NHỨC NHỐI VỀ ĐỜI SỐNG CỘNG ĐOÀN


(ảnh internet)
Thao thức mãi, dằn vặt mãi đến lúc không còn giữ được nên đành mạo muội viết ra vài dòng suy tư về hiện trạng đời sống cộng đoàn ngày hôm nay trong các nhà tu. Có thể suy tư, cảm nhận này mang tính cách cá nhân, có cái nhìn thiển cận nhưng biết đâu nó đụng, nó chạm đến những người đang, đã và sẽ phải đối diện với một đời sống cộng đoàn chẳng mấy là êm đềm.

Ai cũng biết rằng căn bản của đời tu đó là lời tuyên giữ các lời khuyên Tin mừng : Khó nghèo – Khiết tịnh – Vâng phục. Ba lời khấn hứa này xem ra đã hứa, đã khấn rồi nên không còn cách nào khác nữa là cứ phải răm rắp mà thi hành. Thế nhưng đối diện với ba lời khấn hứa này, giữ ba lời khấn hứa này nó lại được bao trùm lên bằng đời sống cộng đoàn.


Giữa một cộng đoàn mà người ta du nhập đời sống thế tục vào để rồi chạy theo hưởng thụ vật chất thì các thành viên trong cộng đoàn cũng sẽ khó mà giữ được đức Khó nghèo. Khi thấy anh em, chị em của mình được cái này cái kia một chút bỗng dưng lòng ta nó lại nổi lên một chút gì đó để cho được “bằng chị bằng em”. Cứ như thế, từ những cái nho nhỏ như cái đồng hồ đeo tay nó sẽ đến những cái lớn hơn như cái xe, cái máy tính, cái máy hát … Dẫu biết rằng nó chỉ là phương tiện, dụng cụ để giúp cho tu sĩ làm việc nhanh hơn, tốt hơn nhưng vì chạy theo thời thượng bỗng dưng những thứ ấy vô tình trở thành vật trang sức cho tu sĩ ngày nay. Thế là đời sống khó nghèo bị đời sống cộng đoàn chi phối khi nào không biết. Từ những hơn thua vật chất bên ngoài đấy nảy sinh ra mâu thuẫn trong cộng đoàn tự lúc nào ta cũng chẳng hề biết.

Sống là một chuỗi tương quan. Ai càng có nhiều mối tương quan càng tốt vì lẽ mình không sống một mình mình nhưng mình sống là sống cho và sống với và sống vì người khác. Từ chuyện nhỏ như thế này nó lại phát sinh ra chuyện hơn thua là nữ tu thì phải quen nhiều nam tu và nam tu thì làm sao mình phải quen thật nhiều nữ tu để cho mọi người nhìn thấy mình có một mối tương quan rộng lớn. Những tương quan đó được che đậy, được sơn phết, được đánh bóng bằng một cái tên rất hoa mỹ “bố thiêng liêng”, “con thiêng liêng”, “chị thiêng liêng”, “em thiêng liêng” … Những tương quan này sẽ không xấu nếu như ta coi mọi người như nhau và ngược lại khi người này người kia là của riêng tôi để rồi tu nhưng tôi cứ phải lo lắng cho người “thiêng liêng” của tôi quá nhiều chuyện đến nỗi làm xáo động đời tu của mình. Khổ một cái là đâu có phải ai cũng như ai, người quen nhiều, người quen ít và từ chỗ quen nhiều quen ít này cũng phát sinh một mầm mống nghi kỵ, hơn thua nhau trong đời sống cộng đoàn.

Về lời khấn vâng phục cũng tác động, cũng ảnh hưởng đến đời sống chung. Có những người vâng lời một cách tuyệt đối nhưng rồi cũng có những người bên ngoài dạ dạ vâng vâng đấy nhưng ngấm ngầm bên dưới tìm đủ mọi cách để phá bĩnh những người có trách nhiệm trong cộng đoàn. Khi coi thường vị phụ trách của mình thì người ta tìm đủ mọi cách để mà biện minh cho cái tôi, cho cái lý sự cùn của mình để bảo vệ cho “sáng kiến cá nhân” cá nhân của mình mà quên đi chiều kích thiêng liêng rằng những người phụ trách trong cộng đoàn là những người được Chúa gửi đến để phục vụ anh chị em trong cộng đoàn tu.

Mấy ai bảo làm bề trên, làm phụ trách trong các cộng đoàn nhà tu là sướng ? Có chăng đêm đêm về trằn trọc băn khoăn mất ngủ hơn những người chẳng mang trách nhiệm gì cả trong mình.

Từ những cá tính, từ những lối sống đặc thù của mỗi người cộng thêm với tinh thần thế tục du nhập vào các cộng đoàn tu để rồi đời sống cộng đoàn không biết là vô tình hay cố ý trở thành gánh nặng cho tu sĩ.

Một lần nọ, gặp một masơ có tuổi thì bà tâm sự rằng cái khó nhất trong đời tu của bà đó chính là đời sống cộng đoàn. Bà cũng chẳng ngần ngại để nói lên rằng giữ đời sống cộng đoàn khó hơn giữ ba lời khấn. Có lẽ với thâm niên hơn 40 năm tu trì, trải nghiệm của bà về đời sống cộng đoàn phần nào là xác đáng.

Chắc có lẽ thấy được nỗi khó khăn, vất vả của đời sống cộng đoàn nên sau những lời khấn giữ các lời khuyên Tin mừng thì tu sĩ Dòng Chúa Cứu Thế chúng tôi lại thêm một lời thao thức : “Nguyện xin ơn Thánh Chúa, sự trợ giúp của Đức Trinh Nữ Maria và sự hợp tác của anh em luôn luôn ở với con”.

Vâng ! Cảm động lắm khi mình tuyên giữ các lời khuyên Tin mừng có anh em bên cạnh động viên và nâng đỡ mình.

Đi tu không phải ta sống một mình mình, ta làm việc một mình mình nhưng ta luôn luôn sống trong bầu khí của cộng đoàn, của anh em. Thế nên sự hợp tác của anh em dành cho mình quả là một điều cần thiết và cực kỳ quan trọng để ta hoàn thành đời tu của ta một cách tốt đẹp.

Một thực tế quả là đau lòng về đời sống cộng đoàn ngày hôm nay đang ở mức báo động chứ không còn là chuyện dửng dưng, chuyện ngoài lề được. Đau lòng lắm nhưng phải nhìn nhận để rồi nhờ ơn Chúa giúp, nhờ sự cộng tác của mỗi thành viên trong nhà dòng để làm giảm nhẹ đời sống cộng đoàn hơn.

Một nữ tu đến chia sẻ với Cha giáo của mình rằng : “Những gì mà Cha dạy chúng con ngày hôm nay chúng con thấy hoàn toàn sai thực tế. Chúng con sống thật với lòng mình thì chị phụ trách cảm thấy không hài lòng, chúng con phải sống luồn lách thì mới làm hài lòng chị phụ trách hơn ! … Trong trường mẫu giáo chúng con phụ trách thì có đến hai sổ về khẩu phần thức ăn của các cháu : một sổ để báo cáo còn một sổ nội bộ ! … Chị Tổng về kinh lý gửi con cho chị phụ trách để chị phụ trách quan tâm giúp đỡ cho con thì chị phụ trách tưởng con được chị Tổng thương riêng để rồi chị phụ trách coi con như người xa lạ !”.

Có một điều lạ là ngày hôm nay nhiều và nhiều người tu sống không thật ! Đây là nỗi đau như cắt trong tim nhưng phải nói ra. Những người sống thẳng thắn thường bị thua thiệt và bị trù dập còn những ai sống hai mặt, sống luồn lách, ăn nói “chỉn chu” thì dường như là có ơn gọi hơn.

Một thực tế đó là những người nào sống đời tu mà như nhiều người nói là “đi bằng đầu gối” thì đời tu của người ấy bằng yên hơn là những người đi bằng chính đôi chân của mình.

Ai biết cách nịnh chị phụ trách hơn, cha bề trên hơn thì đời tu của người đó được bảo đảm hơn. Chuyện này thì hình như bề trên và bề dưới đều bé cái lầm rằng kẻ ở dưới nịnh mình để được mình bao bọc, chở che còn người trên khoái người dưới tâng bốc để thể hiện cái chức vị mà mình đang có.

Thế nhưng một chân lý mà những người ấy quên đó là làm phụ trách, làm bề trên cùng lắm với 3 nhiệm kỳ mà thôi, muốn ngồi lâu hơn trên “chiếc ghế danh vọng” ấy cũng chẳng được vì Luật Dòng đã viết như vậy. Còn bề dưới thì chẳng lẽ cả đời tu sống mãi với cái vị bề trên mà mình nịnh hót hay chăng ?

Kinh nghiệm thực tiễn về chuyện này ta nên đi hỏi những vị có chức có quyền một thời và sau khi nghỉ việc thì như thế nào ? Khi nghỉ việc rồi thì những người ngày xưa xum xum xoe xoe bên mình đâu ?

Sống đúng nhân bản một con người thật sự thì ai lại làm thế khi “còn tiền còn bạc còn thầy tôi”. Những bậc giang hồ hảo hớn khi gác kiếm may ra được các đệ tử thân tín ngày xưa đền đáp công ơn. Mấy ai đi tu mà còn giữ tình, giữ nghĩa với những vị bề trên tiền nhiệm của mình hay là khi không còn chức còn vụ gì thì ta chẳng bao giờ đoái đến họ cả ?

Còn nhiều và rất nhiều trường hợp phải phát khóc lên để mà nói lên những nỗi đau đớn nhức nhối trong đời sống cộng đoàn. Viết nhiều, nói nhiều chỉ thêm đau mà thôi.

Chuyện quan trọng bây giờ mà các tu sĩ cần phải làm đó là phải đặt lại mối tương quan giữa mình và vị Thiên Chúa mà cả đời mình dâng hiến, mối tương quan giữa mình và Mẹ Nhà Dòng mà mình phục vụ để ta xem ai là chủ, là chúa cuộc đời của ta. Chúa còn ở trong cộng đoàn hay không ? Chúa còn ở trong ta hay không ?

Ta bảo ta bỏ mọi sự để ta đi tu, để ta dâng hiến cuộc đời cho Chúa nhưng có thật sự có Chúa ở trong ta và ta ở trong Chúa hay không ? Hay là ta để cho tiền, tài, danh vọng, địa vị vây quanh đời ta đến nỗi Chúa không còn một chỗ nào trong cõi lòng ta. Nếu có Chúa thật sự ở trong lòng ta thì ta sẽ không bao giờ đối xử với anh chị em tu chung với ta như những người xa lạ, như những người tệ hơn là những người không có đạo, không đi tu.

Nếu Chúa còn ở trong ta, Chúa còn ở trong cộng đoàn thì Ngài sẽ thay đổi để cộng đoàn ngày mỗi ngày tốt hơn.

Nguyện xin Chúa Giêsu là gương mẫu của các tu sĩ suốt cả cuộc đời dấn thân đến và ở lại trong các cộng đoàn để đời sống cộng đoàn ngày mỗi ngày được nên nhẹ nhàng hơn, hạnh phúc hơn.

(Xin niệm tình tha thứ cho kẻ phàm phu tục tử này với những ý niệm đầy tính cá nhân và riêng tư này nếu như nó có đụng chạm đến qúy vị).



Anmai, C.Ss.R.

Trích trong “Những Trái Khuấy Và Đôi Lời Góp Ý Về Đời Sống Tu Trì”, số 1)
    Blogger Comment
    Facebook Comment

0 comments:

Đăng nhận xét