghiệm rằng mình lệ thuộc Thiên Chúa chứ không phải của cải trần gian. Sự lệ thuộc nơi Thiên Chúa không làm cho chúng ta trở thành nô lệ, nhưng giúp ta được tự do.
Chúng ta được tạo ra cho Chúa và Chúa luôn hiện diện với chúng ta. Trong giây lát, khi chúng ta tụ họp, bạn bè, người cùng làm việc chung, ta cảm thấy thoải mái. Nếu tâm hồn mình cảm thấy nghèo khó vì nó cần sự liên hệ với Chúa, thì tâm hồn sẽ dễ nghe Lời Chúa hơn. Nó cũng sẵn sàng để gặp gỡ người khác, để gắn bó trong tình hữu nghị. Đó là con đường dẫn đến hạnh phúc, một hạnh phúc bình an trong nội tâm. Từ đó, con người sẽ chiến thắng trong mọi tình huống khó khăn hay bất hạnh.
10. Qua Ăn Chay, Trái Tim Ta Được Trong Sạch Hơn
Điểm quan trọng là hãy suy niệm thêm kết quả của việc ăn chay. Đó là khi ăn chay, trái tim được thanh tẩy để trở nên thanh khiết hơn. Ta nhìn sự thật rõ ràng hơn. Thật là dễ dàng để nhìn thấy những gì ta có, những gì ta cần và những gì ta không cần. Chúng ta trở nên tự do, thoát khỏi những áp lực trong nội tâm, không còn muốn và cần những sự vật khác, ta cũng có điều kiện để quên đi những gì ta có.
Đôi khi, sự vật không quan trọng như ta nghĩ. Chúng ta đang sống trong một thời đại mà ai cũng nghĩ rằng vật cất rất quan trọng, nên quên đi rằng chúng ta đang là những khách hành hương trên thế giới này. Rất nhiều người cảm thấy hạnh phúc nếu họ có một mái nhà che mưa và có một mẩu bánh mì đế cầm cự. Hãy tưởng tượng xem họ sẽ vui mừng thế nào nếu họ có những gì mà chúng ta đang có. Vậy mà chúng ta thường cảm thấy bất hạnh và không hài lòng, dù cho có đủ thứ. Lý do mà ta cảm thấy không thỏa mãn, vì không còn nhìn thấy những điểm chính yếu nữa. Ta đã trở nên mù quáng trước những điều quan trọng. Thế rồi ta cứ ước ao, thèm muốn thêm nhiều sự vật. Với việc ăn chay, ta sẽ dễ nhận diện sự quan trọng và cần thiết trong đời sống. Do đó, ăn chay rất quan trọng vì nó làm cho nội tâm ta được tự do, để ta dễ đến gần Chúa và gần người khác hơn.
Trong cuộc gặp gỡ này, việc hòa giải xảy ra, nhiều Kitô hữu bị đóng đinh vào thế gian và không thể cử động được. Qua việc ăn chay, họ trở nên không phải chỉ là khách hành hương, nhưng là người đi trên cuộc hành trình để tìm Chúa và cần Chúa. Đó là cách để đi đến tự do mới.
Nhiều người sống trong tình trạng hư đốn, tự hủy diệt, họ mất nhiều thì giờ và tiền bạc cho những gì không cần thiết và không quan trọng. Vì thế, h5o không thể đến gần những điều quan trọng trong cuộc sống. Chúa không thể để cho những sự gì xẩy ra với họ được. Đức Mẹ Maria muốn chúng ta, bằng cách ăn chay và cầu nguyện, trở thành một người chân thật đi tìm Chúa cùng với Mẹ.
Chúng ta hãy nhớ lại một đoạn Phúc Âm, khi Chúa Giêsu nhấn mạnh đến việc chúng ta đang hành hương nơi trần gian. Những ai đang đi trên đường không để bất cứ điều gì cản trở họ. Họ được động viên để thi hành nhiệm vụ nhờ vào niềm trông cậy nội tâm là mong gặp gỡ Chúa. Khi con người không còn niềm trông cậy thì họ bắt đầu ăn, uống và đánh nhau.
Trong Phúc Âm Thánh Matthêu, có đoạn một ông chủ nhà trồng nho, ông cho người thuê lại và rồi ông đi xa. Khi trở về, ông cho người nhà đi đến các người thuê vườn nho để đòi nợ. Họ đáp lại bằng cách đánh đập người nhà ông và giết người con. Ngoài ra, chúng ta còn nhớ câu chuyện các nàng trinh nữ khờ dại không dự trữ dầu trong đèn. Trong các câu chuyện dụ ngôn ấy, ta thấy các tình trạng đợi chờ đã bị mất đi. Bằng cách khác, Đức Mẹ Maria mong muốn chúng ta hãy sẵn sàng để hành động. Mẹ muốn hướng dẫn chúng ta trưởng thành trong nhận thức về điều gì quan trọng và điều gì không quan trọng. Trái tim chúng ta sẽ mở rộng trước những ai đang đói nghèo. Chúng ta sẽ dễ dàng nhận ra nhu cầu tâm linh và vật chất của anh chị em ta. Do đó, ta có thể nói về phương diện xã hội của việc ăn chay.
Trong thời gian đầu của buổi Đức Mẹ hiện ra tại Medjugorje, nhiều người thường tự hỏi: “Tại sao Đức Mẹ lại không chú tâm đến mặt xã hội nhỉ?”. Tôi tin rằng Đức Mẹ muốn dạy dỗ chúng ta trước khi mời gọi chúng ta làm điều ấy. Trong nhiều năm, những lời mời gọi của Mẹ đã rơi vào tình trạng hững hờ của những người muốn bịt tai lại. Đó là vì chúng ta ích kỷ và tự mãn, không còn thấy các nhu cầu của người khác nữa.
11. Tại Sao Lại Ăn Chay Bằng Bánh Mì Và Nước Lã
Tại Medjugorje Đức Mẹ Maria đã kêu gọi các con của Mẹ trở lại việc ăn chay. Vậy cách ăn chay nào tốt nhất? Đức Mẹ đáp: “Dĩ nhiên là cách ăn bánh mì và nước lã”.
Chúng ta cũng biết rằng có nhiều cách ăn chay, nhưng cách tốt nhất là bánh mì và nước lã. Chúng ta cần thực hành ăn bánh mì và nước lã. Nếu ta chưa hề ăn chay bao giờ thì việc ăn bánh mì và nước lã này rất khó ăn, trừ khi là người ấy được ơn kêu gọi của Chúa.
Có nhiều cách ăn chay, nhưng việc ăn chay tốt nhất là bánh mì và nước lã. Chẳng hạn như ta từ bỏ không ăn một số thực phẩm nào đó, hay ăn thức ăn thức ăn mà không có gia vị, ăn những thức ăn mà mình không thích, không ăn tráng miệng, ăn ít hơn lệ thường. Điều quan trọng là ngay bây giờ, ta hãy bắt đầu ăn chay bằng cách nào cũng tốt.
Tuy nhiên, tại Medjugorje Đức Mẹ muốn nhấn mạnh về việc ăn chay bằng bánh mì và nước lã, vì điều này có một ý nghĩa sâu xa. Bánh mì là thức ăn của người nghèo. Có bánh mì hay không có bánh mì, đó là câu hỏi quan trọng của sự hiện hữu.
Thánh Kinh thường nói về bánh mì. Chúa ban bánh mì, bánh Manna cho dân của Ngài qua cuộc xuất hành trong sa mạc (Xuất Hành 16). Lúc giảng dậy Chúa Giêsu nói về bánh mì từ trời rơi xuống. Một Thiên Thần mang bánh mì và chai nước lã đến cho tiên tri Elija, khi ông mệt mỏi (Sách Các Vua 19), và sau khi ăn uống, tiên tri Elija lấy lại sức mạnh và tiếp tục cuộc hành trình.
Mặt khác, theo Phúc âm thì người nghèo là người ở gần Chúa Giêsu nhất. Họ ăn với Ngài và đi theo Ngài để lắng nghe Lời của Ngài. Sau khi nói chuyện với đám đông, Chúa Giêsu nhận thấy họ chẳng những đói khát lời Ngài mà còn đói khát phần thể xác. Vì thế, Ngài làm phép lạ để gia tăng số bánh mì lên (Mac 8:1-9). Bằng cách tăng thêm số bánh mì ở dưới đất, Chúa Giêsu cũng chuẩn bị cho họ để nhận Bánh Từ Trời đến.
Với quyết tâm sống một ngày với bánh mì và nước lã, chúng ta tỏ cho Chúa thấy thiện chí của mình là trở thành nghèo khó trước Nhan thánh Ngài, và ta hoàn toàn thần phục Thánh Ý của Ngài. Như vậy, chúng ta đi theo bước chân của các bậc tiên tri và những ai đã bị thử thách để chia sẻ cảm nghiệm làm chứng cho đức tin của họ.
Bánh mì là một thức ăn căn bản cho dân Ngài và đồng thời bánh mì là tượng trưng của đời sống. Nước cũng không thể nào thay thế được trong đời sống chúng ta. Người là biểu hiện của sự thanh tẩy tâm linh. Trong các thông điệp, Đức Mẹ khuyến khích chúng ta hãy trở lại đời sống và sống thật. Hãy từ bỏ sự ô uế và trở nên thanh khiết.
Mẹ mời gọi chúng ta hãy ăn chay bằng bánh mì và nước lã trong hai ngày mỗi tuần. Điều này sẽ làm tốt cho thể xác, tâm linh và linh hồn ta. Đức Mẹ Chúa Trời mời gọi ta hãy chọn sự tự do hoàn toàn. Điều này có nghĩa là nếu chúng ta mệt mỏi, làm việc nhiều, hay không khỏe mạnh, chúng ta đừng nên sợ nếu phải uống trà hay cà phê, hay ăn một vài món nhẹ.
12. Ăn Chay Bằng Bánh Mì Và Bằng Bánh Thánh Chúa
Tất cả những điều mà Chúa Giêsu nói và làm nhằm chuẩn bị cho người nghe một bàn tiệc Nước Trời, có Bánh Từ Trời xuống, từ Bánh ấy, Chúa bị bẻ ra để chia sẻ cho sự cứu chuộc và cứu rỗi của loài người. Dù Chúa nói và làm để người ta hiểu rằng Mình và Máu Ngài được dùng như thực phẩm và nước uống cho loài người, người ta vẫn không hiểu và phản đối các thông điệp của Ngài.
Khi ta chọn ăn bánh mì vào hai ngày đã định, bằng kinh nghiệm của mình, chúng ta sẽ hiểu ý nghĩa các thông điệp của Chúa. Chúng ta sẽ tìm thấy chiều kích các thông điệp của Chúa vì Ngài hiện diện thực sự nơi Bánh Thánh. Nếu chúng ta quá dính bén với tạo vật trần thế, chúng ta có nguy cơ quên đi lương thực chính của ta, đó là chính Mình Ngài.
Như vậy, để hiểu được sự hiện diện của Bánh Thánh trong thể xác ta, ta cũng cần tình nguyện chịu đói. Nếu ta nhớ lại lời thực hành của giáo hội tiên khởi, hay của các anh em Chính Thống giáo ngày nay, thì lẽ ra ta phải giữ chay nhiều tiếng đồng hồ trước khi chịu Mình Thánh Chúa. Như thế, chúng ta sẽ dễ hiểu những gì đã nói ở trên. Nếu ta ăn chay nhiều ngày, ta sẽ hiểu thực trạng một cách rõ ràng hơn.
Có lẽ những người nghèo, khi họ hiểu tầm quan trọng và giá trị của bánh mì hàng ngày, họ sẽ hiểu rõ hơn giá trị của Bánh Từ Trời. Nhiều khi, trái tim của những người giàu chưa mở rộng ra cho món quà Chúa ban có giá trị vô vàn.
Một phụ nữ trong giáo xứ tôi tâm sự rằng : khi bà ta bắt đầu ăn chay bằng bánh mì và nước lã vào mỗi ngày thứ sáu, thì bà cảm thấy thật là sốt sắng và tôn kính khi nhận Mình Thánh Chúa. Bà ngạc nhiên khi cảm thấy mình sung sướng mỗi khi đón nhận Chúa Thánh Thể. Mỗi lần như vậy, bà rất cảm động, bởi vì bà nhận ra rằng qua Bánh Thánh, Chúa Giêsu đến gần với bà hơn.
13. Thông Điệp Của Đức Mẹ Maria Về Thánh Thể Chúa
Ăn chay thanh tẩy trái tim của ta để rồi tâm hồn ta mở rộng hơn cho Chúa và tha nhân. Khi ăn chay, ta dễ dàng chấp nhận lời Chúa, và nhờ thế, ta sẽ chịu Thánh Thể Chúa một cách sốt sắng và nghiêm túc hơn.
Khi dự Thánh lễ hay chầu Thánh Thể Chúa Giêsu ta sẽ cảm nhận được một chiều kích mới. Chúng ta cần hiểu được các bí nhiệm của phép Thánh Thể để từ đó, ta sẽ thấy đời sống mình gắn liền với bí tích Thánh Thể. Mỗi khi nhận Mình Máu Chúa, ta sẽ thấy Chúa đến trong đời sống mình và hoạt động mạnh trong linh hồn ta.
Trong một thông điệp, Đức Mẹ Maria đã phán : “Các con hãy để Thánh lễ là đời sống của các con”. Và rồi, bạn sẽ tiến đến một mối liên hệ mới, đầy tình hữu nghị và ơn lành của Chúa ban cho bạn. Và tình bạn sẽ bắt đầu triển nở hơn.
14. Không Có Điều Gì Có Thể Thay Thế Cho Việc Ăn Chay
Điều hiển nhiên là tất cả các Kitô hữu, những người đã được rửa tội, không phân biệt thành phần xã hội, hay địa vị, giai cấp, tất cả đều được kêu gọi để cầu nguyện, không ai được miễn trừ việc cầu nguyện, dù cho người ấy mạnh khỏe hay bịnh hoạn, dù là trẻ thơ hay là người già lão, dù người có học thức hay ít học, ai cũng cần phải cầu nguyện cả.
Tuy nhiên, không phải ai cũng đều phải cầu nguyện giống nhau. Ví dụ như một người nằm liệt giường không bị bắt buộc phải đến nhà thờ để tham dự Thánh lễ. Người ấy có thể cầu nguyện trên giường bịnh của mình. Các trẻ thơ không bắt buộc phải cầu nguyện giống như cha mẹ. Chúng có thể cầu nguyện ngắn cho hợp với lứa tuổi của chúng.
Việc cầu nguyện cũng giống như việc ăn chay. Chúng ta được kêu gọi để ăn chay, kể cả người lớn cũng như trẻ nhỏ, người mạnh khỏe cũng như người bịnh hoạn.
Trong vài thập niên vừa qua, việc ăn chay bị thay thế bằng các việc bác ái và từ thiện là kết quả của việc cầu nguyện và ăn chay. Đó là cách chúng ta từ bỏ chính mình, và cũng là cách thống hối nữa. Ăn chay có một chiều sâu lớn và rộng hơn, đáng để chúng ta đào sâu thêm về việc ăn chay.
Ăn chay và cầu nguyện là điều rất quan trọng và chính yếu, vì nhờ đó chúng ta có quan hệ mật thiết và sốt sắng hơn với Chúa và tha nhân. Nói cách khác, cầu nguyện và ăn chay là hai cột trụ vững chắc cho đời sống đức tin của chúng ta.
Cả người giàu và người nghèo đều được kêu gọi để ăn chay. Người nghèo nên ăn chay để khỏi trở nên cay đắng, bởi vì việc ăn chay làm cho trái tim họ được giải thoát khỏi gánh nặng của cái nghèo. Người nghèo không cần phải cho người khác tiền. Sự ăn chay sẽ giúp cho người này chấp nhận sự nghèo khổ và phẩm giá của mình. Như thế, người ấy sẽ rời khỏi tình trạng túng bấn của mình một cách dễ dàng hơn.
Người giàu cũng cần phải ăn chay để khỏi đóng kín trong tháp ngà của mình. Chính vì sự giàu có mà người này dễ trở thành kẻ thù của chính bản chất mình, của tha nhân và Thiên Chúa. Ăn chay sẽ giúp họ đặt ưu tiên chính xác trong đời sống của họ.
Ăn chay là một nguyên tắc trọng yếu của đời sống Kitô hữu. Việc ấy làm cho người tín hữu có khả năng sống đúng theo Thánh Ý Chúa, trong mọi hoàn cảnh. Qua việc ăn chay mà Thánh Ý Chúa trở nên dễ dàng được nhận thức và thực hiện. Cũng như hơi thở là điều quan trọng với sự sống thể lý, thì việc ăn chay và cầu nguyện cũng rất cần thiết và quan trọng cho đời sống thiêng liêng của con người.
15. Ăn Chay Và Cầu Nguyện Là Cách Thức Để Thanh Tẩy
Ăn chay không nhất thiết là phải nhịn đói và nhịn khát. Trái lại, các thông điệp của Đức Mẹ nói rõ rằng chúng ta phải ăn ít nhất là bánh mì và uống nước lã. Để cho việc ăn chay được dễ dàng và ngọt ngào, chúng ta phải cầu nguyện rất nhiều vào những ngày ấy cầu nguyện vào những ngày ăn chay có nghĩa như một điểm đang chú ý trên lộ trình du lịch. Ngay từ đầu, ăn chay làm cho linh hồn ta được giải thoát khỏi những lực lượng tiêu cực, loại bỏ những gì thừa thãi trong cơ thể, như mỡ, vì chất làm cho con người mập ra, và lên cân. Cầu nguyện bảo vệ ta khỏi sự căng thẳng và bối rối, khi ta đang ở trong tình trạng loại bỏ các thứ thặng dư trong cơ thể.
Từ việc ăn chay không làm cho chúng ta lo âu, nhưng thể xác bắt đầu cảm thấy mất sự thặng dư, thừa thãi và thể xác bắt đầu phản ứng. Một người hay hút thuộc mà bắt đầu nhịn thuốc lá thì trở nên run rẩy, vì ảnh hưởng thiếu thuốc lá. Đồng thời, trái tim và tâm trí của người này bắt đầu chiến đấu để không bị thói quen xấu kia làm hại sự cố gắng từ bỏ của mình. Vì thế, phải cần lời cầu nguyện để có thêm sức mạnh đề kháng.
Vì các lý do ấy, mà các bài đọc trong Mùa Chay thường nói rằng ăn chay nâng tâm linh lên cao, và chống các sự cám dỗ và sự dữ. Bằng cách làm cho tâm linh vững mạnh, con người có thể chống trả được các bịnh tâm lý và thể xác. Do đó, họ sống lâu hơn vì họ không còn phải dùng năng lực để phục vụ những nhu cầu vô ích nữa.
Những cuộc nghiên cứu ở Nhật Bản, Ấn Độ, và Tây Tạng đã chứng minh điều này. Chỉ vì ăn chay mà người ta có thể làm chủ mọi sự vật, đời sống tâm linh họ rất mạnh mẽ ở các quốc gia này. Họ đã có những hoạt động tâm linh khi họ ở lứa tuổi 60.
Bằng cách củng cố tâm linh, con người từ bỏ mình để có chỗ trống linh hồn, để mở rộng cho Chúa và tha nhân. Điều này rất quan trọng. Thật sự, nếu ta không có đủ sức mạnh nội tâm để tha thứ một lời sỉ nhục, hay quên đi một sự bất công thì ta sẽ bị những sự đau đớn và chua cay làm hại cả thể xác và tâm linh ta.
Nói cách khác, ăn chay dẫn chúng ta đến việc phân biệt dễ dàng giữa những gì trọng yếu và những gì không cần thiết. Từ đó, ta chấp nhận mọi sự dễ dàng và uyển chuyển đối phó với mọi hoàn cảnh. Khi có thể ta được thanh tẩy và được giải thoát khỏi mọi sự, thì tâm linh ta sẽ mở ra cho những luồng ảnh hưởng tích cực. Thông thường, bản chất con người là dễ dàng bị các ảnh hưởng xấu chiếm đoạt. Vì thế, ta cần phải cầu nguyện để chống lại các sự độc dữ ấy.
Hãy nhìn lại sự cầu nguyện và ăn chay của Chúa Giêsu nơi sa mạc. Đó là giữa lúc Chúa Giêsu cầu nguyện và ăn chay mà Ngài đã đối đầu với cơn cám dỗ của Satan. Satan đã thất bại khi cám dỗ Chúa Giêsu để Ngài đừng làm theo Thánh Ý của Chúa Cha nữa. Qua việc ăn chay 40 ngày mà Ngài tìm được sức mạnh để thắng các cơn cám dỗ.
16. Ăn Chay Với Trọn Tâm Hồn
Đức Mẹ Maria ban thông điệp ở Medjugorje rằng chúng ta hãy ăn chay với trọn tâm hồn mình. Đây cũng là điều mà Chúa Giêsu đã dậy từ hơn 2000 năm trước. Chúa sẽ phán xét những ai cầu nguyện và ăn chay mà xét đoán người khác, và những ai nghĩ rằng họ có quyền để xét đoán người khác, chỉ vì họ đã ăn chay và cầu nguyện, hay những ai ăn chay mà không thay đổi tính tình chút nào cả.
Điều thứ nhất, ăn chay với trọn tâm hồn có nghĩa là đi theo lời mời gọi để ăn chay với niềm tin tưởng và tín thác, ngay cả khi ta cảm thấy khó khăn khi ăn chay, ta nên có niềm tin tưởng rằng Chúa muốn làm điều gì tốt đẹp, qua việc chúng ta ăn chay.
Ăn chay với trọn tâm hồn có nghĩa là chúng ta nên kỳ vọng và chấp nhận quá trình bắt đầu qua cầu nguyện và ăn chay, và chúng ta nên thực thi việc ấy. Chúng ta có thể hiểu rằng tư tưởng ta sẽ thay đổi và ta sẽ trở nên trưởng thành hơn trong việc thống hối và tha thứ. Hãy chịu đựng sự đau khổ của việc ăn chay.
Ăn chay đối với tâm hồn có nghĩa là chấp nhận việc ăn chay như là phương tiện để trưởng thành và tiến gần đến Chúa và tha nhân hơn. Khi ta đếm các thứ mà ta đã từ bỏ, và đếm những ngày mà ta ăn chay, thì ta chưa thật sự ăn chay với tâm hồn.
Ăn chay với tâm hồn có nghĩa là yêu thương và chấp nhận con đường đến với Chúa và Đức Mẹ Maria.
Ăn chay với tâm hồn có nghĩa là yêu thích tự do nội tâm hơn là làm nô lệ cho các nhu cầu vật chất
Ăn chay với tâm hồn có nghĩa là lớn mạnh trong tình yêu cho Chúa là Đấng đang đến, Đấng mà ta cầu xin mỗi ngày, Đấng mà ta ao ước để được như : “con nai ao ước uống nước Hằng Sống”.
Ăn chay với tâm hồn : nghĩa là có niềm vui lớn lao khi ở trong Chúa. Chúng ta hãy bắt đầu ăn chay với lòng cậy trông và bắt đầu đi trên con đường Thánh thiện. Và những người khác sẽ đi theo ta.
KẾT LUẬN
Không nên chấm dứt việc ăn chay và cầu nguyện vì đó là phương tiện để tìm thấy và chấp nhận Thánh Ý Chúa, và để xin Ngài ban cho ta ơn bền tâm thi hành hai việc đạo đức này. Nhờ đó, ta sẽ mở tâm hồn ra cho các chương trình của Chúa và đi theo bước chân của Chúa Giêsu.
Ăn chay và cầu nguyện còn hướng dẫn chúng ta đến sự bình an. Những ai kiên trì trong việc cầu nguyện và ăn chay sẽ tin tưởng mãnh liệt vào Chúa. Họ sẽ nhận được ơn hòa giải và tha thứ, đó là nền tảng của sự bình an. Bình an phải được bắt đầu từ trái tim ta rồi sẽ lan chảy đến các anh em ta và đến toàn thế giới.
Hòa bình là một điều tốt lành, mà không thể mua hay bán được. Hòa bình chỉ nở hoa trong trái tim của những ai có khả năng tha thứ và yêu thương kẻ đã làm cho mình đau đớn, đã vu oan giá họa cho mình.
Ăn chay là lời cầu nguyện của toàn thân xác. Đó là lời cầu nguyện qua thể xác. Khi ăn chay, thể xác chúng ta cũng phải tham dự vào cầu nguyện, và lời cầu nguyện là từng lời nói phát ra từ tâm hồn người cầu nguyện.
Tác giả Anselm Grun đã viết như sau :
“Ăn chay là tiếng khóc từ thể xác người đang đi tìm kiếm Chúa, đó là tiếng khóc tự tận cùng sâu thẳm của trái tim, tận cùng đáy lòng ta. Ở nơi ấy, ta cảm thấy mình bất lực, hư vô, thân phận mỏng dòn. Vì thế, ta sấp mình thờ lạy Chúa của lòng Thương xót vô biên.
Ăn chay và cầu nguyện không làm cản trở các sinh hoạt hàng ngày của chúng ta, mà chỉ nhằm giúp chúng ta có lối nhìn mới, theo chiều kích mới, trong việc kết hiệp với Chúa và với tha nhân, Chúa không muốn lấy đi thời giờ của ta, Ngài cũng không muốn làm hại ta qua việc ăn chay. Trái lại, Ngài muốn dùng việc ăn chay cầu nguyện để chúng ta có thể tìm niềm vui nơi Ngài và nơi tha nhân, để rồi ta có khả năng sống hòa hợp với những người khác. Cuối cùng, chúng ta sẽ đem bình an và tình thương đến những nơi nào cần đến, cho chính chúng ta và cho toàn thể nhân loại nói chung.
Quá trình ăn chay và cầu nguyện rất khó khăn. Thật là dễ dàng khi móc tiền cho người nghèo hơn là phải tha thứ và tái lập lại mối tương quan với anh chị em mình. Tại sao chúng ta không cố gắng vừa làm việc bác ái, vừa duy trì tình thương yêu với anh chị em mình, kể cả những người mà mình đã xem như kẻ thù.
Làm được cả hai điều ấy tức là chúng ta đem lại sự bình an nội tâm cho ất cả, và làn sóng bình an nội tâm này sẽ lan tỏa cho toàn thế giới. Đó cũng là các thông điệp mà Đức Mẹ Maria đã và đang kêu gọi chúng ta thực hành tại Medjugorje , Nam Tư.
LỜI CẦU NGUYỆN TRONG NGÀY ĂN CHAY.
Vào ngày 14 tháng 8 năm 1984, Đức Mẹ Maria phán :
“Mẹ mong muốn cả thế giới hãy cùng cầu nguyện với mẹ vào những ngày này, càng nhiều càng tốt! Các con hãy ăn chay nghiêm túc vào mỗi thứ tư và thứ sáu, hãy cầu nguyện hàng ngày, ít nhất là ba chuỗi kinh Mân Côi : Năm sự Vui, Năm sự Thương và Năm sự Mừng...”
Ôi lạy Thiên Chúa, Đấng tạo hóa của mọi tạo vật và là Đấng tạo hóa của con. Hôm nay, con xin cảm tạ Chúa vì Ngài đã sắp xếp thế giới một cách kỳ diệu. Con tri ân Ngài vì đã ban sự mầu mỡ phì nhiêu cho Mẹ trái đất, để Mẹ sinh cho chúng con mọi hoa trái. Con cảm tạ Ngài về lương thực do các hoa trái của trái đất tạo thành. Lạy Chúa Cha, con mừng vui với các tạo vật của Cha, con mừng vui qua các hoa quả hôm nay, và con cảm tạ Cha về của ăn và của uống hằng ngày mà con có.
Lạy Cha, con xin cảm tạ Cha vì Cha đã tạo nên thân xác con như thế, để con có thể dùng các hoa quả của trái đất, để phát triển và phụng sự Cha. Lạy Cha, con tri ân Cha về những người đã lao động để đem lại sự sống mới. Con cảm tạ Cha về những người giàu có và biết ban tặng tha nhân! Con cảm tạ Cha về những ai đói khát Bánh Nước Trời, khi họ đang ăn bánh trần thế này. Lạy Cha, con cũng tri ân Cha về những người không có gì để ăn hôm nay, vì con xác tín rằng Cha sẽ cho những người tốt lành đến trợ giúp họ.
Lạy Cha, hôm nay con quyết định ăn chay. Làm như thế, con không khinh chê các tạo vật của Cha, con không từ bỏ nhưng chỉ muốn khám phá ra giá trị của mọi sự vật thôi. Con quyết định ăn chay vì các tiên tri của Cha đã ăn chay, vì Chúa Giêsu Kitô đã ăn chay, các tông đồ và môn đệ của Ngài đã ăn chay. Con đặc biệt quyết định ăn chay vì nữ tì của Cha là Đức Mẹ Maria cũng đã ăn chay. Đức Mẹ đã kêu gọi chúng con ăn chay như sau :
“Các con thân mến, hôm nay Mẹ mời các con hãy bắt đầu ăn chay với trọn trái tim. Có nhiều người ăn chay vì những người khác làm thế. Ăn chay là một thói quen mà không ai muốn bỏ đi. Mẹ kêu gọi giáo xứ ăn chay vì lòng biết ơn Thiên Chúa đã cho phép Mẹ ở lại nơi này rất lâu. Các con thân mến, hãy ăn chay và cầu nguyện với trái tim. Cám ơn các con đã đáp lời kêu gọi của Mẹ”. (20-9-1994)
Lạy Cha, con xin dâng ngày ăn chay này cho Cha. Qua việc ăn chay, con muốn được lắng nghe và sống lời Cha nhiều hơn. Con muốn trong ngày này, học hỏi để hướng về Cha hơn. Con cầu nguyện để dâng lên Cha những ai đói khát, và những kẻ vì sự đói khát đã trở nên quá khích.
Con kính dâng Cha việc ăn chay cho hòa bình thế giới. Chiến tranh xảy ra vì chúng con quá dính bén đến vật rất thế gian, và sẵn sàng giết nhau vì lợi lộc trần thế. Lạy Cha, con kính dâng Cha sự chay tịnh này để cầu nguyện cho những ai đang bị trói buộc với vật chất mà không còn thấy bất cứ một giá trị nào nữa.
Con nài van Cha thương đến những ai đang ở trong các cuộc xung đột mà mù quáng trước những gì họ sở hữu. Lạy Cha qua việc chay tịnh, xin Cha mở mắt cho chúng con để nhìn thấy những gì Cha đã ban cho chúng con và những gì chúng con có.
Con xin lỗi Cha về sự đui mù đã chiếm đoạt các giác quan của con, đến nỗi con không biết cảm tạ Cha về điều tốt lành mà con có. Con sám hối mọi sự lạm dụng vật chất bởi vì con đã thường phán xét giá trị của chúng một cách sai lầm. Lạy Cha qua việc ăn chay hôm nay, xin Cha cho chúng con được nhìn thấy Cha và những người quanh con một cách tốt đẹp hơn. Qua việc chay tịnh hôm nay, xin Cha cho con yêu thương Cha và tha nhân nhiều hơn.
Lạy Cha, hôm nay con quyết định ăn chay bằng bánh mì và nước lã, để rồi con có thể hiểu rõ hơn về giá trị của Bánh Nước Trời, cùng sự hiện diện của Con Cha trong Bí Tích Thánh Thể. Xin Cha hãy ban cho con có lòng tin và lòng tín thác lớn mạnh hơn.
Lạy Cha con quyết định ăn chay và chấp nhận điều ấy vì con biết rằng bằng cách này con sẽ khát khao Cha nhiều hơn. Với lòng tha thiết và biết ơn, con nghĩ đến những lời của Con Cha : “Phúc thay người có tinh thần nghèo khó, vì Nước Trời là của họ”. Lạy Cha, xin làm cho con trở nên nghèo khó trước thánh nhan Cha. xin Cha ban cho con ơn lành để rồi qua việc chay tịnh, con hiểu rằng con ao ước Cha, rằng trái tim con khát khao Cha như nai khát dòng nước chảy và như sa mạc mong đợi cơn mưa.
Lạy Cha con cầu xin Cha ban ơn để qua chay tịnh này, con hiểu rõ hơn về những kẻ đói khát, những người nghèo nàn. Xin Cha hãy giúp con nhìn thấy những gì con không cần nhưng con lại sở hữu, hầu con có thể từ bỏ chúng cho lợi ích của các anh chị em con.
Lạy Cha con cầu khẩn Cha ban cho con ân phúc nhận biết, con chỉ là một lữ khách hành hương trên dương thế này, để rồi khi con bước sang một thế giới khác, con sẽ không đem được gì đi theo ngoại trừ tình yêu và các hành động từ thiện. Xin cho con nhận biết rằng ngay cả khi con sở hữu sự gì, con không thể gọi là của con, vì con nhận nó từ tay Cha để quản lý mà thôi.
Lạy Cha xin ban cho con ân huệ để qua việc chay tịnh này con trở nên khiêm nhường hơn và sẵn lòng thực thi Ý Cha hơn. Vậy xin Cha thanh tẩy con mọi sự ích kỷ và kiêu căng.
Qua việc chay tịnh này, xin Cha thanh tẩy con khỏi mọi thói quen xấu và làm lắng dịu mọi đam mê của con. Xin Cha hãy gia tăng các nhân đức của Cha cho con. Xin Cha hãy mở nơi thẳm sâu của linh hồn con, để con lãnh nhận được các ân sủng của Cha. Qua việc ăn chay này, Cha sẽ đổ ơn lành cho con, để thấm nhập và tẩy rửa con.
Lạy Cha, xin Cha giúp cho con luôn trở nên giống con Cha, để qua những khi thử thách và cám dỗ con biết chống lại mọi cám dỗ, để có thể phục vụ Cha và tìm kiếm Lời Cha mỗi ngày một nhiều hơn.
Lạy Mẹ Maria, Mẹ đã được tự do trong tâm hồn, tránh khỏi trói buộc của mọi sự, ngoại trừ Thánh ý Cha. Xin Mẹ hãy cầu bầu để xin cho con được vui mừng ăn chay hôm nay. Và hôm nay, con có thể hát cùng với Mẹ một bài ca tri ân. Xin Mẹ khẩn cầu cho con đang lành để quyết định ăn chay của con được bền vững và lâu dài. Vì mọi người, con xin hiến dâng các khó khăn và sự đói của con hôm nay. Lạy Mẹ Maria, xin Mẹ cầu cho con, qua lời chuyển cầu và quyền năng phù trì của Mẹ, xin cho mọi ma quỷ và cám dỗ của Satan tránh xa khỏi con hôm nay.
Lạy Mẹ Maria, xin dậy con cách ăn chay và cầu nguyện thế nào để dần dần con có thể trở nên giống như Mẹ và Chúa Giêsu Kitô Con Mẹ trong Chúa Thánh Thần. Amen
TRÍCH BÀI GIẢNG CỦA THÁNH PETER CHRYSOLOGUS, GIÁM MỤC.
Có ba điều mà đức tin đứng vững, nhiệt tâm liên lỉ và nhân đức bền bỉ, đó là cầu nguyện, ăn chay và lòng thương xót. Cầu nguyện gõ cửa, ăn chay xin được ơn và lòng nhân từ nhận được. Cầu nguyện, ăn chay và lòng nhân từ, tuy là ba mà chỉ là một và cả ba ban sự sống cho nhau.
Ăn chay là linh hồn của lời cầu nguyện. Lòng nhân từ là máu ban sự sống cho việc ăn chay. Xin đừng để ai tách rời ba điều này ra khỏi nhau, vì chúng ton không thể tách lìa nhau được. Nếu bạn chỉ thực hành có một điều, thì coi như bạn không có gì cả. Vậy khi bạn cầu nguyện hay ăn chay hay tỏ ra nhân từ. Nếu bạn muốn lời khấn nguyện của mình được Chúa lắng nghe, hãy lắng nghe những lời khấn nguyện của người khác.
Khi bạn ăn chay, hãy nhìn cách ăn chay của kẻ khác. Nếu bạn muốn Chúa biết rằng bạn đang đói khát, thì bạn hãy biết người khác đang đói khát.
Vậy chúng ta hãy dâng linh hồn mình bằng cách hy sinh. Không có gì làm cho Chúa hài lòng hơn là việc ăn chay, một tác giả Thánh Vịnh đã tiên tri: “Đối với Chúa, hy lễ là một tâm hồn tan vỡ. Chúa không bao giờ chê trách một linh hồn tan nát và khiêm cung”.
Hãy dâng linh hồn lên cho Chúa, dâng sự ăn chay làm của lễ hy sinh lên Ngài để rồi linh hồn bạn sẽ trở nên một của lễ tinh tuyền, một hy lễ thánh thiện, một nạn nhân đang sống. Hãy dâng và trao chính mình lên cho Chúa.
0 comments:
Đăng nhận xét