THÁNH NỮ TÊRÊXA VÀ SỰ CẦU NGUYỆN

Cha Destombes. Hội Thừa sai Paris
Một trong những nỗi khổ tự nhiên của chúng ta là tưởng rằng muốn cứu vãn thế giới nhất nhất phải hành động và lo lắng tới con người bằng đủ mọi cách. Nhờ gương sáng và giáo thuyết, Têrêxa đã nhắn nhủ chúng ta rất đúng lúc rằng: Muốn nâng thế giới lên, phải lo lắng nhiều tới Thiên Chúa và các linh hồn bên tòa Chúa. Việc làm có vẻ không đem lại cái gì, nhưng thực đã đem lại nhiều ích lợi hơn. Matta cuống quýt với bao công việc. Nhưng Maria đã chọn phần tốt nhất.

Trong các thủ bút, Têrêxa đã đề cập tới vấn đề cầu nguyện cách rõ ràng, Thánh nữ viết: “Tất cả các thánh đều biết cầu nguyện, đặc biệt những người đã làm cho thế giới đầy tràn ánh sáng tin mừng”. Phải chăng, nhờ cầu nguyện mà các Thánh Phaolô, Augustinô, Gioan Thánh giá, Toma Aquino, Phanxicô, Dominico và nhiều bạn thân khác của Chúa, đã kín múc được sự khôn ngoan thần linh làm thích chí những người lỗi lạc nhất? Một nhà thông thái đã nói: “Hãy cho tôi một đòn bẩy và một điểm tựa, tôi sẽ nâng thế giới lên”.
Điều mà Archimède không làm được, vì ông không xin với Chúa, ông chỉ đòi hỏi vì mục đích vật chất, thì các thánh lại đạt được trong sự viên mãn của Thiên Chúa. Chúa đã ban cho các thánh một điểm tựa là Chính Ngài và chỉ mình Ngài. Chúa cũng ban cho các thánh ấy một đòn bẩy thần hiệu là sự cầu nguyện đốt lên trong lửa tình yêu. Nhờ thế, các ngài đã nâng thế giới lên.
“Các thánh còn chiến đấu và các thánh sẽ đến trong tương lai sẽ tiếp tay nhau nâng thế giới lên mãi cho tới ngày tận thế”.
Bản văn chính của Têrêxa về sự cầu nguyện này có thể coi là dành riêng cho những tâm hồn yêu thích việc tông đồ, vì nó đề cao giá trị việc cầu nguyện. Phải chăng, ơn gọi làm tông đồ không gồm cả sự nhận biết Thiên Chúa, làm cho ngài được nhận biết, và nâng nhân loại lên tới ngài? Và phải chăng người tận hiến không thể ước mong nâng thế giới lên mà chính mình lại không hấp thụ tràn đầy ngọn lửa tình yêu đó, ngọn lửa đã làm phấn khởi mọi phần tử Giáo hội hành động.

Ngày nay đôi khi chúng ta nghe than phiền chung quanh chúng ta về thời giờ dành riêng để cầu nguyện và đọc kinh. Tại sao lại có sự mất giờ này trong lúc còn nhiều việc phải làm để cứu rỗi nhân loại? Têrêxa đã trả lời rõ ràng cho chúng ta về sự cần thiết của cầu nguyện và kinh nguyện: “Rút ngắn thời giờ cầu nguyện là ăn cướp thời giờ của Thiên Chúa nhân lành”, và thánh nữ dạy chúng ta cầu nguyện và đọc kinh.

Bắt đầu cuộc đời, Têrêxa có một giai đoạn rất dễ thương. Lúc chín tuổi, Têrêxa hỏi chị Marie làm thế nào để cầu nguyện. Chị này không để ý mấy đến câu hỏi. Chỉ tưởng Têrêxa đạo đức đủ rồi và chỉ cho phép Têrêxa đọc kinh thôi. Bấy giờ Têrêxa lại nói với một chị nữ tu Biển đức, chỗ Têrêxa theo học: “Chị ơi, một nữ tu cầu nguyện thế nào? Nữ tu trả lời: “Chị không biết người khác làm thế nào. Đối với chị, chị cũng làm giống như em Têrêxa, là khi chiều tối, chị chạy đến cạnh Cha chị. Cha của chị là Thiên Chúa nhân lành. Bằng tư tưởng, chị đặt mình bên cạnh Ngài, chị làm cho chị nên nhỏ bé như em và chị nói chuyện với Người, chị cầu nguyện bằng chính quả tim chị”.
Rất hài lòng, Têrêxa cám ơn nữ tu và vài ngày sau, Têrêxa kể câu chuyện này cho người chị ở dòng kín là mẹ Agnès de Jésus. Mẹ ấy hỏi Têrêxa: “Này em Têrêxa yêu quý của chị, em nghĩ thế nào về việc đó? – Em nghĩ rằng cầu nguyện không khó khăn gì” – “Vậy em hãy cầu nguyện với trọn quả tim của em”.
“Cầu nguyện không khó” Têrêxa nhận thấy thế, chính vì xúc động do tâm trí của người con, mà Têrêxa đã chạy đến Chúa, như đến với Cha trên trời trong mọi lúc. Từ hồi nhỏ tuổi, khi theo cha đi câu cá. Têrêxa đã lánh mình vào nơi yên tĩnh. Về sau Têrêxa quả quyết: “Bấy giờ tư tưởng tôi rất thâm sâu, và tôi không ngờ rằng tôi đã nguyện ngẫm, hồn tôi ngụp lặn trong sự cầu nguyện đích thực”.Têrêxa không nói rõ về đối tượng của tư tưởng thâm sâu của mình, mà chỉ ghi lại cách đơn giản: “Trái đất đối với tôi là nơi lưu đầy và tôi chỉ mơ ước trời cao”.
Nhưng thánh nữ sẽ cho chúng ta biết rõ hơn trong một trường hợp khác: “Ngày kia một nữ tu hỏi tôi làm gì trong các ngày nghỉ lúc ở một mình. Tôi trả lời chị rằng tôi đi ra phía sau giường, chỗ trống có màn che kín đáo và ở đó tôi suy tưởng”.– Nhưng em nghĩ về cái gì? – Em nghĩ về Thiên Chúa nhân lành, tới cuộc sống, tới vĩnh cửu, nghĩa là em suy nghĩ… Bây giờ tôi hiểu rằng tôi cầu nguyện mà không biết. Chúa nhân lành đã dạy bảo tôi cách kín nhiệm”.
Đúng, Têrêxa đã cầu nguyện thực sự. “Nghĩ tới Chúa”, đúng là hành vi chính yếu của cầu nguyện, vì nó giúp ta kết hợp với Chúa. Cầu nguyện không phải là lo tới mình, tới trạng thái riêng tư của tâm hồn, cũng không phải kể chuyện vặt của mình cho Chúa, nhưng là chỉ nghĩ tới Chúa, thờ lạy, cảm tạ Ngài, và để ý tới việc làm vinh danh Ngài, nhìn mọi vật theo Ngài và mơ ước trời cao.
Để chắc thành công hơn, Têrêxa đã lo tạo bầu khí thuận lợi để nâng tâm hồn lên Chúa. Têrêxa lánh xa mọi sự chung quanh, khỏi sách vở học hành và mọi chơi đùa, tránh tất cả và thu mình sau bức màn gió, tâm trí, kết hợp với Chúa.
Tuy nhiên, hoạt động của tâm trí không phải là hoạt động duy nhất của tâm hồn thánh nữ trong sự suy ngẫm về Thiên Chúa và sự vĩnh cửu. Hành động đó còn gần như không có? “Khi tâm trí tôi bị khô khan đến nỗi tôi không thể có một tư tưởng nào để kết hợp với Chúa, tôi đọc thật chậm một kinh lạy Cha, một kinh kính mừng và lời kinh làm tôi phấn khởi, có sức bổ dưỡng hồn tôi hơn là khi đọc một hơi cả trăm kinh…”
“Thật là dịu dàng khi gọi Thiên Chúa là Cha”.Ngày nọ Têrêxa nói với chị Céline như vậy. Qua âu nói ấy, Têrêxa muốn làm chứng quả tim giữ vai trò quan trọng trong việc cầu nguyện.
Đối với Têrêxa, cầu nguyện như đọc kinh “chính là đà tiến của con tim, một cái nhìn đơn giản về trời cao, một tiếng kêu biết ơn, trìu mến, giữa thử thách cũng như giữa vui mừng, nghĩa là một cái gì lớn lao, siêu nhiên, đánh động lòng tôi và liên kết tôi với Chúa Giêsu”.

Dưới mắt người, cầu nguyện là sự thân mật của con người đối với Cha trên trời, mà chúng ta nhớ kỹ sự thân thiết này không được thực hiện do một mình Têrêxa. Đôi lúc ta tưởng có thể cầu nguyện một mình. Trong khi cầu nguyện thực sự, có hai hoạt động: Hoạt động của Thiên Chúa và hoạt động của chúng ta. Hai hoạt động này như hai tình yêu trên đường tìm đến nhau, để kết thành một duy nhất thiêng liêng.

Trong “Kỷ niệm thơ ấu”, Têrêxa đã viết: “Chúa nhân từ đã dạy bảo tôi cách kín nhiệm trong lần cầu nguyện này”. Phải chăng Têrêxa muốn nói: Cầu nguyện là một cái gì siêu nhiên, đánh động tâm hồn và liên kết nó với Chúa Giêsu….Khi cầu nguyện, chúng ta cần được nâng đỡ bởi sức mạnh thần linh. Vì chúng ta cầu nguyện với cả tâm trí, ý chí và con tim, nhưng phải có hoạt động của Thiên Chúa để liên kết nên một trong Ngài. Sự can thiệp của Thiên Chúa trong việc cầu nguyện dĩ nhiên không làm cho Têrêxa bớt cố gắng, nhưng khuyến khích người trong những lúc khô khan, hay xem ra thất bại. Suốt đời trong dòng kín, sự cố gắng của Têrêxa luôn can đảm, đôi khi thật anh hùng. Têrêxa nhận ra sự khô khan thiêng liêng “Chúa Giêsu như lúc nào cũng yên ngủ trong chiếc thuyền xinh xắn của tôi”. Người không thức dậy trước khi tôi đi vào vĩnh cửu. Chia trí ngủ gật đến quấy rầy tôi!”. Vì thế, Têrêxa phải bền bỉ chiến đấu, trung thành với việc cầu nguyện.
Không bao giờ Têrêxa bỏ việc luyện tập khó khăn này, không bao giờ người có ý nghĩ rút ngắn hay thay thế vào bằng những việc thiêng liêng khác. Can đảm, Chị đã thắng vượt được. Để chiến đấu với giấc ngủ, Chị đã dùng một cuốn sách nhưng rồi cuốn sách cũng không giúp được gì nữa: “Nếu tôi mở sách của một tác giả thiêng liêng nào, dầu hay và cảm động nhất, tôi ảm thấy tim tôi se lại và tôi đọc mà không hiểu, hay nếu hiểu, tâm trí tôi dừng lại không thể suy gẫm được… Lúc đó chỉ Kinh Thánh và Gương Chúa Giêsu mới giúp tôi vượt qua sự khô khan và bất lực. Vì ở đó, tôi tìm được của ăn vững chắc và tinh tuyền. Chính Phúc âm đã gìn giữ tôi suốt buổi cầu nguyện, tôi tìm được tất cả những gì cần thiết cho linh hồn bé mọn tôi. Tôi luôn khám phá ra nhiều ánh sáng mới từ mọi chỗ kín đáo và bí nhiệm… Tôi hiểu và biết do kinh nghiệm rằng Nước Thiên Chúa ở trong chúng ta. Việc dùng sách không luôn giải thoát Têrêxa khỏi ngủ gật lúc cầu nguyện, Chị đã dùng đủ phương thế để tâm trí luôn ở trong Chúa và mọi sự của Chúa. Chị không thất vọng vì thất bại, nhưng tin tưởng ở hoạt động thần linh đầy yêu thương và nhân ái. “Có lẽ tôi phải buồn vì ngủ gật trong lúc cầu nguyện. Nhưng không, tôi không buồn đâu. Tôi nghĩ rằng trẻ em làm vui lòng cha mẹ chúng biết bao, khi chúng nghỉ hơn là khi chúng thức dậy. Tôi nghĩ muốn giải phẫu, các bác sĩ phải làm cho bệnh nhân ngủ mê. Hơn thế, Chúa thấy rõ sự yếu hèn của ta, thấy rõ ta chỉ là tro bụi…”

Ý thức đã làm hết sức mình trong bổn phận. Têrêxa không buồn khi cố gắng mà thất bại, trái lại người nghĩ rằng sự thất bại này Thiên Chúa đã cho phép và muốn thế, Chúa là Đấng muốn hành động và ở lại trong linh hồn người. “Đấng nhân ái đã dạy dỗ linh hồn tôi, người nói với tôi trong thinh lặng, trong đêm thâm u” : Chúa Giêsu không cần sách vở hay tiến sĩ để dạy dỗ các linh hồn, chính Người là tiến sĩ của mọi tiến sĩ, giảng dạy trong thinh lặng. Tôi cảm thấy Chúa ngự trong lòng tôi”.
Tuy nhiên, Têrêxa không quan niệm cầu nguyện như một luyện tập đạo đức theo luật lệ, định vào một giờ rõ rệt, và lấy thế làm xong phận sự đối với sự kết hợp với Chúa. “Cảm ơn xong, nếu thấy làm cẩu thả, tôi giải quyết bằng cách dùng thời giờ còn lại trong ngày để tiếp tục cám ơn…” Nhưng dù làm đàng hoàng chăng nữa, Têrêxa cũng bổ túc bằng sự cầu nguyện liên lỉ cả ngày, cám ơn và cầu nguyện theo luật dòng. Chị Céline kể lại: “Ngày kia tôi gặp em trong phòng, đang may vá thật nhanh, nhưng nét mặt rất trầm tư. Tôi hỏi nguyên do và em trả lời: “Em đang suy gẫm kinh Lạy Cha, thật là êm ái khi gọi Thiên Chúa là Cha nhân lành”. Lúc chầu ở nhà nguyện, Têrêxa rất sốt sắng, như mất hút luôn trong Chúa. Chị nói: “Ở đó, tôi, dễ cầu nguyện hơn nhiều”. Chị còn viết: “Mọi lúc Chúa đều hướng dẫn tôi và linh ứng cho tôi điều tôi phải nói hoặc phải làm. Tôi nhận thấy đúng lúc tôi cần ánh sáng chưa bao giờ thấy, ánh sáng này chan hòa nhất không phải vì thường xẩy ra trong buổi cầu nguyện mà đúng hơn là trong công việc thường nhật của tôi”. Sự nhận ra ánh sáng thần linh trong công việc hằng ngày chứng tỏ Têrêxa luôn chú tâm vào Chúa, kết hợp với Chúa, Chúa cũng là cứu cánh của sự cầu nguyện…

***

Việc làm và lời dạy của Têrêxa là một thời hiệu đặc biệt cho chúng ta, những tâm hồn tận hiến, những cán bộ truyền giáo, ở thế kỷ dễ chú ý đến hoạt động hơn là cầu nguyện này. Têrêxa muốn nói rằng: “Các anh, các chị hãy trở nên những tâm hồn cầu nguyện, đừng bằng lòng với việc cầu nguyện các khoảng và giả tạo trong cả ngày, hãy dành thời giờ để nghĩ tới Chúa”. Chính việc cầu nguyện đem lại sự khôn ngoan của Thiên Chúa. Cầu nguyện là đòn bẩy, nhờ đó người tông đồ cháy lửa yêu mến, lấy Chúa làm điểm tựa để nâng thế giới lên.
Hơn ai hết, người tông đồ tận hiến phải sống nương tựa thực sự vào Chúa. Họ phải nhìn thế giới và con người với con mắt của Đấng đã ban cho họ đức tin.
Họ phải tin vào kế hoạch tình yêu của Đấng muốn cứu chuộc mọi người, cả những người tội lỗi nhất và cho họ làm con cái cuả Ngài.
Họ phải tin vào quyền lực của lời Chúa, vào sự muốn trở lại của các linh hồn, vào sự có thể được thần linh hóa của họ.
Họ phải tin vào Giáo hội, như phương thế cứu độ cần thiết.
Họ phải sống trong sự nhận biết chân thành và mật thiết về Chúa Giêsu và sứ mạng của Người. Họ phải bảo toàn ý nghĩa thánh thiện của các thực tại… Người tông đồ phải ý thức mãnh liệt rằng, không có Chúa Kytô, họ không thể làm gì, nhưng có Người, họ làm mọi sự và đau khổ với mọi sự, họ phải đặt niềm tin, không phải trên những nguồn lợi riêng tư, nhưng duy nhất vào nguồn lợi Thiên Chúa. Họ phải bền chí đương đầu với mọi thất bại, cả khi Chúa muốn phá đổ công việc họ làm.

Sau cùng, người tông đồ phải sống trong Thiên Chúa bằng đức ái, dưới sự thúc đẩy của Người, trong thần trí và trong tình yêu Người. Muốn được như thế, cầu nguyện phải trở nên dinh dưỡng của các nhân đức thần học Tin, Cậy, Mến…
Têrêxa còn muốn nói với chúng ta nữa rằng: hãy bền chí tập sống cầu nguyện cho dù gặp phải nhiều khó khăn. Cầu nguyện không phải là phương thế tìm thỏa mãn hay tư lợi, nhưng là cách thế tìm gặp Chúa, liên kết ta với Người, và ta với tha nhân trong Người. Chúng ta phải tạo bầu khí thích hợp để gặp gỡ Thiên Chúa, ngay trong việc làm hằng ngày. Thánh kinh và nhất là Phúc âm là nguồn suối tuyệt hảo bồi bổ tâm trí và trái tim trong suy niệm. Sau cùng, để thúc đẩy chúng ta trung thành với việc cầu nguyện, Têrêxa nhắc cho ta rằng: “Chính với đòn bẩy cầu nguyện mà các thánh đã nâng thế giới lên, thì cũng thế, các thánh đang chiến đấu hiện nay, và các thánh của thế hệ ngày mai vẫn tiếp tục nâng cao thế giới cho tới ngày thế mạt” …
NBH. Phỏng theo Cha Destombes, MEP
(Bulletin de I’Union Sacerdotale de Lisieux, n. 70 Oct 1965 p. 8-15
(http://gpbanmethuot.vn)


    Blogger Comment
    Facebook Comment

0 comments:

Đăng nhận xét