13/06 - THÁNH ANTÔN PAĐÔVA CON NGƯỜI LOAN BÁO TIN MỪNG


Dựa trên cuộc đời của thánh Antôn, chúng ta có thể nói ngài là một con người sống cô tịch, khiêm nhường, cầu nguyện, con người của Tin Mừng, sống bác ái, vị thánh làm phép lạ, v.v… Trong khuôn khổ bài học tập này, chúng ta đề cập đến ngài như là mẫu gương của việc loan báo Tin Mừng.

 Khi thăm viếng Vương Cung Thánh Đường thánh Antôn tại Pađua/Pađôva ngày 12 tháng 9 năm 1985, Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II đã phát biểu: “Tôi mời gọi anh em hãy chú ý đến phẩm chất đặc biệt của thánh Antôn, phẩm chất đó thường được thể hiện qua những biến cố trong cuộc đời của ngài, khiến sự thánh thiện Kitô giáo của ngài được mọi người biết đến. Như anh em đã biết, toàn bộ cuộc đời của thánh Antôn chứng tỏ rằng ngài là ‘con người của Tin Mừng.’” Sau đó, Đức Thánh Cha nói đến tính cách đại chúng của thánh nhân: “Quả thực, trong thế giới Công Giáo khó mà tìm thấy một thành phố hay một quốc gia nào mà không có ít nhất một bàn thờ, một bức tượng hoặc một tấm ảnh của vị thánh.”[1]

 Riêng chúng ta, chúng ta không biết phải nói thế nào cho hết về sự phong phú đáng thán phục của một con người say mê Thiên Chúa và say mê con người trong cuộc đời của vị thánh chỉ sống vỏn vẹn 36 năm (1195-1231) và làm người anh em hèn mọn chỉ có 10 năm (1221-1231). Phải chăng đó là sự nồng nàn hay sự dịu dàng tuyệt vời của đức ái? Hay sức mạnh mà ngài tác động trên thiên nhiên hay trên các tâm hồn? Hay tinh thần khiêm nhường cao độ của một con người yêu thích cầu nguyện và sống cô tịch?…

Như mọi vị thánh khác, thánh Antôn cũng có những nhân đức nổi bật. Vậy đâu là nhân đức nổi bật của ngài? Đâu là nốt nhạc chủ đạo trong cuộc đời của vị thánh Phan Sinh hay làm phép lạ ấy? Cuộc đời của ngài nói với chúng ta nhiều điều, nhưng ở đây chúng ta chỉ muốn chiêm ngắm lòng nhiệt thành loan báo Tin Mừng của ngài.

1. HOẠT ĐỘNG CỦA THÁNH ANTÔN
1.1. Ngắn về thời gian …

Thánh nhân hoạt động từ năm 1223 đến 1231, vỏn vẹn chỉ có 8 năm. Tuy nhiên, vấn đề thời gian dường như không quan trọng đối với một tâm hồn yêu mến Chúa và yêu mến tha nhân. Thánh nhân ý thức ngày tháng ngắn ngủi của mình, nên ngài rất quý trọng thời giờ, tận dụng mọi khoảnh khắc để làm việc. Ngài không quản ngại ra đi, đi mãi, đi khắp bắc Ý và miền nam nước Pháp để rao giảng – có lẽ ngài đã thực hiện khoảng 400 chuyến đi.[2]Cuối đời, khi sức lực suy tàn, ngài vẫn không ngừng hoạt động: Mùa chay năm 1231, ngài đã giảng tại Pađua cho khoảng 30.000 người. “Hàng ngày, ngài rao giảng chủ yếu bằng cách dạy giáo lý và giải tội cho một lượng người hết sức đông đảo. Hình thức rao giảng-giáo lý này là bước đầu của một chiến dịch Phúc Âm Hoá đầy ấn tượng trong thành phố và những vùng lân cận. Sức khoẻ ngài sa sút trầm trọng. Cuối tháng 5 năm 1231, ngài sống tại Camposampiero để hoàn tất một số tác phẩm và các bài suy niệm. Ngày 13 tháng 6, ngài suy sụp hoàn toàn. Ngài muốn trở về Pađua, nhưng trên đường về, ngài buộc phải dừng lại ở Arcella và qua đời tại đó.”[3]
 1.2. … nhưng rộng rãi và có hiệu quả

Nếu cuộc đời của thánh nhân ngắn ngủi, thì bù lại, hoạt động của ngài lại mở rộng và đạt nhiều hiệu quả.

– Rộng về không gian: Ngài đã rao giảng tại nhiều nơi ở Trung Ý, Provence, Limousin, Lombardie….. Đến đâu, ngài cũng gieo vãi hạt giống Lời Chúa với một khát vọng nồng cháy và những hy sinh.

– Rộng về số người tham dự các hoạt động của ngài. Ngài đã rao giảng cho quan quyền trần thế, cho giáo sĩ và giáo dân, cho những tín hữu tầm thường, những kẻ áp bức cũng như những phụ nữ thấp hèn trong xã hội. Ngài đến bất cứ nơi nào mà bề trên sai đến, luôn sẵn sàng chiến đấu chống lại bất công và ôm ấp một trái tim đầy ắp tình thương đối với những kẻ tội lỗi đã hoán cải.

Tuy nhiên, trước khi rao giảng Lời Chúa nhằm tác động lên kẻ khác, thì chính thánh Antôn đã để cho Lời Chúa tác động lên chính mình. Quả lầm to nếu nghĩ rằng các thánh đã chẳng phải trả giá đắt cho sự thánh thiện của mình. Ơn Chúa đi trước để trợ giúp các ngài, nhưng không làm thay cho các ngài.

Thánh Antôn đã chiến đấu. Nói cách khác, ngài đã phúc âm hoá bản thân trước. Tương truyền kể lại rằng, khi còn nhỏ, có lần bị cám dỗ ác liệt, ngài đã vẽ một dấu thánh giá trên bàn thờ bằng đá cẩm thạch và hình thánh giá đã in sâu vào đá. Tuy nhiên, ngài không chỉ vẽ thánh giá lên đá mà còn vẽ trên chính thân xác, trên chính trái tim mình. Ngài làm áp lực với chính bản thân. Trước khi nhờ ơn Chúa mà chinh phục các linh hồn, thì ngài đã chinh phục chính con người mình. Một tác giả viết tiểu sử ngài đã nói rằng ngài nắm vững trong tay dây cương kềm hãm các đam mê dục vọng và chế ngự chúng.

Chính thánh Antôn đã dạy rằng: “Người loan báo Tin Mừng phải cảm thấy hạnh phúc khi chiêm ngưỡng Thiên Chúa, làm hết khả năng để “sống như thiên thần” và “trau dồi kiến thức.”[4] Tông huấn Loan Báo Tin Mừng nhắc chúng ta rằng “người tu sĩ phải tìm thấy trong đời sống thánh hiến những hình thức đặc trưng để loan báo Tin Mừng cho có hiệu quả” (LBTM 69)

.Image

Trong một Giáo hội “đang đói khát Đấng Tuyệt Đối,” thì người tu sĩ phải ưu tiên làm chứng cho tinh thần các mối phúc và sẵn sàng lên đường. Để trở thành chứng nhân thầm lặng “của sự nghèo khó và từ bỏ, trong sạch và chân thành, thì việc tự hiến trong tuân phục” là phương thế rao giảng hùng hồn của chúng ta.[5]

2. NỀN TẢNG VIỆC LOAN BÁO TIN MỪNG CỦA THÁNH ANTÔN

Việc loan báo Tin Mừng của thánh Antôn dựa trên nền tảng nào? Sau đây là một vài yếu tố nổi bật : yếu tố ngoại tại và nội tại.

2.1. Những yếu tố ngoại tại

a. Khả năng hùng biện

Đành rằng khả năng hùng biện là một năng khiếu phú bẩm, nhưng thánh Antôn đã luôn trau dồi bằng việc học hỏi. Jean Rigauld Ofm, giám mục Tregnier viết: “Kiến thức uyên thâm, lời lẽ nóng bỏng, đạo lý được khai triển sâu xa, tất cả những đặc điểm đó đã được ngài nhào luyện cách hài hoà như một nhà hùng biện tài ba. Ngôn ngữ của ngài thích ứng với cử toạ, khiến mọi người được biến đổi sâu xa; cách giảng của ngài thật tuyệt diệu, khiến mọi người say mê lắng nghe.”[6]

b.Trình bày Lời Chúa cách bình dân, dễ hiểu

Trong thời gian sống tại Pađua, theo lời yêu cầu của Đức Hồng Y Raynald Conti là đấng bảo trợ Hội Dòng, ngài đã viết lại các bài giảng và chia thành 2 tập:

– Các bài giảng lễ chúa nhật, đại lễ và lễ kính;

– Các bài giảng lễ các thánh.

Qua đó, người ta thấy ngài giảng dạy theo sát Năm Phụng Vụ và quảng diễn bài Tin Mừng trong tương quan với bài đọc 1 và các bản văn Kinh Thánh khác trong ngày lễ. Và sau khi diễn giải Lời Chúa, ngài thường rút ra một bài học luân lý rất thiết thực cho đời sống thường ngày.

Lời giảng thì lôi cuốn, áp dụng lại sát thực tế, cùng với các phép lạ kèm theo. Bởi thế, chúng ta không lấy làm lạ khi ngài được mọi người mộ mến. Tuy vậy, tất cả những yếu tố “ngoại tại” ấy chỉ thực sự có giá trị nhờ những yếu tố “nội tại,” tức là những yếu tố trong đời sống nội tâm của ngài.

2.2 Những yếu tố nội tại

a. Hiểu biết Kinh Thánh sâu xa

Để diễn tả mối tương quan mật thiết giữa Kinh Thánh và đời sống của ngài, các hoạ sĩ thưỡng vẽ thánh Antôn đứng thẳng, tay cầm quyển Kinh Thánh đang mở và Chúa Giêsu Hài Đồng đứng trên đó. Khi phong thánh cho Antôn năm 1232, Đức Giáo Hoàng Grêgôriô IX đã xác nhận điều đó khi tôn vinh ngài là “Hòm Bia Giao Ước” (Arca Testamenti) và “Kho Tàng Lời Chúa” (Repository of Holy Scripture)[7]. Thật vậy, khi còn là tập sinh Dòng Kinh Sĩ, ngài đã say mê học hỏi và suy gẫm Lời Chúa, và Lời Chúa trở thành lương thực và niềm hoan lạc cho ngài. Khi đi hoạt động, ngài quan niệm rao giảng là giải thích Kinh Thánh. Chúng ta có thể nói rằng ngài đã diễn giải Lời Chúa một cách sâu sắc mà dễ hiểu, ấy là vì ngài đã thấm nhuần Kinh Thánh một cách sâu xa.

b. Cầu nguyện và chiêm niệm liên lỉ

Con người đại chúng này cũng là con người của cô tịch. Nếu không có đời sống chiêm niệm trong cô tịch, thì lời rao giảng cũng chỉ là chiếc thùng rỗng inh ỏi mà thôi. Đức Kitô đã lên núi cầu nguyện khi dân chúng còn ngủ say; sau này các tông đồ cũng bắt chước Thầy lên núi cầu nguyện; và thánh Antôn cũng thế. Khi còn ở Đan Viện Kinh Sĩ thánh Vincenzo, gần Lisbon, ngài cảm thấy thiếu yên tĩnh, nên ngài xin đi Coimbra. Khi sống tại tu viện Monte Paolo của Anh Em Hèn Mọn, ngài cảm thấy hạnh phúc vì bầu khi thanh vắng, thuận tiện cho việc cầu nguyện. Cuối đời, ngài đã lên núi La Verna (Monte Penna), dựng một cái chòi gần nơi thánh Phanxicô được in năm dấu để sống đời chiêm niệm ít lâu. Còn tại Pađua, ngài thường cầu nguyện trong một cái chòi dựng lên giữa lùm cây giẻ.

3. KẾT LUẬN

Ngày 16-01-1946, Đức Giáo Hoàng Piô XII đã tôn vinh thánh Antôn là “Tiến Sĩ Hội Thánh” với danh hiệu “Tiến Sĩ Tin Mừng.” Điều đó cũng chỉ muốn nói lên một sự thật trong cuộc đời rao giảng của ngài: “Thánh Antôn biết cách nói Lời Tin Mừng cho mọi người.”[8]Ngay trong thế kỷ 13, các nhà viết tiểu sử và thuyết giảng về thánh nhân đã từng “ca ngợi giáo huấn rạng ngời, lòng hào hiệp quảng đại, mối bận tâm mục vụ và những nỗ lực không mệt mỏi của ngài để đem bình an đến cho mọi nơi.”[9]

 Như thánh Antôn, chúng ta có bổn phận tiếp cận Lời Chúa không phải vì sự tò mò khoa học, sự kiêu hãnh trí thức hay vì học thức trổi trang, nhưng đón nhận Lời Chúa như là nguồn cội của việc suy niệm, như lời mời gọi hoán cải mỗi ngày, như điểm quy chiếu thường xuyên khi rao giảng, như sự thúc bách thực hành Tin Mừng trong tình huynh đệ với con người và thiên nhiên.

Yêu mến Lời Chúa và nỗ lực cầu nguyện để hiểu biết và áp dụng Lời Chúa trong những hoàn cảnh cụ thể, Hội Thánh muốn chúng ta noi gương thánh Antôn, học hỏi với ngài như một thầy dạy về ý nghĩa của sự khôn ngoan đích thực và cách thức trở nên như Giêsu, là hiện thân của sự khiêm hạ, tự hủy và say mê rao giảng Tin Mừng hầu mang ơn cứu độ của Thiên Chúa cho loài người.


Câu hỏi gợi ý

Những câu hỏi dưới đây chỉ là một vài gợi ý rút ra từ bài học tập. Anh có thể nêu lên những câu khác để cộng đoàn trao đổi.

1. Thánh Antôn là con người “say mê Thiên Chúa nên ngài cũng say mê con người.” Nói cách khác hai yếu tố này không thể tách rời (hoạt động của ngài chứng thực điều này). Trong tư cách là người AEHM, Thiên Chúa có phải là Đấng anh say mê không? Cung cách đối xử với những người anh gặp gỡ có chứng thực là anh có say mê Thiên Chúa không : niềm nở, ân cần, tế nhị hay lạnh nhạt, hờ hững, hất hủi, bất cần?

2. Bài giảng của thánh Antôn luôn theo sát Năm Phụng Vụ. Ngài diễn giải Lời Chúa trong tương quan với bài đọc một và rút ra bài học luân lý cho đời sống thực tế. Điều đó cho thấy Lời Chúa không xa rời cuộc sống. Còn anh thì sao?

3. Một vài yếu tố như tuổi tác, thất bại, sự nhàm chán và đơn điệu khi thi hành sứ vụ có làm nẩy sinh xu hướng “nghỉ ngơi,” “hưu non,” an phận, thậm chí thoái thác trách nhiệm không? Anh suy nghĩ thế nào về cuộc đời miệt mài rao giảng Tin Mừng của thánh Antôn?

Thường huấn số 05/2009
Nguồn: ofmvn.org




[1]AAS 74 (1982), 1152-1153.
[2]Leonard Foley OFM, Life of St. Anthony of Padua (www..stanthony.org/aboutanthony/WhoIs.asp).
[3]Thánh Antôn, Con người của Tin Mừng: Thư Của Các Tổng Phục Vụ Gia Đình Phan Sinh Nhân Diïp Kỷ Niệm 800 Năm Ngày Sinh Của Thánh Antôn (1195-1995), Rôma 13-6-1994.
[4]Thánh Antôn, Sermones I,438.
[5]Sđd.
[6]Jean Rigauld OFM, The life of St. Antony of Padua.
[7]Sophronius Clasen OFM, Miracles and Traditions of St.Antony.
[8]Thánh Antôn, Con người của Tin Mừng: Thư Của Các Tổng Phục Vụ Gia Đình Phan Sinh Nhân Diïp Kỷ Niệm 800 Năm Ngày Sinh Của Thánh Antôn (1195-1995), Rôma 13-6-1994.
[9]Sđd.


    Blogger Comment
    Facebook Comment

0 comments:

Đăng nhận xét